Văn hóa / Thế giới văn hóa

3 thông điệp sâu sắc về hành trình trưởng thành trong bộ phim “Inside Out 2”

Theo chân hành trình nội tâm đầy biến động của cô bé Riley, “Inside Out 2” cân bằng một cách tinh tế giữa tinh thần phiêu lưu, cảm giác vui tươi với sức nặng của câu chuyện áp lực tuổi dậy thì. Bộ phim mang đến những thông điệp sâu sắc về sự phức tạp của bản sắc thanh thiếu niên trong một thế giới được quyết định bởi những kỳ vọng và áp lực đồng trang lứa.

Inside Out 2 được bảo chứng bởi cơn mưa lời khen của giới phê bình toàn thế giới khi ghi nhận số điểm ấn tượng 92% trên Rotten Tomatoes và 8,2 IMDb. Bộ phim được kỳ vọng sẽ chinh phục cột mốc 1 tỷ USD và trở thành ứng cử viên hàng đầu cho các giải thưởng danh giá nhất trong năm nay.

poster phim inside out 2
Inside Out 2 mang đến những thông điệp sâu sắc về sự phức tạp của bản sắc thanh thiếu niên.

Lấy bối cảnh khoảng hai năm sau các sự kiện chính trong phần phim gốc, Inside Out 2 đánh dấu cột mốc 13 tuổi của Riley Andersen. Tuổi niên thiếu mở ra với vô số hỗn loạn trong cảm xúc, mang đến sự thay đổi đáng kể trong tính cách của Riley. Những cảm xúc mới xuất hiện như Lo Âu, Ganh Tỵ, Xấu Hổ và Chán Nản, thách thức sự tồn tại của năm cảm xúc ban đầu ở trung tâm điều khiển: Vui Vẻ, Buồn Bã, Giận Dữ, Sợ Hãi và Chán Ghét.

Cũng lúc đó, Riley tham dự trại khúc côn cầu với hy vọng giành được một suất trong đội Firehawks danh giá. Nhưng hành trình này diễn ra không hề suôn sẻ, khiến cô bé rơi vào vòng xoáy hoài nghi bản thân, đặt ra những câu hỏi đáng suy ngẫm về danh tính, sự lớn lên và nơi mình thuộc về.

“Khi con người trưởng thành, những niềm vui sẽ ít dần đi”

Trước tuổi dậy thì, sự tích cực của Vui Vẻ đóng vai trò đảm bảo cuộc sống của Riley diễn ra một cách suôn sẻ. Vui Vẻ duy trì sự cân bằng hạnh phúc trong Riley thông qua việc chôn vùi sự tiêu cực, gửi gắm những ký ức khó chịu, xấu xí và cả những lỗi lầm trong quá khứ vào Vùng Sâu Tâm Trí. Tuy nhiên, việc xóa bỏ lỗi lầm cũng vô tình tước đi những bài học quý giá và kìm hãm sự phát triển của Riley. 

Khi những cảm xúc mới xuất hiện và hàng loạt sự kiện đổ bộ giữa tuổi dậy thì: rời xa những người bạn, mụn, mùi cơ thể, khủng hoảng cảm xúc… trạng thái cân bằng mong manh này bị phá vỡ, vượt quá tầm kiểm soát của Vui Vẻ. Sự “tích cực” bấy lâu bộc lộ rõ những “độc hại” tiềm ẩn, buộc Vui Vẻ phải đối mặt với những thách thức về chính bản chất và vai trò của cô đối với sự phát triển chung của Riley. 

inside out 2 và những câu chuyện cảm xúc
Vui Vẻ phải đối mặt với những thách thức về chính bản chất và vai trò mình.

Bộ phim khéo léo khám phá sự xuất hiện những cảm xúc mới sẽ có tác động như thế nào đến sự tồn tại trước đây của Vui Vẻ. Câu chuyện ngụ ý rằng khi Riley trưởng thành, hạnh phúc đơn giản của thời thơ ấu sẽ bị lu mờ bởi sự phức tạp trong việc định hướng danh tính, những kỳ vọng của xã hội và sự phát triển cá nhân. Sự tiến hóa này không phải là sự biến mất của hạnh phúc mà là một quá trình tự nhiên hướng tới sự trưởng thành về mặt cảm xúc. 

Những nỗ lực của Riley để giành lấy sự ấn tượng và được chấp nhận vào đội khúc côn cầu Firehawks là một phép ẩn dụ sâu sắc cho sự tiến hóa này và về bản chất là một hình thức để cô bé duy trì những ký ức vui vẻ thời thơ ấu đồng thời thỏa mãn đức tin của mình: “Mình là một người tốt”, “Một người tử tế”, “Ba mẹ tự hào về mình”…

Tuy nhiên, những trở ngại mà Riley phải đối mặt trong quá trình ấy – sự hoài nghi năng lực bản thân, sự không chắc chắn và áp lực phải tuân theo một khuôn mẫu lý tưởng nhất định mà ở đây là cô nàng thủ lĩnh Val đã khiến Riley lạc lối. Cô bé nhận ra đức tin mà mình có chưa chắc đã là điều đúng đắn, rằng cô bé không đủ tốt, không thực sự giỏi…

Những áp lực, lo âu do đó đã làm giảm bớt niềm vui của Riley nhưng thúc đẩy Riley theo đuổi một cuộc sống có nguyên tắc và lý tưởng, chăm chỉ hơn và không cho phép bản thân chủ quan hay kiêu ngạo. Giai đoạn lạc lối của Riley bởi thế gợi lên sự suy ngẫm về bản chất năng động của niềm vui và sự tiến hóa của nó qua các giai đoạn khác nhau của cuộc đời. 

Mặc dù con đường dẫn đến niềm vui có thể trở nên phức tạp hơn theo tuổi tác nhưng nó cũng mang đến cơ hội khám phá bản thân cũng như hiểu biết sâu sắc hơn về sự phức tạp của cuộc sống. Nó khuyến khích các cá nhân trân trọng những trải nghiệm phong phú ở mọi lứa tuổi và chấp nhận những thay đổi không thể tránh khỏi ở tuổi dậy thì. 

Những cảm xúc bị giam cầm
Trưởng thành cũng mang đến cơ hội khám phá bản thân và hiểu biết về sự phức tạp của cuộc sống.

Xem thêm

• 7 dấu hiệu chứng tỏ bạn là người được vũ trụ lựa chọn để mang lại sự tích cực cho cuộc sống

• 6 thói quen của những người giỏi quản lý cảm xúc

• 5 cách đơn giản để bạn trở nên độc lập hơn về mặt cảm xúc


Mỗi cảm xúc đều có giá trị riêng nhưng chúng không định nghĩa con người chúng ta

Inside Out 2 không tìm cách dán nhãn cảm xúc nào là tốt hay xấu mà nhấn mạnh vai trò riêng của từng cảm xúc đối với hành trình của Riley. Bộ phim cài cắm thông điệp sâu sắc về việc chấp nhận mọi cung bậc cảm xúc bên trong chúng ta và học cách yêu thương con người của mình ở muôn hình vạn trạng dáng vẻ, hình hài.

Nỗi Buồn là cách ta thấu cảm với mất mát, bi kịch của ai đó và để ta thấy không phải lúc nào ta cũng là một người mạnh mẽ. Ta có những yếu đuối, mong manh riêng… và ta cũng cần được ai đó thấu cảm. Sự Giận Dữ có thể thúc đẩy sự nhiệt huyết bên trong chúng ta, là khoảnh khắc ta “cháy” nhất và rực lửa nhất với những gì ta đam mê, cũng là cách để ta thoát khỏi sự tích tụ và kìm nén. Nỗi Sợ Hãi giúp chúng ta tránh xa nguy hiểm. Chán Nản thúc đẩy chúng ta tìm kiếm sự mới lạ. Ganh Tỵ giúp ta thấy mình vẫn là một sinh linh nhỏ bé và bất hảo trong đời…

cảm xúc nào cũng đáng quý - thông điệp ý nghĩa trong phim inside out 2
Inside Out 2 không tìm cách dán nhãn cảm xúc nào là tốt hay xấu.

Tuổi 13 mang tới cho Riley cơ hội trải nghiệm một loạt những cảm xúc đa dạng. Điều đó hình thành nên nhận thức của cô bé về bản thân và thế giới xung quanh. Những cảm xúc này có thể mãnh liệt và khó đoán, bị ảnh hưởng bởi những thay đổi sinh học, tương tác xã hội và những xung đột giữa hai nhóm cảm xúc. 

Tại đó, hai phe đối lập Vui Vẻ – Lo Âu tranh nhau nắm giữ quyền kiểm soát trụ sở chính. Khi Vui Vẻ nuôi trồng những ký ức hạnh phúc, trong sáng nhất thúc đẩy đức tin “mình là người tốt”, Lo Âu lại gieo xuống những ký ức khi Riley sai lầm, lạc lối thúc đẩy đức tin “mình không đủ tốt”… 

Trên thực tế cả Vui Vẻ lẫn Lo Âu đều bỏ qua bản chất đa diện và những trải nghiệm phong phú của Riley để vô tình nhân danh tình yêu, sự quan tâm và độc tôn vai trò của mình với sự phát triển cá nhân, tương lai của cô bé. Bởi lẽ phẩm cách một người không đơn giản vun đắp bằng những gì đẹp đẽ nhất hay xấu xa nhất mà bằng tất cả những gì họ đã trải qua trong đời. Và trong những trải nghiệm đó, cảm xúc là một phần cơ bản của con người nhưng chúng không gói gọn toàn bộ danh tính của người đó. 

Cảm xúc có thể thoáng qua và mang tính tình huống, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài và các quá trình bên trong. Chúng có thể hướng dẫn hành động và nhận thức của chúng ta nhưng không xác định toàn bộ tính cách, giá trị hoặc tiềm năng của chúng ta. Trên hết, điều cần thiết là chúng ta phải từ chối để những cảm xúc phức tạp kiểm soát mình, nuôi dưỡng một cuộc sống có lý tưởng, có kết nối và hạnh phúc. 

Joy và Sadness trong inside out 2
Inside Out 2 truyền tải thông điệp cảm xúc là một phần cơ bản của con người.

“Ta” quan trọng hay điều quan trọng là “ta sẽ trở thành ai”? 

Trọng tâm của Inside Out 2 là chủ đề hình thành bản sắc và cái giá của việc đánh mất bản thân. Cuộc giằng co đầy cảm xúc giữa Vui Vẻ và Lo Âu chính là “hữu hình hóa” của hành trình lạc lối bên trong Riley đã đặt ra cho khán giả câu hỏi: “Ta” quan trọng hay “người mà ta sẽ trở thành” quan trọng?

Về mặt tích cực, hình mẫu lý tưởng Val mang lại nguồn cảm hứng và động lực vô giá cho Riley. Val là kết tinh của những phẩm chất và thành tựu mà Riley mong muốn noi theo, dù là trong học tập, sự nghiệp, thể thao hay đức tính cá nhân. 

Val – một cô gái có cá tính mạnh mẽ, tốt bụng, không xem thường cô bé chỉ vì ít tuổi hơn, nhiệt tình cho cô những lời khuyên bổ ích… và hơn cả là tin tưởng Riley có thể làm tốt. Val mang đến cho Riley một chuẩn mực hữu hình để cô bé có thể đo lường sự tiến bộ và thành tích của mình. 

Tuy nhiên, việc lý tưởng hóa một hình mẫu cũng tiềm ẩn những thách thức và rủi ro. Khi Riley lý tưởng hóa hình mẫu thủ lĩnh Val, cô bé dần nảy sinh xu hướng coi Val là hoàn hảo. Nhận thức này tạo ra áp lực để bắt chước sự hoàn hảo mà cô bé tin tưởng, dẫn đến cảm giác thiếu tự tin hoặc thất vọng khi sự tiến bộ cá nhân không theo kịp sự tiến bộ của hình mẫu. Thậm chí, điều này làm nảy sinh sự bất mãn hoặc cảm giác mất kết nối với con người thật của mình. Đỉnh điểm là khi Riley mỉa mai nhóm nhạc yêu thích Vươn Cao Tỏa Sáng để học cách “thích những thứ họ thích”, tự xịt tóc màu đỏ cho giống các thành viên của Firehawks và tự nhận mình là một phần trong đó. 

Nhân vật Riley trong Inside Out 2
Việc lý tưởng hóa một hình mẫu có hai mặt tích cực và tiêu cực.

Việc ngưỡng mộ và lấy ai đó làm hình mẫu lý tưởng là điều tự nhiên, nhưng điều cần thiết hơn nữa là duy trì ý thức về bản thân và căn tính cá nhân. Hạnh phúc, niềm vui hiện tại có thể là kim chỉ nam, nhưng hiểu biết và phát triển bản thân một cách toàn diện là điều cần thiết để vượt qua những phức tạp của tuổi thiếu niên và chuẩn bị cho một tuổi trưởng thành đầy ý nghĩa. Tựu trung, “ta sẽ trở thành ai” rất quan trọng nhưng “ta là ai” cũng quan trọng không kém.

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Thúy Vân

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)