Văn hóa / Thế giới văn hóa

Những điều thú vị về ngày Lễ Phục sinh

Không phổ biến rộng rãi như ngày lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh vẫn là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của các tín đồ Kitô giáo trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Lễ Phục sinh (Easter Day) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người theo Kitô giáo (Thiên Chúa giáo) bên cạnh ngày lễ Giáng sinh. Lễ Phục Sinh là ngày để tưởng niệm sự kiện chịu chết và sống lại của Chúa Giêsu từ cõi chết sau ba ngày bị đóng đinh trên thập tự giá. Lễ Phục sinh thường rơi vào khoảng giữa tháng 3 và tháng 4 trong năm. Năm 2018, ngày lễ quan trọng này lại rơi đúng vào ngày Chủ nhật 1/4.

lễ Phục Sinh
(Nguồn: Colin Carey)

Ban đầu, ngày này dành riêng cho các tín đồ Thiên Chúa giáo, nhưng sau này dần lan rộng, trở thành ngày lễ chung của nhiều người, nhất là các nước phương Tây. Ở Việt Nam, Lễ Phục Sinh không được tổ chức với mức độ và quy mô lớn như Lễ Giáng Sinh. Đa phần, mọi người thường chỉ đi đến nhà thờ dự lễ chứ không tổ chức tiệc ăn mừng. Tuy nhiên, đối với những người theo đạo Thiên Chúa giáo thì đây vẫn là ngày lễ lớn và quan trọng, nhất là khi họ vừa phải trải qua ngày Thứ Sáu tuần thánh (ngày ăn chay thứ 2 trong năm, sau Thứ Tư Lễ Tro).

Nguồn gốc của ngày Lễ Phục Sinh

Theo như Kinh Thánh ghi lại, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lên thành Jerusalem vào dịp Lễ Vượt Qua (Passover), Người vào Đền thờ Jerusalem và được người dân đón tiếp và vẫy chào bằng lá cọ (nay gọi là Chúa nhật Lễ Lá). Vào ngày thứ Năm (nay là ngày Thứ năm Tuần Thánh), Chúa Giêsu thực hiện nghi thức rửa chân các môn để và dùng bữa ăn cuối cùng (gọi là Thánh Lễ Tiệc Ly) với các môn đệ. Buổi tối hôm đó, Chúa Giêsu bị bắt giữ theo lệnh của Toà Công luận (Sanhedrin) bởi viên Thượng tế Joseph Caiaphas. Một trong số những môn đệ của Chúa Giêsu đã phản bội người để nhận được tiền thưởng.

lễ Phục Sinh 2
(Nguồn: Youtube)

Tòa công luận cáo buộc Chúa Giêsu phạm trọng tội và giao ông cho các quan chức Đế quốc La Mã để xin y án tử hình với cáo buộc xúi giục nổi loạn. Dưới áp lực của giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái, Tổng đốc Pontius Pilate (Philatô) miễn cưỡng ra lệnh đóng đinh Chúa Giêsu vào ngày thứ Sáu (nay là lễ Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày tín đồ Thiên Chúa giáo giữ chay kiêng thịt). Tuy nhiên, theo các sách Phúc Âm, một tấm bảng có hàng chữ viết tắt INRI (của câu: “Giêsu người Nazareth, vua dân Do Thái”) được treo trên thập tự giá theo lệnh của Pilate. Giêsu bị buộc phải tự vác thập tự giá lên đồi Golgotha, nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh và chết.

lễ Phục Sinh 3
(Nguồn: eberhard grossgasteiger)

Ba ngày sau khi chịu chết, một người phụ nữ tên Maria Magdalena cùng với các môn đệ đến mộ thăm Người nhưng không thấy xác Người đâu. Khi đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ liên tục 40 ngày, sau đó về trời (Lễ Hiển Linh).

Các biểu tượng của Lễ Phục sinh

Nến Phục sinh

Lửa mang ý nghĩa đem lại cho con người ánh sáng, sự ấm áp. Ngoài ra, các tín đồ Kitô giáo tin rằng, lửa Phục sinh sẽ thắp sáng chuỗi ngày dài đêm tối và sẽ dẫn lối cho họ đến những điều đúng đắn và bình an.

lễ Phục sinh 4
(Nguồn: Chinaka Mbaeri’s Reflections)

Trước khi bắt đầu Thánh lễ Phục sinh, các linh mục sẽ làm nghi thức rước lửa xung quanh Thánh đường, các giáo dân cũng sẽ cùng nhau thắp sáng những ngọn nến trên tay mình.

Trên thân nến có cắm 5 dấu đinh (tượng trưng cho 5 vết thương của Chúa Giêsu), phía trên ghi mẫu tự Alpha và bên dưới mẫu tự Omega với ý nghĩa đầu tiên và cuối cùng của tiếng Hy Lạp, tượng trưng cho Chúa Giêsu là “khởi đầu và cuối cùng”.

Trứng Phục sinh/Thỏ Phục sinh

Không phổ biến ở Việt Nam như nến Phục sinh, nhưng trứng và thỏ Phục sinh lại là biểu tượng của ngày lễ quan trọng này ở các nước phương Tây.

lễ phục sinh 1
Ảnh: Unsplash

Trứng Phục sinh luôn được trang trí nhiều màu sắc, với những ý nghĩa như: Màu đỏ tượng trưng cho may mắn, màu xanh cho hy vọng, trẻ trung vô tội, màu vàng cho sự khôn ngoan, màu trắng cho thanh bạch, màu cam cho sức mạnh… Ngoài ra, những quả trứng rỗng cũng tượng trưng cho ngôi mộ trống của Chúa Giêsu.

lễ phục sinh 2
Ảnh: Unsplash

Các chuyện thần thoại hay dân gian đều nhắc đến thỏ là con vật hiền lành, không làm hại ai. Chú thỏ Phục sinh xuất hiện từ năm 1678 do giáo sư y khoa Von Georg Franck ở Franckenau dạy đại học Heidelberg công nhận thỏ là biểu tượng của sự sinh nở phong phú. Thỏ Phục sinh là chú thỏ đem lại trứng Phục sinh. Bắt đầu từ những tín hữu của giáo hội Luther ở Đức, thỏ Phục sinh ban đầu đóng vai trò một người phân xử, đánh giá xem liệu những đứa trẻ đã cư xử ngoan ngoãn hay không vâng lời vào lúc bắt đầu mùa Phục sinh. Thỉnh thoảng, thỏ Phục sinh được mô tả là có mặc quần áo. Theo truyền thuyết, nhân vật này mang những quả trứng có màu trong giỏ của mình, kẹo và đôi khi cả đồ chơi đến nhà của trẻ nhỏ. Cũng tương tự như ông già Noel, cả hai đều mang quà đến cho trẻ em vào buổi tối trước ngày lễ tương ứng của họ (thỏ Phục sinh vào lễ Phục sinh còn ông già Noel vào lễ Giáng sinh).

lễ phục sinh 3
Ảnh: Unsplash

Xem thêm:

Mừng lễ Phục Sinh tại khách sạn The Reverie Saigon

Lễ phục sinh – Ngày hội viên Orfarm

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Mia Thủy Tiên (Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)