Phan Thị Vàng Anh: Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa
[Tạp chí ELLE – 8/2016] Đọc “Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa”, cuốn sách mới nhất của Phan Thị Vàng Anh sau 12 năm vắng bóng, có thể sẽ có người thốt lên đòi trả lại chị Thảo Hảo sắc sảo, chua cay và đáo để một thời. Nhưng mà, làm sao viết ra những chua cay xoáy riết với tâm thế của một người đàn bà đã có chút… tuổi, “không còn háo hức như xưa” nữa?
Không còn háo hức, nghĩa là không còn tò mò và cảm thấy thú vị trước những điều mới mẻ. Không còn háo hức, nghĩa là cuộc sống chỉ đến thế mà thôi. Nghĩa là hết ý muốn tranh đấu. Và nhà văn của một thời Hoa muộn, Khi người ta trẻ, Hội chợ, Nhân trường hợp chị Thỏ Bông,… đã chọn điểm nhìn của một người đàn bà… không còn háo hức như xưa ấy để viết.
Nói như thế không có nghĩa người đàn bà của văn chương nữ quyền này bớt đi cái vẻ đáo để của chị. Phan Thị Vàng Anh cho đến cuối cùng vẫn là một “Nguyễn Huy Thiệp mặc váy” như nhà văn Nguyễn Khải có lần nhận xét. Có điều, cái vẻ sắc sảo, chua cay, đáo để ngày xưa ấy giờ đây khoác một chiếc áo mới, mềm mại hơn, đa chiều hơn, trầm tĩnh hơn dù trên mỗi trang viết vẫn còn đó chất tưng tửng rất… Vàng Anh. Trong Về hưu: Rời tập thể rồi tan vào đám đông, chị viết thế này: “Rời tập thể cũng có khi là để tan vào đám đông, thôi kỳ vọng cái tôi làm ra những điều đặc biệt. Người về hưu chắc cũng nên tập quên bớt mình là ai, mình từng là ai, càng bé lại, thấp lại, càng sống được nhiều đời sống hơn, căn bản mà có ích, hệt như bụi đất mà mỗi người rồi sẽ trở về”. Hơn 10 năm qua, có lẽ “chị Thỏ Bông” ngày nào đã an nhiên theo một cách đẩy đưa nào đó của đời sống. Bây giờ ở đó, một cái tôi đã nhạt hơn, không còn to đùng và sắc lẹm như dao cau sẵn sàng “nuốt chửng” người khác bằng ngôn ngữ.
Những vụn vặt trong Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa là vụn vặt của một người hiểu mình, hiểu đời. Ngay cả tựa cuốn sách cũng là một cái Tôi đã được giản lược đi ít nhiều. Như hàm ý rằng, đây là ghi chép nhỏ, chứ không phải lớn lao gì; và tôi là người cưỡi ngựa (trong câu “cưỡi ngựa xem hoa”) nên những điều tôi nói có thể đúng có thể không đúng và đó là cách nhìn của riêng tôi. 19 tản văn đúng thực toàn là những điều vơ vơ vẩn vẩn, cóp nhặt từ bản thân, từ những người xung quanh,… thậm chí trên bản tin ti vi.
Tác giả đặt những vặt vãnh, nhỏ nhặt ấy trong một khuôn dáng đời sống đang mất dần đi nhiều ý nghĩa. Đó là một đương đại đang trôi tuốt luốt. Môi trường bị ô nhiễm; giá cả leo thang; dòng người nhập cư làm tăng áp lực của đô thị. Đó là cuộc chạy đua về hình thức; là câu chuyện bản sắc, cội nguồn. Suốt ngày ra rả “người Việt dùng hàng Việt” nhưng ngóc ngách nào cũng thấy hàng… Tàu. Là thời đại công nghệ số lên ngôi, thời của Facebook, lắm lúc vô hồn, trống rỗng. Là trẻ con thờ ơ với lịch sử, là những bảo tàng âm u mà nhân viên trực không còn buồn nhìn khách đến thăm, bận dán mắt vào chiếc smartphone hiện đại. Là đám trẻ làng chài chẳng biết làm gì, “ngồi chơi thôi”… Xen lẫn là một vài gợi ý được rút ra, một vài đề xuất nhỏ được kiến tạo từ sự quan sát kỹ càng của tác giả. Đâu đó nữa, là những cái “giật mình” khẽ khàng, tư lự nhiều thông điệp về đời sống.
Tác giả đi vào các tiểu tự sự, đưa ra những câu chuyện cụ thể, đôi khi tầm phào và lý giải nó dưới mắt nhìn, sự chiêm nghiệm của bản thân. Đàn bà vốn không thích nói những điều to tát như cánh đàn ông. Hơn nữa, lại là đàn bà đã có chút… tuổi như chị thì chỉ thích trồng cây và quanh quẩn mảnh vườn của mình. Vì thế, ai kỳ vọng “gừng càng già càng cay”, ai kỳ vọng sau hơn 10 năm vắng bóng, “Phan Thị Vàng Anh già” sẽ viết nên những điều “ra trò”, “to tát” thì chắc là thất vọng lắm.
Có thể, cũng có chờ đợi một người có “gốc rễ” như chị sẽ trưng ra thứ văn chương bóng bẩy trong cuốn sách mới nhất. Nhưng không! Thứ tản văn mà chị chọn vẫn là thứ tản văn tư liệu, xen lẫn những góc nhìn sâu sắc về đời sống – văn hóa. Cái chất tư liệu ấy làm nên sức nặng của cuốn sách, làm nên sức nặng của cây bút Vàng Anh thời bốn mươi, năm mươi tuổi. Điều đó làm cho những câu chuyện vặt vãnh của một người “cưỡi ngựa” không dễ dàng bị trôi đi mà bám lại, lúc nào đọc cũng thấy có ích.
Năm 1975, có một Phan Thị Vàng Anh nhí nhảnh với bài thơ Mèo con đi học từng rổn rảng trong chương trình “Tập đọc lớp 1” một thời. Những năm 1990 của thế kỷ trước, có một Phan Thị Vàng Anh “điên đời”, vơ vẩn thời mới lớn trong Khi người ta trẻ (1993), Hội chợ (1995)… Cách đây hơn 10 năm, lại có một Phan Thị Vàng Anh đanh đá, ngoa ngoắt đến kỳ cùng trong Nhân trường hợp chị Thỏ Bông. Rồi chị trở lại với tập thơ Gửi VB vào năm 2006 với những tâm sự bắt đầu chớm già: “Nào cần gì phải đi xa/Lên giường nhắm mắt/Cũng là đi chơi/Có khi mộng cũng núi đồi/Cũng sông, cũng biển cũng thời trẻ thơ/Có khi gặp lại bất ngờ/Mấy người thiên cổ, mấy giờ cố nhân”. Bây giờ, lại có thêm một Phan Thị Vàng Anh khác nữa, “không còn háo hức như xưa” nhưng chiêm nghiệm được nhiều điều. Là Phan Thị Vàng Anh tĩnh lặng, an nhiên đã đi qua một thời “hoa muộn”.
—
Xem thêm
ELLE Giới thiệu: Truyện ngắn và tạp văn Phan Thị Vàng Anh
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Loài vật dạy chúng ta cách yêu thương
Tạp chí Phái đẹp ELLE