Phán quyết về quyền phá thai bị đảo ngược, nước Mỹ đang trải qua điều gì?

Đăng ngày:

Được tự do và làm chủ những gì thuộc về mình, trong đó có thân thể, là những khát vọng chính đáng của con người. Thế nhưng, những sự kiện gần đây dường như không thành toàn cho những khát vọng đó.

Ngày 24/6 vừa qua, Tòa án Tối cao Mỹ đã đảo ngược phán quyết “Roe v Wade” – vốn trao cho phụ nữ ở Mỹ quyền từ bỏ thai nhi của mình. Điều này đã làm dấy lên những luồng ý kiến trái chiều và sự phẫn nộ từ nhân dân, kéo theo đó là hàng nghìn cuộc biểu tình diễn ra trên khắp nước Mỹ. Quyết định đảo ngược phán quyết công nhận quyền phá thai của phụ nữ được dự đoán sẽ cho phép hơn một nửa số bang ở Mỹ cấm phá thai. Điều này sẽ gây tác động lâu dài và những ảnh hưởng không nhỏ đến đại bộ phận người dân xứ sở cờ hoa. 

Người dân biểu tình phản đối phán quyết đảo ngược quyền phá thai ở Mỹ

Ảnh: Pexels/Derek French

Quyền được phá thai ở Mỹ bắt nguồn từ khi nào?

“Roe v Wade” (Roe kiện Wade) là một phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao Mỹ kể từ năm 1973 nhằm hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc. 

Quyết định này liên quan đến trường hợp của Norma McCorvey, thường được biết đến với cái tên “Jane Roe” trong vụ kiện diễn ra vào năm 1970. Năm đó, bà 22 tuổi, đang mang thai đứa con thứ ba và muốn phá thai. Jane Roe đã đệ đơn kiện lên Tòa án liên bang Hoa Kỳ để chống lại công tố viên Henry Wade tại thành phố Dallas, nơi bà sống, vì người này cho rằng luật phá thai là vi hiến. 

Vào tháng 1/1973, Tòa án Tối cao Mỹ đã ban hành phán quyết 7-2 trong vụ “Roe v Wade”. Phán quyết ghi rằng các quyền riêng tư theo thủ tục tố tụng và các điều khoản về quyền bình đẳng của Bản sửa đổi Hiến pháp thứ 14 mở rộng tới quyết định phá thai của phụ nữ trong 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ “không bị nhà nước can thiệp”.

Vì sao phán quyết “Roe v Wade” bị đảo ngược?

Tòa Tối cao đánh giá phán quyết trong vụ kiện “Roe v Wade” cho phép phá thai trong ba tháng đầu của thai kỳ là quyết định sai lầm vì Hiến pháp Mỹ không đề cập cụ thể quyền phá thai.

Các bang giờ đây có quyền thông qua luật cấm phá thai. 26 bang được coi là chắc chắn hoặc có khả năng cấm phá thai. Sau phán quyết của tòa án, lệnh cấm phá thai của bang Utah chính thức có hiệu lực vào hôm thứ Sáu.

Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố: “Hiến pháp không trao quyền phá thai. Thẩm quyền ra quy định về việc phá thai được trả lại cho người dân và các quan chức dân cử“.

Với tình hình này, những người ủng hộ quyền phá thai nói chung và phụ nữ Mỹ nói riêng như chịu một đòn giáng nặng nề, bởi lẽ giờ đây, một trong những quyền cơ bản của con người là được làm chủ thân thể dường như bị tước đoạt hoàn toàn. 

Người dân biểu tình phản đối phán quyết đảo ngược quyền phá thai ở Mỹ

Ảnh: New Scientist

Những luồng ý kiến trái chiều

Phán quyết đảo ngược quyền phá thai chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Mỹ đã tạo nên những luồng ý kiến đối nghịch trong nhân dân. Những người phản đối phán quyết cho rằng đây là điều bất công với phụ nữ, bởi lẽ những người mang thai ngoài ý muốn như bị xâm hại sẽ không có quyền đưa ra những quyết định về thân thể cũng như cuộc đời mình. 

Người dân biểu tình phản đối phán quyết đảo ngược quyền phá thai ở Mỹ

Ảnh: CNBC

Theo The Guardian, những nhà ủng hộ hòa bình cho rằng: “Đời người phụ nữ sẽ bị hủy hoại hoàn toàn nếu cô ấy phải sinh đứa con là kết quả của việc bị cưỡng bức hay bị xâm hại trong chính gia đình mình”. 

Tuy nhiên, bên cạnh những người phản đối, vẫn có những người ủng hộ phán quyết. Họ cho rằng, hành vi phá thai là tước đi “quyền lựa chọn” của thai nhi và gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. 

Ảnh hưởng của phán quyết

Về mặt sức khỏe

Ngay sau khi Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra phán quyết, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã phát biểu rằng việc ngăn cấm phụ nữ phá thai sẽ càng khiến việc này trở nên tồi tệ hơn. Theo Reuters, người phát ngôn của Tổng thư ký đã trả lời phóng viên: “Những quyền lợi liên quan sức khỏe sinh sản và tình dục là nền tảng của những lựa chọn trong cuộc sống và quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới. Việc hạn chế  phá thai không khiến người ta dừng lại hành vi này mà còn khiến nó trở nên trầm trọng hơn”.

Người dân biểu tình phản đối phán quyết đảo ngược quyền phá thai ở Mỹ

Ảnh: Pexels/Derek French

Cơ quan sức  khỏe sinh sản và tình dục Liên Hợp Quốc đưa ra thông tin, 45% các ca phá thai trên thế giới là thiếu an toàn, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho các bà mẹ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã nêu quan điểm trên Twitter rằng việc loại bỏ quyền phá thai sẽ khiến phụ nữ gặp nguy hiểm và dẫn tới những hệ lụy liên quan đến tính mạng nếu họ tiếp cận hành vi phá thai phi pháp. 

Theo trang The Conversation, ở những quốc gia hạn chế hoặc xem hành vi phá thai là phi pháp, phụ nữ có xu hướng chịu những ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến sức khỏe như nhiễm trùng, xuất huyết hoặc thủng âm đạo. Những người bị bắt buộc mang thai đủ tháng cũng có tỷ lệ tử vong cao.

Về mặt kinh tế

Không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, việc phán quyết “Roe v Wade” bị đảo ngược còn gây ra những ảnh hưởng về mặt kinh tế. 

Trình bày báo cáo trước Ủy ban Phân bố Ngân sách Thượng Viện Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen cho rằng hạn chế những quyền về sinh sản của phụ nữ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Bà Yellen phát biểu thêm: “Phán quyết Roe v Wade và quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong đó có phá thai, giúp gia tăng nguồn lực lao động. Nó cho phép phụ nữ được đi học và tạo tiềm năng kiếm thu nhập cho họ trong tương lai. Nó cũng cho phép phụ nữ lên kế hoạch và cân đối giữa gia đình và sự nghiệp”.

Theo CNN Business, các nhà kinh tế học cho rằng những người phụ nữ mong muốn phá thai nhưng bị từ chối sẽ có tỷ lệ đói nghèo, tỷ lệ thất nghiệp cao và cần nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ. Điều này gây ảnh hưởng đến tương lai của những đứa trẻ và ảnh hưởng đến sự bền vững của nền kinh tế. 

Tương lai sau phán quyết của tòa án tối cao

Theo một website liên kết của tổ chức Planned Parenthood, một tổ chức về chăm sóc sức khỏe tình dục Mỹ, việc di chuyển sang bang khác để phá thai vẫn hợp pháp. 

Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc nhiều phụ nữ sẽ phải di chuyển xa mới có thể phá thai. Khoảng cách địa lý sẽ gây khó khăn cho nhiều người, đặc biệt là những người phụ nữ có thu nhập thấp. 

Từ năm 2020, phá thai bằng thuốc – một phương pháp sử dụng hai viên mifepristone và misoprostol – đã trở nên phổ biến ở Mỹ. Trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, cục quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép bác sĩ kê thuốc từ xa và giao thuốc mà không cần thăm khám trực tiếp. 

Những bang hạn chế phá thai sau phán quyết của Tòa án Tối cao đang cố gắng chấm dứt hành vi phá thai bằng thuốc. Tuy nhiên, rất khó để ngăn chặn hoàn toàn việc vận chuyển thuốc qua đường bưu điện. Bên cạnh đó, vì FDA thông qua phương pháp này, dẫn đến mâu thuẫn với luật liên bang và có thể gây ra nhiều xung đột trong tương lai. 

Người dân biểu tình phản đối phán quyết đảo ngược quyền phá thai ở Mỹ

Ảnh: NBC

Phán quyết của Tòa án Tối cao đã khiến nước Mỹ đi ngược lại với những quốc gia đang cố gắng đấu tranh cho quyền tự do của con người. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh của nhân dân xứ sở cờ hoa cho quyền phá thai vẫn sẽ tiếp diễn. 

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Tân

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more