Với hằng hà sa số các thành tích sau mỗi Liên hoan phim, độ phủ sóng của nền điện ảnh Hàn Quốc đã vượt ra khỏi biên giới của mình và nhận được sự công nhận từ nhiều nhà phê bình và khán giả quốc tế. Từ những bộ phim tình yêu chuẩn đặc trưng Hàn Quốc đến dòng phim hành động hay thể loại kinh dị – trinh thám, có thể nói các nhà làm phim ở xứ sở kim chi đang dần chứng minh được thực lực xuất sắc của mình không hề kém cạnh những bom tấn Hollywood. Tất nhiên, một bộ phim hay không chỉ đến từ năng lực của diễn viên, đạo diễn hay kỹ xảo được sử dụng, chính nội dung và ý nghĩa truyền tải còn đọng lại trong lòng khán giả mới thực sự là điều cốt lõi quyết định giá trị của cả bộ phim. Và, nhiều bộ phim Hàn Quốc đã làm được điều đó. Bên cạnh các thước phim đẹp và đặc sắc, việc nội dung phim dám làm nổi bật lên các sự kiện xã hội nổi cộm xấu xí đã thực sự gây ấn tượng mạnh trong lòng người xem. Và 5 bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng với tính thời sự và xã hội được lồng ghép thông minh dưới đây sẽ vén bức màn sự thật đó.
Train To Busan
Dòng phim kinh dị, đặc biệt những phim khai thác về đề tài xác sống, đã không còn mới lạ với nhiều fan hâm mộ điện ảnh. Thế mà, đạo diễn Yeon Sang Ho vẫn dũng cảm xào lại món ăn quen thuộc đó và ngạc nhiên hơn, ông cho ra lò một bộ phim Hàn – Train To Busan hoàn toàn xuất sắc, trái ngược hoàn toàn với những phim lấy đề tài zombie của phương Tây. Biết thêm thắt nhiều cảnh quay hồi hộp, các màn trình diễn nghẹt thở và nhất là cốt truyện chắc tay, tài tình, Train To Busan đã vượt lên trên khuôn khổ một bộ phim kinh dị hay hành động thông thường. Bộ phim Hàn Quốc này chính là lời phê phán đanh thép về sự thật xấu xí mà xã hội Hàn Quốc đang đối mặt: phân biệt giai cấp – những kẻ nắm trong tay chức tước và quyền lực trở nên không đáng tin và ích kỷ, các doanh nghiệp và chính phủ là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều cái chết và thảm họa cho người dân, nhiều người xem tính mạng của người khác là rẻ rúng và đặt tiền bạc lên đầu.
Bản thân phim Hàn Quốc, nhất là mảng điện ảnh đã trở thành một phương tiện nghệ thuật phê phán hữu hiệu nhất. Chi tiết chính công ty hóa chất của nam chính Gong Yoo là nguyên nhân gián tiếp khiến đại dịch bùng nổ là sự châm biếm khá khéo léo. Bối cảnh đại dịch xác sống chỉ là vỏ bọc cho sự thờ ơ, khinh suất của chính phủ và các doanh nghiệp khi thảm họa xảy ra. Tất cả các yếu tố xã hội mang tính giai cấp đều được phác họa lại và ảnh hưởng đến cách xây dựng nhân vật trong Train To Busan. Người xem thấy được cảnh một người đàn ông giàu có đem tính mạng của một học sinh ra hy sinh để cứu sống bản thân mình, nhiều chuyên gia lại đi giữ bí mật thông tin về loại virus đang tràn lan kia khỏi công chúng để không phải đối mặt với sự chỉ trích, và trên hết chính phủ – đường đường đại diện cho người dân – đã biến đâu mất khi họ cần? Mỉa mai thay khi những người rất đỗi bình thường – một người bố, một phụ nữ mang thai, một đứa trẻ và một cặp thanh thiếu niên – phải đứng lên để trở thành anh hùng của phim.
Suy cho cùng, khi một thảm họa nào đó xảy ra, liệu bạn có thể sống sót hay không không chỉ phụ thuộc vào khoảng cách giữa bạn với tâm chấn của thảm họa, mà còn phụ thuộc vào địa vị xã hội mà bạn đang nắm giữ nữa.
Okja
Ahn Seo Hyun sẽ khiến trái tim bạn rung động với phần hóa thân vào nhân vật Mi Ja, một cô bé sống ở nông thôn một mực quyết bảo vệ người bạn lợn to lớn của mình trước những hành vi nhẫn tâm mà nền công nghiệp thịt sẽ thực hiện lên nó. Bộ phim bắt đầu với cảnh một doanh nghiệp thân thiện với môi trường mong muốn giải quyết vấn đề lương thực đã tạo ra một giống lợn sỡ hữu khả năng tăng trưởng nhanh hơn bình thường. Gia đình Mi Ja được giao nhiệm vụ nuôi nấng một trong những chú lợn đặc biệt này. Mi Ja và chú lợn Okja đã trở nên thân thiết trong quá trình trưởng thành cùng nhau. Và khi doanh nghiệp trên đến thu hồi lại chú lợn này, Mi Ja buộc phải cố gắng để giành lại người bạn của mình. Cô bé đã bất chấp mọi thứ để đi tìm người bạn Okja, kể cả phải đến thành phố New York và đối đầu với tập đoàn Mirando.
Về cơ bản, bộ phim sử dụng nhân vật chính là một cô bé và một sinh vật dễ thương hiền lành để khiến bạn cảm thấy tội lỗi khi đang ăn một chiếc bánh hamburger thông thường. Nhưng bên cạnh đó, Okja đã mở mang tầm nhìn người xem về nhiều hành vi nhẫn tâm của nền công nghiệp thịt bấy lâu nay. Cũng như mụ Cruella De Vil trong 101 con chó đốm, nhân vật phản diện trong Okja được đảm nhận bởi Tilda Swinton là một quý bà đầy mưu mô. Bị ám ảnh bởi đồng tiền và sự hào nhoáng khi thao túng được nền công nghiệp thịt, sự van xin của Mi Ja hoàn toàn trở nên vô nghĩa trong mắt của Tilda. Thậm chí khi nhận được sự trợ giúp từ nhóm du kích Mặt trận Giải phóng Động vật ALF, Okja cùng Mi Ja cũng chỉ là một mắt xích nhỏ trong một âm mưu lớn hơn của tập đoàn Mirando.
Mối liên hệ giữa Okja và Mi Ja là kết quả của một hợp đồng mà không ai đã đọc hoặc ký tên. Loài sinh vật kia đơn giản chỉ là một loại hàng hóa, không chỉ dừng lại với mục đích giết mổ lấy thịt mà còn là mục tiêu của chủ nghĩa tiêu dùng và khai thác thương mại. Ngay cả việc tình cảm của Mi Ja dành cho Okja được lợi dụng như một chiêu trò PR của công ty Mirando cũng chính là “cú tát thẳng mặt” dành cho sự vô cảm của truyền thông và tính chất dễ bị dắt mũi của người tiêu dùng.
Silenced
Dựa trên một tiểu thuyết cùng tên của tác giả Gong Ji Young xoay quanh các sự kiện có thật, Silenced không chỉ vén được bức màn sự thật tàn bạo của xã hội Hàn Quốc mà còn làm dấy lên một làn sóng đấu tranh không nhỏ sau khi bộ phim được khởi chiếu. Cốt truyện theo chân nhân vật King In Ho (Gong Yoo) khi anh bắt đầu công việc ở một trường học cho trẻ em khiếm thính. Trong một bối cảnh đầy bí ẩn, bóng tối sự thật đằng sau ban quản lý của trường được tiết lộ, giữa sinh tồn và tiếng kêu cứu thảm thiết từ những đứa trẻ bị bạo hành tình dục, liệu một thầy giáo chân ướt chân ráo như Kang In Ho có thể đưa sự thật ra ánh sáng?
Lấy chủ đề về bạo hành trẻ em, bộ phim Hàn Quốc kinh điển này là bức chân dung phô bày những sự thật thô thiển về nạn ấu dâm và cái mác giả tạo của những người trưởng thành và các trung tâm giúp đỡ trẻ em khuyết tật. Các chi tiết xảy ra trong thực tế thật ra còn đáng sợ hơn nhiều và cho đến khi Silenced được phát hành, vẫn còn các nhân vật có liên quan trực tiếp đến sự kiện chấn động này chưa được xử lý. Nhiều kẻ phạm tội đã bị xét xử khi sự việc bị phanh phui, nhưng nhiều giáo viên có liên quan gián tiếp đến sự việc vẫn được tha thứ. Chính vì vậy, các tình tiết trong phim đã kích động người xem và khiến họ dám đứng lên kêu gọi chính phủ Hàn Quốc phải thay đổi cách trừng trị những kẻ bạo hành trẻ em. Mặc dù bộ phim cuối cùng cũng đạt được mục đích, phơi bày các bất công xã hội, nhưng những nội dung về sự suy đồi đạo đức và sự dối trá của những nhà lãnh đạo vẫn để lại nhiều suy nghĩ trong lòng khán giả.
BÀI LIÊN QUAN
Social Phobia
Một bộ phim Hàn Quốc với nhịp điệu chậm rãi như Social phobia bắt đầu với sự dồn dập mạnh mẽ. Tin tức về một người lính đào ngũ trong quân đội đã tự sát tràn lan khắp nơi khiến nhiều cư dân mạng bày tỏ lòng thương tiếc. Trong số đó, một người phụ nữ đã bình luận những lời lẽ không mấy tốt đẹp và gây sự chú ý trên mạng xã hội. Một nhóm thanh niên, bao gồm 2 cảnh sát tập sự, đã để mắt đến việc này và tấn công cô gái trên mạng. Khi thông tin cá nhân về địa chỉ nhà của cô bị rò rỉ trên mạng, nhóm người kia quyết định tìm đến nhà cô gái để chất vấn. Họ quay lại hành trình của mình và hoàn toàn sửng sốt khi phát hiện cô đã chết. Khi tất cả phải đối mặt với cảm giác tội lỗi gây ra bởi những hành động nông nổi của mình, hai cảnh sát trẻ tin rằng còn nhiều uẩn khúc tồn tại sau cái chết của cô gái.
Các nhân vật trong phim đều được xây dựng một cách kỹ càng khi mỗi người đều có dính líu tới cái chết của cô gái. Bộ phim xoáy sâu vào mối nguy hiểm tiềm tàng của mạng xã hội, vấn nạn bắt nạt trực tuyến (cyberbullying) và tâm lý đám đông. Đáng sợ thay, hành vi của nhóm thanh niên thực chất chỉ là chối bỏ sự thật rằng chính họ có thể là nguyên nhân đẩy cô gái kia vào bước đường cùng. Họ quyết định sẽ điều tra cái chết của cô gái, cốt chỉ để tìm lại sự bình yên trong tâm hồn mình.
Các sự kiện trong phim Hàn này đều là những gì mà giới trẻ ngày nay có thể đã từng trải qua. Các lời bình luận khiến ranh giới giữa tự do ngôn luận và kích động thù hận trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Bộ phim đã nhìn thấu tâm lý về cách mọi người thể hiện sự giận dữ và ghê tởm đằng sau màn hình máy tính là như thế nào, đồng thời yêu cầu người xem hãy nhìn nhận lại mặt trái của Internet đang tồn đọng trong xã hội ngày nay.
The Wailing
Với các thước phim đầy kịch tính và mơ hồ, The Wailing xoay quanh câu chuyện của Jong Goo (thủ vai bởi Kwak Do Won) – một cảnh sát trong một thị trấn nhỏ yên bình nơi mọi người đều quen biết nhau. Một ngày nọ, một căn bệnh lạ nổ ra gây ra các chứng động kinh và biến người mắc bệnh trở thành một con người điên loạn và dã man. Có rất ít người biết về chứng bệnh này vì chỉ có xác chết của các nạn nhân là được tìm thấy. Vài người trong thị trấn tin rằng kẻ mới đến, một “người ngoại tộc” là nguyên nhân chính gây ra tất cả chuyện này. Họ chia sẻ những câu chuyện kỳ lạ cho Jong Goo nhưng anh bỏ ngoài tai cho đến khi chính con gái của anh mắc phải chứng bệnh kia. Và đột nhiên, mũi dùi chuyển hướng sang người đàn ông mới chuyển đến (do một diễn viên người Nhật thủ vai), mọi người trong thị trấn, bao gồm cả Jong Goo bắt đầu truy lùng hắn. Bên cạnh đó, bản thân anh lại đi tin vào lời nói của một pháp sư – một người đàn ông đã chơi đùa trên nỗi sợ và dùng sự mê tín dị đoan của con người để lừa lọc họ. Điều này đã khéo léo gài gắm sự mỉa mai lối suy nghĩ lạc hậu và sợ thay đổi của con người nơi đây.
Bộ phim Hàn Quốc này như hiện thân của một cuộc chiến giữa thiện và ác, thật và giả lẫn lộn. Việc quỷ hóa nhân vật ngoại quốc duy nhất chắc chắn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhiều người tin rằng chi tiết này đã khéo léo gợi nhắc đến mối quan hệ căng thẳng Nhật – Hàn trong những năm Hàn Quốc bị Nhật chiếm đóng. Đó là cách mà một phần lịch sử bị kìm nén của Hàn Quốc được lật lại: những nỗi đau tủi hổ, bạo hành, bóc lột, sỉ nhục gây ra bởi sự cai trị của Nhật vẫn còn tồn tại trong trái tim nhiều người Hàn Quốc. Ngoài ra, The Wailing còn mô tả các xung đột văn hóa và tôn giáo qua các cuộc chiến giữa các nghi thức, tập tục trừ tà khác nhau. Bộ phim Hàn này cũng thể hiện sự bất mãn, tuyệt vọng về quá trình giải thể nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp của xứ sở kim chi.
—
Xem thêm:
10 bộ phim giúp bạn có cái nhìn tích cực về cuộc sống
Những câu nói hay trong phim Nhắm mắt thấy mùa Hè
Nhóm thực hiện
Bài: Như Trần Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE/ Tổng hợp