Những sự thoái trào
Liên tục trong những năm qua, có thể thấy những sáng tạo nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ đã nắm bắt được thị hiếu của người nghe trẻ vô cùng nhạy bén. Thế hệ Gen Z trẻ tuổi khác xa với thế hệ anh chị trước đó của họ. Dòng pop ballad trầm, buồn, nhiều cảm xúc không còn chiếm thế thượng phong trong dòng chảy âm nhạc như hơn một thập kỷ qua, dẫu rằng vẫn có nhiều cái tên đi theo hướng này, nhưng nhìn chung, sự đón nhận đã không còn như trước.
Trào lưu cover những bài nhạc xưa, hoặc thay đổi phiên bản cho đơn giản hơn, như acoustic, unplugged hoặc lofi, cũng được xem là cách duy trì hiệu quả sức nóng cũng như tên tuổi của nhiều nghệ sĩ. Thế nhưng bước sang một thế hệ nghệ sĩ mới năng động và sáng tạo hơn, có thể thấy đây không còn là con đường an toàn. Xuyên suốt thời kỳ dịch bệnh, nhiều nghệ sĩ đã nỗ lực cho ra các live session như món quà động viên và tri ân khán giả, nhưng chất lượng dường như vẫn chưa thỏa mãn được “cơn khát” của người hâm mộ.
Có thể lý giải điều này là bởi nhìn chung, họ vẫn khai thác những giai điệu và cấu trúc bài hát như lúc ban đầu, chưa nhiều thay đổi hoặc thêm vào chất riêng của bản thân mình. Do đó, với sự khát khao cái mới, các dự án hát lại trong năm sau rất có thể sẽ bị tụt lại, đòi hỏi nghệ sĩ phải ngày càng đổi mới mình để đem đến những sáng tạo độc đáo hơn.
BÀI LIÊN QUAN
Những dòng chảy mới
Nổi lên trong những dòng nhạc được giới trẻ yêu thích, không thể không nhắc đến trào lưu “nhạc jazz thanh xuân”. Khái niệm này có thể hiểu là việc sử dụng tính phóng khoáng trong cách thể hiện, với giai điệu bắt tai có phần gây nghiện của những dòng swing, smooth jazz hay reggae; cùng nội dung hướng về người trẻ với những khát vọng, ước mơ hay câu chuyện của những “kẻ mộng mơ”.
Người khởi xướng cho hướng đi này có thể kể đến những gương mặt nhạc sĩ nhiều cá tính như Hứa Kim Tuyền, Bùi Công Nam, Phạm Hải Âu, Trang… cùng những dự án như các album Hôm qua, Hôm nay và Sau này (Nguyên Hà), Hương (Văn Mai Hương) hay các single nổi bật gần đây của Tóc Tiên (Hôm nay tôi cô đơn quá, Ngày tận thế )… Tóc Tiên mới đây nhất cũng cho ra mắt EP Yêu rồi yêu rồi yêu như sự chuyển biến hình tượng, bước sang giai đoạn trưởng thành và chín chắn hơn so với hình tượng gợi cảm trước đó. Âm nhạc nhiều lãng đãng của Kai Đinh cũng như các tác giả kể trên rất phù hợp, vừa mới lạ mà cũng độc đáo.
Ngoài “nhạc jazz thanh xuân”, chất pop hiện đại có thể sẽ tiếp tục duy trì sức nóng của mình, với những gương mặt đa dạng như Bích Phương với dự án Dưới vòi hoa sen sắp tới, hay Bảo Anh gần đây với Yêu không cần ép. Trong những năm qua, chất pop dường như chưa bao giờ thôi hạ nhiệt với những dự án đặc sắc và nhiều dấu ấn, như Hoàng Thùy Linh với Hoàng, Đông Nhi với Ten on Ten hay AMEE với dreAMEE. Nhiều gương mặt nổi bật khác như Phùng Khánh Linh, Orange, Tlinh… hứa hẹn sẽ nối dài thêm sự đón nhận của dòng nhạc này.
Bên cạnh dòng chính, âm nhạc indie cũng ngày càng có chỗ đứng trong lớp khán giả Gen Z. Sự lên ngôi của những nền tảng trực tuyến như Spotify, Soundcloud… cùng sự lan truyền của mạng xã hội và việc được hậu thuẫn từ các hãng đĩa độc lập đã tăng thêm cơ hội cho các gương mặt mới, nổi bật và nhiều độc đáo với âm nhạc chất lượng. Đáng chú ý nhất là album vol 4 của Ngọt với hai bài hát Để quên và Đốt được “nhá hàng” trong năm 2020 đã gây nên cơn sốt thật sự. Chính sự liên tục đổi mới, không lặp lại mình mà nhìn chung, giới indie luôn tạo được nhiều ấn tượng. Ngoài Ngọt, Mỹ Anh, Vũ Thanh Vân, Tuimi, Vinh Khuat, Mademoiselle… được chờ đón sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2022. Ngoài ra, RnB, Rap, HipHop… cũng rất có thể làm nên chuyện trong năm tiếp theo, tuy nhiên khả năng này vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Những dự án lớn
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều sản phẩm được lên kế hoạch hay “thai nghén” trong năm vừa rồi đã không được ra mắt. Do đó, với việc lùi thời hạn ra mắt, hy vọng điều này sẽ làm nên một bức tranh đa màu đa diện hơn cho năm 2022. Các dự án lớn như Những con sông ngón tay của Trần Thu Hà, Mùa hè vĩnh cửu của Hoàng Rob, Golden Dragon kết hợp yếu tố dân gian truyền thống và hiện đại của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, hay Phạm Thu Hà với sự phối trộn nhạc dance và opera… chắc chắn sẽ làm nên một năm mới của âm nhạc bùng nổ.
Ngoài ra Bích Phương với album Dưới vòi hoa sen trong đó promo single Đố anh đoán được gây nhiều hứng thú cho người nghe nhạc, được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành công của những Đi đu đưa đi hay album Drama Queen của những năm trước. Lê Cát Trọng Lý cũng trở lại với 2 album chữa lành Cây lặng, gió ngừng và Có dừng được không?, chắc hẳn sẽ là tin vui cho những khán giả yêu mến cô.
Hình thức đĩa than trong năm tới cũng được dự đoán sẽ bùng nổ, khi mới đây nhạc sĩ Đức Trí cho ra mắt dự án Nỗi yêu bé dại với những sáng tác hoàn toàn mới dành cho giọng hát Thùy Chi. Nhạc sĩ Quốc Bảo sau kỷ niệm 30 năm làm nghề cũng cho biết sẽ kết hợp với Nguyên Hà trong một dự án đĩa than đặc biệt. Đi cùng trào lưu thế giới, có thể nói đĩa than sắp tới đây sẽ là một hướng đi mới vô cùng độc đáo, bên cạnh các nền tảng streaming âm nhạc.
BÀI LIÊN QUAN
Ở mảng liveshow, vì tính bất định trong việc dự đoán dịch bệnh, nên rất có thể trong tương lai gần các đêm diễn vẫn chưa thể quay trở lại, mà được lột xác bằng phương thức mới mẻ hơn, có thể là qua hình thức trực tuyến. Tại thời điểm thực hiện bài viết này, Mỹ Tâm đang tổ chức đêm nhạc online 1981 Unstaged Live Music Show với 6 đêm nhạc, bằng phong cách acoustic và lofi – chill. Đêm đầu tiên My soul 1981 kết hợp cùng nhạc sĩ Đức Trí vừa diễn ra hồi đầu tháng 1 đã “gây sốt”. Đây hứa hẹn sẽ là “sân khấu” cho những bản hit cũng như nhiều bài hát mới trong các dự án sắp tới, với sự kết nối gần gũi và thoải mái hơn, giữa khán – thính giả và người nghệ sĩ.
Có thể nói, tuy tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng 2022 sẽ là một năm nhiều hy vọng cho âm nhạc Việt. Từ những trào lưu mới cho đến những hình thức đặc biệt; tất cả sẽ mang đến bức tranh tổng thể phong phú và đa dạng bù đắp cho một năm cũ còn nhiều thiếu vắng những sáng tạo đậm dấu ấn cá nhân.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Minh Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE