Câu chuyện về những nữ vận động viên và hành trình khẳng định nữ quyền
Có thể nói, chính những nữ vận động viên này đã thành công trong việc thay đổi vận mệnh của nữ giới trong ngành công nghiệp thể thao.
Từ lâu, nữ vận động viên thường có phần “lép vế” hơn so với nam giới trên mọi mặt trận. Dù là điền kinh, bơi lội hay đá bóng, họ luôn ít được giới truyền thông quan tâm và chăm sóc đúng mực. Có lẽ vì mang danh “phái yếu” nên họ mặc nhiên bị bỏ lơ dù nỗ lực của các quý cô yêu thể thao này không hề thua kém bất kỳ ai. Thế nhưng, mọi chuyện của ngày hôm nay đã khác khi phụ nữ bắt đầu trở thành một biểu tượng mới trên toàn thế giới. Bất kể ngành nghề, công việc nào cũng đều có bóng dáng của người phụ nữ, và quan trọng hơn hết, họ dám đương đầu và gặt hái được rất nhiều thành công.
Trong Thế vận hội Mùa Đông 2018 được tổ chức tại Pyeongchang, Hàn Quốc, rất dễ để chúng ta thấy rằng các nữ vận động viên đã xuất hiện và có cơ hội sánh vai với các nam vận động viên trong các bộ môn thể thao vốn luôn được gắn liền với hình ảnh mạnh mẽ của nam giới. Và hẳn nhiên, đó là những người phụ nữ đẹp nhất trong mùa Olympic năm nay.
Stela Savin, Moldova
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Roma, là thành viên thứ 5 trong gia đình có 7 người con, Stela Savin sớm có ước mơ trở thành nhà vô địch thế giới bộ môn boxing. Theo truyền thống của quê nhà, phụ nữ không cần phải chuyên tâm học hành mà quan trọng hơn hết là tìm cho mình người bạn đời phù hợp và sớm kết hôn, sinh con. Stela là trường hợp ngoại lệ khi thay vì thuận theo gia đình, cô chăm chỉ làm việc để phụ giúp ba mẹ, đổi lại, cô luôn mong muốn được mọi người ủng hộ quyết định theo đuổi đam mê của mình. Khi được các nhà báo phỏng vấn, cô mạnh dạn chia sẻ cảm nghĩ của mình về quê nhà. Theo đó, cô hoàn toàn tôn trọng truyền thống của nơi mình được sinh ra, thế nhưng Stela hoàn toàn không chấp nhận việc bỏ học giữa chừng và an nhàn trong cuộc sống gia đình. Đối với cô, phụ nữ hoàn toàn có thể làm được nhiều công việc của đàn ông và có khi lại làm tốt hơn cả phái mạnh.
Hajra Khan, Pakistan
Nữ vận động viên bóng đá này từng làm nên lịch sử trong giải Bóng đá nữ Quốc gia tại Pakistan và Hiệp hội Phụ nữ Maldives vào năm 2014. Không chỉ là một vận động viên chuyên nghiệp, Hajra còn có khát vọng được truyền lại ngọn lửa nhiệt huyết của mình cho những người bạn cùng giới tại quê nhà. Với cô, mở ra một học viện chính quy chuyên về đá bóng là ước mơ cũng như hoài bão mà cô đang từng ngày ấp ủ. Cũng như bao nữ vận động viên khác, Hajra mong mỏi giới truyền thông có cái nhìn khách quan hơn về việc phụ nữ tham gia thể thao, cũng như cho phép họ được toả sáng với niềm đam mê của mình. Cô cũng trông chờ sự thay đổi trong định kiến của mọi người trên khắp thế giới về thể thao, khi không chỉ có nam giới mà ngay cả phụ nữ vẫn có thể trở thành nhà vô địch tương lai.
Adrielle Alexandre, Brazil
Đối với cô bé chỉ vừa 12 tuổi Adrielle, người từng được trao nhiệm vụ giữ ngọn đuốc Olympic tại Rio vào năm 2016, sự chiến thắng không chỉ thể hiện ở việc trở thành vận động viên thể dục nhịp điệu tại Olympic mà quan trọng hơn là nhận được sự tôn trọng từ tất cả mọi người. Cô bé còn là thành viên thuộc One Win Leads to Another, một chương trình được tổ chức bởi Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với Ủy ban Olympic Brazil nhằm khuyến khích thế hệ trẻ vận động viên mạnh dạn theo đuổi ước mơ cũng như chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Dù vẫn còn khá ít tuổi nhưng Adrielle nhận thức được rất rõ hướng đi trong tương lai của mình và luôn từng ngày nỗ lực hết sức cho niềm đam mê ấy.
Abby Wambach, Mỹ
Nữ vận động viên Abby Wambach từng 2 lần đoạt được huy chương vàng tại Olympic, đồng thời giữ chức vô địch thế giới nữ tại Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Không chỉ là một nữ cầu thủ ghi bàn quốc tế hàng đầu thế giới mà cô còn là người dùng sức ảnh hưởng của mình để lên tiếng lấy lại quyền bình đẳng cho các công nhân trên toàn thế giới. Sau khi giã từ sân bóng vào năm 2015, Abby đã dành toàn bộ thời gian của mình cho việc vận động và khuyến khích mọi người đấu tranh cho sự bình đẳng trong thể thao, cụ thể là nêu cao tiếng nói của các vận động viên nữ. Cô từng lên tiếng cho rằng sự bất công không chỉ dừng lại ở khoản tiền mà cô và các bạn nữ đồng nghiệp nhận được, mà còn là một trở ngại rất lớn trong việc tìm kiếm cơ hội cho bản thân.
Flor Isava-Fonseca, Venezuela
Là một trong những người phụ nữ đầu tiên góp mặt tại Ủy ban Olympic Quốc tế vào năm 1981, Flor Isava-Fonseca đã làm việc không mệt mỏi để từng ngày nêu cao sức mạnh của phụ nữ trong ngành thể thao thế giới. Trải qua vô vàn khó khăn và sự phân biệt giới tính, nữ vận động viên này đã xuất sắc lọt vào Ban chấp hành IOC (Ủy ban Olympic Quốc tế) vào năm 1990. Chia sẻ về khoảng thời gian đầu có mặt trong Ban chấp hành, bà cho biết hầu như chẳng ai chịu lắng nghe bà. Có tất cả 11 vị và không ai trong số họ cảm thấy muốn nghe quan điểm của bà. Nhưng sau tất cả, mọi người dần có cái nhìn thiện cảm và tích cực hơn với nữ đồng nghiệp của mình và cứ như thế, Flor từng bước “xoay chuyển thắng lợi” cho phái nữ.
Khalida Popal, Afghanistan
Vào năm 2007, Khalida Popal trở thành gương mặt đại diện cho bóng đá nữ tại Afghanistan với tư cách là đội trưởng đầu tiên của đội bóng đá quốc gia. Đối với cô, trở thành một vận động viên chính là cách để bản thân có cơ hội được lên tiếng bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Sau nhiều năm sinh sống tại quê nhà với bối cảnh không mấy an toàn của xã hội, cô quyết định cùng gia đình chuyển đến Đan Mạch và tiếp tục cống hiến sức lực cho thể thao. Bản thân cô từng bộc bạch, tại Afghanistan, phụ nữ luôn bị ngược đãi và không hề được xem là con người. Bóng đá giúp cô nhận ra rằng phụ nữ có thể bảo vệ lẫn nhau và ai cũng có quyền được sống và làm việc theo cách bình đẳng nhất. Cô muốn truyền tải thông điệp ý nghĩa này cho tất cả phụ nữ tại quê nhà để họ có thể mạnh dạn, tự tin hơn khi đối mặt với khó khăn trong cuộc sống.
—
Xem thêm:
Lược dịch: Đào Dreamer (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/UNWomen)