Yêu và được yêu là quyền và khát vọng chính đáng của con người. Dù bạn là ai, thuộc giới tính nào, bạn đều có quyền được tận hưởng những xúc cảm thăng hoa của tình yêu. Nhân tháng tự hào, những bộ phim thuộc đề tài LGBTQ+ sau đây sẽ sưởi ấm trái tim và tiếp thêm cho bạn niềm tin về vẻ đẹp của tình yêu không phân biệt giới tính.
1. Heartstopper
Được chuyển thể từ webtoon nổi tiếng cùng tên của nữ tác giả người Anh Alice Oseman, Heartstopper không chỉ là câu chuyện tình yêu đồng giới đơn thuần giữa những cô cậu học sinh mới lớn mà đó còn là hành trình khám phá bản thân của những người trẻ đang học cách yêu chính mình.
Nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, Heartstopper là lời nhắn nhủ dịu dàng của tuổi trẻ dành cho những đứa trẻ vẫn còn đang loay hoay, lo lắng về những điều khó nói xoay quanh câu chuyện giới tính của mình. Thông qua chuyện tình lãng mạn của cặp đôi chính Charlie Spring (Joe Locke) và Nick Nelson (Kit Connor), chúng ta sẽ nhận ra tình yêu vốn dĩ không phải bài toán khó mà đó chỉ là những cảm xúc chân thành xuất phát từ trái tim. Hành trình của Heartstopper không dừng lại ở những chuyện tình yêu đôi lứa mà đó còn là những cái ôm vỗ về dành cho những người đang phải đối mặt với những căn bệnh tâm lý hoặc khủng hoảng định danh. Heartstopper không có những chi tiết cao trào kịch tính mà chỉ mang lại những khoảnh khắc nhẹ nhàng, bình dị xoay quanh những vấn đề của những bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBTQ+. Bên cạnh đó, bộ phim còn sưởi ấm và chữa lành biết bao trái tim bằng những thông điệp nhân văn về tình yêu cũng như khuyến khích người xem yêu thương và trân trọng sự khác biệt của mình.
Mùa hai của loạt phim sẽ lên sóng vào tháng 8 này, tiếp tục câu chuyện tình yêu học đường nhiều màu sắc của Nick Nelson và Charlie Spring.
BÀI LIÊN QUAN
2. Call Me By Your Name (Gọi em bằng tên anh)
Trở về nước Ý vào thập niên 80 thuở trước, Call Me By Your Name là câu chuyện tình lãng mạn nhưng ngắn ngủi và đầy day dứt của hai chàng trai trẻ Elio (Timothée Chalamet) và Oliver (Armie Hammer). Mối tình ấy dù ngắn ngủi nhưng vẫn đủ để lại nỗi đau mang tên cả hai.
Call Me By Your Name được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả André Aciman, bộ phim được ví như thành trì bất hủ của thể loại phim LGBTQ+ thế giới khi đã thành công mang lại cho khán giả một mối tình đẹp như hương sắc mùa Hè nhưng lại đầy nước mắt tại miền Bắc nước Ý nên thơ. Bộ phim bắt đầu từ lần gặp gỡ đầu tiên giữa chàng thiếu niên 17 tuổi Elio và học giả trẻ kiêm khách trọ của gia đình cậu – Oliver. Cuộc gặp gỡ đã để lại trong lòng chàng thiếu niên những cảm xúc bâng khuâng khó tả về một khát khao khó có thể gọi tên. Không chỉ Elio mới có những có những cảm xúc đặc biệt với Oliver mà chính anh cũng đã vô thức muốn tìm hiểu thêm về cậu trai trẻ này. Từ những ánh mắt, những cái nhếch môi hay những cái chạm vai thầm kín, tình yêu cứ thế nảy mầm vụng trộm giữa hai trái tim non trẻ. Và chỉ trong 6 tuần ngắn ngủi, cả hai đã biến những khát khao thầm kín thành thứ tình yêu đáng nhớ cả một đời.
3. Your Name Engraved Herrein (Cái tên khắc sâu trong tim người)
Lấy bối cảnh Đài Loan năm 1987 đầy biến động trong lịch sử, khi xã hội Đài Loan vẫn còn những định kiến khắt khe về tình yêu đồng giới, câu chuyện của Trương Gia Hán (Trần Hạo Sâm) và Vương Bách Đức (Tăng Kính Hoa) trong Your Name Engraved Herrein có thể được xem như một bản tình ca day dứt của một thời tuổi trẻ khao khát tự do.
Trương Gia Hán (Trần Hạo Sâm) và Vương Bách Đức (Tăng Kính Hoa) hay còn gọi là Birdy – những người trẻ thuộc thời đại cũ trưởng thành trong những định kiến hà khắc. Đối mặt với rào cản thời đại, Gia Hán và Bách Đức có những cách thức khác nhau để đối mặt với trái tim của mình. Tuy Gia Hán lớn lên trong gia đình Công giáo nơi ước mơ trở thành nhạc sĩ bị chế giễu không ngừng, cậu lại cho thấy bản thân dũng cảm hơn Bách Đức, người luôn thể hiện sự ngông cuồng khi theo đuổi cuộc sống hoang dã bất cần nhưng lại không dám thừa nhận tình yêu. Với một xã hội đầy những định kiến gay gắt về tình yêu đồng giới cùng những bản ngã dị thường, những con người ấy đã có quá nhiều nỗi sợ hãi khiến họ đành tâm buông bỏ trái tim. Đó cũng là lý do Bách Đức không dám đối mặt với tình cảm của mình. Một kết thúc mở dành cho cả hai khi Gia Hán và Bách Đức gặp lại nhau sau 30 năm tại Canada, giờ đây Đài Loan đã trở thành quốc gia hợp thức hóa hôn nhân đồng giới và cũng là lúc Bách Đức muộn màng thừa nhận tình cảm của mình.
4. Brokeback Mountain (Chuyện tình sau núi)
Nhắc đến những bộ phim lấy đề tài LGBTQ+ nổi tiếng, chúng ta không thể không nhắc đến Brokeback Mountain bất hủ của đạo diễn Lý An. Tác phẩm từng gây bão làng điện ảnh thế giới với nhiều giải thưởng danh giá tại các Liên hoan phim đình đám như Oscar 2006 (Đạo diễn xuất sắc nhất, Phim chuyển thể xuất sắc nhất, Nhạc phim xuất sắc nhất), Quả Cầu Vàng 2006 (Phim hay nhất thể loại chính kịch, Kịch bản hay nhất, Bài hát chủ đề hay nhất), LHP Venice 2005.
Phim lấy bối cảnh vào thập niên 60 của nước Mỹ khi xã hội vẫn còn những định kiến về tình yêu đồng giới khi cho rằng đó là nỗi kinh tởm đi ngược lại đạo lý thông thường. Ennis del Mar (Heath Ledger) và Jake Twist (Jake Gyllenhaal) là hai chàng chăn cừu trẻ tuổi cùng nhau làm việc trên đỉnh núi Brokeback vào mùa Hè. Bắt đầu từ những cuộc trò chuyện xã giao thuần túy cho đến những ánh mắt chân thành và những lần kề cạnh, dần dần trái tim của họ đã vô thức tìm đến nhau. Chuyện tình của Ennis và Jake tạm dừng lại khi công việc kết thúc. Họ tạm biệt nhau một cách nhanh chóng để quay về cuộc sống đời thường với suy nghĩ rằng những ngày tháng ấy sẽ sớm phai đi nhưng chẳng ngờ Brokeback đã trở thành một miền ký ức không thể nào quên. Bốn năm sau gặp lại, cả hai đều có gia đình nhỏ của mình nhưng chính họ lại hiểu đây vốn không phải cuộc sống mình hằng mong ước. Cả hai quyết định trở lại với nhau một cách vụng trộm nhưng đầy hạnh phúc như những ngày bên nhau trên đỉnh Brokeback lộng gió. Tuy nhiên, họ chẳng thể chiến thắng được thời đại khi những định kiến gay gắt cũng như bóng ma tâm lý của Ennis luôn ngăn cản tình yêu cả hai. Cuối cùng, bộ phim kết thúc với sự ra đi đầy thương tiếc của Jack, để lại cho Ennis một nỗi đau day dứt. Bộ phim đã trở thành tượng đài bất hủ của thể loại phim LGBTQ+ vì câu chuyện và những thông điệp xã hội vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.
Xem thêm:
• Điều gì khiến bộ phim LGBT “Cherry Magic” trở thành hiện tượng khắp châu Á?
• Những bộ phim Việt Nam nào đề cập tới chủ đề LGBT?
• Điểm danh các bộ phim đồng tính hay nhất trong Liên hoan Phim BFI Flare
5. Happy Together (Xuân quang xạ tiết)
Sau thành công của Trùng Khánh Sâm Lâm (1994) và Đọa Lạc Thiên Sứ (1995), đạo diễn xuất sắc nhất Hong Kong Vương Gia Vệ tiếp tục gửi gắm vào dự án tiếp theo của mình vẻ đẹp của nỗi cô đơn. Khác với tình yêu nam nữ trong những dự án trước, lần này Vương Gia Vệ vẽ nên một chuyện tình đồng giới đầy trăn trở, bi thương trong Happy Together (Xuân Quang Xạ Tiết) và thành công tạo nên dấu ấn mới cho sự nghiệp của mình.
Happy Together là mối tình đồng giới đầy trắc trở của hai chàng trai trẻ Lê Diệu Huy (Lương Triều Vỹ) và Hà Bảo Vinh (Trương Quốc Vinh). Từ Hong Kong, cả hai quyết định lên đường đến Argentina và có kế hoạch đến thác Iguana cùng nhau để hàn gắn mối quan hệ sau nhiều lần hợp tan chóng vánh, dẫu tất cả đều là chủ ý của Bảo Vinh. Đáng tiếc, Argentina lại là nơi chứng kiến sự kết thúc của mối tình nhiều lần tan vỡ của Diệu Huy và Bảo Vinh. Nếu Bảo Vinh là cánh chim tự do bay không mỏi thì Diệu Huy giống như dòng suối dịu dàng trầm tĩnh luôn đợi chờ cánh chim quay về. Tiếc rằng sau bao lần hợp tan tan hợp, lần này dòng suối chẳng thể đợi chờ. Ở lần chia tay cuối cùng, Diệu Huy đã quyết tâm từ bỏ Bảo Vinh như giải thoát cho chính mình và anh quyết định đơn độc đi đến thác Iguana như thể muốn gom hết dũng khí để quay về Hong Kong một mình.
6. Thưa mẹ con đi
Thưa mẹ con đi là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Bộ phim không chỉ khai thác những cảm xúc chân thật của tình yêu đồng giới mà còn là những thước phim nhẹ nhàng về tình cảm gia đình, về những vẻ đẹp của làng quê truyền thống Việt Nam và quan trọng hơn cả là những nỗi niềm của các bậc trưởng bối trước chuyện tình cảm khác biệt của con mình.
Trở về Việt Nam sau nhiều năm ở Mỹ, Văn (Lãnh Thanh) đưa bạn trai của mình là Ian (Võ Điền Gia Huy) về quê. Khác với Ian đã sang Mỹ từ lúc nhỏ, Văn là cháu đích tôn của một gia đình đa thế hệ mà ở đó gánh nặng hôn nhân luôn là áp lực đối với con trai trưởng như anh. Văn luôn muốn thưa chuyện cùng mẹ về mối quan hệ của mình với Ian, song anh vẫn còn e dè trước những định kiến giới vẫn còn bao trùm làng quê Việt Nam. Anh và Ian luôn phải giả vờ là những người bạn thân để qua mắt mọi người nhưng với linh cảm của một người mẹ (nghệ sĩ Hồng Đào thủ vai), bà đã nhận thấy sự khác lạ trong tình bạn này và hiểu điều gì mới mang lại hạnh phúc thật sự cho con trai của mình. Bên cạnh dàn diễn viên trẻ tiềm năng như Lãnh Thanh, Gia Huy…, bộ phim còn có sự góp mặt của dàn diễn viên kỳ cựu như NSƯT Lê Thiện, Hồng Đào, Hồng Ánh, Kiều Trinh…
7. The Danish Girl (Cô gái Đan Mạch)
Dựa trên câu chuyện có thật về Lili Elbe – người chuyển giới đầu tiên trên thế giới, The Danish Girl là hành trình được sống là chính mình của Einar (Eddie Redmayne) – người phụ nữ đáng thương trong hình hài người đàn ông. Bên cạnh thông điệp nhân văn truyền tải về cộng đồng người chuyển giới, The Danish Girl còn là bức tranh về sự hy sinh cao cả và tình thương vượt qua sự nỗi đau của người vợ Gerda (Alicia Vikander).
Einar (Eddie Redmayne) và Gerda (Alicia Vikander) là cặp vợ chồng hạnh phúc đã bên nhau hơn 6 năm nhưng vẫn chưa có con. Cả hai cùng có chung niềm đam mê hội họa và luôn sẵn sàng ủng hộ nhau. Mạch phim chuyển biến khi Gerda đã nhờ chồng ướm thử bộ váy cùng đôi giày khiêu vũ nữ tính để làm nàng thơ cho tác phẩm của cô. Tuy nhiên, lần ướm thử ấy đã bắt đầu thay đổi cuộc sống cả hai khi Einar nhận ra một con người mới trong anh vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ dài. Anh chợt nhận ra bản thân là ai và điều mình mong mỏi là gì nhưng cũng hiểu được những đau khổ mà bản thân sẽ đối mặt nếu dám sống thực là mình. Ngoài kia, một xã hội sẽ không tiếc lời chế giễu, một tương lai bất định đầy rủi ro và hơn hết anh vẫn còn Gerda – một người vợ luôn hết mình yêu anh. Nhưng sau tất cả, bằng tình yêu của mình, Gerda đã quyết tâm trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của Einar và bảo vệ anh khỏi những gièm pha ác ý. Bộ phim đã mang về cho nữ diễn viên Alicia Vikander giải thưởng Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất mùa giải Oscar 2016.
8. Carol
Carol đi ngược lại với những định kiến gay gắt về tình yêu đồng tính trong thập niên 50 khi đã vẽ nên bức tranh tình yêu ấm áp mang hương vị Giáng Sinh ngọt ngào giữa hai nhân vật nữ Carol (Cate Blanchett) – một người phụ nữ trung niên giàu có, quyến rũ và đã có gia đình và Thesere (Rooney Mara) – một thiếu nữ trẻ trung, dịu dàng với đời sống nội tâm phong phú.
Trong xã hội đàn ông làm chủ, tình yêu của Carol (Cate Blanchett) và Thesere (Rooney Mara) là một điều không thể chấp nhận vì thứ tình cảm ấy đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức thông thường. Thế nhưng, sâu bên trong, đó chỉ là sự ê chề của những người đàn ông khi không thể đạt được điều họ muốn. Carol gặp Thesere lần đầu tiên trong cửa hàng đồ chơi nơi Thesere làm việc, tại đây hai người đã trò chuyện và trở nên thân thiết với nhau. Họ đến bên nhau một cách lặng lẽ nhưng nồng ấm, họ chia sẻ với nhau thứ tình yêu thuần túy mà những mối tình dị tính chẳng thể mang lại. Carol vốn là người phụ nữ mạnh mẽ và quyết đoán nhưng khi ở cạnh Thesere, cô đã dành mọi sự dịu dàng còn lại cho người con gái này. Thesere cũng thế, đằng sau vẻ ngoài trẻ trung nhưng có phần sâu lắng, cô đến với Carol bằng thứ tình yêu cuồng nhiệt nhất của tuổi trẻ bởi cô biết Carol chính là món quà Giáng Sinh tuyệt nhất cô từng có. Tình yêu của hai người phụ nữ bắt đầu một cách giản đơn nhưng rồi họ lại phải đối diện với vô vàn thách thức từ chính mình và từ xã hội. Có thể nói, Carol không chỉ là một bộ phim hay khai thác đề tài tình yêu đồng giới, đây cũng là một câu chuyện tình ấm áp sưởi ấm trái tim bạn vào mỗi mùa Giáng Sinh.
BÀI LIÊN QUAN
9. Blue Is The Warmest Colour
Trong tiếng Anh, “blue” có nghĩa là màu xanh dương đồng thời mang ý nghĩa của một nỗi buồn man mác. Thế nhưng, trong bộ phim điện ảnh nước Pháp Blue Is The Warmest Colour, màu xanh lại trở thành tông màu ấm áp nhất khi trở thành biểu tượng tình yêu của hai cô gái trẻ Adele (Adele Exarchopoulos) và Emma (Lea Seydoux).
Thành công mang về giải thưởng Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 2013, Blue Is The Warmest Colour là câu chuyện tình yêu cuồng nhiệt được viết bằng tuổi trẻ của cặp đôi đồng tính nữ (Adele Exarchopoulos) và Emma (Lea Seydoux). Trước ngưỡng cửa trưởng thành, Adele 17 tuổi luôn loay hoay tìm kiếm bản ngã của mình. Cô luôn xuất hiện với mái tóc lòa xòa cột vội cùng với trang phục giản dị đến mức chán chường. Sau khi trải qua mối tình chóng vánh cùng một chàng trai đem lòng thích mình, Adele tình cờ gặp được một nữ sinh viên năm cuối ngành Mỹ thuật với mái tóc cắt ngắn được nhuộm màu xanh dương bắt mắt tại ngã tư đường. Trái tim Adele khẽ khàng rung động trước những ánh nhìn, những cử chỉ, những nụ cười của Emma và dường như màu xanh của Emma mang lại đã là màu của hy vọng ấm áp trong trái tim non trẻ của Adele. Tình yêu của cả hai người trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhưng sau tất cả, những va vấp của tuổi trẻ khiến họ buộc phải trưởng thành và rời xa nhau. Emma quay trở về màu tóc cũ như lời tạm biệt những ngày tháng tươi đẹp và đó là lúc Adele nhận ra hồi kết trong câu chuyện tình của chính mình.
10. Vita & Virginia
Lấy cảm hứng từ cuộc đời Virginia Woof – nữ văn sĩ xuất chúng của nước Anh vào đầu thế kỷ XX, Vita & Virginia sẽ kể lại một câu chuyện tình đồng tính nữ đầy thị phi nhưng cũng đong đầy cảm xúc giữa nữ văn hào Virginia (Elizabeth Debicki) và nữ thi sĩ xinh đẹp, phóng khoáng Vita Sackville-West (Gemma Arterton).
Khi tư tưởng cố hữu cùng lề thói thượng lưu chi phối cách sống, chuyện tình giữa Virginia và Vita nổi bật như một đề tài đáng phê phán trong xã hội đương thời nhưng lại trở thành nguồn cảm hứng sâu sắc cho những áng văn chương của đại văn hào Virginia Woof. Trong Virginia & Vita, Virginia bị thu hút bởi sự thông tuệ, duyên dáng, xinh đẹp của Vita Sackville-West – người đàn bà thuộc tầng lớp thượng lưu nhưng đã có gia đình – tại một buổi tiệc. Dù cả hai đã có gia đình nhưng cuộc hôn nhân của họ chẳng hề trọn vẹn.Vita có một người chồng lưỡng tính và giống như bà, ông ấy cũng có những mối quan hệ riêng của mình. Trong khi đó, Virginia với thể trạng ốm yếu cùng những chấn thương trong quá khứ đã không thể mang lại cho chồng mình – Leonard Woof – một cuộc hôn nhân đúng nghĩa dù tình yêu của ông dành cho bà vô cùng sâu đậm. Virginia & Vita là một câu chuyện tình đẹp nhưng đầy nước mắt vì đến cuối cùng họ không thể đến được với nhau.
11. Portrait of a Lady on fire
Lấy cảm hứng từ những cuộc hôn nhân sắp đặt của giới quý tộc Pháp vào thế kỷ XVIII, Portrait of a Lady on fire là bộ phim điện ảnh nước Pháp kể về mối tình đồng giới nghẹn ngào và đầy tính nữ giữa hai nhân vật có xuất thân khác nhau: nữ họa sĩ Marianne (Noémie Merlant) và tiểu thư Héloïse (Adèle Haenel) cao quý. Cả hai luôn khát khao một tình yêu tự do nhưng đáng tiếc những tư tưởng của thời đại lại không đứng về phía họ.
Bộ phim bắt đầu khi Marianne (Noémie Merlant) nhận lời mời của mẹ Héloïse (Adèle Haenel) đến tư dinh gia đình trên một hòn đảo biệt lập vùng Brittany nước Pháp để vẽ chân dung Héloïse. Theo đó, Héloïse sẽ thay thế người chị đã mất của mình để kết hôn với một người đàn ông giàu có nên cô cần một bức chân dung thật đẹp để gửi cho vị hôn phu ở tận Milan. Tuy nhiên, cô chán ghét cuộc hôn nhân sắp đặt vì cô tin cuộc hôn nhân chính là lý do dẫn đến cái chết của chị gái nên không hợp tác với Marianne. Để hoàn thiện bức vẽ một cách sớm nhất, Marianne chỉ có thể kết bạn với Héloïse và tranh thủ những giờ phút bên nhau để nắm bắt những đường nét của vị tiểu thư khó tính. Cuối cùng Marianne cũng hoàn thành bức vẽ đầu tiên nhưng Héloïse cho rằng đó chẳng phải cô mà chỉ là một hình người sáo rỗng. Dần dần, cả hai thiếu nữ trẻ cùng nhau rơi vào biển tình và như con sóng ngoài khơi vùng Brittany hẻo lánh, tình yêu của họ phát triển một cách mãnh liệt và dữ dội, hóa thành ngọn lửa của khát khao tự do để rồi đắng cay nhận ra thời đại này chẳng thể dung chứa tình yêu của hai người. Bức chân dung của Héloïse cuối cùng cũng hoàn thành và tình yêu của họ cũng đi đến hồi kết. Mãi về sau, Marianne chỉ có thể gặp lại Héloïse qua bức chân dung cùng con gái mà ở đó ngọn lửa tình yêu của người phụ nữ cũng đã lụi tàn.
12. Happiest Season
Happiest Season là bài học tình yêu lãng mạn nhưng không kém phần dí dỏm của cặp đôi đồng tính nữ Abby (Kristen Stewart) và Harper (Mackenzie Davis). Khai thác nỗi sợ “comeout” ở những cặp đôi đồng giới, Happiest Season mang đến cho khán giả những bài học đắt giá về sự sẻ chia, sự thấu hiểu cùng những câu chuyện nhân văn về tình bạn, tình cảm gia đình.
Theo chân Abby (Kristen Stewart) và Harper (Mackenzie Davis), mùa Giáng Sinh của cả hai trở nên bận rộn hơn bao giờ hết khi ai cũng có những dự định cho riêng mình. Nếu Abby đang lên kế hoạch cầu hôn bạn gái thì Harper lại đau đầu vì không biết phải giới thiệu Abby với bố mẹ như thế nào trong mùa lễ năm này. Khi biết bố mẹ của Harper vẫn chưa biết mối quan hệ của cả hai, Abby bất ngờ và thất vọng khi nhận ra kế hoạch cầu hôn của mình có khả năng đối mặt với những rủi ro khá cao từ gia đình người yêu. Đến thăm gia đình Harper, Abby phải giả vờ đóng vai bạn thân của Harper và thậm chí họ không được ở chung một phòng. Vì cuộc bầu cử thị trưởng sắp đến của bố Harper cùng với danh xưng gia đình hoàn hảo, Harper vẫn chần chừ trong việc giới thiệu Abby với người thân. Những khúc mắt nảy sinh từ các mối quan hệ trước đó, những rắc rối trong gia đình Harper và cả sự tự ti của Abby khi ở trước gia đình bạn gái đã đẩy mối quan hệ vào tình thế khó khăn, buộc cả hai phải cùng nhau tìm cách giải quyết. Cuối cùng, vượt qua những trở ngại, Abby và Harper đã có thể dũng cảm nắm tay nhau và nhận lời chúc phúc từ gia đình.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Thảo