Không dừng lại ở việc mang đến niềm vui cho người xem thông qua những câu chuyện tình yêu lãng mạn hay châm biếm xã hội một cách không ngại ngần, các bộ phim Hàn còn truyền tải đến người xem nhiều thông điệp ý nghĩa, đầy ủi an về hành trình đối diện với nỗi đau mất đi người thân yêu.
Mất mát là một phần của cuộc sống
Đau khổ, mất mát hay cái chết là một phần của sự tồn tại, và nỗi đau đớn mãnh liệt về mặt tinh thần và thể chất mà nó để lại là không thể tránh khỏi.
Mỗi người sẽ trải qua “chiếc tàu lượn cảm xúc” khác nhau khi mất đi thứ gì đó, đau buồn hơn là chứng kiến sự ra đi của người mình yêu thương. Trong Hometown Cha-Cha-Cha (phim Hàn ra mắt năm 2021), tổ trưởng Hong đã nhốt mình trong bóng tối và cố gắng tự tử, trong khi chủ nhà hàng Jo Nam Sook đã phải chống chọi với chứng trầm cảm nhiều năm sau khi mất đi người con gái duy nhất.
Dẫu những cảm xúc đó là phản ứng bình thường của con người trước sự mất mát, và cho dù nó là một phần của sự tồn tại, việc chấp nhận nỗi đau này và bước tiếp chưa bao giờ là dễ dàng.
Chấp nhận sự mất mát nghĩa là gì?
Loạt phim Hàn Quốc nổi tiếng Hospital Playlists đã đưa chúng ta đến với hành trình chấp nhận đầy đau đớn này. Lấy bối cảnh ở một bệnh viện – nơi chứng kiến các bệnh nhân và người nhà phải đối diện với nỗi sợ hãi về bệnh tật và cả cái chết, Hospital Playlists đã khắc họa rõ nét quá trình đối diện, chống chọi và vượt qua nỗi đau mất mát khác nhau của mỗi người.
Trong mô hình 5 giai đoạn của việc đối diện với nỗi đau của nhà tâm thần học người Mỹ Elisabeth Kubler-Ross, chấp nhận chính là giai đoạn cuối cùng đánh dấu một người hoàn toàn kết thúc quá trình thương tiếc.
Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học khác, chấp nhận ở đây không có nghĩa là người đó hoàn toàn quên đi sự kiện khiến họ đau lòng. Hơn thế, nó có nghĩa là họ nhận thức được sự mất mát và làm quen với điều đó trong lúc tiếp tục sống.
Magdalena Battles (tiến sĩ tâm lý học) cho rằng: “Chấp nhận sự mất mát bao gồm việc thừa nhận với bản thân rằng bạn sẽ không quay lại ngày hôm qua nữa. Bạn bắt đầu lại cuộc sống và biết rõ rằng người bạn thương yêu đã mãi mãi không còn hiện hữu trên thế giới này”.
Bà cũng nhấn mạnh: “Việc thừa nhận cái chết không phải là bước cuối trong quá trình phục hồi khỏi sự tiếc thương, hơn thế, nó là bước đầu tiên trên hành trình chữa lành. Đó là thời điểm mà người ở lại mới là người cần được quan tâm, không phải người đã khuất”.
Sự thương tiếc thường kéo dài bao lâu?
Với một số người, nó có thể kéo dài vài tháng, hoặc thậm chí nhiều năm. Trong khoảng thời gian này, quá trình phục hồi cũng diễn ra đồng thời với sự thương tiếc. Khi đã chấp nhận sự mất mát, bạn có thể vẫn cảm thấy đau buồn. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn bình thường.
—
“Bạn sẽ phải đối diện với những tình huống không thể lường trước trong cuộc sống. Ngay cả khi trời mưa và bạn đã che ô, bạn vẫn có thể bị ướt. Lúc đó, hãy đưa tay lên và đón nhận những hạt mưa” (Hometown Cha-cha-cha).
BÀI LIÊN QUAN
Tại sao chấp nhận sự mất mát lại khó đến như vậy?
1. Con người sống là vì sự kết nối
Chúng ta là ai nếu không có sự kết nối với nhau? Nhà văn C.S. Lewis đã từng viết: “Cái chết của người bạn yêu quý giống như việc phải cắt cụt các chi”.
Hướng tới thiên đường là một trong những bộ phim truyền hình Hàn Quốc tái hiện lại nỗi đau đớn kinh khủng đó. Cái chết có thực và nặng nề vô cùng. Chúng ta đã sống mà không nhận ra rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, rằng thân xác mỏng manh của con người có thể bị tan vỡ bởi hàng trăm thứ chuyển động xung quanh họ (Amrita, Banana Yoshimoto). Để rồi khi thân thể của họ không còn hơi thở của sự sống, ta mới nhận ra sự tồn tại của họ có ý nghĩa như thế nào với mình. Và trong một khoảnh khắc nào đó, ta bỗng cảm thấy như có gì đó kẹt ở lồng ngực khi vô tình nhìn thấy những món đồ họ từng dùng, những con đường họ từng đi qua.
Theo tạp chí Discover, nỗi đau mất đi người thân cũng giống như bạn bị chấn thương sọ não. Nó gây ra những cơn đau vật lý trên cơ thể như đau tim, đau ngực và khó thở.
Nhà văn Haruki Murakami cũng từng mô tả về nỗi đau mất mát như sau:
—
“Không có chân lý nào có thể làm dịu được nỗi đau buồn khi mất một người yêu dấu. Không một chân lý nào, một tấm lòng trung thực nào, một sức mạnh nào, một tấm lòng từ ái nào, có thể làm dịu được nỗi đau buồn ấy” (Rừng Na Uy, 1987).
2. Mọi mất mát đều cần một câu trả lời xác đáng
C.S Lewis từng mô tả nỗi đau mất đi thứ gì đó giống như việc bạn ở trong một vòng xoáy vô tận. Cho đến khi có một câu trả lời, bạn sẽ mãi quay cuồng trong sự hỗn loạn mù mịt và không lối thoát đó. Nó dường như ám ảnh chúng ta đến hết cuộc đời.
Nhân vật Chun Jae trong Hometown Cha-Cha-Cha là một ví dụ. Anh ta không ngừng giằng xé bản thân vì chưa thể tìm được câu trả lời cho việc tại sao ước mơ thành ca sĩ của mình lại thất bại.
3. Cái chết để lại sự trống rỗng
“Cảm giác tiếc thương có hai phần. Đầu tiên là chính nỗi mất mát, thứ hai là bắt đầu một cuộc sống mới” (Anne Roiphe).
Nỗi đau mất mát rất khó để chấp nhận bởi nó tạo ra một khoảng trống trong tâm hồn và cả cuộc sống hằng ngày của người ở lại. Trong phim Hướng tới thiên đường, công việc dọn dẹp di vật cho người đã khuất của bố con Geu Ru đã nói lên sự thay đổi đầy cô đơn, trống rỗng và đau buồn đó. Cho dù thời gian có trôi đi, bóng hình của người ta thương yêu vẫn sẽ mãi neo lại trên cuộc đời, và khi vô tình nhìn thấy nó, cảm giác thương nhớ lại một lần nữa bóp nghẹt chúng ta.
Hong Du Shik trong Hometown Cha-Cha-Cha cũng đã trải qua cảm giác như thế: “Hình đến giờ anh vẫn chưa tin được là bà đã ra đi. Cũng chẳng phải lần đầu anh trải qua, nhưng hễ nó xảy ra, anh lại thấy lạ lẫm. […] Anh cảm thấy như bà vẫn ở bên mình vậy. Có lẽ vì vậy mà anh chưa muốn tiễn bà ra đi. Anh mong bà có thể ở cạnh anh thêm chút nữa”.
Theo các nghiên cứu về nỗi đau khi đối diện với sự ra đi của người thân, sự tiếc thương khiến họ bị mắc kẹt trong quá trình thích nghi với cuộc sống hậu sang chấn và thường đắm mình vào quá khứ hay một tương lai tưởng tượng.
Nỗi đau không tự biến mất trừ khi bạn đối diện với nó
—
“Người ta nói khi bạn mất một người thân yêu, bạn nên thương tiếc thật nhiều. Đúng vậy. Cho dù bạn có cố tránh né, sự tiếc thương cũng sẽ lan dần khắp cơ thể bạn, và cuối cùng nó sẽ nổ tung” (Hometown Cha-Cha-Cha).
Về mặt tâm lý, việc chấp nhận nỗi đau mất mát là một điều khó khăn và không thể gượng ép. Nhưng chúng ta cũng không thể tránh khỏi đau khổ vì nó là một phần tất yếu của cuộc sống. “Đau buồn không phải là một đường thẳng tuyến tính cứ như vậy bắt đầu rồi tự kết thúc. Nó âm thầm, thâm nhập vào bạn và đòi bạn phải cảm nhận nó” (Katherine Schafler, nhà Trị liệu Tâm lý).
Bộ phim It’s Okay To Not Be Okay (2020) là một trong những phim Hàn khuyến khích người xem đối mặt với nỗi đau, bày tỏ nỗi lòng của mình và mở lòng trước sự giúp đỡ của người khác. “Khi bạn mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi một chút. Khi bạn buồn, cứ khóc thật to. Không sao hết, hãy làm bất cứ điều gì mình muốn”.
Nhóm thực hiện
Bài: Anh Thư
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: koreanbinge