BÀI LIÊN QUAN
Giới thiệu sách mới hay tháng 6/2017
Cách đây không lâu có một bạn comment trên instagram của Nicky Khánh Ngọc: Chị ơi, em mong chị hãy chia sẻ về những cuốn sách mà chị yêu thích nhất. Thật ra cũng có nhiều người hỏi tôi câu này, nhưng tôi chưa bao giờ chia sẻ vì gout đọc của mỗi người đều khác nhau, và những tác phẩm tôi thích có lẽ cũng gây hoang mang cho nhiều người nên thôi tôi giữ kín.
Nhưng hôm nay sau 1 buổi sáng lục lọi mua sách, chị Nicky Khánh Ngọc nghĩ tại sao mình không chia sẻ? Cứ chia sẻ đi thôi. Và đây là danh sách những tác phẩm mà tôi nghĩ chúng góp phần không nhỏ tạo nên cảm nhận và tư duy của tôi ngày hôm nay.
1. Truyện cổ Andersen
Tôi nghĩ đây là cuốn sách mà tất cả các em bé trên đời đều nên đọc, để các em lớn lên tin vào cổ tích, tin là tất cả những vật dụng tưởng như vô tri vô giác trên đời đều biết nói, biết cảm nhận, biết nghĩ suy. Những em bé đọc Andersen sẽ luôn nhớ là đại dương thì xanh như màu của cánh hoa mua biếc nhất, rau và hoa trong vườn của bác nông dân làm vườn còn đẹp hơn kỳ hoa dị thảo trong nhà quý tộc, những con vịt những mẩu bút chì chỉ đợi màn đêm buông xuống mọi người ngủ hết là thức dậy nói chuyện với nhau.
2. Tuyển tập truyện ngắn Bình Minh Mưa của Paustovsky
Có thể nói đây là cuốn sách gắn với tuổi nhỏ của tôi, có những đoạn trong đó mà tôi thuộc lòng. Thuộc lòng truyện ngắn? Đủ để hiểu tôi đã đọc biết bao nhiêu lần. Tôi nghĩ những mẩu truyện cụ thể là “Tuyết”, “Bình minh mưa”, “Lẵng quả thông” đã ảnh hưởng đến tôi và cách viết văn mà nhiều người cho là ngọt ngào, lãng mạn của tôi. Không ai có thể ngọt ngào, lãng mạn, tinh khiết và gây bâng khuâng như Paustovsky khi tả về đời sống, tình yêu của người Nga trong chiến tranh – đây là chuẩn mực của cái Đẹp trong văn xuôi, theo ý kiến hạn hẹp và cá nhân của tôi.
3. Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (tuyển tập thơ Lưu Quang Vũ)
Đây lại là chuẩn mực của thơ Việt Nam hiện đại. Tôi cảm tưởng mình không bao giờ đọc hết được cuốn thơ này bởi dù đã đọc đến bao lần, mỗi lần mở ra vẫn thấy tươi mới. Tâm hồn nhà thơ nhạy cảm với từng rung động của cuộc đời, yếu đất nước – yêu con người – yêu tình yêu riêng tư đến da diết, đậm sâu. Và kỹ thuật viết thơ như thể thơ từ trong hơi thở ra làm cho tôi càng đọc thơ Lưu Quang Vũ, càng thêm yêu tiếng Việt.
4. Không bao giờ là cuối (tuyển tập thơ Xuân Quỳnh)
đã có Lưu Quang Vũ, phải có Xuân Quỳnh. Những bài thơ cho tôi yêu chữ, yêu thơ, yêu nước Việt và yêu người bên tôi một cách thuần khiết không đòi hỏi.
5. Hồi ức một geisha
cả bản tiếng Anh và bản tiếng Việt đều là những bài thơ đẹp hoàn mỹ ca ngợi tâm hồn, văn hóa Nhật Bản nói riêng và phương Đông nói chung. Tôi yêu những tiểu thuyết vừa chân thực dữ dội vừa mơ màng nồng nàn như vậy. Ngày đầu tiên đến Gion ở Kyoto – trái tim như nhảy múa vì tôi nghĩ mình đang ở nơi mà lần đầu tiên Ông Chủ Tịch gặp Sayuri trong tác phẩm. Và tôi vẫn nhớ câu nói Ông Chủ Tịch nói với cô bé lấm lem đang khóc thút thít ấy: “Do you like sweet plum or cherry?” làm cô bé từ ngày ấy đã đem lòng yêu ông cho đến khi trở thành cô geisha đẹp nhất Gion và yêu ông cho đến ngày cuối cùng trong đời.
Nhóm thực hiện
Khánh Ngọc (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)