Đảo của dân ngụ cư – Tình dục, bạo lực, nỗi cùng quẫn của kẻ mạnh
Cùng là hành trình khai phá nỗi cô đơn về thân phận làm người nhưng phiên bản điện ảnh chuyển thể từ truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến, đồng thời là tác phẩm đầu tay của Hồng Ánh ở vai trò đạo diễn có phần thi mộng, cường điệu, khiêu gợi và thô bạo hơn. Bên cạnh thân phận người phụ nữ bị giam cầm, phim còn bộc lộ là cách nhìn của phụ nữ về những người đàn ông. Những kẻ thân hình to khỏe, mạnh và đầy quyền lực, nhưng yếu đuối về tinh thần. Lựa chọn trút bỏ ẩn ức bằng bạo lực và tình dục không khiến họ mạnh hơn hay thoát khỏi cùng quẫn mà chỉ trở nên ích kỷ, đớn hèn.
So với tác phẩm văn học mà nó chuyển thể, bộ phim không bị rơi vào lối mòn minh họa. Nó mang đến trải nghiệm mới, khác biệt. Lắm lúc phim cũng gây ra cảm giác ấm ức với những ai đã trót bị lôi theo nhịp độ của mạch chuyện tiềm năng, bị đẩy vào tâm thế đợi chờ những khoảnh khắc mãnh liệt rồi cuối cùng lại bị trôi tuột giữa lưng chừng.
Chuyện phim xoay quanh 6 nhân vật là những mảnh đời tứ xứ tụ về trong một ngôi nhà xưa cũ, chịu đựng sự giam hãm bức bách của cuộc mưu sinh hùng hục, tanh tưởi và hèn mọn. Chệt Liếm (Hoàng Phúc) là chủ, ông sở hữu công việc kinh doanh quán lẩu dê tại nhà. Quán nhậu có cái tên rất thơ Đêm Trắng. Đằng sau bầu không khí ô hợp của những đêm quán xá đông đúc là cảnh sống chán chường, ngột ngạt của những nhân vật như xiếm Hoa (Ngọc Hiệp) và những người giúp việc như ông Cao (Hoàng Nhân), người đàn ông lực điền Miên (Nhan Phúc Vinh) và kẻ mới đến – Phước (Phạm Hồng Phước).
Ngoài những phần việc đơn điệu phải chu tất cho quán xá, mỗi người đều co ro trong bí mật riêng tư. Thái độ cư xử của chệt Liếm với xiếm Hoa không khác gì phận người ở dù họ nằm chung giường. Vì bà vẫn phải phục tùng ông mọi chuyện từ đáp ứng nhu cầu sinh lý đến hầu hạ đứa con gái riêng tật nguyền bị ông giam hãm trên gác gỗ, nơi ông cấm người khác bén mảng tới. Tất cả những người sống trong ngôi nhà đều trở nên thao thức mỗi khi tiếng hát và tiếng la hét vô cớ đến vô vọng phát đi từ căn gác ấy. Bị thôi thúc về nỗi tò mò bên trong cái hộp gỗ chứa đựng cuộc sống của người con gái tên Chu (Nguyễn Ngọc Thanh Tâm), người con trai đang độ sung mãn, đầy ham muốn là Phước đã quyết định “vượt rào”. Anh cố len qua cửa hẹp mà không ngờ mình đã tự đưa chân bước vào một tấn bi kịch.
Bằng cái nhìn sắc sảo, đạo diễn Hồng Ánh đã lựa chọn một cốt truyện đặc sắc để đưa lên màn ảnh. Tận dụng nhiều góc máy cao, đạo diễn cho người xem cảm giác vượt qua được những cánh cửa kẽo kẹt, ngăn cách không gian bên trong để nhìn sâu vào những tâm hồn bị giấu kín. Điểm mạnh nhất của bộ phim đó chính là diễn xuất đầy nội lực của Hoàng Phúc, Ngọc Hiệp và Hoàng Nhân. Tuy vai Cao của Hoàng Nhân không nhiều đất diễn nhưng anh đã khéo léo tận dụng tốt mọi khoảnh khắc được xuất hiện của mình. Miên vừa vặn với Nhan Phúc Vinh. Ấn tượng đọng lại ở Nhan Phúc Vinh ngoài tạo hình của Miên còn là khả năng phô diễn thuần thục con người cục súc, lì lợm, hoang dại và đầy bản năng của một tên đồ tể cô độc. Nhưng ở hàng ghế khán giả, cá nhân người viết vẫn cảm thấy đây là nhân vật được mô tả thiếu sự kết nối nhất với mạch cảm xúc của câu chuyện. Phạm Hồng Phước và Ngọc Thanh Tâm đều làm tròn vai. Điều này không ngạc nhiên. Diễn xuất bản năng của cả hai đều phù hợp với nét trong trẻo, hồn nhiên, nhiều khao khát ở những người trẻ chất đầy mơ mộng. Chu không biết gì về cuộc đời ngoài biển, mây trời và mùi đàn ông. Phước là gã trai đang loay hoay tìm lối xoay chuyển cuộc đời mình. Giữa lúc bị vây bủa quanh căn bếp nhớp nhúa, ngộp khói và nồng nặc mùi máu tươi thì chui vào thế giới của Chu giống như việc tìm ra một lối thoát.
Tình yêu đẹp nhất phim nằm ở mối quan hệ của hai người phụ nữ trong phim. Cả hai chẳng thân thích ruột rà, nhưng lại đồng cảm được với nhau, đùm bọc nhau, thông đồng tìm lối thoát cho nhau. Xiếm Hoa không tật nguyền như Chu, nhưng bà cũng chẳng thể chạy thoát khỏi căn nhà như cái giếng sâu, giam hãm cuộc đời bà. Đây là một dạng nhân vật kinh điển nhưng vẫn đầy sức ám ảnh qua sự sắp đặt của bàn tay đạo diễn lẫn lối diễn xuất dày dạn của nữ diễn viên Ngọc Hiệp.
Chu và căn phòng của cô là trọng tâm dẫn đến mọi xung đột kịch tính và diễn biến cao trào của phim. Khá nhiều cảnh nóng, yếu tố bạo lực và những xúc cảm đau đớn được khai thác. Nhưng không giống với yếu tố câu khách hoặc dễ bị lạm dụng tùy tiện trong phim Việt, dục vọng trong Đảo của dân ngụ cư thật sự trải rộng nỗi cô đơn. Tuy nhiên những hình ảnh đẹp bàng bạc của cuộc mây mưa, hay khung hình mướt mát ngụ ý vừa rạo rực, vừa trong trẻo vẫn chưa đủ tạo ra sức lay động mạnh mẽ, ám ảnh người xem về bản năng con người đẹp đẽ. Đó là chưa kể bản thân Chu không phải là người phụ nữ lành lạnh, nhưng chi tiết gai góc này hoàn toàn bị lướt qua ở trường đoạn ân ái. Và cả chất giọng độc thoại thiếu nội lực của Phước, vài lần bị chồng chéo lên âm nhạc vào những khoảnh khắc quan trọng đã phá vỡ mạch cảm xúc một cách đáng tiếc. Có rất nhiều khung ảnh đẹp, ẩn dụ tinh tế đáng được liệt kê và cũng rất nhiều lần cảm xúc của người xem được đẩy lên, chờ đợi rồi đột ngột bị cắt lìa, hay bỏ lửng vì các nối ghép gấp rút, nặng tính thể hiện, chuyển mạch không êm, khi phim đan xen giữa hình ảnh ẩn dụ mô tả nội tâm nhân vật và tình tiết hợp lý của câu chuyện.
Dù sao theo suốt bộ phim, người xem vẫn không mấy khó khăn để hiểu và đồng cảm với diễn tiến tâm lý nhân vật, thậm chí là những khoảng mênh mông ướt lệ mà đạo diễn muốn mở rộng. Đạo diễn Hồng Ánh quả thật quá liều lĩnh khi đặt cược vai diễn quan trọng của kịch bản được ấp ủ tận 10 năm vào hai diễn viên trẻ, tay ngang. May mắn, cả hai không làm hỏng vai diễn của họ. Có thể là vì nhờ vào tài dẫn dắt của cả đạo diễn nữa. Nhân vật của cả hai đôi chỗ còn nhiều gắng gượng nhưng với những gì đã làm được qua vai diễn khó, năng lượng tỏa ra từ họ khiến người xem cảm giác lạc quan, và muốn tiếp tục chờ đợi nhiều hơn.
Đảo của dân ngụ cư là một sáng tạo độc lập khá ổn của đạo diễn và ekip thực hiện. Phim có thành công hay không vẫn phải chờ đợi phản ứng của khán giả. Trong một cuộc phỏng vấn riêng với Hồng Ánh cách đây vài năm, chị từng chia sẻ: “Sau một bộ phim Việt dù không hoàn hảo (tôi đã ở lâu trong nghề để hiểu một tổng thể hoàn hảo là bất khả) nhưng chỉ cần, một chút gì đó lóe sáng khiến tôi ngạc nhiên, say mê thì cũng đủ hạnh phúc lắm rồi”. Và ở tác phẩm điện ảnh đầu tay lần này, trong tư cách một khán giả của phim Việt, tôi đã thấy chị khơi lên được nhiều hình ảnh lấp lánh như thế.
—
Xem Thêm:
19 tác phẩm điện ảnh trong danh sách đề cử giải Cành Cọ Vàng 2017
5 nền công nghiệp điện ảnh lớn cạnh tranh với Hollywood
10 bộ phim Bollywood tuyệt hay của nền điện ảnh Ấn Độ
May Ngô (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)