Hình tượng những người phụ nữ điển hình trong phim “Mộng Hoa Lục”
Mộng Hoa Lục là bộ phim cổ trang Hoa Ngữ đang làm mưa làm gió trên khắp các diễn đàn phim ảnh Trung Quốc và được đón nhận bởi đông đảo khán giả trong và ngoài nước.
Không chỉ bởi yếu tố phục trang, bối cảnh sinh động, đẹp mắt, sự yêu mến của khán giả dành cho Mộng hoa lục còn nằm ở cốt truyện nhân văn, đề cao nữ quyền. Dù lấy bối cảnh thời nhà Tống và được cải biên từ vở kịch Triệu Phán Nhi phong nguyệt cứu phong trần của nhà viết kịch thời Nguyên – Quan Hán Khanh, Mộng hoa lục vẫn giữ nguyên vẹn góc nhìn nhân sinh quan đề cao phụ nữ của tác giả – những người thông minh, trọng tình trọng nghĩa và tự làm chủ số phận của mình.
Cả ba nhân vật Triệu Phán Nhi, Tôn Tam Nương và Tống Dẫn Chương đại diện cho những kiểu phụ nữ khác nhau trong xã hội cũ. Song, thông qua Mộng hoa lục, khán giả, đặc biệt là nữ giới, vẫn bắt gặp hình ảnh của những người phụ nữ hiện đại trong ba nhân vật để rồi thấy đồng cảm sâu sắc với số phận của họ trong suốt bộ phim.
Người phụ nữ tự lập, sống hết minh vì tình yêu
Nhân vật chính của bộ phim là Triệu Phán Nhi (Lưu Diệc Phi), một cô gái từng là tiểu thư sống trong nhung lụa, là con nhà quan nhưng sau khi cha bị bắt, cuộc sống giàu sang của cô sụp đổ, khiến cô bị bán vào kỹ viện làm ca nương.
Tưởng đã thoát khỏi bể dâu, nào ngờ cô còn bị chính phu quân Âu Dương Húc phản bội khi thành hôn với với thiên kim tiểu thư nhà quan sau khi đậu thám hoa. Chàng đành đoạn bỏ rơi Phán Nhi – người phụ nữ đã từng yêu thương và cưu mang chàng ngày đêm đèn sách.
Không chấp nhận số phận, Phán Nhi quyết lên kinh thành tìm lại công lý cho chính mình. Trên hành trình đó, cô gặp những người phụ nữ có số phận bi thương, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn và cùng mở cửa hàng buôn bán tại Đông Kinh.
Dù trải qua biết bao hoạn nạn và gặp bất hạnh trong chuyện tình cảm, Triệu Phán Nhi vẫn không khuất phục mà tự đứng dậy trên đôi chân của mình. Cô là hiện thân cho những người phụ nữ luôn khao khát hạnh phúc và hết mình vì tình yêu. Hình ảnh của Phán Nhi cũng là hình ảnh của những cô gái trẻ tự lập trong xã hội hiện đại, tự dùng sức mạnh để làm chủ cuộc đời mà không cần dựa dẫm vào bất kỳ ai. Nhân vật Triệu Phán Nhi do Lưu Diệc Phi đảm nhận đã chiếm trọn cảm tình của khán giả bởi ý chí kiên định và mạnh mẽ đó.
Người phụ nữ hết lòng vì gia đình
Trong những tập phát sóng đầu tiên, khán giả không chỉ nhìn thấy hình ảnh của mình qua Triệu Phán Nhi mà còn cảm thông cho số phận của Tôn Tam Nương (Liễu Nham). Cô là mẫu hình người nội trợ điển hình, ngày ngày tần tảo chuyện bếp núc, yêu chồng dạy con. Tưởng như cô đang trải qua cuộc sống êm ấm, nào ngờ Tam Nương phải chịu nỗi đau bị phu quân bạo hành không ngừng nghỉ. Cô được Triệu Phán Nhi kéo ra khỏi cuộc hôn nhân tồi tệ đó để bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Tôn Tam Nương là đại diện cho phần lớn phụ nữ hiện đại, những người làm hậu phương vững chắc cho chồng, quán xuyến nhà cửa chu toàn và hết lòng chăm lo con cái. Song, bên trong họ vẫn luôn khát khao được sống vì bản thân, được làm những điều mình muốn và thực hiện những hoài bão mà mình luôn ấp ủ. Chính vì vậy, nhân vật Tam Nương đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc từ khán giả ngay từ những tập đầu của bộ phim.
Người phụ nữ trẻ ít va chạm với cuộc đời
Tống Dẫn Chương (Lâm Duẫn) là “em út” trong bộ ba mỹ nhân của Mộng hoa lục. Cô là ca nương chuyên phục vụ đàn hát cho giới quan lại ở Hàng Châu, luôn mang trong mình khao khát sớm yên bề gia thất. Vì lý tưởng đó, cô được gả cho Châu Xá – con trai hàng buôn đồ da giàu có – chỉ sau 15 ngày gặp mặt. Nhưng hóa ra, Châu Xá lại là một tên lừa đảo. Triệu Phán Nhi đã giúp Tống Dẫn Chương vạch mặt hắn và đưa cô thoát khỏi cuộc hôn nhân đầy dối trá này.
Tống Dẫn Chương là hình ảnh của những cô gái trẻ ôm ấp ước mơ, hoài bão đẹp nhưng vẫn còn ít kinh nghiệm sống. Do đó, họ dễ bị người khác lợi dụng trên hành trình hiện thực hóa ước mơ của mình. Họ cũng là những người hết mình vì tình yêu và không màng nhận phần thiệt về mình.
Cả ba nhân vật Triệu Phán Nhi, Tôn Tam Nương và Tống Dẫn Chương đều là những người phụ nữ trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của cuộc đời. Thế nhưng, không vì những nghiệt ngã đó mà họ khuất phục. Họ sẵn sàng vực dậy làm lại cuộc đời bằng chính sức lực của mình, để từ đó khẳng định bản thân trong xã hội phong kiến “trọng nam khinh nữ”. Chính tư tưởng văn minh này đã khiến Mộng hoa lục khác biệt so với những bộ phim cổ trang khác, khiến khán giả tìm thấy bóng hình của mình trong từng nhân vật và được tiếp thêm động lực để tiếp tục hành trình cuộc sống.
Bài: Hoàng Tân