Văn hóa / Thế giới văn hóa

Những “người hùng” đằng sau các thước phim tài liệu thiên nhiên

Bạn sẽ nghĩ đến ai khi bàn đến những bộ phim tài liệu về tự nhiên nổi tiếng nhất? Có lẽ đó là David Attenborough, nhà làm phim có giọng thuyết minh đã đi vào huyền thoại.

Trái với định kiến của xã hội, rất nhiều người đứng sau những thước phim đó là phụ nữ. Ví dụ điển hình là loạt phim tài liệu Planet Earth II, cũng do David Attenborough thuyết minh, được sản xuất bởi hơn nửa ê-kíp là phụ nữ. Dù cho thế giới phim tài liệu về tự nhiên hoang dã vẫn do đàn ông chiếm đa số, phụ nữ đang dần được trao cơ hội để chứng minh họ có thể làm được công việc đầy thử thách này, và còn thành công xuất sắc.

Bản lĩnh ở mọi nơi

Sophie Darlington, nhà quay phim đã góp công tạo nên sự thành công của series Our Planet viết rất hài hước, nhưng cũng hoàn toàn nghiêm túc trên website của cô: “Nếu bạn có thể xử lý ba cái xe đẩy cùng lúc, thích được làm việc như một cộng tác viên, không được tắm giặt, bị cắn, thiếu ngủ và không thực sự biết tháng sau mình ở sẽ ở đâu, nghề này là dành cho bạn đấy!”.

phim tài liệu cảnh quay đàn châu chấu
Cảnh quay đàn châu chấu ở châu Phi trong series “Planet Earth II”.
phim tài liệu nhà thuyết minh David Attenborough
Sir. David Attenborough, nhà tự nhiên học nổi tiếng đồng thời thuyết minh cho hàng loạt phim tài liệu về thiên nhiên hoang dã.

Chia sẻ của cô hé lộ cho khán giả thấy phần nào những thử thách của công việc này, khi trường quay chính là thiên nhiên hoang dã, nhân vật của bạn có thể là những chú cánh cụt dễ thương, nhưng cũng có thể là gia đình sư tử đang gầm gừ và đói bụng. Để có được những thước phim đẹp, có thể các nhà làm phim phải nằm dài trên nền đất lạnh suốt nhiều giờ, cắm trại trên tuyết hằng tháng trời, và chưa kể những nguy cơ hay thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Người ta có thể hiểu được phụ nữ chọn đi theo con đường sản xuất phim tài liệu về động vật hoang dã sẽ phải đối mặt không chỉ với định kiến của xã hội mà còn với sự nghi ngại trong chính bản thân họ.

Hơn thế nữa, trong những năm gần đây, kinh phí dành cho thể loại phim tài liệu này ngày càng eo hẹp. Những người đang theo đuổi, không chỉ cứ là phụ nữ, đều phải cạnh tranh và nỗ lực gấp bội để có được công việc. Do hoạt động tự do, họ phải chấp nhận sự bấp bênh tài chính, phải lăn xả nơi thực địa, tách khỏi đời sống văn minh, nhưng đồng thời cũng không được lơ là các mối quan hệ xã hội để có thêm dự án. Những thử thách hậu trường khiến phụ nữ càng thêm vô vàn khó khăn, vì cho tới nay, họ vẫn là thiểu số trong lĩnh vực này. Sophie Darlington cho rằng, chỉ có tình yêu và sự hứng thú thực sự với tự nhiên mới có thể mang lại cho họ năng lượng và bản lĩnh để đối mặt với những thử thách ấy.

Sophie Darlington
Nhà quay phim tài liệu Sophie Darlington.
Sophie Lanfear
Sophie Lanfear đối mặt với hiểm nguy trong “Life Story”.

phim tài liệu Poster Life Story

đưa tính nữ vào trong thế giới khắc nghiệt

Tuy nhiên, vẫn có ít nhiều lợi thế dành cho phụ nữ trong lĩnh vực này. Sophie Lanfear, người góp phần tạo nên thành công của hàng loạt phim tài liệu nổi tiếng như Life Story, The Hunt Our Planet chỉ ra rằng, các nhà làm phim nữ có biệt tài kể lại những câu chuyện cảm động về thế giới động vật. Những cảnh quay gia đình cánh cụt chào đón chú chim non có thể khiến các đồng nghiệp nam của cô ngáp dài nhưng lại khiến các khán giả nữ rưng rưng nước mắt.

Cùng chia sẻ với quan điểm của cô, nhà sản xuất và quay phim kỳ cựu Ann Johnson Pump với 25 năm trong nghề cũng cho rằng, phụ nữ mang đến cho dòng phim này một cách tiếp cận mới. Thay vì ám ảnh về chuyện thú săn và con mồi giờ đã trở nên nhàm chán, là phụ nữ, cô muốn tập trung hơn vào các sinh vật bé nhỏ, những khoảnh khắc miêu tả chi tiết hơn về cái đẹp kỳ diệu và phức tạp của tự nhiên.

phim tài liệu nhà sản xuất Ann Johnson
Nhà sản xuất và quay phim kỳ cựu Ann Johnson Pump.

Nhờ có sự góp mặt của phụ nữ, các bộ phim tài liệu về thiên nhiên hoang dã trở nên mềm mại và khơi gợi cảm xúc ở khán giả hơn, đồng thời cũng trở nên hấp dẫn hơn đối với khán giả mọi giới tính, góp phần mang lại kiến thức và tình yêu tự nhiên đến với nhiều người hơn.

poster Animals with camera

Bên cạnh đó, đức tính kiên nhẫn cũng giúp họ làm nên những kỳ tích đáng kinh ngạc. Series phim tài liệu về động vật hoang dã đầu tiên có toàn bộ biên kịch và đạo diễn là phụ nữ – Animals with Cameras – là một ví dụ cho thấy đôi khi nguy hiểm trong thiên nhiên không phải là thử thách lớn nhất mà là những trục trặc kỹ thuật có thể xảy ra liên tục trong quá trình tạo nên một tác phẩm để đời. Để thực hiện series này, các nhà làm phim phải gắn những chiếc máy quay nhỏ xíu được thiết kế đặc biệt lên cổ các con vật sống trong tự nhiên. Hàng trăm máy quay được huy động và rất nhiều trong số chúng bị hư hỏng hoặc thất lạc. Để hoàn thành được loạt phim, các đạo diễn nữ phải tuyệt đối kiên nhẫn. Có thể thấy, họ được chọn bởi rõ ràng họ là những ứng viên tốt nhất cho dự án.

cảnh cá voi trong Our Planet
Cảnh cá voi trong phim tài liệu nổi tiếng “Our planet” .

Dấn thân vào nhóm nghề thử thách này, họ đã chọn cho mình một lối đi hẹp. Tuy nhiên, tình yêu và bản lĩnh của những phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực phim tài liệu về thiên nhiên hoang dã đã mang lại niềm cảm hứng mãnh liệt cho nhiều phụ nữ khác. Như nhà sản xuất của Animals with Cameras – Anne Sommerfield – chỉ ra, thành công của họ không chỉ là của riêng họ mà là nguồn động lực cho nhiều phụ nữ trẻ khác quyết tâm theo đuổi ước mơ trong lĩnh vực này. Con đường tuy khắc nghiệt và khó lường nhưng cũng là cơ hội để họ lưu lại dấu ấn cá nhân và thấy tự hào tột đỉnh với bản thân mình.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Huyên Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)