Văn hóa / Thế giới văn hóa

Những nữ tướng thầm lặng trên phim trường

Họ đóng vai trò chủ chốt trong việc định hướng thẩm mỹ và tạo ra diện mạo của một bộ phim, nhưng thường ít được xướng tên vì nhiều lý do.

Khi bàn về một tác phẩm điện ảnh, người ta thường nhắc đến đạo diễn, kế tiếp là dàn diễn viên chính và đôi khi là biên kịch gia. Thế nhưng, phim chưa bao giờ là thành quả của chỉ vài cá nhân riêng lẻ. Đoàn làm phim là một tập thể với rất nhiều người nắm giữ những vai trò lớn, nhỏ khác nhau. Trong số đó, nhà thiết kế sản xuất (production designer – PD) và đạo diễn hình ảnh (director of photography – DOP) là những cá nhân có vai trò quan trọng hàng đầu. Họ giúp đưa những ý tưởng từ kịch bản ra hiện thực, góp phần hữu hình hóa cái hồn của bộ phim và định nghĩa vẻ đẹp nghệ thuật riêng của từng tác phẩm.

Cũng như hầu hết các thành tố khác của quá trình làm phim, công việc thiết kế sản xuất và đạo diễn hình ảnh vừa phức tạp về tính chất vừa nặng nhọc về khối lượng. Trong một thời gian dài, đây là sân chơi do đàn ông chiếm lĩnh. Một nghiên cứu của tạp chí Women and Hollywood cho thấy, trong 200 bộ phim có kinh phí cao nhất từ 2000 đến 2015, không có bộ phim nào do phụ nữ thiết kế sản xuất. Ở vai trò DOP, phụ nữ thậm chí còn vắng mặt nhiều hơn. Những vị trí gắn chặt với hậu trường vốn đã ít được công nhận, nhưng tình hình sẽ càng khó khăn nếu người nắm giữ là nữ. Chuyển biến đáng kể chỉ thật sự diễn ra vài năm gần đây, với sự xuất hiện ngày một nhiều hơn của phụ nữ trong danh sách đề cử tại các lễ trao giải điện ảnh lớn.

sản xuất phái nữ đạo diễn
PD Hannah Beachler nhận giải Oscar cùng đồng nghiệp Jay Hart.

NGƯỜI HÙNG NƠI HẬU TRƯỜNG

Trong thực tế sản xuất phim, đặc biệt là với các tác phẩm quy mô lớn, PD và DOP là hai vai trò không thể thiếu. Làm việc sát sao cùng đạo diễn, PD chịu trách nhiệm cho hình ảnh và tính thẩm mỹ tổng thể của tác phẩm. Họ sáng tạo và quản lý việc thiết kế bối cảnh, dàn cảnh, đạo cụ, phục trang…; bảo đảm các yếu tố này phối hợp nhuần nhuyễn với nhau để thể hiện một diễn ngôn điện ảnh thống nhất. Trong khi đó, vị trí DOP cần chú trọng nhiều hơn vào khía cạnh kỹ thuật. Là người đứng đầu tổ quay phim, họ đưa ra quyết định về ánh sáng, góc máy, ống kính và chuyển động của camera nhằm hiện thực hóa ý tưởng thẩm mỹ của bộ phim.

Công việc mang tính hậu trường đặc thù là lý do những người làm nghề được ví như “người hùng thầm lặng”. Và khi người làm nghề là phụ nữ, họ xứng đáng được gọi là những “nữ tướng thầm lặng”. Yêu cầu nghề nghiệp mang lại thách thức cho cả hai giới, tuy nhiên, với phụ nữ, họ cần đối mặt với những rào cản chỉ riêng nữ giới mới gặp phải.

Trong lịch sử đề cử cho giải Thiết kế Sản xuất Xuất sắc của Oscar đến 2024, chỉ có 13% ứng cử viên là nữ. Hầu hết các ứng cử viên đều chỉ được đề cử một lần và không chiến thắng. Hạng mục Đạo diễn Hình ảnh Xuất sắc, mặt khác, còn được ví von là “câu lạc bộ cánh mày râu” vì chưa từng có người phụ nữ nào giành được tượng vàng này. Tuy nhiên, lý do đằng sau sự chênh lệch ấy không phải là hạn chế về tài năng hay trình độ chuyên môn. DOP Ari Wegner, một trong hai phụ nữ duy nhất từng được đề cử giải Đạo diễn Hình ảnh Xuất sắc (cho phim The Power of the Dog) chia sẻ: “Định kiến rằng đằng sau máy quay phải là đàn ông đã ăn sâu vào văn hóa đại chúng”. Dù trong nhiều thập kỷ qua, các vai trò như đạo diễn, diễn viên, biên kịch… đã dần tiến đến sự cân bằng giới, DOP vẫn là một biên giới cứng khó lay chuyển. “Chúng tôi phải đối mặt với hai rào cản. Một là rào cản để gia nhập ngành và hai là rào cản để được công nhận. Đây không phải một sân chơi bình đẳng”, Wegner nhận định.

Thực vậy, lịch sử lâu dài của điện ảnh cho thấy, phụ nữ sẽ làm nên chuyện ngay khi được trao cơ hội. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ họ chưa kịp bước vào đã bị cản lại vì các định kiến xã hội cố hữu như: thể lực, kiến thức, khả năng cân bằng thời gian (giữa gia đình và sự nghiệp). Loạt thách thức này tạo ra áp lực phải chứng tỏ bản thân cho những phụ nữ muốn theo đuổi sự nghiệp điện ảnh, đặc biệt là các nhánh mà truyền thông thường ít quan tâm, nếu có thì cũng ưu ái đàn ông hơn.

sản xuất nữ DOP trên phim trường
DOP Ari Wegner trên phim trường The Power of the Dog.

VƯỢT LÊN RÀO CẢN

Bất chấp những chướng ngại kể trên, có số ít phụ nữ vẫn kiên định dấn thân và thật sự đã giành được quả ngọt cho nỗ lực của mình. Hai ví dụ tiêu biểu hàng đầu, một cách tình cờ, lại đều góp phần trong thành công chung của siêu phẩm Black Panther (2018). Đó là PD Hannah Beachler và DOP Rachel Morrison.

Trước khi chính thức bước vào điện ảnh, Hannah Beachler từng là người đứng sau phần hình của nhiều album ca nhạc nổi tiếng. Cô sớm được đánh giá cao trong việc thiết kế sản xuất từ những tác phẩm đầu tay như Creed (2015), câu chuyện về một võ sĩ quyền anh trẻ tuổi muốn nối nghiệp cha mình. Không ít người yêu điện ảnh đã bất ngờ khi biết dàn cảnh võ đài khốc liệt, đẫm mồ hôi và máu của bộ phim lại do một người phụ nữ chỉ đạo thiết kế. Thế nhưng, tên tuổi Hannah Beachler chỉ thật sự chói sáng khi cô thắng giải Oscar Thiết kế Sản xuất Xuất sắc cho Black Panther. Một lần nữa, người phụ nữ này gây bất ngờ khi đưa vùng đất 100% viễn tưởng Wakanda lên màn ảnh rộng. Bộ phim siêu anh hùng nức tiếng của nhà Marvel còn có sự đồng hành của DOP Rachel Morrison, cũng là người phụ nữ đầu tiên được đề cử giải Đạo diễn Hình ảnh Xuất sắc chỉ một năm trước đó cho phim Mudbound (2017).

Nổi bật không kém trong lĩnh vực thiết kế sản xuất còn phải kể đến Nancy Haigh, người đã có tổng cộng 9 lần được đề cử Oscar cho các vai trò chính thức và liên quan chặt chẽ tới thiết kế bối cảnh. Bà cuối cùng đã thắng giải này vào năm 2020, cùng với đồng nghiệp Barbara Ling, cho phim Once Upon a Time in… Hollywood.

Mối liên hệ mật thiết giữa nhà thiết kế sản xuất và đạo diễn được thể hiện trong gia đình của đôi vợ chồng đã tạo ra tuyệt phẩm The Great Gatsby (2013). Bằng sự sẻ chia, thấu hiểu và gắn kết đặc biệt, PD Catherine Martin đã cùng chồng bà là đạo diễn Baz Luhrmann gặt hái nhiều thành tựu điện ảnh lớn. Trong đó có giải Oscar cho cả hai vào năm 2014. Không ai có thể phủ nhận bối cảnh lộng lẫy, chân thực và tỉ mỉ về nước Mỹ thập niên 1920 là yếu tố quan trọng giúp The Great Gatsby chinh phục trái tim của hàng triệu khán giả trên thế giới.

Ở Việt Nam, có thể nói khái niệm “thiết kế sản xuất điện ảnh” được đại chúng biết đến đầu tiên là nhờ công của Giám đốc Sáng tạo Hà Đỗ. Có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong đa nhóm ngành sáng tạo, chị nhận ra mình có đam mê lớn với nghề làm phim và cụ thể hơn là thiết kế bối cảnh. Hà Đỗ chính thức đóng vai trò thiết kế sản xuất từ phim Gái Già Lắm Chiêu 3, sau đó được công chúng trong nước ghi nhận với vai trò tương tự cho phim Em và Trịnh. Trong một bài phỏng vấn, chị từng chia sẻ về khó khăn của phụ nữ khi dấn thân vào công việc làm phim vất vả và ví những người tìm được điểm cân bằng như những “nữ siêu nhân”.

Thuộc thế hệ sau ở Việt Nam, hai chị em Nguyễn Phan Thảo Đan (Giám đốc Sáng tạo) và Nguyễn Phan Linh Đan (DOP) là những cái tên đáng chú ý trong nhóm nghề hậu trường này. Là “con nhà nòi” nghệ thuật, hai cô gái trẻ sớm bộc lộ thiên khiếu điện ảnh và đã có những thành tựu đầu tiên trong quá trình học tập ở nước ngoài. Cả hai cùng cộng tác sản xuất MV Dâu Thiên Hạ mới ra mắt của Suboi và được nữ rapper ví von như “Hai Bà Trưng” thời hiện đại của làng phim Việt. Nói về thử thách của nghề đạo diễn hình ảnh, Linh Đan thừa nhận rằng đây là công việc nặng nhọc dù đối với nam hay nữ, nhưng phái nữ phải chịu thiệt thòi hơn là sự thật. Tuy nhiên, cô vẫn khuyến khích các bạn nữ tìm hiểu và tham gia ngành, vì công việc khó chứ không phải là không thể. “Nếu có đam mê thì các bạn chắc chắn sẽ làm được”, Linh Đan khẳng định.

sản xuất giám đốc sáng tạo Hà Đỗ
Giám đốc Sáng tạo Hà Đỗ

SÁNG TẠO KHÔNG BIÊN GIỚI

Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật thị giác, vì vậy, hình ảnh có thể nói là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định mức độ thành công của một bộ phim. Xét về bản chất, các yêu cầu công việc liên quan tới sáng tạo và xử lý hình ảnh đều không chia giới tính. Sự phân chia này chủ yếu đến từ chính các hình thái xã hội do con người làm chủ, những định kiến đã ăn sâu trong không chỉ tư tưởng của nam giới mà cả chính phụ nữ về giới hạn của mình.

Trên thực tế, nhiều làn sóng đấu tranh và cải cách đã giúp thay đổi nhận thức xã hội nói chung về bình đẳng giới trong ngành làm phim. DOP Ari Wegner cho rằng, việc quay phim không chỉ là mang vác và di chuyển những loại máy móc cồng kềnh, mà còn bao gồm khía cạnh cảm xúc để có thể truyền tải hình ảnh chạm vào trái tim người xem – điều vốn là thế mạnh của phụ nữ. Giám đốc Sáng tạo Hà Đỗ cũng nghĩ về việc sắp đặt bối cảnh như một “cuộc dạo chơi đầy lý trí và tôi có thể thỏa sức vẫy vùng trong đại dương của sự sáng tạo”. Việc ngày càng có nhiều phụ nữ được tôn vinh, hỗ trợ trong hành trình làm phim là điểm sáng cho thấy cánh cửa này sẽ mở rộng hơn với chị em trong tương lai gần.

Nhóm thực hiện

Bài: Hải Âu

Ảnh: Netflix, Getty, NVCC

 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)