Có lẽ rất nhiều người sẽ cầm cuốn sách này lên vì tựa đề của nó. Và đa phần trong số họ, cũng giống như tác giả bài viết, nghĩ nó là một câu chuyện tình cảm lãng mạn buồn đẫm nước mắt nào đó.
Ấy thế mà đoạn giới thiệu tóm tắt lại là câu chuyện hoàn toàn khác với cái tựa không thể lừa tình hơn. Nó viết về tình cảm gia đình.
“Người ta không bao giờ biết khi nào sẽ là lần cuối cùng được gặp cha mình, được chơi với em trai mình, nhưng bao giờ cũng có lần cuối cùng. Nếu có thể nhớ mọi lần cuối cùng, người ta sẽ không bao giờ nguôi thương tiếc” (trích đoạn).
Dù không phải chuyện tình buồn như mong đợi nhưng lại quyết định mua vì câu trích này. Nó đủ chân thực, đủ xúc động và đủ gây tò mò.
Lối dẫn dắt mang phong cách hiện đại đã bao trùm ngay trừ những trang đầu tiên. Cuốn sách hệt như một kịch bản phim hài tình cảm đặc trưng kiểu Mỹ. Kiểu như những bộ phim của Adam Sandler, đầy rẫy những tình tiết hài hước đến lố lăng, liên tục cợt nhả thô lỗ về tình dục điển hình của người Mỹ, nhưng lại không thiếu sự xúc động và tính nhân văn.
Đây còn là một cuốn sách thú vị về phái mạnh, về tâm lý đàn ông, về tình yêu của họ với vợ con và gia đình.
Tóm tắt câu chuyện ngắn gọn một chút. Cái chết của người cha đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều năm 4 anh chị em nhà Foxman có dịp tái ngộ. Họ tuy cùng huyết thống nhưng đã không còn muốn nhìn mặt nhau. Mỗi người một nơi và giờ đây trở về đoàn tụ với lý do không mấy hứng khởi: chịu tang cha. Tất cả đều bầm dập rã rời vì cuộc đời – tình yêu lỡ dở, hôn nhân trắc trở, sự nghiệp đổ vỡ – họ buộc phải quay lại ngôi nhà thời thơ ấu, dành 7 ngày đêm bên cạnh nhau để tang. Tuần lễ nhanh chóng vuột khỏi tầm kiểm soát khi những mối hận hằn sâu từ từ lộ ra, những bí mật được tiết lộ và bao đam mê xưa được đánh thức.
Không giáo điều, tất cả những thứ tình cảm anh em, vợ chồng, bố mẹ – con cái được lột tả chân thực hơn bao giờ hết. Nhiều tình tiết xảy ra khiến cho câu chuyện như đi vào bế tắc. Vấn đề không những không được giải quyết mà cứ ngày càng phức tạp. Từ nói mỉa đến gây lộn và thậm chí là đánh nhau tay đôi, anh chị em nhà Foxman dường như không thể chịu nổi nhau dưới cùng một mái nhà. Vậy mà bằng một cách nào đó, cho đến đoạn cuối của câu chuyện, người đọc chợt nhận ra, ừ nhỉ, đó mới chính là gia đình. Khắc khẩu là thế, tranh luận mâu thuẫn là thế nhưng rồi ai sẽ sẵn sàng xuất hiện để an ủi khi bạn cảm thấy mình đã thảm hại thực sự. Chính là người chị gái luôn chọc quê bạn, là người anh trai luôn coi thường bạn và là người mẹ vô tâm chỉ lo chải chuốt chứ ai.
Trên nền cốt truyện về tình cảm gia đình là mối quan hệ vợ chồng phức tạp của nhân vật nam chính khi phát hiện vợ mình ngoại tình với chính ông sếp anh luôn nể trọng. Mọi diễn biến tâm lý từ căm phẫn, hồi tưởng đến rộng lòng tha thứ vì còn quá yêu thương đều được đặc tả đúng với tâm lý của một người đàn ông chân chính.
Xen lẫn điểm xuyết vào đó là người chị dâu trước từng là bạn gái giờ cầu xin anh hãy cho cô một đứa con để gia đình được êm ấm bởi cô đã quá mệt mỏi với áp lực hiếm muộn bấy lâu nay; là mối quan hệ bị che giấu từ lâu của người mẹ đồng bóng với bà hàng xóm tốt bụng; là sự quậy phá của cậu em út; là tình yêu vụng trộm thầm kín của người chị gái với anh bạn cạnh nhà… Tất cả bổ trợ cho nhau dựng nên một kịch bản phim nhiều tuyến nhân vật, phong phú về tình tiết mang tính giải trí cao.
Và đó chẳng phải cũng chính là những “ràng buộc mãn đời” của bất cứ ai dù bạn có thích hay không đấy sao?
—
Xem thêm:
Review sách hay – Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản
Review sách hay: Mark Boyle – Kẻ đi ngược dòng thời cuộc
Nhóm thực hiện
Loan Phùng (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)