Văn hóa / Thế giới văn hóa

9 tác phẩm điện ảnh nổi bật làm nên tên tuổi của đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Được mệnh danh là “cây đại thụ” của nền điện ảnh Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu là một trong những vị đạo diễn tài hoa với các tác phẩm mang đậm tính nhân vân, giàu chất nghệ thuật. Với cống hiến lâu dài cho ngành công nghiệp điện ảnh thế giới, Trương Nghệ Mưu sẽ được Liên hoan phim quốc tế Tokyo (TIFF) vinh danh với giải “Thành tựu trọn đời” tại lễ khai mạc vào ngày 23/10.

Nhân dịp này, cùng ELLE điểm lại 9 bộ phim gắn liền với tên tuổi của đạo diễn Trương Nghệ Mưu nhé!

1. CAO LƯƠNG ĐỎ (RED SORGHUM) – 1987

Cao Lương Đỏ là tác phẩm điện ảnh đầu tay của Trương Nghệ Mưu
Ảnh: Weibo

Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạc Ngôn, Cao Lương Đỏ được Trương Nghệ Mưu biến thành siêu phẩm điện ảnh qua dòng tự sự độc đáo. Phim xoay quanh câu chuyện người con gái đương tuổi thanh xuân Cửu Nhi (Củng Lợi thủ vai) thì bị ép gả cho một chủ xưởng rượu mắc bệnh phong. Ngày lên xe hoa, cô gái trẻ bất giác phải lòng chàng phụ kiệu vạm vỡ Chiêm Ngao (Khương Văn). Thời gian sống ở nhà chồng, Cửu Nhi không khác gì một tù nhân bị giam lỏng trong nhà lao. Cho đến một ngày trên đường về thăm nhà, Chiêm Ngao cướp cô chạy vào rừng cao lương đỏ. Giữa đất trời thiên nhiên, cả hai cùng nhau trải qua ba ngày ân ái trên “chiếc giường cưới” làm bằng thân cây cao lương. Tận hưởng sự tự do chưa được bao lâu, Cửu Nhi và Chiêm Ngao phải quay lại đối mặt hiện thực tàn khốc. Cửu Nhi hóa góa phụ khi người chồng ở nhà không may bị sát hại, cô đơn quán xuyến toàn bộ sự nghiệp mà chồng để lại. 

Trong khi Chiêm Ngao gánh vác sứ mệnh bảo vệ tổ quốc, cống hiến sức trẻ nơi tiền tuyến. Cứ ngỡ cuộc đời hai người như thế mà chia rẽ, không lâu sau Cửu Nhi hạ sinh một bé trai. Đứa bé lớn lên theo chân Chiêm Ngao, người mà cậu hay gọi là cha nuôi, tham gia chiến đấu. Người phụ nữ Cửu Nhi khi ấy vẫn ngày ngày làm bánh đem ra chiến trường khao quân. Trong lần gánh bánh bà không may hy sinh khi gặp phải quân giặc trên đường. Trước khi chết, bà tiết lộ bí mật về người cha thực sự với con trai, rồi nhẹ nhàng ra đi trên đệm cây cao lương – nơi duy nhất chứng kiến tình yêu và tự do của bà trong cuộc đời. 

Mỗi phân cảnh của Cao Lương Đỏ đều được Trương Nghệ Mưu phác họa chân thực
Ảnh: Douban
Củng Lợi biến thành người phụ nữ cơ cực dưới bàn tay của Trương Nghệ Mưu
Ảnh: Weibo

Là tác phẩm đầu tay của Trương Nghệ Mưu, Cao Lương Đỏ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, khiến họ phải xem đi xem lại tác phẩm này nhiều lần. Từ bối cảnh dàn dựng cho đến cách thiết lập nhân vật, Cao Lương Đỏ tái hiện vô cùng chân thực về cuộc sống người dân Trung Hoa thời kháng chiến chống Nhật. Cửu Nhiên đại diện cho hình ảnh người phụ nữ kiên cường và bất khuất thời kháng chiến, dù bị đày đọa nhưng không đánh mất niềm tin vào cuộc sống, vào chính mình. Bên cạnh đó, chàng thanh niên Chiêm Ngao sống khổ sai nhưng mang trong mình lý tưởng “hơn người”. Nỗi khát khao cháy bỏng về tự do và tình yêu được ẩn ý tinh tế qua cây cao lương. Đối với Trương Nghệ Mưu, mỗi nhân vật, mỗi chi tiết đều là những câu chuyện về đời và thời cuộc. Tất cả những điều này đã giúp Cao Lương Đỏ là bộ phim Hoa ngữ đầu tiên đoạt giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin lần thứ 38

2. CHUYỆN TÌNH CÂY TÁO GAI (UNDER THE HAWTHORNE TREE) – 2010 

Chuyện tình lãng mạn Chuyện Tình Cây Táo Gai do Trương Nghệ Mưu vẽ nên
Ảnh: Douban

Trương Nghệ Mưu đã dựa trên câu chuyện có thật để vẽ nên cuộc tình thuần khiết nhất lịch sử điện ảnh. Đặt trong bối cảnh Cách mạng Văn hóa của những năm 70, Chuyện tình cây táo gai phác họa mối tình đầy bi thương, trắc trở giữa Tịnh Thu (Châu Đông Vũ thủ vai) và Kiến Tân (Đậu Kiêu). Tịnh Thu, cô bé 16 tuổi đang hoàn thành những năm cuối của bậc trung học, bị người đời khinh chê vì cha là tù nhân cách mạng. Trái ngược với Tịnh Thu, Kiến Tân là con trai của cán bộ Chính phủ cấp cao, bản thân anh cũng là một thành viên năng nổ trong đội dò địa chất của tỉnh. Tịnh Thu và Kiến Tân yêu nhau bằng tất cả những cảm xúc chân thực nhất, những cảm xúc của những con người bị đè nén bởi những cấm kỵ về tình cảm trai gái thời xưa. Có lẽ cũng vì yêu nhau quá trong sáng, đôi chim câu này đã để lại khoảng lặng trong lòng khán giả trước cái kết thực tế mà cũng rất nên thơ. 

Châu Đông Vũ và Đậu Kiêu gây ấn tượng với diễn xuất đặc biệt trong Chuyện Tình Cây Táo Gai
Ảnh: Weibo
Chuyện tình thanh xuân đầy trắc trở của Chuyện Tình Cây Táo Gai
Ảnh: Weibo

Chuyện tình cây táo gai, có thể nói, là bộ phim được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dành nhiều tình cảm vì chính cha ông cũng từng bị xem là thành phần phản cách mạng vào thời điểm này, khiến gia đình ông bị coi thường và xa lánh. Qua góc nhìn khác biệt về đời, thời kỳ Cách mạng Văn hóa được Trương Nghệ Mưu tái hiện sống động qua các cảnh lao động, tuyên truyền… Ông đã vẽ nên chuyện tình không gợn chút nhục dục, không có lời tỏ tình, cũng không có lời chia tay, nhưng vẫn toát lên sự nồng cháy và nhiệt huyết, bằng cách đặt nhân vật đúng nơi đúng chỗ. Qua đó, Trương Nghệ Mưu đã cùng Chuyện tình cây táo đoạt Giải thưởng điện ảnh Hồng Kông cho Phim Châu Á hay nhất

3. ĐÈN LỒNG ĐỎ TREO CAO (RAISE THE RED LANTERN) – 1991

Trương Nghệ Mưu mang đến số phận phụ nữ khác trong Đèn Lồng Đỏ Treo Cao
Ảnh: Douban

Lấy bối cảnh Trung Quốc vào năm 1920, Đèn Lồng Đỏ Treo Cao lột tả xã hội đặt nặng quyền lợi nam giới và xem nhẹ giá trị người phụ nữ. Phim xoay quanh cuộc đời cô sinh viên 19 tuổi bị ép gã làm vợ thứ cho gia đình hào môn. Tùng Liên (Củng Lợi thủ vai) xuất thân từ giai cấp trung lưu, nhưng vì cha phá sản mà từ bỏ ước mơ đại học. Cô phải bán thân gạt nợ và trở thành Tứ phu nhân của lão gia Trần Tả Thiên. Tại đây, vị phu nhân nào được Trần gia ghé thăm vào buổi tối sẽ có cơ hội treo cao lồng đèn đỏ trước cửa phòng. Chiếc đèn lồng đơn giản bỗng trở thành vật quý giá mà bốn người vợ và nhiều hầu gái thèm khát. Họ không đơn thuần khao khát nhận được sự quan tâm, yêu thương; mà là tham vọng đạt được quyền lực, có tiếng nói trong gia tộc giàu lớn này. Cứ như vậy, những màn tranh đua với các thủ đoạn tàn ác xuất hiện xuyên suốt Đèn Lồng Đỏ Treo Cao

Hiện thực gia đình thời Trung xưa trong Đèn Lồng Đỏ Trên Cao
Ảnh: Douban
Tạo hình xinh đẹp của Củng Lợi trong Đèn Lồng Đỏ Treo Cao
Ảnh: Douban
Cảnh kẻ hầu người hạ trong Đèn Lồng Đỏ Trên Cao
Ảnh: Douban

Vốn là mô-típ “tranh sủng” quen thuộc ở các thể loại cung đấu và gia đấu, Đèn Lồng Đỏ Treo Cao vẫn đủ sức hút tạo nên tiếng vang, thậm chí còn được đề cử Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất năm 1992. Phim nhận được sự chú ý nhờ vào tài năng và sự sáng tạo vượt thời đại của Trương Nghệ Mưu. Ông chỉ sử dụng những màu sắc đơn giản nhưng lại khắc họa vô cùng rõ nét về xã hội Trung Quốc xưa. Màu đỏ của chiếc đèn lồng, màu xanh của mái nhà lúc chạng vạng, những sắc màu tưởng chừng tượng trưng cho sự hy vọng và may mắn, qua bàn tay của Trương Nghệ Mưu, chúng gợi ra cảm giác man rợ, tan tóc, bi thương một cách kỳ lạ. Qua đó, Trương Nghệ Mưu gián tiếp lên án xã hội phong kiến “đa thê đa thiếp”, vì dục vọng của những kẻ đàn ông giàu sang mà đẩy người phụ nữ tranh giành bám víu nhau để sống. 

4. ĐƯỜNG VỀ NHÀ (THE ROAD HOME) – 1999

phim trương nghệ mưu Road Home
Ảnh: IMDb

Khác với những cuốn phim lấy bối cảnh Cách mạng Văn hóa có tính chất phê phán, Trương Nghệ Mưu mở ra thế giới yên bình ở một miền quê xa xôi trong Đường Về Nhà. Phim xoay quanh câu chuyện tình mộc mạc mà cảm động của cô thôn nữ Đệ (Chương Tử Di thủ vai) với thầy giáo trẻ về làng. Ngay từ lần đầu đón thầy về thôn nhận lớp, Đệ đã phải lòng chàng trai đô thị bằng một tình yêu vừa mê muội, vừa đắm say. Những biểu hiện ngây thơ, trong sáng, chân thành của Đệ dành cho thầy giáo cũng bắt đầu từ đây. Cả hai đã vẽ nên câu chuyện tình lãng mạn nhưng không kém phần đau thương uẩn khuất. Một tình yêu có thể khiến ta rơi lệ vì vừa gần gũi, vừa mộng mơ. 

Chương Tử Di gây ấn tượng với diễn xuất đặc biệt trong Đường Về Nhà
Ảnh: Weibo
Trương Nghệ Mưu trở lại mối tình lãng mạn với Đường Về Nhà
Ảnh: Weibo

Sở hữu cốt truyện nhẹ nhàng sâu lắng, Đường Về Nhà không có nhiều tình tiết giật gân nhưng vẫn hấp dẫn người xem vì cách “chơi màu” cực nghệ của Trương Nghệ Mưu. Thông qua cách chuyển cảnh liên tục giữa tông màu ấm – sáng và tông màu lạnh, ông đã phác họa rõ nét nội tâm nhân vật. Ngoài ra, đạo diễn Trương Nghệ Mưu còn phá cách trong việc dàn dựng. Thông thường, những đoạn hồi tưởng sẽ có màu đen trắng nhưng Đường Về Nhà đã làm ngược lại, những phân cảnh hiện tại của bộ phim lại mang sắc màu u ám, còn những phân cảnh tái hiện quá khứ lại toát lên vô cùng rực rỡ, lung linh. Trương Nghệ Mưu đã cùng Đường Về Nhà gặt hái loạt thành tích danh như: Giải Kim kê dành cho Đạo diễn xuất sắc nhất năm 2000, Liên hoan phim Berlin năm 2000

5. CÚC ĐẬU (JU DOU) – 1991

phim cúc đậu trương nghệ mưu
Ảnh: IMDb

Cúc Đậu là một trong số những tác phẩm hiếm hoi của Trương Nghệ Mưu không ca ngợi những tâm hồn cao đẹp hay những con người vượt qua số phận, cũng không tôn vinh tình yêu nên thơ hay mối quan hệ nhân văn giữa người với người. Thay vào đó, Cúc Đậu khám phá những con người mang trong mình những khêu gợi tăm tối, bị ám ảnh bởi dục vọng, bản ngã, định kiến, và sự đưa đẩy của hoàn cảnh đến những khúc quanh của cuộc đời. Phim kể về bi kịch của một gia đình Trung Quốc vào những năm 1920. Trong xã hội chứa chấp loạt hủ tục bất công, người phụ nữ mang tên Cúc Đậu (Cung Lợi thủ vai) lọt vào tầm ngắm của ông chủ xưởng nhuộm vải Dương Kim San. Ông đã dùng bạc biến cô thành vợ mình với mong muốn có một đứa con trai “nối dõi tông đường”. Ước muốn là vậy, ông vốn bị vô sinh và việc có con là không thể. Để khỏa lấp đi thiếu sót chứa đầy tính định kiến ở xã hội đương thời, ông đã đánh đập và hành hạ Cúc Đậu như một cách chứng minh sự mạnh mẽ, đàn ông của mình. Sống trong cảnh khắc khổ đọa đày, những khát khao dục vọng bị kìm hãm bấy lâu nay đã thúc đẩy Cúc Đậu quyến rũ người cháu nuôi của chồng là Dương Thiên Thanh (Lý Bảo Điền). Những màn vụng trộm ân ái đầy mãnh liệt của cả hai cũng bắt đầu từ đây. Dưới góc nhìn khắc nghiệt của xã hội phong kiến, Cúc Đậu và Thiên Thanh vẫn không thể bên nhau một cách đường hoàng ngay cả khi Dương Kim San đã chết. 

người phụ nữ trong phim cúc đậu
Ảnh: IMDb
phim cúc đậu
Ảnh: Chlotrudis Society for Independent Film

Đến với Cúc Đậu, Trương Nghệ Mưu không xây dựng nhiều lời thoại, mà đặc biệt khai thác lối diễn hình thể và độc thoại nội tâm. Ở đấy, một Củng Lợi hóa thân hoàn hảo vào Cúc Đậu với những suy nghĩ và hành động của nhân vật được cô  thể hiện một cách tự nhiên. Mặc dù Cúc Đậu không được công chiếu ở nước nhà, Trương Nghệ Mưu lại nhận được sự phản ứng tích cực từ các nhà phê bình thế giới. Cúc Đậu là tác phẩm Trung Quốc đầu tiên được đề cử Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại giải Oscar.


Xem thêm

• Tuổi thanh xuân của bạn sẽ tràn ngập sắc màu với 25 bộ phim Trung Quốc sau đây

• Sưởi ấm trái tim với 8 bộ phim Trung Quốc tình cảm lãng mạn

• Những nam phụ phim Hoa ngữ khiến trái tim fangirl thổn thức


6. NGÀY THÁNG HẠNH PHÚC (HAPPY TIMES) – 2000

phim happy times
Ảnh: Alchetron

Được chuyển thể từ truyện ngắn You’re Do Anything for A Laugh, Ngày Tháng Hạnh Phúc mô tả cuộc sống của những mảnh đời bất hạnh, từ những con người xa lạ họ trở thành gia đình, gắn bó với nhau không khác gì ruột thịt. Ngô Âm (Đổng Khiết thủ vai), cô gái trẻ mù mồ côi, không cha không mẹ, không người thân, không nơi nương tựa. Lão Triệu (Triệu Bản Sơn), người đàn ông đến tuổi về hưu, không việc, không tiền, không con. Những cái “không” vô tình gắn kết hai con người xa lạ, họ cùng nhau trải qua quãng thời gian vui vẻ với thứ tình bạn thuần khiết. Tình bạn đẹp ấy chưa kéo dài được bao lâu thì Ngô Âm phát hiện những mục đích bí mật của Lão Triệu. Phim kết thúc với phân cảnh Lão Triệu nằm hôn mê vì tai nạn, Ngô Âm rời khỏi căn nhà với niềm tin mới vào tương lai. 

Vẻ đẹp thanh thuần của Đổng Khiết trong Ngày Tháng Hạnh Phúc
Ảnh: Douban
Ngày Tháng Hạnh Phúc ẩn giấu những âm mưu xúc động
Ảnh: Weibo

Sở hữu cốt truyện nhẹ nhàng, sâu lắng; không có nhiều tình tiết gay cấn, hồi hộp; Trương Nghệ Mưu vẫn thành công với Ngày Tháng Hạnh Phúc vì lấy đi nước mắt người xem với những thông điệp nhân văn. Phim không đơn thuần phác họa chân thực về cuộc sống nghèo khổ của tầng lớp thấp kém, Ngày Tháng Hạnh Phúc trân trọng sự tin tưởng giữa người với người, họ xuất phát điểm khác nhau nhưng vì chung sự thống khổ mà tìm đến nhau khỏa lấp nỗi sầu. 

7. THU CÚC ĐI KIỆN (THE STORY OF QIU JU) – 1992

thu cúc đi kiện
Ảnh: Plex

Thu Cúc Đi Kiện là một trong những tác phẩm phản ánh hiện thực sâu sắc nhất mà Trương Nghệ Mưu từng thực hiện. Phim lột tả những mặt trái về pháp luật và đạo đức của Trung Quốc thời đổi mới. Như tựa phim đã thể hiện, Thu Cúc Đi Kiện là quá trình đòi lại công lý của người phụ nữ tá điền mang tên Thu Cúc (Củng Lợi thủ vai). Trong lần tranh cãi, chồng cô bị trưởng thôn đánh bị thương ở hạ môn. Tức thay cho chồng, Thu Cúc đến tận nơi chất vấn và đòi lời xin lỗi từ trưởng làng. Không nhận được gì mà còn phải chịu ấm ức, Thu Cúc uẩn ức mang bầu tìm đến quan chức cấp cao hơn để giải quyết. Trên hành trình kiện tụng, Thu Cúc trải qua vô số khó khăn về thời cuộc và tiền bạc. Mặc dù vậy, cô vẫn không từ bỏ và quyết làm mọi chuyện cho ra lẽ. 

Thu Cúc Đi Kiện không chứa nhiều tình tiết ẩn ý, mạch phim diễn biến vô cùng dễ hiểu, nhưng đôi khi khiến ta lạc lối vì kiểu thiết lập nhân vật độc đáo của Trương Nghệ Mưu. Từ người phụ nữ nông thôn chân chất, ông đã biến Thu Cúc thành người phụ nữ cứng đầu khi mọi đơn kiện đã được cấp trên giải quyết nhưng chị vẫn không đồng ý. Thế nhưng, sau mỗi câu nói không thỏa đáng, là cả một câu chuyện về giá trị đạo đức mà Thu Cúc đang theo đuổi. Chị không quan tâm những đồng bạc đền bù từ trưởng thôn, chị chỉ cần một lời xin lỗi chân thành từ người sai. Thông qua cách thiết lập nhân vật, Trương Nghệ Mưu đã lột tả sự xung đột thường thấy ở xã hội đương đại khi giữa người nghèo và người giàu có cái nhìn khác nhau về pháp luật và đạo đức. 

8. ANH HÙNG (HERO) – 2002

phim anh hung trương nghệ mưu
Ảnh: IMDb

Trương Nghệ Mưu một lần nữa chứng minh tài năng làm phim hơn người khi cho ra mắt cổ trang điện ảnh Anh Hùng vào năm 2002. Không tập trung vào các nhân vật có địa vị xã hội khiêm tốn và cảnh ngộ đáng thương như trước đây, Anh Hùng xoay quanh những cá nhân đặc biệt, mang trong mình lý tưởng không tầm thường. Đặt trong bối cảnh cuối thế kỷ 3 TCN, khi Trung Nguyên (tức Trung Quốc ngày nay) bị chia thành bảy vùng khác nhau. Là vị vua uy lực, sở hữu quyền năng mạnh nhất trong bảy nước lúc bấy giờ, Hoàng đế Tần Vương (Trần Đạo Minh thủ vai) luôn bị dòm ngó bởi các thế lực bên ngoài. Theo đó, ba tên sát thủ đến từ nước Triệu là Trường Không (Châu Tử Đan), Phi Tuyết (Trương Mạn Ngọc) và Tàn Kiếm (Lương Triều Vỹ) đặt chân trên đất Tần hòng mưu thích sát Hoàng đế. Họ là những cao thủ nắm giữ võ công kiếm pháp lừng lẫy tứ phương. Hiểu rõ tầm quan trọng của tính mạng và thời cuộc, Tần Vương ra cáo trạng tuyên thưởng hậu hĩnh những ai có thể giúp ông diệt trừ hiểm họa này. Lúc đấy, Vô Danh (Lý Liên Kiệt) – hiệp khách sở hữu kỹ năng mười bước đoạt mạng, mạnh dạn dâng tấu gặp mặt vua vì đã giết chết Trường Không, Phi Tuyết và Tàn Kiếm. Thế nhưng, không ai biết, đây là âm mưu tiếp cận nhà vua của Vô Danh với ba tên sát thủ. Họ đều mang trong mình lý tưởng giết chết tên bạo vương Tần Quốc nhằm giúp bách tính thoát khỏi cuộc sống cơ hàn. 

Những cảnh quay tuyệt đẹp do bàn tay Trương Nghệ Mưu làm nên trong Anh Hùng
Ảnh: Douban
Những phân cảnh võ thuật chân thực của Anh Hùng
Ảnh: Douban

Đối với Anh Hùng, Trương Nghệ Mưu kể theo cấu trúc từng hồi, chuyển qua lại cuộc đối thoại giữa Vô Danh với Tần Vương thông qua lời kể về những gì đã xảy ra của Vô Danh. Anh Hùng không đơn thuần là câu chuyện lịch sử mang đậm chất sử thi, phim còn góp phần định nghĩa thế nào là anh hùng. Anh hùng là những người sẵn sàng từ bỏ chấp niệm bản thân, một lòng hướng đến an toàn của bách tính như Vô Danh và ba thích khách. Hoặc anh hùng là người giữ vững pháp lý, một lòng thống nhất bờ cõi như Tần Vương. Tóm lại, Anh Hùng của Trương Nghệ Mưu vẫn là một ẩn số khiến nhiều người suy ngẫm. 

Sắc xanh lạnh lẽo trong Anh Hùng
Ảnh: Weibo
Trương Nghệ Mưu chơi màu cực nghệ trong Anh Hùng
Ảnh: Weibo
Những cảnh đánh chân thực của Anh Hùng
Ảnh: Weibo

Trương Nghệ Mưu không chỉ khiến ta “đau đầu” về giá trị bên trong câu chuyện, ông còn khiến ta ngỡ ngàng trước kỹ năng sử dụng màu sắc nghệ thuật. Mỗi màu sắc trên trang phục, cảnh vật đều được Trương Nghệ Mưu gửi gắm mang hàm ý riêng. Trong phân cảnh Vô Danh hạ Tàn Kiếm và Phi Tuyết, Trương Nghệ Mưu sử dụng một sắc màu duy nhất là đỏ. Kết hợp võ thuật tuyệt mỹ, màu đỏ làm nổi bật thân thủ và ý chí phi thường của những thích khách. Hoặc sự khác biệt đặc biệt mà Trương Nghệ Mưu dành cho vị Hoàng Đế nước Tần là nhân vật duy nhất được thể hiện bằng màu xanh. Qua đó ngụ ý Tần Vương là một nhà lãnh đạo tài năng, là một người uyên thâm và sâu sắc. Nhưng màu xanh của y phục và cung điện của vị vua này còn điểm xuyết cả tông màu đen xám, thể hiện mặt tối của sự uyên thâm ấy. 

9. THẬP DIỆN MAI PHỤC (HOUSE OF FLYING DAGGERS) – 2004 

thập diện mai phục trương nghệ mưu

Lấy bối cảnh vào cuối thời nhà thời Đường, Thập Diện Mai Phục xoay quanh cuộc xung đột giữa triều đình với tổ chức Phi Đao Môn. Phi Đao Môn ra đời với mục đích hành hiệp trừ nghĩa, lấy của người giàu chia cho người nghèo; trong khi, triều đình bỏ bê người dân nghèo khổ thì Phi Đao Môn đứng ra bảo vệ. Các hành động hiệp nghĩa của Phi Đao Môn dần chiếm được lòng tin của người dân, nhưng lại trở thành cái gai trong mắt của triều đình. Triều đình đã treo thưởng lớn để bắt những người đứng sau lãnh đạo tổ chức này. Lúc đấy, hai bộ đầu Lưu (Lưu Đức Hoa thủ vai) và Kim (Kaneshiro Takeshi) nhận nhiệm vụ trong vòng 10 ngày, phải điều tra và tiêu diệt được người đứng đầu Phi Đao Môn. Cả hai bắt đầu dò thám và nghi ngờ cô gái mù xinh đẹp trong kỹ viện là Tiểu Muội (Chương Tử Di). Tuy bị hỏng đôi mắt, Tiểu Muội lại sở hữu thính giác cực kỳ nhạy bén. Bất cứ điều gì diễn ra trong khoảng cách gần đều được cô nắm bắt qua đôi tai nhạy bén của mình. Chính khả năng phi thường này mà Tiểu Muội lọt vào tầm ngắm của Lưu và Kim. Hai bộ đầu lên kế hoạch lợi dụng lòng tin của Tiểu Muội để xâm nhập vào sào huyệt của Phi Đao Môn. Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu trở nên phức tạp khi thân phận thật sự của Lưu, Kim và Tiểu Muội dần được tiết lộ. Những cạm bẫy và sự thật tàn khốc đang chờ đón họ phía trước. 

Mọi người đều mang trong mình sứ mệnh riêng trong Thập Diện Mai Phục
Ảnh: Weibo
Nhan sắc mặn mà của Chương Tử Di trong Thập Diện Mai Phục
Ảnh: Weibo
Mối tình tay bay đầy trắc trở trong Thập Diện Mai Phục
Ảnh: Weibo

Thập Diện Mai Phục gây ấn tượng bởi những cảnh quay đẹp và khá hoành tráng. Trương Nghệ Mưu đã làm rất tốt trong việc sử dụng tông màu phù hợp cho từng phân cảnh. Ông tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp của bốn mùa trong phim. Sự tươi mát của mùa Xuân được thể hiện qua màu xanh của rừng trúc. Mùa Hạ được mang đến qua sắc vàng rực rỡ của đồng hoa. Sắc Thu trở nên hiện hữu với cảnh rừng phong nhuốm màu đỏ rực. Cuối cùng, mùa Đông xuất hiện với màu trắng tuyết phủ, tượng trưng cho mùa cuối cùng của năm cũng như là phân đoạn kết thúc của Thập Diện Mai Phục.

Nhóm thực hiện

Bài: Huỳnh Trâm

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)