Những điều thú vị có thể bạn chưa biết về lễ hội Halloween
Cùng ELLE Việt Nam khám phá nguồn gốc, lịch sử trò chơi trick-or-treat, các hoạt động truyền thống, món ăn thú vị… của lễ hội Halloween nhé.
Khi nhắc đến lễ hội Halloween, chúng ta thường nghĩ ngay đến những trang phục hóa trang, dơi, những trái bí ngô, kẹo, trò chơi trick-or-treat… nhưng ít ai biết về lịch sử thú vị của lễ hội này. Hãy cùng ELLE Việt Nam tìm hiểu nguồn gốc ra đời và những điều thú vị khác về lễ hội được tổ chức vào ngày 31/10 hàng năm này nhé.
Nguồn gốc ra đời của lễ hội Halloween
Cái tên “Halloween” xuất phát bởi từ “All Hallowed’s Evening” có nghĩa là “Buổi tối thiêng liêng”. Vào ngày 31/10 và 1/11 hàng năm, người dân châu Âu đều dành thời gian này để bày tỏ lòng tôn kính các vị thánh (halllow). Đến nay, cái tên này đã được rút ngắn lại thành “Halloween”. Lý do lễ hội Halloween rơi vào ngày 31/10 hàng năm là vì nó là gốc rễ của lễ hội Gaelic cổ đại của Samhain – tiếng Ireland cổ nghĩa là “Kết thúc mùa Hè”, mừng vụ thu hoạch và đánh dấu sự chuyển mùa.
Nhưng quan trọng hơn, người ta tin rằng thời điểm này, ranh giới giữa thế giới con người và thế giới của người chết rất mỏng, cho phép họ có thể dễ dàng kết nối với các linh hồn (cả vô hại và có hại) từ thế giới bên kia. Linh hồn của ông bà tổ tiên thì được vinh danh và mời vào nhà. Còn linh hồn xấu thì bị chặn lại. Người ta cũng quan niệm rằng, việc mặc các trang phục hóa trang thành một linh hồn độc ác sẽ giúp họ được ngụy trang và tránh bị làm hại. Suy cho cùng, ý nghĩa của lễ hội Halloween là sử dụng sự hài hước và chế giễu để đối đầu với quyền lực từ cái chết.
Biểu tượng của lễ hội Halloween
Nhắc đến Halloween, người ta sẽ nghĩ đến biểu tượng trái bí ngô khoét rỗng tạo thành những đèn lồng hình mặt quỷ hay còn được gọi là Jack-o’Lantern. Bên trong chúng được cắm một cây nến được thắp sáng như một cách để tưởng nhớ những linh hồn đang chịu tội.
Ở một khía cạnh khác, theo truyền thống của Công giáo, biểu tượng của Halloween còn xuất hiện hình ảnh đầu lâu với ý nghĩa nhắc nhở về cái chết và sự hữu hạn của đời người. Bên cạnh đó, người ta còn trang trí cho ngôi nhà bằng những biểu tượng có liên quan khác như bù nhìn, vỏ ngô với màu sắc chủ đạo là đen, da cam, tím với chủ đề quỹ dữ, quái vật thần thoại, cái chết…
Những hoạt động truyền thống vào lễ hội Halloween
Bên cạnh hóa trang, chơi trò trick-or-treat… lễ hội Halloween còn một số hoạt động thú vị như:
- Bói toán tìm chồng/vợ tương lai: Trước tiên, người ta cần gọt vỏ một quả táo thành một dải dài sau đó quăng vỏ qua vai. Khi vỏ táo rơi xuống đất sẽ tạo nên chữ cái đầu tiên của tên người vợ/chồng tương lai của mình. Hoặc một hình thức khác dành cho những người phụ nữ chưa lập gia đình là họ sẽ ngồi trong phòng tối và nhìn chằm chằm vào gương trong ngày Halloween, khuôn mặt người chồng tương lai sẽ xuất hiện trong đó. Trong trường hợp họ chết trước khi kết hôn, trong gương sẽ hiện lên một hộp sọ.
- Trò chơi mê tín dị đoan với quả óc chó: Đầu tiên, mọi người sẽ viết tên các tài sản bằng sữa lên tờ giấy trắng rồi gấp lại để vào vỏ quả óc chó. Khi vỏ được làm nóng trên lửa, sữa sẽ chuyển sang màu nâu và các dòng chữ sẽ hiện ra. Các tài sản đó được xem như biểu tượng để mọi người trổ tài bói toán như ký hiệu đô la, sự giàu có, nút, độc thân, gạo, đám cưới, rắc rối, 4 lá cỏ ba lá may mắn, nổi tiếng…
- Trò chơi Apple bobbing hay dunking: người ta sẽ để các trái táo trôi nổi trong bồn tắm hoặc trong một chậu nước lớn và những người tham gia phải dùng răng gắp trái táo ra mà không được sử dụng tay chân hay bất cứ dụng cụ nào. Để tránh gian lận, người ta thường trói hai tay của những người chơi thật chặt ra đằng sau lưng.
- Trò ăn bánh nướng được phủ mật mía hoặc siro treo trên cây bằng dây và người chơi phải ăn mà không được sử dụng tay. Điều này khiến cho những người tham gia sẽ kết thúc với gương mặt dính đầy siro.
- Kể chuyện ma và xem phim kinh dị mùa Halloween…
Lịch sử trò chơi Trick-or-Treat
Trick-or-treat là một phong tục truyền thống cho trẻ em vào đêm Halloween bắt đầu vào cuối những năm 1950 ở Bắc Mỹ. Những đứa trẻ sẽ mặc trang phục hóa trang và xách theo một túi đựng kẹo từ nhà này sang nhà khác để đòi kẹo với câu hỏi: “Trick or treat?”, có nghĩa là “Lừa hay lộc?” hay “Cho kẹo hay bị ghẹo?”. Nếu chọn “Treat”, chủ nhà có thể để sẵn kẹo ở ngoài cổng được trang trí các hình nhựa, giấy, bộ xương và đèn bí ngô… hoặc đưa trực tiếp cho lũ trẻ. Và nếu chọn “Trick”, chủ nhà sẽ bị những đứa trẻ nghịch ngợm và chọc phá. Còn ở Tây Ban Nha, các bạn nhỏ sẽ thay câu hỏi “Trick or treat?” thành “¿me da mi calaverita”, có nghĩa là “Bạn có thể cho tôi hộp sọ nhỏ của tôi được không?”, trong đó “calaverita” có nghĩa hộp sọ nhỏ làm bằng đường hoặc chocolate.
Các món ăn truyền thống được phục vụ trong lễ hội Halloween
Một số món ăn truyền thống sẽ được tại lễ hội trong mùa Halloween này là kẹo táo, bánh kếp khoai tây, bánh ngọt linh hồn, súp bí đỏ, Barnbrack, Colcannon.
- Súp bí đỏ: Vì trái bí đỏ là một biểu tượng không thể thiếu đối với lễ hội Halloween nên món súp từ loại củ quả bổ dưỡng là món ăn không thể thiếu. Bí đỏ được xắt hạt lựu thường được nấu với thịt bò hay thịt cừu cùng các rau củ khác rồi thêm sữa hoặc kem tươi để tăng thêm độ béo ngậy và thơm ngon.
- Kẹo táo: Những quả táo được nhúng qua siro hoặc caramel hoặc đường đỏ vô cùng đẹp mắt chính là món ăn được trẻ em vô cùng yêu thích trong mùa lễ hội này.
- Bánh linh hồn: Người ta quan niệm rằng, được ăn những chiếc bánh này khi thức dậy và đi lại trên Trái Đất vào ngày Halloween, các linh hồn sẽ không làm tổn hại đến con người nữa. Bánh linh hồn truyền thống chỉ đơn giản là những chiếc bánh quy có nho khô được tạo hình chữ thập trên bề mặt chiếc bánh. Ngày nay, để thêm phần rùng rợn và đặc sắc, người ta thường trang trí thành nhiều hình thù như đầu lâu, ma quỷ, con nhện…
- Boxty pancakes: đó là một loại bánh pancake khoai tây được ăn kèm kem sữa béo ngậy Hy Lạp, nước đường làm từ cây thông và trang trí bằng rau quả và trái cây xung quanh.
- Bánh barnbrack: đây là một loại bánh tráng miệng không có công thức cố định nào. Điểm đặc biệt của nó là ẩn giấu những đồ vật mang ý nghĩa dự đoán tương lai như đồng xu, miếng vải và chiếc nhẫn. Đồng xu tượng trưng cho sự may mắn về tiền bạc. Miếng vải là ám chỉ khó khăn về tài chính còn chiếc nhẫn đem tới dự đoán về đời sống tình cảm của người được nhận.
- Colcannon: là món bánh gồm khoai tây nghiền, rau cải xoăn, bắp cải, muối, hạt tiêu hòa trộn với nhau và cho thêm sữa, kem, tỏi tây, hành hay thịt bắp để thêm thắt vị đậm đà, ấm áp. Tương tự như bánh Barnbrack, bên trong bánh Colcannon cũng ẩn chứa đồng tiền hay chiếc bùa may mắn mang ý nghĩa tâm linh trong ngày lễ thú vị này.
—
Xem thêm:
Lược dịch: Ngọc Võ
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ countryliving