Phim gia đình Hàn Quốc hàm chứa nhiều triết lý nhân sinh về vẻ đẹp của tình mẫu tử, tình cha con hay tình cảm vợ chồng. Bên cạnh cốt truyện cảm động lấy đi nước mắt của khán giả, những bộ phim này cũng gửi gắm nhiều thông điệp giá trị, nhắc nhở con người ta về cách đối nhân xử thế cũng như trân trọng những điều giản dị quý giá mà đôi khi vì mải chạy đua với cuộc đời, chúng ta vô tình quên mất.
1. Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 (Miracle in Cell No. 7)
Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 là phim gia đình kinh điển không thể không nhắc đến của điện ảnh Hàn Quốc. Bộ phim lấy đi nước mắt của tất cả người xem bởi tình cảm cha con thuần khiết và sâu nặng được đặt trong tình huống chia ly éo le và oan ức.
Lee Yong Goo là một người cha thiểu năng nhưng lại có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc với cô con gái 6 tuổi cực kỳ thông minh Ye Seung. Vào ngày mưa nọ, một bé gái dẫn Yong Goo đến chỗ mua chiếc cặp hình thủy thủ mặt trăng mà anh muốn tặng cho con gái nhân ngày sinh nhật. Cô bé vô tình trượt ngã và chết, còn Yong Goo vì cố gắng cứu cô bé mà bị hiểu lầm là kẻ sát nhân. Cảnh sát lợi dụng tình trạng khuyết tật để buộc Yong Goo phải nhận tội. Anh được chuyển vào phòng giam số 7.
Tại đây, từ một người bị khinh miệt và phân biệt đối xử, bằng tấm lòng thiện lương và tâm hồn trong sáng, Yong Goo đã cảm hóa được những tên tội phạm khét tiếng nhất, khiến mọi người yêu thương và muốn giúp anh được gặp lại con gái của mình. Các tù nhân khác đã đoàn kết với nhau để giúp Ye Seung trở thành vị khách thường xuyên của phòng giam số 7. Đây cũng là khoảng thời gian tươi đẹp nhất của bộ phim, khi phòng giam số 7 dần trở thành gia đình thứ hai của Ye Seung cùng vô số tình huống hài hước, đáng yêu. Tuy nhiên, càng vui vẻ, hạnh phúc bao nhiêu, người xem sẽ càng đau đớn, nghẹn ngào bấy nhiêu trước cảnh chia ly của hai cha con, khi Yong Goo chấp nhận án tử để bảo vệ con gái. Nhiều năm sau, Ye Seung trở thành luật sư và tiến hành một cuộc tái thẩm để đòi lại công lý, xóa tội cho cha mình.
Không chỉ là một bộ phim gia đình cảm động về tình phụ tử, Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 còn nhắc đến tình-cảm-như-gia-đình giữa những con người xa lạ, khi mà những tên tội phạm còn giàu tình người hơn tầng lớp đại diện công lý, cũng như lật giở nhiều mặt trái trong xã hội Hàn Quốc.
2. Lời hứa với cha (Ode to my father)
Từng tạo nên cơn sốt phòng vé tại Hàn Quốc, Lời hứa với cha cũng thuộc top những bộ phim gia đình cảm động nhất và lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả. Chuyện phim đi theo hành trình cuộc đời đầy biến cố, gian truân của nhân vật chính Duk Soo từ khi còn là cậu bé 10 tuổi theo gia đình sơ tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 cho đến khi trở thành một ông lão. Mạch nguồn xuyên suốt hành trình dài đằng đẵng đó là lời hứa của Duk Soo với cha mình.
Khi chiến tranh bùng nổ, gia đình Duk Soo cùng 14.000 người tị nạn chạy lên tàu SS Meredith Victory. Trong lúc loạn lạc, Duk Soo để lạc mất em gái Mak Soon và cha của cậu phải rời tàu để tìm con gái. Trước khi rời đi, cha cậu dặn dò: “Giờ con là trụ cột gia đình, hãy làm chỗ dựa cho mẹ và các em con” và hẹn gặp lại nhau ở cửa hàng bách hóa Knot Bun ở Busan. Duk Soo đã lớn lên cùng với lời hứa với cha, đó không chỉ là mục tiêu cuộc sống mà còn là sức mạnh giúp anh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ nơi đất khách quê người. Anh làm đủ mọi việc để giúp mẹ nuôi các em trong khi không ngừng tìm kiếm cha và em gái thất lạc năm xưa. Trong một chương trình trực tiếp quốc gia, Duk Soo đã được đoàn tụ với em gái nay đang sống ở Mỹ nhưng không thể nói tiếng Hàn. Trường đoạn này khiến người xem xúc động, hạnh phúc nhưng cũng thấm thía nỗi đau chia ly của chiến tranh.
Tuy nhiên, cho đến cuối cùng, Duk Soo vẫn không thể gặp lại cha mình. Đã chờ đợi cho đến khi trở thành một ông lão với con cháu đông đủ, Duk Soo mới quyết định bán tiệm bách hóa nơi hẹn gặp lại cha. Rốt cuộc, tình phụ tử phải mạnh mẽ đến nhường nào mới khiến một người đàn ông giữ gìn lời hứa suốt 60 năm cuộc đời? Đó là cách đạo diễn Yoon Je Kyun dùng thân phân một cá nhân để kể câu chuyện lịch sử, vừa chân thật, bi tráng, vừa thấm đẫm những xúc cảm thiêng liêng.
3. Ngày không còn mẹ (The Preparation)
Bộ phim Ngày không còn mẹ xoay quanh gia đình nhỏ gồm bà mẹ Ae Soon và cậu con trai mắc bệnh thiểu năng In Gyu, dù đã gần 30 tuổi nhưng vẫn chỉ giống như đứa trẻ. Khi phát hiện mình bị u não giai đoạn cuối và không còn sống được bao lâu, bà Ae Soon quyết định dành những ngày cuối đời để dạy cho đứa con trai cách sống tự lập khi mình chuẩn bị ra đi. Hành trình tự lập của In Gyu cũng là hành trình anh học cách chia tay mẹ – người đã dành cả cuộc đời bảo bọc anh.
Ae Soon là hình mẫu của một người mẹ hết lòng yêu thương con cái. Bà không bao giờ than thân trách phận khi có một người con thiểu năng mà chỉ tiếc nuối vì ông trời không cho mình sống lâu thêm một chút để chăm sóc In Gyu. Bà vẫn luôn luôn vị tha và muốn chia sẻ gánh nặng với con gái Moon Kyung dù bị cô ghét bỏ vì cho rằng mẹ chỉ quan tâm em trai. Tình yêu thương và sự hy sinh vô bờ bến của Ae Soon nhắc mỗi người nghĩ về người mẹ của mình, cũng như càng thêm trân quý những tháng ngày còn mẹ ở bên cạnh.
4. Điều ước cuối của mẹ (the big shot)
Điều ước cuối của mẹ là bộ phim gia đình cảm động về tình mẫu tử, theo chân một người mẹ mù chữ dành mọi tâm huyết và nỗ lực để viết một bức thư xin khoan hồng cho người con trai bị kết án tử hình. Chuyện phim bắt đầu từ một làng chài nghèo khó vô danh ở tỉnh Jeolla, nơi người phụ nữ Soon Ok sống cùng cậu con trai Ki Kang và con gái Ki Soon. Ki Kang là một nam thanh niên sáng sủa, được người dân trên đảo yêu quý và đặt nhiều kỳ vọng về một tiền đồ rộng mở. Điều này khiến Ki Kang có phần ảo tưởng và quyết định đến Seoul để thực hiện ước mơ. Thế nhưng, cậu trai trẻ sớm vướng vào vòng lao lý và nhận án tử hình. Người mẹ Soon Ok khi hay tin đã tìm mọi cách cứu con trai mình. Từ một người không biết chữ, bà nỗ lực học cách viết một bản kiến nghị vì tin rằng đây là con đường sống duy nhất của cậu con trai.
Với phần thể hiện xuất sắc của “bà mẹ quốc dân” Kim Hae Sook, Soon Ok có nét tương đồng với Ae Soon trong Ngày không còn mẹ – người mẹ vĩ đại, thấu hiểu, yêu thương con cái vô điều kiện. Dù bản thân mang trên vai nhiều gánh nặng của một người mẹ quê nghèo khổ và bệnh tật, Soon Ok vẫn hướng về con trai, không hề oán trách nửa lời trước những lỗi lầm con gây ra. Thậm chí, khi mọi người dè bỉu, khinh miệt Ki Kang như một tử tù, Soon Ok còn tự nhận mình là “đồng phạm của Ki Kang”, “nếu cứu con mình là một việc xấu hổ thì tôi không xứng đáng làm mẹ”. Sự day dứt, tiếc nuối mà phim mang lại không chỉ được thể hiện trong nỗi buồn chia ly mà còn ẩn mình sau thông điệp dành cho những người trẻ tuổi – những người cứ mãi chạy theo những hoài bão lớn lao không có thực để rồi đánh mất những điều giản dị quý giá ngay trước mắt mình.
5. Ma ơi chào mi (Hello ghost)
Là phim ma nhưng không đáng sợ, tưởng phim hài nhưng lại cảm động, đạo diễn Kim Young Tak đã khéo léo đánh lừa khán giả, đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trong Ma ơi chào mi. Chuyện phim xoay quanh Sang Man, một anh chàng đáng thương, lớn lên ở cô nhi viện, không người thân thích, lớn tuổi nhưng vẫn thất nghiệp, thậm chí còn không có một mảnh tình vắt vai. Sống một cuộc đời buồn chán và vô nghĩa suốt 30 năm, Sang Man thậm chí còn xui xẻo đến mức tự tử hết lần này đến lần khác đều không thành. Ở lần tự tử (lại) không thành cuối cùng, khi tỉnh dậy, Sang Man có khả năng nhìn thấy những hồn ma: một ông ma già biến thái, một chú ma trung niên nghiện thuốc lá nặng, một ma nữ khóc nhè và một ma nhóc vô địch về ăn uống. Cả bốn con ma hợp sức sai khiến Sang Man thực hiện tất cả những mong muốn lúc sinh thời của mình, kéo theo vô số tình huống dở khóc dở cười nhưng cũng đồng thời thay đổi cuộc đời anh theo hướng tích cực hơn.
Vậy tại sao bộ phim ma hài hước này lại xuất hiện trong danh sách phim gia đình cảm động của Hàn Quốc? Bạn hãy thưởng thức đến cuối để phám phá sự thật về bốn hồn ma “đáng ghét, rắc rối, phiền phức” cùng câu chuyện quá khứ đáng thương của Sang Man nhé.
6. Điều ba mẹ không kể (Romang)
Điều ba mẹ không kể xoay quanh hai vợ chồng già Nam Bong và Mae Ja vốn. Họ đã ở bên nhau suốt 45 năm và đang sống chung với gia đình cậu con trai Jin Soo. Tuy đã lớn tuổi, Nam Bong vẫn hàng ngày lái taxi để làm trụ cột gia đình thay cho chàng quý tử tiến sĩ nhưng thất nghiệp. Rắc rối ập đến khi bà Mae Ja mắc phải căn bệnh mất trí nhớ và cả nhà quyết định đưa bà đến viện dưỡng lão. Tuy nhiên, ông Nam Bong sau đó đã đưa vợ về nhà chăm sóc, để rồi lại phát hiện chính bản thân mình cũng rơi vào trạng thái nhớ nhớ quên quên. Khi bố mẹ trở thành gánh nặng, gia đình Jin Soo chuyển đi nơi khác, để lại đôi vợ chồng già nương tựa nhau trong chặng cuối cuộc đời. Tuy nhiên, dù cho ký ức ngày một phai nhạt, tình cảm giữa Nam Bong và Mae Ja lại ngày càng trở nên sâu đậm hơn.
Là một trong những phim gia đình không tập trung xây dựng cốt truyện kịch tính hay cao trào mâu thuẫn, Điều ba mẹ không kể chỉ nhẹ nhàng tái hiện những lát cắt cuộc sống nhưng cũng đủ giúp người xem nhận ra nhiều thông điệp ý nghĩa. Bộ phim không chỉ cho thấy sự gắn kết sâu sắc của mối quan hệ “bạn đời” mà còn phơi bày một sự thật phũ phàng, rằng nhiều người xem việc chăm sóc cha mẹ như một gánh nặng, họ thiếu kiên nhẫn và thấu hiểu khi cha mẹ về già mà quên mất rằng cha mẹ đã từng hy sinh cả cuộc đời cho họ.
7. Nhật ký bán máu (Chronicle of a Blood Merchant)
Nhật ký bán máu là phim gia đình do nam tài tử Ha Jung Won làm đạo diễn và thủ vai chính. Dựa trên nguyên tác của nhà văn Trung Quốc Dư Hoa, bộ phim lấy bối cảnh xã hội Hàn Quốc vào những năm 50, sau khi chiến tranh vừa kết thúc và con người sống trong cảnh bần hàn, cơ cực. Ở thời điểm này, chỉ có bán máu là kiếm được nhiều tiền, và đó là cách chàng trai nghèo Heo Sam Gwan lấy được Ok Ran, cô gái xinh đẹp nhất làng. 11 năm sau, Sam Gwan và Ok Ran có với nhau 3 mặt con. Những tưởng cuộc sống nghèo khó nhưng hạnh phúc sẽ cứ thế êm đềm trôi thì Sam Gwan phát hiện cậu con cả Il Rak thực ra là con của Ha So Yong – một tay chơi giàu có từng theo đuổi Ok Ran, kẻ đã cưỡng hiếp cô sau khi cô kết hôn với Sam Gwan.
Chuỗi bi kịch diễn ra khi Sam Gwan trở nên ghét bỏ Il Rak dù trước đó từng rất yêu thương con trai. Il Rak là một cậu bé ngoan và hiểu chuyện, giờ đây lại trở nên lạc lõng khi bị cả hai người bố chối từ. Dù vậy, cậu không hề tỏ ra căm hận người bố nào, chỉ lẳng lặng chịu đựng số phận của mình. Trải qua nhiều sự kiện, khi Sam Gwan bắt đầu chấp nhận Il Rak cũng là lúc cậu bé được phát hiện bị viêm màng não. Thế là, chuỗi ngày bán máu cứu con của Sam Gwan lại bắt đầu.
Đây là một bộ phim gia đình cực kỳ cảm động, nhiều buồn thương nhưng cũng có lúc hài hước, nhẹ nhàng. Câu chuyện tình thân đặt trong bối cảnh thời đại lúc bấy giờ càng làm nổi bật tính nhân văn và những giá trị tốt đẹp. Cuối cùng, đức tính thiện lương và tình yêu thương sẽ luôn là ngọn đèn đưa đường dẫn lối, giúp con người gắn kết với nhau, dù cho đó có phải máu mủ ruột rà của mình hay không.
Nhóm thực hiện
Bài: Đ.T Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE