Đây là bộ phim điện ảnh đã được Liên hoan phim Venice 2014 tôn vinh với giải Sư Tử Vàng danh giá dành cho phim hay nhất. Tác phẩm cũng là bộ phim kết thúc một chuỗi gồm 3 phim của Andersson về đề tài “sự tồn tại nơi cõi người” đã gây ấn tượng với giới phê bình.
Phim điện ảnh: A Pigeon Sat on a Branch Reflecting on Existence theo chân hai người nhân viên bán hàng Sam và Jonathan trên một hành trình kỳ lạ đan xen giữa thực tế và tưởng tượng, khám phá tình trạng của con người hiện đại trong một xã hội văn minh nhưng thiếu vắng sức sống. Cũng như 2 tác phẩm trước cùng đề tài là Songs from the Second Floor và You, the Living; bộ phim không hề có một cốt truyện rõ ràng để có thể dễ dàng theo dõi. Trái lại, phim là một chuỗi hoạt cảnh ngắn miêu tả đời sống thường nhật, đôi khi tầm thường đến tẻ nhạt, đôi khi lại kỳ quặc đến hài hước, và hầu hết thời gian là sự tổng hòa tuyệt vời giữa hai yếu tố trên.
Thưởng thức A Pigeon có thể là một trải nghiệm điện ảnh hết sức đặc biệt đối với bất kỳ khán giả yêu phim điện ảnh nào, nhưng chắc chắn đó không phải một trải nghiệm dễ dàng. Nói cách khác, để xem trọn vẹn bộ phim là một thử thách vì sự thiếu liên kết trong kể chuyện cùng với tiết tấu rất chậm. Mặt khác, những chủ đề được đề cập xuyên suốt bộ phim bao gồm cái chết, tuổi già, cảm giác tuyệt vọng và sự hiện sinh – đều là những chủ đề không dễ tiếp cận. Tuy nhiên, nếu ta chịu khó theo dõi và nghiền ngẫm, có thể ta sẽ ngạc nhiên khi nhận ra sự hài hước kỳ quặc đến phi lý trong cách Roy Andersson khai thác những đề tài trên. Đó cũng chính là một điểm đặc trưng trong phim của ông: người ta có thể cười ngay cả ở trong những tình huống bi thảm nhất.
Trong con mắt của Andersson, loài người tồn tại vật vờ như những bóng ma với sự phù phiếm bên trong mình. Người ta chọn cách quên đi sự đau buồn của người khác và của bản thân bằng cách tìm đến sự khuây khỏa, ẩn dụ trong phim dưới dạng những món đồ chơi mà hai người bán hàng chào mời: bộ răng ma cà rồng, chiếc túi cười hay mặt nạ ông một-nanh. Sự châm biếm mỉa mai hiện diện trong cái cách hai người bán hàng luôn miệng “Chúng tôi muốn giúp mọi người tìm thấy niềm vui”, hay trong cách người ta miễn cưỡng nói với nhau qua điện thoại câu giao đãi nhưng cái chúng ta thấy trên bộ mặt họ không gì khác hơn là sự buồn chán và tuyệt vọng. Khán giả sẽ bật cười, nhưng đó là một sự hài hước khá cay đắng và mỉa mai.
Cả bộ phim là những cảnh phim dài với khung hình trung hoặc toàn, không chuyển động. Đạo diễn luôn duy trì một khoảng cách nhất định giữa khán giả và các nhân vật. Những bối cảnh trong phim được thiết kế rất giàu chi tiết với gam màu lạnh lẽo, đôi khi táo bạo đến mức chơi đùa cùng những quy luật về xa gần. Trong khung cảnh ảm đạm đó, các diễn viên được trang điểm cho gương mặt trắng toát, diễn xuất theo kiểu ‘mặt đơ’ (deadpan) và di chuyển cực kỳ chậm rãi như những cơ thể không còn sinh khí. Người xem tự hỏi có phải mình đang thưởng thức một tác phẩm điện ảnh, hay thật ra là một vở kịch sân khấu, một màn nghệ thuật trình diễn, hay thậm chí là một cuộc triển lãm nghệ thuật thị giác?
Trong một cuộc phỏng vấn, Roy Andersson cho biết cảm hứng để ông làm nên bộ phim đến từ bức họa Những người thợ săn trong tuyết của Pieter Bruegel the Elder, mô tả cảnh sắc mùa Đông với những chú chim đậu trên cành. Andersson nói ông luôn tưởng tượng những chú chim đó đang nhìn xuống loài người bên dưới và tự hỏi họ đang làm gì. Đó chính xác là cảm giác một người có thể có sau khi xem xong bộ phim điện ảnh này.
—
Xem thêm
Liên hoan phim Đức 2015 tại Việt Nam
Outlaws – Bộ phim đầu tiên David Beckham tham gia diễn xuất
Evangeline Lilly nói về hậu trường thú vị phim Người Kiến
Nhóm thực hiện
Bài: Lương Hằng