Những “người hùng” của âm nhạc Việt
Nina Simone đã từng nói rằng: “Nghệ sĩ sẽ là ai nếu không phản ánh thời đại?”, và có thể thấy, những nghệ sĩ lớn đều mang trong mình tầm vóc như thế.
THAY ĐỔI NHẠC POP MỘT CÁCH TOÀN DIỆN
Từ khoảng những năm 90 cho đến đầu thế kỷ mới, cơn sốt “nhạc ngoại lời Việt” dường như tràn vào và nhấn chìm âm nhạc Việt Nam. Ở giai đoạn đó, cùng với Thanh Lam, Hồng Nhung, Phương Thanh… Mỹ Linh và Hà Trần là hai gương mặt đã định hình nên khái niệm “nhạc pop mới”. Với các sáng tác của những nhạc sĩ nổi danh như Thanh Tùng, Dương Thụ, Bảo Chấn… họ đã thay đổi một cách toàn diện âm nhạc nước nhà với thời hoàng kim của Làn Sóng Xanh.
Khác với các đàn chị, cả Mỹ Linh lẫn Hà Trần đều không hài lòng với nhạc pop thời đầu. Với sức trẻ và sự năng động, họ đã hợp tác cùng những “nhạc sĩ thế hệ thứ hai” – những người được đào tạo và học hỏi từ phương Tây như Anh Quân, Huy Tuấn, Đức Trí cũng như những người không ngại phá bỏ khuôn thước như Đỗ Bảo, Võ Thiện Thanh… Họ đã tạo nên những thể nghiệm mới mẻ có sức ảnh hưởng đến tận ngày nay.
Năm 1999, Mỹ Linh cùng với ban nhạc Anh Em gồm hai trụ cột là Anh Quân, Huy Tuấn đã tạo nên một cơn địa chấn với album Tóc ngắn. Giữa các bản pop truyền thống mang giai điệu êm dịu, bản hit cùng tên trở thành một “cú sốc” vào thời điểm đó, mở đường cho thể loại RnB tiếp cận đại chúng Việt Nam. Không chỉ riêng Tóc ngắn, toàn bộ bài hát trong album cũng đều trở thành hit, khiến Mỹ Linh từ “ngôi sao trẻ đang lên” trở thành biểu tượng đại chúng của thời bấy giờ, với “mốt” tóc ngắn theo kiểu Toni Braxton và hàng nghìn đứa trẻ được đặt tên theo do sự hâm mộ từ các bậc cha mẹ trẻ. Đến năm 2006, với album Để tình yêu hát, Mỹ Linh càng khẳng định vai trò tiên phong của mình, là người có ảnh hưởng lớn đến Hà Anh Tuấn trong các album đầu tay và cả Đinh Mạnh Ninh hay Hoàng Tôn sau này.
Đúng 20 năm sau cơn địa chấn mang tên Tóc ngắn, vào năm 2019, Hoàng Thùy Linh cũng đã “tháo xích” một trong những dự án thành công nhất của mình: Hoàng. Album thành công vang dội dưới sự giúp sức của DTAP. Trong thời điểm mà nhạc cover đang ở đỉnh cao, nhạc Việt vẫn bị “quá tải” bởi những bản ballad lê thê, sến sẩm… thì việc kết hợp nhạc pop với yếu tố dân gian đậm tính giải trí thực sự đã tạo nên đột phá.
Sử dụng chất liệu EDM thời thượng lúc bấy giờ, kết hợp với các nội dung đậm tính truyền thống, Hoàng Thùy Linh thay đổi một cách toàn diện cách ứng dụng tư liệu dân gian vào nhạc pop, để lại dư âm cho đến hiện tại, ảnh hưởng trực tiếp đến lớp nghệ sĩ kế thừa trong cách sản xuất âm nhạc. Từ dự án này, yếu tố dân gian không còn giới hạn trong các dự án thể nghiệm của Nguyên Lê, Hà Trần, Ngô Hồng Quang… mà đã tiếp cận được nhóm khán giả trẻ một cách nhanh chóng.
TIÊN PHONG HAY GÂY TRANH CÃI?
Đổi mới là mạch vận động của cuộc sống và âm nhạc cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, tư duy nghe nhạc lại khó chuyển dời ngày một ngày hai. Như nhạc sĩ Anh Quân chia sẻ, vào năm 1998, khi demo của Tóc ngắn được gửi cho các hãng đĩa, hầu như kết quả nhận lại là những cú lắc đầu. Bởi lẽ, ở giai đoạn đó, RnB/Funk trẻ trung không phải là thứ mà các hãng đĩa mong muốn. Dẫu vậy, bằng sự kiên trì cũng như nhượng bộ ít nhiều, Tóc ngắn cuối cùng đã có thể ra mắt và là thành công rất khó xóa mờ.
Nối tiếp sau đó, Mỹ Linh cùng ban nhạc Anh Em tiếp tục giới thiệu Chat với Mozart (2005) – album cổ điển giao thoa gây tranh cãi bậc nhất thời điểm đó, với dư luận xấu cũng như kiện tụng ầm ĩ. Có lẽ vì khi nghe dự án sẽ làm mới những tác phẩm cổ điển của Tchaikovsky hay Brahms… nhiều người sùng kính âm nhạc cổ điển đã phải “nhíu mày”, đó là còn chưa nói đến việc làm mới với các thể loại ngẫu hứng như Jazz, Soul hoặc thậm chí là khá “đường phố” như Funk, Hip-hop. Mỹ Linh và các cộng sự đã cùng nhau vượt qua những khó khăn ấy, để cuối cùng cống hiến cho người nghe nhạc một dự án vô tiền khoáng hậu, nơi nhạc cổ điển được phổ thông hóa, dễ nghe, dễ cảm và dễ thẩm thấu.
Tương tự, thành công với đĩa Nhật thực (2002) cũng đã đưa Hà Trần lên cùng “đẳng cấp” với 3 đàn chị khi ấy của mình. Được thể nghiệm bằng những âm thanh điện tử kết hợp với tính dân gian truyền thống, Nhật thực là một album kiểu “Björk” vô cùng thách thức với các tai nghe đại chúng thời bấy giờ. Phần phối khí độc đáo, ca từ ấn tượng với chất “điên” và “lạ” của Vi Thùy Linh và Ngọc Đại đã tạo nên những phản ứng có phần cực đoan. Thế nhưng, bây giờ nhìn lại, không thể phủ nhận rằng đây chính là dự án mở đầu cho một Hà Trần sung sức và đầy sáng tạo với hàng loạt thể nghiệm sau đó, từ Đối thoại 06 (2006), Bản nguyên (2017) cho đến Những con sông ngón tay sắp ra mắt.
Với việc không ngừng thể nghiệm cũng như mở ra những cánh cửa mới cho việc thưởng thức âm nhạc, Hà Trần cùng với Mỹ Linh chính là những “tắc kè hoa” đúng nghĩa, những nghệ sĩ tận hiến cho sự sáng tạo và để lại ảnh hưởng lớn cho thế hệ nghệ sĩ sau này.
KHÔNG NGỪNG VẬN ĐỘNG
Bên cạnh sự tiên phong, con đường hoạt động dài rộng suốt nhiều thập kỷ của các nghệ sĩ cũng là dấu ấn rất khó phai mờ. Trong khi Mỹ Linh dần lùi lại với công việc giảng dạy, phát triển tài năng thì Hà Trần lại năng động hơn với nhiều vai trò, từ nhà sản xuất (các đĩa Vi sinh, Mầm hạt), sáng tác, tiếp tục dấn thân (rock với Bản Nguyên, jazz với Bóng tối Jazz) cũng như tham gia chương trình truyền hình thực tế, thậm chí còn gây bất ngờ với độ “chịu chơi” để trở lại như một “phượng hoàng lửa”.
Đại diện cho thế hệ mới và đầy tràn năng lượng sáng tạo là Hoàng Thùy Linh. Sau thành công của album Hoàng, khán giả đã phải e ngại rằng Hoàng Thùy Linh liệu còn có thể làm gì khi cái bóng của Hoàng quá lớn và sự thoái trào của EDM là một “vực thẳm” rất khó vượt qua. Thế nhưng, với album LINK, Hoàng Thùy Linh cho thấy cô vẫn chưa có ý định dừng lại trên hành trình khám phá giới hạn của bản thân.
Với LINK, Hoàng Thùy Linh không từ bỏ cấu trúc bắt tai của drop EDM mà khéo léo thay đổi cấu trúc, khiến các bài hát không còn dễ đoán và trở nên phức tạp hơn. LINK cũng cho thấy sự vận động không ngừng nghỉ của nữ ca sĩ khi cô không chỉ hát chính mà còn có thể rap và hòa giọng với các khách mời, từ đó tạo ra sản phẩm đa dạng và đầy bất ngờ.
LINK đa dạng về mặt chất liệu, phức tạp về mặt phối khí và đã mở rộng “bản đồ” âm nhạc Việt Nam ra với thế giới nhờ hiệu ứng thành công trên nền tảng TikTok của See tình, Gieo quẻ… cũng như trở thành album nhạc pop đầu tiên được Pitchfork chấm 7.2 – con số khá cao. Trước đó hơn hai thập kỷ, Mỹ Linh cũng chính là người mở đường cho nhạc Việt Nam sang đến Nhật Bản, châu Âu với các album được đánh giá cao như Made in Vietnam (2003) hay Chat với Mozart (2005).
Bằng tinh thần tiên phong, dấn thân, không ngại khó khăn, không ngừng đổi mới cũng như thành công mang nhạc Việt ra với thế giới, Mỹ Linh, Hà Trần và Hoàng Thùy Linh chính là những gương mặt đã góp phần thay đổi diện mạo của nền âm nhạc Việt Nam.
Bài: Ngô Minh
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE