Văn hóa / Thế giới văn hóa

6 thiên tài mắc hội chứng Asperger đã góp phần thay đổi thế giới

Asperger là một dạng rối loạn tự kỷ ảnh hưởng đến thế giới quan và kỹ năng giao tiếp của người bệnh. Đây được coi là hội chứng của những thiên tài bởi nhiều tài năng xuất chúng trong lịch sử thế giới như Isaac Newton, Wolfgang Mozart, Ϲharles Darwin… đều mắc phải căn bệnh hiếm gặp này.

Cùng ELLE điểm danh 6 thiên tài lỗi lạc đã tận tụy cống hiến cả cuộc đời mình cho sự phát triển của nhân loại nhé!

Tổng quan về hội chứng Asperger

Hội chứng Asperger là một bệnh sinh học thần kinh được nhà bác học người Áo Hans Asperger phát hiện vào năm 1944 sau quá trình dài nghiên cứu về những người trẻ tuổi thông minh, ngôn ngữ phát triển bình thường nhưng mắc phải một dạng tự kỷ nhẹ, dẫn đến khả năng tương tác xã hội hạn chế.

thiên tài cô gái một mình
Ảnh: Unsplash

Những người bị bệnh Asperger thường biểu hiện nhiều dạng rối loạn thần kinh như thích sống đơn độc, giao tiếp kém và có tính cách hay thói quen kỳ lạ. Tuy thường xuyên lo lắng hoặc ám ảnh mạnh mẽ về các chủ đề mà bản thân quan tâm nhưng họ lại khá thờ ơ, vô tâm với những diễn biến thường nhật xung quanh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng gặp phải nhiều khó khăn trong việc giải nghĩa lời nói phức tạp hoặc diễn đạt ý kiến cá nhân ở từng ngữ cảnh cụ thể một cách vụng về.

Theo nhiều nghiên cứu, vị giác, khứu giác của những người mắc hội chứng Asperger khá nhạy cảm. Do đó, họ thường dễ bị âm thanh, ánh sáng kích động. Vì có cảm nhận khác biệt về thế giới xung quanh nên họ cư xử có phần quái dị, kỳ quặc. Thế nhưng, điều này bắt nguồn từ cấu tạo bẩm sinh khác biệt của hệ thần kinh chứ không phải bởi sự khiếm nhã, bất lịch sự.

thiên tài cô gái uống cà phê ban công
Ảnh: Unsplash

Một số triệu chứng của người mắc bệnh Asperger:

  • Nói năng như “người máy” hoặc lặp đi lặp lại
  • Thiếu tương tác bằng mắt khi giao tiếp
  • Gặp khó khăn trong giao tiếp phi ngôn ngữ (cử chỉ, tư thế, biểu cảm gương mặt…)
  • Có xu hướng thích nói chuyện một mình hơn trò chuyện cùng người khác
  • Nắm bắt các vấn đề cảm xúc/xã hội kém cũng như không có khả năng hiểu được các cụm từ mang nghĩa bóng
  • Cử động vụng về hoặc kiểu cách
  • Ám ảnh một vài chủ đề cụ thể

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân sở hữu trí thông minh vượt trội. Một số người trở thành thiên tài trong một hoặc nhiều lĩnh vực.

6 thiên tài mắc hội chứng Asperger đã góp phần thay đổi thế giới

1. Michelangelo (1475 – 1564)

danh hoạ Michelangelo
Ảnh: MIA

Được mệnh danh là “gã khổng lồ” của nền nghệ thuật thời Phục hưng, Michelangelo là một trong những họa sĩ, nhà thơ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc xuất sắc nhất trong lịch sử nước Ý. Trong suốt cuộc đời, bậc thầy hội họa này chọn cách sống cô độc, khép kín. Vốn là người cầu toàn, ông bị ám ảnh sâu sắc bởi thế giới độc đáo trong các kiệt tác của bản thân. Dưới con mắt người đương thời, Michelangelo là một người nghệ sĩ nóng nảy, khó tính và thường phản ứng mạnh mẽ trước sự chê bai, công kích từ người khác. Người ta còn đồn rằng, sinh thời, ông rất ghét tắm gội cũng như luôn tự hào về lối sống khiêm tốn của mình.

2. Isaac Newton (1643 – 1727)

thiên tài Isaac Newton
Ảnh: FEE

Là người khám phá định luật vạn vật hấp dẫn, nguyên lý bảo toàn động lượng, chứng minh nhị thức Newton tổng quát, phát triển phép tính tích phân – vi phân và phát hiện sự tán sắc ánh sáng, Isaac Newton được Hội đồng Hoàng gia Luân Đôn đánh giá là nhà khoa học vĩ đại và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, hơn cả Albert Einstein. Với bộ óc xuất chúng của mình, Newton đã đạt được thành tựu rực rỡ trong nhiều lĩnh vực như vật lý, thiên văn, toán học, triết học, thần học, giả kim thuật.

Tuy nhiên, ông cũng nổi tiếng là nhà bác học lập dị. Theo các ghi chép, Newton là một người rất lãnh đạm, hiếm khi kết bạn, dễ nổi cáu, nhạy cảm trước những lời chỉ trích và cực kỳ ghen tị. Bên cạnh đó, ông còn sống dựa vào nhiều thói quen cứng nhắc, ví dụ, nếu đã lên kế hoạch thuyết giảng thì ông nhất định sẽ hoàn thành bài giảng dù có người nghe hay không. Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu còn nghi ngờ Newton mắc một số chứng bệnh thần kinh khác như loạn thần, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực…

3. Thomas Jefferson (1743 – 1826)

thiên tài tổng thống Thomas Jefferson
Ảnh: Business Insider India

Là tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, Thomas Jefferson đã sáng lập Đảng Dân chủ và là một trong những người theo đuổi chủ nghĩa tự do nhiệt thành nhất thời cận đại. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ, Đạo luật Virginia về tự do tín ngưỡng, đồng thời là cha đẻ của trường đại học Virginia. Thời trẻ, Thomas Jefferson là một thanh niên nhút nhát, hiền lành, chỉ thích lắng nghe và quan sát. Bên cạnh nhiều thói quen kỳ lạ, ông cũng rất nhạy cảm với tiếng ồn và thường gặp khó khăn khi nói chuyện trước đám đông.

4. Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791)

thiên tài âm nhạc Wolfgang Amadeus Mozart
Ảnh: Wikipedia

Là nhà soạn nhạc thiên tài người Áo, Mozart là một trong những người có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đối với nền âm nhạc cổ điển châu Âu. Ông đã cống hiến gần 600 kiệt tác trong suốt 35 năm cuộc đời mình. Khi lên 3 tuổi, Mozart đã có thể bắt chước chuẩn xác những âm thanh mà ông nghe được.

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, Mozart mắc nhiều rối loạn thần kinh, bao gồm hội chứng Asperger và hội chứng Tourette với biểu hiện giật cơ, nhại lời người khác, lặp lại lời chính mình, biểu cảm gương mặt kỳ lạ. Mozart cũng bị ám ảnh bởi những suy nghĩ về vật thể vô tri và có tâm trạng thay đổi thất thường. Ngoài ra, có một giai thoại kể rằng, ông từng nhảy lên bàn ghế, kêu và nhào lộn như một con mèo.

5. Ϲharles Robert Darwin (1809 – 1882)

nhà sinh học Ϲharles Robert Darwin
Ảnh: Feel Grafix

Darwin, nhà sinh học thiên tài của nước Anh, là cha đẻ của thuyết tiến hóa. Ông đã dành toàn bộ tâm huyết để giải thích quy luật phát triển của các loài cũng như chứng minh rằng mọi loài sinh vật đều tiến hóa theo thời gian từ cùng một nguồn gốc.

Từ nhỏ, Darwin đã là một đứa trẻ cô độc. Ngay cả khi trưởng thành, ông vẫn luôn hạn chế giao tiếp xã hội. Viết thư là hình thức trao đổi thông tin mà nhà khoa học này yêu thích. Bên cạnh đó, ông cũng thích sưu tầm đồ vật đồng thời sở hữu niềm say mê kỳ lạ với ngành hóa học. Ngoài ra, tư duy hình ảnh của Darwin cũng rất phát triển. Đây chính là đặc điểm thường thấy của những người mắc hội chứng Asperger.

6. Albert Einstein (1879 – 1955)

nhà vật lý Albert Einstein
Ảnh: Wikipedia

Albert Einstein là cha đẻ của thuyết tương đối, một trong hai trụ cột của ngành vật lý hiện đại. Năm 1921, ông nhận được giải Nobel Vật lý vì nhiều cống hiến giá trị đối với lĩnh vực vật lý lý thuyết và sự khám phá định luật của hiệu ứng quang điện.

Lúc nhỏ, Einstein là một đứa trẻ chậm nói. Mãi cho đến năm 4 tuổi, thiên tài này mới bập bẹ những từ ngữ đầu tiên. Từ năm 7 tuổi, ông bắt đầu sống đơn độc và thường lặp đi lặp lại cùng một câu nói. Thêm vào đó, ông cũng nổi tiếng bởi nhiều phát ngôn vô cùng khó hiểu. Mặc dù khi trưởng thành, Einstein đã kết giao thêm nhiều bạn mới đồng thời tham gia những buổi diễn thuyết về các vấn đề chính trị nhưng với lối sống kỳ quặc của mình, ông luôn bị nghi ngờ mắc hội chứng Asperger.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Xuân Mai Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Learning Mind
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)