Luca Paguro – một cậu bé người cá sôi nổi, lanh lợi, luôn mơ ước được khám phá thế giới bên trên mặt đất, bị kìm kẹp bởi sự giám sát của cha mẹ trong ngôi làng thủy sinh dưới đại dương. Một ngày, Luca tình cờ gặp Alberto – cậu bé đồng loại kỳ lạ tự nhận mình là chuyên gia của mọi thứ. Cùng nhau, hai đứa trẻ mạo hiểm rời khỏi vùng biển Riviera và đến thị trấn Portorosso để tìm kiếm một chiếc Vespa với giấc mơ biến những cuộc phiêu lưu tự do thành hiện thực. Tại đây, cả hai gặp Giulia, cô gái loài người cá tính đã mở ra hành trình đầy cảm xúc về tình bạn, sự đoàn kết và khám phá một thế giới tràn ngập những điều kỳ diệu, bất chấp những định kiến và nỗi sợ hãi đe dọa chia cắt thế giới của họ.
Sai lầm là đặc quyền của tuổi trẻ
Trong bộ phim, cha mẹ của Luca được miêu tả là những phụ huynh có xu hướng bảo vệ con cái quá mức và họ sợ hãi thế giới bên ngoài đại dương. Họ gieo vào lòng Luca nỗi sợ hãi con người, niềm tin rằng con người là quái vật đất liền và là mối nguy hiểm đe dọa sự an toàn của cậu bé.
Cách nuôi dạy con cái của hai nhân vật này điển hình cho hình mẫu Helicopter parent – ba mẹ trực thăng, tức luôn luẩn quẩn kiểm soát con từ trên cao, dập tắt sự tò mò, cởi mở bởi cả hai quan niệm: “Những con cá tò mò thì sẽ bị bắt”. Với họ, những đứa trẻ ngoan luôn phải nghe lời người lớn và những người lớn thì không bao giờ sai.
Trái ngược với cha mẹ của Luca, cha của Alberto lại là nhân vật vắng mặt trong phần lớn thời gian của bộ phim. Alberto đề cập rằng cha cậu bé đã bỏ đi khi còn nhỏ và không xuất hiện trong cuộc đời cậu kể từ đó. Mặc dù bộ phim không đi sâu vào mối quan hệ của Alberto với cha, nhưng sự vắng mặt của ông có thể được hiểu là một dạng khác của phong cách nuôi dạy con cái: nuôi con một cách lơ là.
Trong trường hợp của cha Alberto, sự vắng mặt của ông khiến Alberto phải tự bảo vệ mình và điều hướng thế giới mà không có sự hướng dẫn cũng như hậu thuẫn từ cha mẹ. Sự vắng mặt này ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm và ý thức về bản sắc của Alberto, khiến cậu ám ảnh với nỗi sợ hãi bị bỏ rơi, sống cách ly trên hòn đảo và học cách tự lập từ sớm.
Từ đây, bộ phim nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho phép trẻ khám phá, phạm sai lầm và học hỏi từ kinh nghiệm của chúng, thay vì che chắn chúng khỏi thế giới vì nỗi sợ hãi. Đó cũng là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc khuyến khích tính tò mò, sự đồng cảm cũng như việc đồng hành cùng trẻ trên hành trình trưởng thành.
Vẻ đẹp của sự khác biệt
Một trong những thông điệp sâu sắc nhất của Luca là tầm quan trọng của việc chấp nhận sự khác biệt và tìm ra tiếng nói chung của sự đa dạng. Bất chấp những nghi ngại ban đầu, bộ ba Luca, Alberto và Giulia học cách nhìn xa hơn vẻ bề ngoài và nhận ra tình nhân loại chung đã gắn kết họ, mở đường cho sự chấp nhận, cảm thông, thấu hiểu.
Mùa Hè của Luca cũng là câu chuyện của những người nhập cư, kể về những người bên ngoài khao khát tận hưởng cuộc sống hạnh phúc của một vùng đất xa lạ. Tuy nhiên, họ không được chào đón, họ bị sợ hãi và xem thường, bị gọi là những kẻ khác lạ, những “con quái vật”. Tại đó, Luca và Alberto cùng chia sẻ một mối liên kết đồng loại mãnh liệt, họ đón nhận thế giới một cách cởi mở nhưng phải che giấu chính mình trước sự phán xét và sợ hãi của con người. Hình ảnh các cậu bé dạt vào bờ cũng gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng nhập cư và tị nạn diễn ra ở châu Âu năm 2015 khi cư dân từ vùng nội chiến Syria nỗ lực chạy trốn khỏi vùng đất bị tàn phá bởi chiến tranh và đối mặt với sự thù địch, xa lánh của chính phủ chỉ vì cố gắng sống sót.
Bộ phim cũng mang đến một cuộc phiêu lưu chân thành về việc khám phá bản thân và hành trình gìn giữ căn tính thực sự của một người. Khi Luca vật lộn với những câu hỏi về sự thuộc về và sự chấp nhận, cậu học cách chấp nhận mọi khía cạnh của bản thân, bao gồm cả hai mã gen: con người khi ở trên bờ và người cá khi ở dưới biển. Đồng thời, qua hành trình chinh phục chiếc cúp Portorosso, cậu bé cũng khám phá ra lòng can đảm để sống với con người thật của mình, bất chấp những kỳ vọng hay định kiến của xã hội, minh chứng rằng điều kỳ diệu thực sự sẽ xảy ra khi chúng ta mở rộng trái tim mình với người khác và dám đón nhận vẻ đẹp của con người chúng ta.
Sức mạnh của tình bạn
Alberto, trên phương diện nào đó, đã sinh ra Luca lần thứ hai, bằng cách đem cậu đến với thế giới, dạy cậu những bước đi đầu tiên, có những ước mơ đầu tiên và vô số niềm vui, cảm xúc đầu tiên khác… Hai đứa trẻ con cùng chia sẻ với nhau một giấc mơ chung và cũng chính là Alberto – người bán đi chiếc Vespa mà cậu bé từng ao ước để Luca được đến trường.
Nhân vật Alberto là một thiếu niên vô tư tin rằng tất cả chúng ta luôn có một gã Bruno ở trong đầu. Gã này luôn nói: “Cậu không thể! Cậu sẽ chết! Đừng cho thứ đó vào miệng!…” và việc của chúng ta là hãy bảo gã này im miệng đi: “Silenzio Bruno!” bởi những nỗi sợ hãi đôi khi ngăn cản chúng ta nắm bắt cơ hội: “Cậu và tớ! Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì!”.
Tình bạn của Luca – Alberto trải qua một giai đoạn khó khăn khi Alberto trở nên ghen tị với tình bạn của Luca lẫn Giulia và khi Luca bày tỏ mong muốn ở lại đất liền để đi học, bởi Alberto nghĩ rằng Luca sẽ bỏ rơi cậu bé như chính cha mình đã làm. Cả hai cuối cùng cũng hòa giải và tìm thấy cho riêng mình những ước mơ mà họ khao khát: Luca tìm thấy vùng đất tự do của tri thức và Alberto tìm thấy một gia đình mới – cha của Giulia – bác Massimo.
Những cuộc phiêu lưu chung của Luca, Alberto và Giulia cũng là minh chứng cho sức mạnh của tình bạn trong việc thúc đẩy sự phát triển, lòng dũng cảm, sự khám phá bản thân và đoàn kết các cá nhân từ các hoàn cảnh khác nhau. Cùng nhau, họ vượt qua những thử thách của tuổi thiếu niên, đối mặt với nỗi sợ hãi, vẽ nên những ước mơ và tự định hình số phận của chính mình.
Phê phán thực trạng phân tầng địa vị và định kiến phân biệt đối xử
Mùa Hè của Luca cũng đề cập đến chủ đề vượt qua nỗi sợ hãi và định kiến, soi sáng tác hại của sự thiếu hiểu biết và phân biệt đối xử. Khi đến thị trấn Portorosso, những quái vật biển như Luca, Alberto phải đối mặt với sự nghi ngờ và thù địch của cư dân loài người ở vùng đất này. Cộng đồng Luca gọi con người là quái vật đất liền trong khi cộng đồng người lại gọi người cá là quái vật biển. Điều này phản ánh những định kiến trong thế giới thực thường nảy sinh từ nỗi sợ hãi về những điều chưa biết.
Song song, bộ phim cũng phê phán việc áp đặt thành kiến lên những người thuộc tầng lớp thấp hơn hoặc không có địa vị kinh tế. Những định kiến này cho rằng những người thuộc tầng lớp kinh tế thấp là những người ít học, lười biếng, không đáng tin cậy, thậm chí nguy hiểm và do đó họ không được tôn trọng, xứng đáng bị xem thường. Minh chứng là nhân vật phản diện Ercole, một tay chơi giàu có được phép ra lệnh cho những người bạn của mình và họ tuân theo răm rắp mà không một chút phản kháng.
Tuy nhiên, điều khác biệt trong Luca chính là những nhân vật ở tầng lớp thấp hơn và không dư dả về mặt kinh tế lại là những người hết sức chăm chỉ mà điển hình là Giulia – nhân vật nữ duy nhất trong phim gần bằng tuổi Luca và Alberto. Ở thị trấn, Giulia nổi bật vì mái tóc đỏ và cá tính mạnh mẽ. Giulia cũng là đứa trẻ duy nhất trong phim được nhìn thấy đang làm việc. Khi xuất hiện lần đầu tiên, cô bé đang đạp một chiếc xe đẩy chở đầy cá, đi giao đơn đặt hàng. Điều này trái ngược với những đứa trẻ còn lại đang chơi bóng đá ở quảng trường thị trấn.
Còn những người có quyền lực như Ercole trong phim rõ ràng lại là người lười biếng, bạo lực và hống hách. Như thế, địa vị kinh tế hay tầng lớp xã hội không tương đương với giá trị của một người trong xã hội, rằng quái vật thực sự, không phải Luca, không phải Alberto mà là những kẻ không biết thương yêu và thích thú với việc chà đạp người khác.
Tựu trung, Mùa Hè của Luca là lời nhắc nhở sâu sắc về sức mạnh kỳ diệu của tình bạn, sự chấp nhận và sự khám phá bản thân trong việc vượt qua nghịch cảnh và đón nhận sự khác biệt. Thông qua cách kể chuyện lôi cuốn và những thông điệp chân thành, bộ phim truyền cảm hứng cho khán giả đối mặt với nỗi sợ hãi và tạo nên những kết nối chân thực vượt qua mọi ranh giới.
Nhóm thực hiện
Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp