Văn hóa / Thế giới văn hóa

Phim kinh dị – Hào quang đang trở lại

Khi những bộ phim như "Get Out", "Us" hay "Annabelle" trở thành những hiện tượng phòng vé trong các năm gần đây, giới phê bình đã phải gật đầu nhận ra rằng, phim kinh dị đang trở lại thời hoàng kim của chúng.

Phim kinh dị luôn là thể loại đi kèm với khá nhiều ý kiến trái chiều. Dù có nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt thể loại này, không ít người cho rằng đây là thể loại phim nhạt nhẽo, hù dọa, và giá trị nghệ thuật thấp. Qua nhiều thập kỷ, phim kinh dị luôn được xếp vào dòng phim “rẻ tiền” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trước hết, đây là thể loại phim thường yêu cầu kinh phí thấp. Thứ hai, phim này không bao giờ nhắm đến nhóm khán giả có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật tư duy phức tạp.

Thái độ của khán giả với phim kinh dị cũng thay đổi theo từng thập kỷ, với những thể loại khác nhau, tùy theo vấn đề xã hội đương thời. Có thể nói, dù mục đích của phim kinh dị là khiến người xem sợ hãi, lo lắng và căng thẳng, chúng cũng biến chuyển theo thời gian. Và để thành công, người làm phim cũng phải hiểu thời đại mình đang sống là thời đại nào.

phim kinh dị Paranormal Activity cô gái ngồi trên giường
Paranormal Activity” của đạo diễn Oren Peli luôn được nhắc đến như một hiện tượng kỳ lạ của Hollywood.

Thăng trầm của một thể loại

Thập niên 1930, khi khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ để phục hồi kinh tế sau Thế chiến thứ nhất, những tác phẩm có màu sắc kinh dị và khoa học viễn tưởng như Frankenstein, Dracula, The Mummy hay King Kong đều đã đạt được thành công vang dội. Chúng trở thành những bộ phim kinh điển. Cho đến giờ, chúng vẫn liên tiếp được làm lại với nhiều phiên bản.

Bước sang thập niên 1940, khi thế giới sống trong những ngày căng thẳng của Thế chiến thứ hai, nỗi ám ảnh về số phận con người đã biến những bộ phim như I Walked with a Zombie, Ghost Ship hay Bedlam trở thành tâm điểm của sự chú ý. Đây là giai đoạn chuẩn bị cho thập niên 1950, 1960 khi điện ảnh nói chung không còn chỉ tập trung vào các mối quan hệ, mà đi sâu hơn vào thế giới nội tâm của con người. Những tác phẩm điện ảnh kinh điển của giai đoạn này có thể kể đến Psycho, Rosemary’s Baby.

phim kinh dị Us mặt trái của xã hội bản chất con người
“Us” là tác phẩm thứ 2 của đạo diễn Jordan Peele mang ẩn ý về bản chất con người và mặt trái xã hội Mỹ.
phim kinh dị Psycho tác phẩm kinh điển của Alfred Hitchcock
“Psycho” là bộ phim kinh điển nổi tiếng nhất của đạo diễn người Anh, Alfred Hitchcock.

Thập niên 1970, khi thế giới đối mặt với vô vàn biến động về chính trị xã hội, là giai đoạn hoàng kim của phim kinh dị, với hàng loạt những tác phẩm mang đủ đề tài tôn giáo như The Exorcist hay The Omen, sự đe dọa từ tự nhiên như Jaws, những kẻ tâm thần giết người hàng loạt như Halloween, The Texas Chainsaw Massacre hay sức mạnh siêu nhiên của cái chết như Carrie và Poltergeist. Chưa kể, đây là thời đại của ông vua kịch bản phim kinh dị Stephen King và các đạo diễn hàng đầu. Phim kinh dị trở thành món ăn quá đỗi quen thuộc tại các rạp chiếu, đến mức công chúng cảm thấy “bội thực” vì chúng.

Sự phát triển đến cực đỉnh kéo theo một thời gian dài im lặng và chật vật của phim kinh dị, cho đến tận cuối thập niên 1990, khi loạt phim Screams ra đời. Tuy nhiên, từ giai đoạn này cho đến gần đây, bất kể có những tác phẩm nổi bật, phim kinh dị đã không còn là “vật cưng” của giới phê bình. Sở dĩ chuyện này xảy ra có lẽ chính vì sự dễ dãi của các nhà làm phim trong việc lựa chọn kịch bản và cách thực hiện.

phim kinh dị tử thần vùng Texas người đàn ông cầm cưa điện
“Tử thần vùng Texas” (1974), do Tobe Hooper sản xuất và đạo diễn, với sự góp mặt của các diễn viên Marilyn Burns, Paul A. Partain.
Frankenstein The Mummy King Kong
“Frankenstein”, “The Mummy” và “King Kong” là những bộ phim kinh dị đạt tiếng vang vào thập niên 1930.

Sự trở lại của kịch bản tốt Sự phát triển toàn cầu của điện ảnh đã góp phần thay đổi bức tranh lớn của thể loại phim kinh dị. Những thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí Thái Lan khiến cả thế giới ngỡ ngàng vì những bộ phim mang tính tâm linh. Trong khi đó, các nước châu Âu cũng mang đến cho khán giả đại chúng khắp thế giới những tác phẩm điện ảnh kinh dị độc đáo.

Những cái tên như Ringu hay Ju-on (Nhật Bản), The Tale of Two Sisters (Hàn Quốc), Let the Right One In (Thụy Điển), Inside (Pháp) hay Martyrs (Pháp – Canada) đã khiến dòng phim này trở lại trung tâm sự chú ý của các nhà phê bình. Tất nhiên, chúng cũng trở thành một kho ý tưởng vô tận cho các nhà làm phim Hollywood, những người đang nỗ lực tìm kiếm các kịch bản kinh dị khác lạ. Phim kinh dị remake (làm lại) bỗng trở thành một trào lưu mới tại thiên đường điện ảnh.

A tale of two sisters tác phẩm Hàn Quốc
“A Tale of Two Sisters” là tác phẩm mang tính thương hiệu của đạo diễn Kim Jee Woon.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các thiết bị cá nhân cũng khiến phim kinh dị trở nên dễ dàng thực hiện hơn bao giờ hết. Sự ra đời của dòng phim kinh dị giả tài liệu bắt đầu từ đây, và dần trở thành một phần nổi bật của điện ảnh đương đại. Paranormal Activity, bộ phim chỉ mất 15.000 đô-la Mỹ để thực hiện, đã thu lại 150 triệu đô-la Mỹ, mức lãi không tưởng đối với một tác phẩm điện ảnh chỉ nhờ sự đầu tư chi tiết vào kịch bản và nhân vật.

Giờ đây, những người làm phim nghiêm túc nhận ra rằng điều quan trọng nhất của một tác phẩm kinh dị không phải là những đoạn nhạc giật gân, những pha hù dọa đáng sợ, mà vẫn là sự phát triển của nhân vật. Vũ trụ phim The Conjuring (bao gồm cả The Nun hay Annabelle) tiếp tục khai thác đề tài tôn giáo, nhưng các nhà làm phim đã nỗ lực để xây dựng được những câu chuyện phức tạp quanh mối quan hệ của các nhân vật.

Let the right one in tâm lý nhân vật cô độc
“Let the Right One In” là những bức tranh tâm lý nhân vật nhuốm màu cô độc, lạc lõng.

Bên cạnh đó, sự quan trọng của bối cảnh chính trị xã hội cũng được chú ý trở lại. Những bộ phim như Get out, hay Us đều chú trọng vào phát triển câu chuyện và nhắc nhở đến vấn đề sắc tộc, một chủ đề rất thời sự hiện nay.

Nhìn chung, nhờ sự đầu tư trở lại vào kịch bản và chú tâm vào vấn đề xã hội, phim kinh dị những năm gần đây đã bắt đầu lấy lại ánh hào quang mà những bậc tiền bối kinh điển từng có. Các tác phẩm không chỉ thành công ở phòng chiếu, chúng còn được ghi nhận ở những giải thưởng điện ảnh danh giá. Và tất nhiên, chúng sẽ tiếp tục tạo ra các tiêu chuẩn mới cho thế hệ điện ảnh tương lai.

Nhóm thực hiện

Bài: Huy Phương Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)