Văn hóa / Thế giới văn hóa

Phim Pachinko: Vượt thoát khỏi tiểu thuyết gốc 

Được đánh giá là một trong những bộ phim hay nhất năm 2022 khi mới chỉ gần nửa năm trôi qua, điều gì làm nên sức hút của một tác phẩm đa ngôn ngữ qua nhiều biên giới?

TRỌNG TÂM HƯỚNG VỀ QUÁ KHỨ

Tuy được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Min Jin Lee, biên kịch Soo Hugh và đạo diễn Justin Chon đã khéo léo đưa bộ phim đi xa hơn thế, trở thành minh chứng cho một thời đoạn lịch sử đã qua của người zainichi – cộng đồng người Hàn ở Nhật. Nếu cuốn tiểu thuyết gốc được viết dựa trên bối cảnh lịch sử có thật, từ đó khơi gợi nên tính nhân văn cũng như thắp nên ánh sáng của nhân tính; thì bản chuyển thể lại hướng trọng tâm về tình cảnh của cộng đồng zainichi và những gì họ phải trải qua trong một thời kỳ đảo điên.

ba cô gái trong phim pachinko
Một cảnh về cộng đồng người zainichi trong Pachinko (Ảnh: Juhan Noh/Apple TV+)

Điều này thể hiện đầu tiên ở việc xây dựng đường dây song song giữa câu chuyện của Solomon từ năm 1989 và của Sunja ở Osaka vào những năm đầu thập niên 1930. Trong tác phẩm gốc, nhân vật người cháu Solomon là thế hệ cuối cùng và chỉ xuất hiện ở phần cuối truyện như đại diện cho thông điệp: dẫu hơn 80 năm trôi qua, góc nhìn về một “ngoại tộc” của người Nhật vẫn chưa bao giờ được xóa bỏ mà chỉ ngày càng trầm trọng hơn. Với việc triển khai đồng thời này, vấn đề chủng tộc được tô đậm thêm khi cũng như thế hệ cha chú, Solomon cũng phải đối phó với những gì mình phải trải qua vì là mảnh ghép không hoàn toàn trùng khớp với một nước Nhật đang vươn mình.

nhân vật solomon phim pachinko
Solomon (Jin Ha). (Ảnh: Apple TV+)

Việc chú trọng vào cảnh huống này cũng được thể hiện ở tập 7, khi xoáy sâu vào cuộc đời cũng như hành trình của nhân vật Hansu cùng những đồng bào Bắc Hàn của mình. Khi trận động đất ở vùng Kanto xảy ra vào năm 1923, nhiều người Bắc Hàn đã bị đổ tội và sau đó là bị sát hại vì cho rằng đã thực hiện hành vi tàn phá đối với người Nhật sau cơn thiên tai. Đây hoàn toàn là chi tiết không xuất hiện trong tiểu thuyết gốc của Min Jin Lee mà được thêm phim vào để phản ánh những bất công mà cộng đồng người Bắc Hàn phải chịu.

lee min ho và kim min ha trong pachinko
Sunja (Kim Min Ha) và Hansu (Lee Min Ho (Ảnh: Apple TV+)

Tuy nhiên, điều này cũng là một con dao hai lưỡi. Đối với những người trung thành với tiểu thuyết gốc thì bản chuyển thể đã bỏ qua các yếu tố của một tiểu thuyết nhân văn, đậm đặc nhân tính. Kịch bản không hề nhấn mạnh việc cậu con trai Noa trở thành nguồn an ủi của Sunja sau khi Isak chết, đồng thời bỏ qua thời đoạn Đệ nhị Thế chiến khi Yangjin đến ở cùng với con gái Sunja ở nông trang của lão Tamaguchi, thay vào đó lại tập trung quá nhiều về tình trạng yếm thế của người Hàn ở Nhật. Dù ít dù nhiều thì đây cũng là một thiếu sót lớn, vì cũng nhờ nó mà Min Jin Lee được đặt vào hàng những tiểu thuyết gia lớn nhất, và Pachinko thì thành công vang dội

DIỄN XUẤT XUẤT SẮC CỦA DÀN DIỄN VIÊN 

Dàn diễn viên của Pachinko cũng là một điểm sáng lớn khiến cho bộ phim gây sốt toàn cầu. Ngoài Lee Min Ho là “mỹ nam” được nhiều khán giả quốc tế yêu thích, nữ diễn viên gạo cội Youn Yuh Jung cũng đảm bảo được sức hút sau thành công lớn trước đó của phim điện ảnh độc lập Minari. Ngoài ra, tân binh Kim Min Ha thủ vai Sunja lúc trẻ cũng có được màn tỏa sáng đáng nhớ, với các phân đoạn phô bày được nhiều cảm xúc và để lại dấu ấn.

kim min ha pachinko
Kim Min Ha trong vai Sunja. (Ảnh: Apple TV+)

Diễn xuất của Lee Min Ho trong Pachinko là một bất ngờ lớn. Anh đã có màn trình diễn khá ấn tượng và phần nào thoát mác “mỹ nam một màu” sau thất bại có phần ê chề ở màn trở lại sau 3 năm nhập ngũ trong The King: Eternal Monarch. Với vẻ chững chạc của sự trưởng thành, đi từ các phần xuất hiện chớp nhoáng trong những tập đầu phim, nam diễn viên chiếm sóng toàn bộ tập 7. Đây là màn thể hiện rất đáng ghi nhận dẫu cho trước đó anh đã từng thử nhưng không thành công ở City Hunter (2011) và Gangnam Blues 1970 (2015). Tuy không thể nói là quá xuất sắc nhưng Lee Min Ho đã cho thấy việc dám dấn thân và ra khỏi vùng an toàn của mình.

lee min ho đội mũ trắng pachinko
Lee Min Ho trong vai Koh Hansu. (Ảnh: Apple TV+)

Với kỹ năng “diễn như không diễn” bậc thầy, huyền thoại Youn Yuh Jung thêm một lần nữa chứng minh vì sao bà không cần phải đến những buổi thử vai. Màn hóa thân vào Sunja ở tuổi xế chiều của bà gợi nhiều cảm xúc, khi cũng tương tự các bậc ông bà cha mẹ Á Đông, người xem có thể cảm nhận được sự cô độc của người phụ nữ đã trải qua quá nhiều truân chuyên. Phân cảnh bà cùng diễn viên gạo cội Kim Young-ok (thủ vai Bokhee) nói về cái chết bên suối của Dokhee vì đã qua thời xuân xanh thật sự chạm đến cảm xúc người xem.

youn yuh jung pachinko
Diễn xuất bậc thầy của Youn Yuh Jung trong Pachinko. (Ảnh: Apple TV+)

KHOẢNH KHẮC ĐÁNG NHỚ

Nắm bắt được việc xây dựng song song giữa hai mạch truyện chính, bản phim đã khai thác một cách xuất sắc các phân đoạn chuyển cảnh với những hình tượng tương đồng cũng như tình tiết đối nghịch, như ngụ ý rằng lịch sử vẫn chưa khi nào thay đổi. Đó là sự tương quan trong mối quan hệ của Solomon và Hana với Sunja và Hansu, hay là cái chết của người chị dâu Kyunghee chuyển tiếp một cách khéo léo sang cảnh sinh nở của Sunja, như vòng nối tiếp sinh lão bệnh tử… Những điểm chuyển mượt mà này là một thành công lớn, khi người xem cảm nhận được câu chuyện đã được nói ra một cách rõ ràng, rành mạnh và được liên kết chắc chắn hết mức có thể.

cảnh phim pachinko
Ảnh: Apple TV+

Ngoài ra, bộ phim cũng có rất nhiều phân đoạn lấy được cảm xúc của người xem. Đó là việc phân biệt gạo Nhật và gạo quê hương của Sunja khi ở trong nhà của người phụ nữ không chịu bàn giao giải tỏa, là hình ảnh cơm trắng nghi ngút khói cao vào ngày Isak cưới được Sunja, vào ngày đầu tiên ở Nhật, và cuối cùng là khi Sunja gặp lại Dokhee… Đó cũng là một cảnh tượng gây nhiều ám ảnh, về cô đào hát opera tự sát trên sân khấu lớn do đã chán ngán và dần suy sụp vì bị lợi dụng bởi những người Nhật ở bên cạnh cô…

cảnh phim lễ cưới isak và sunja pachinko
Cảnh cơm trắng nghi ngút khói vào ngày cưới của Isak và Sunja. (Ảnh: Apple TV+)

Ở tập cuối cùng, những thước phim tài liệu “người thật – việc thật” cũng được khéo léo thêm vào, để tạo nên một kết thúc hoàn chỉnh cho việc phơi bày số phận của cộng đồng người zainichi. Không chỉ bước ra từ tiểu thuyết,các cụ bà đến nay đã tám – chín chục tuổi kể lại tuần tự những nỗi đau đớn khi phải chứng kiến cái chết cũng như thời đoạn vô cùng đảo điên. Những thước phim này cũng quán triệt tuyệt đối đường hướng xoáy sâu vào nỗi đau của người tha hương, từ đó làm nên một bộ phim độc lập và không bám quá nhiều vào tiểu thuyết gốc. 

Với những yếu tố kể trên, có thể thấy rằng bản chuyển thể phim Pachinko thống nhất từ đầu với cuối với sự đầu tư khủng, diễn viên đinh cao cũng như kịch bản gốc là cuốn tiểu thuyết đã quá nổi bật. Tuy vẫn còn nhiều tình tiết không thể khai thác vì dung lượng quá lớn của tác phẩm gốc cũng như quá tập trung vào các yếu tố chủng tộc, thế nhưng, ít nhiều, Pachinko đã mang đến được không khí của một thời gian khó quên và không thể quên, của những người Hàn ở Nhật. 

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Thuận Phát

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)