“Phồn Hoa”: Những mối tình Thượng Hải trầm tư nhưng vang vọng
Mười năm kể từ bộ phim điện ảnh “Nhất đại tông sư”, Vương Gia Vệ đã trở lại với bộ phim truyền hình đầu tiên trong sự nghiệp. Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kim Vũ Trừng, bộ phim dài 30 tập tái hiện bức tranh toàn cảnh xã hội của thành phố Thượng Hải đầu thập niên 1990. Phồn Hoa theo chân triệu phú tự thân A Bảo, xuất thân từ một gia đình tư bản sa sút trong hành trình chinh phục thị trường chứng khoán.
Phồn Hoa tạo ra cuộc tranh luận lớn, thu hút đông đảo những khán giả yêu phim Truyền hình Trung Quốc khi lên sóng khung giờ vàng đài CCTV và được chấm 8,3 điểm trên diễn đàn Douban.
Thư tình gửi một thành phố
Vương Gia Vệ là người gốc Thượng Hải, ông theo gia đình di cư đến Hồng Kông vào lúc năm tuổi. Sau nhiều thập kỷ dấn thân vào ngành công nghiệp điện ảnh đầy biến động, “Vua kính râm” cuối cùng cũng trở về với Thượng Hải thời thơ ấu. Theo chia sẻ của ông: “Cuốn tiểu thuyết Blossoms của Kim Vũ Trừng đã cung cấp bối cảnh phù hợp để hình dung và truyền đạt tình cảm của tôi đối với thành phố quê hương mình. Thông qua loạt phim này, tôi hy vọng sẽ đưa người xem đắm chìm vào những đặc điểm hấp dẫn của Thượng Hải và những công dân của nó vào đầu những năm 1990, một giai đoạn ly kỳ tạo tiền đề cho sự thịnh vượng hiện tại của Thượng Hải”.
Tìm về Thượng Hải như tìm lại một người tình cũ với tất cả những vẻ đẹp, sự kỳ bí và thổn thức. Ở đó, hiện lên những con hẻm, khu chung cư, tiệm ăn, ánh đèn neon trên con đường Hoàng Hà tấp nập. Ở đó, có lớp lớp hoài niệm về tuổi thơ, nhịp sống phố hội vội vàng, nhiều con người với nhiều số phận đang vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Ở đó, là đại lộ nhưng cũng là nghĩa trang của những giấc mơ tan vỡ, của khát vọng đổi đời, cống hiến và xoay chuyển thời cuộc.
Không chỉ ghép lại bức tranh thành phố xô bồ qua những thước phim đầy duy mỹ, Phồn Hoa còn vun vén cảm xúc tiếc nuối về thời đại thịnh vượng đã trôi qua, những thăng trầm của trung tâm mua sắm, những cuộc gặp tình cờ, mối quan hệ nhập nhằng giữa thương trường và tình trường…
Phồn Hoa được xem là bức thư tình gửi thành phố Thượng Hải nơi Vương Gia Vệ sinh ra, cùng cảnh quay mơ màng, chuyển động chậm, nhạc valse, phức cảm về thời gian và những mối tình nên thơ đã thành công vun đắp nên hình ảnh một Thượng Hải thịnh vượng, quá vãng và thâm tình.
Cũng qua Phồn Hoa khán giả thực sự chiêm ngưỡng trọn vẹn nét đẹp độc đáo của Mã Y Lợi và Đường Yên trong vai những cô gái Thượng Hải lẫn sự thông minh, quyến rũ và tràn đầy sức sống của các thiếu nữ trên đường Hoàng Hà sầm uất. Không kém gì bộ sườn xám của Tô Lệ Trân mang vẻ đẹp của Hồng Kông thập niên 90, đây chính là sức hấp dẫn độc đáo của Thượng Hải huyền thoại, của thế hệ nữ công nhân cổ trắng đầu tiên.
Những mối tình Thượng Hải trầm lặng nhưng ngân vang
Các mối tình trong phim Vương Gia Vệ luôn luôn thầm kín mà sống động và rực rỡ. Những con người yêu nhau bao giờ cũng nhạy cảm, yêu chân thành nhưng cũng chấp nhận từ bỏ hoặc đôi khi trốn tránh tình yêu.
Nhân vật A Bảo gợi nhắc chúng ta về vũ trụ nam nhân trong các bộ phim Hồng Kông kinh điển của vị đạo diễn họ Vương; về Húc Tử, gã tay chơi trong nhiều cuộc săn tình ái nhưng trước nay chỉ yêu mỗi bản thân mình; về Châu Mộ Văn, giấu mối tình khắc cốt ghi tâm trên vách đá của Angkor Wat…
Trong suốt Phồn Hoa, Thượng Hải không chỉ là thương trường nơi A Bảo và những người đàn ông mượn rượu làm cầu nối kinh doanh mà còn là nơi “ươm mầm” bốn câu chuyện tình dở dang, lưng chừng nhưng không kém phần đẹp đẽ trong cuộc đời anh.
Khi A Bảo kể cho Linh Tử nghe về bạn gái của mình trên mái nhà, anh nói rằng người con gái ấy đã biến thành cá vàng và bơi đi. Điều này dường như đang ám chỉ Tuyết Chi, mối tình đầu của anh. Qua vài phân đoạn, Tuyết Chi hiện lên là một nhân vật thông minh, kiêu ngạo và tham vọng. Cả hai gặp nhau khi ở tuổi thiếu niên và tình yêu khi đó còn là một điều gì rất trẻ trung, lãng mạn.
Thời gian trôi chảy, bị lấy đi theo năm tháng, không chỉ có một đoạn ký ức mà cả tình đầu. Từ cô gái lém lỉnh dạy cho anh cách đánh vần từ “L.O.V.E” trong làn sương mờ của nhà hàng lẩu, đến cô gái rời thành phố dấn thân vào thế giới đầy màu sắc của Hồng Kông và mười năm sau trở về trong bộ quần áo đẹp đẽ cùng một trái tim đã nguội lạnh, anh phũ phàng nhận ra cô gái của tuổi hai mươi rạng rỡ vẫy chiếc cờ đỏ trên xe bus số 13 Thượng Hải đã trở thành một người khác, thậm chí có một cái tên tiếng Anh là Betty.
Anh tự hỏi: “Có người đã nói, Mặt Trăng trên bầu trời không bằng bóng trăng trong nước, tôi từng nghĩ cái nào tốt hơn?”. Đối với A Bảo, sự tồn tại của Tuyết Chi hay Betty giống như Mặt Trăng trong nước và Mặt Trăng trên bầu trời, dù là cái nào thì cũng không thể chạm tới đơn giản vì người con gái ấy đã biến mất, để lại một Betty bằng xương bằng thịt nhưng xa xôi và lạ lẫm. Cô dường như hiện thân cho Bạch Nguyệt Quang trong thế giới tình cảm của A Bảo, chói lóa mà lạnh lùng.
Trong khi đó, Tiểu Uông là một cô gái xuất thân có gia thế, được cha nuông chiêu, đầy dũng khí trong cả mối quan hệ lẫn sự nghiệp, dám cho và nhận. Cô xuất hiện trong cuộc đời A Bảo vào thời điểm mà vấn đề cơm áo gạo tiền không còn là nỗi lo nhưng có lẽ ngay cả bản thân A Bảo cũng chưa định nghĩa rõ mối quan hệ của cả hai. Anh đã từng không hề dè dặt khi yêu một người, nhưng cuối cùng lại thất vọng vậy nên không còn tin vào tình yêu nếu không có nền tảng tài chính. Anh cũng không dám để một người phụ nữ hy sinh tương lai tươi sáng của mình để ở bên anh. Đúng như những gì anh ấy đã nói với Tiểu Uông, anh sẽ không đi bán trà với cô nhưng cũng không để cho cô phải đi bán trà.
Lý giải về mối quan hệ giữa A Bảo và Tiểu Uông, Vương Gia Vệ gọi đó là trạng thái giữa kim giờ và kim phút. Đây cũng không phải là lần đầu tiên đạo diễn họ Vương sử dụng khái niệm thời gian để đùa giỡn với cảm xúc. Trong A Phi chính truyện, Húc Tử do Trương Quốc Vinh thủ vai đã từng chỉ vào đồng hồ và nói với Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc) rằng kể từ giờ phút này, họ sẽ là bạn tốt của nhau trong một phút và dù cô có muốn thì cũng không thay đổi được vì một phút ấy vừa mới trôi qua. Đó giây phút đã khiến cả hai người ghi khắc suốt đời. Trong Phồn Hoa, kim giờ và kim phút luôn tiến về phía trước, có kim đến sau và đến trước nhưng chúng luôn nằm trên cùng một mặt phẳng, thỉnh thoảng chúng chồng lên nhau, giống như một điệu nhảy, chúng đi vòng quanh và sẽ gặp lại.
Nếu Tiểu Uông là cô gái tự tin, năng động thì Linh Tử là một người phụ nữ trưởng thành, chín chắn, lãng mạn nhưng cũng có khía cạnh thực tế. Tình yêu Linh Tử dành cho A Bảo có thể đã bắt đầu khi cô nhận được tấm vé mời về Trung Quốc của anh. Cô rung động từ cái nhìn đầu tiên ở đất nước xa lạ, rung động cách anh giúp đỡ, cách đối phương giữ lời hứa và cách A Bảo chi nhiều tiền cho cô. Nhưng đối với Linh Tử, đây là một tình yêu vô vọng. Như cô đã nói ngay từ đầu, cô biết rằng cô và A Bảo là không thể, không chỉ vì A Bảo trò chuyện về mối tình đầu trước mặt cô mà còn vì anh nói chuyện quá bình tĩnh và tận tâm. Tuy vậy, Linh Tử vẫn cho phép mình yêu bốn năm trong trạng thái tưởng chừng như tỉnh táo ấy. Cô đặt ra thời hạn bốn năm cho mình, giống như thỏa thuận mười năm của A Bảo và Tuyết Chi nhưng cuối cùng cô cũng không thể tiếp tục tự lừa dối, cô quyết định không chờ đợi nữa.
Trong số các nhân vật nữ của bộ phim, Lý Lý và A Bảo là cặp đôi dường như có mối quan hệ bí ẩn nhất, nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì họ thực sự là cặp đôi mang đậm màu sắc “Vương Gia Vệ” nhất, dễ làm chúng ta liên tưởng đến cặp đôi Lương Triều Vỹ – Trương Mạn Ngọc trong In the Mood for Love. Lý Lý do Tân Chỉ Lôi thủ vai có quá khứ bí ẩn, khí chất lạnh lùng và vẻ ngoài lộng lẫy trầm lặng nhưng bản tính khó đoán, thâm trầm. Mỗi lần hai người gặp nhau, họ nói vài câu nhưng ngầm hiểu, cộng hưởng cảm giác mơ hồ xa lạ như kẻ thù, như bạn bè, hai người đã tạo dựng thành công một loại không khí lãng mạn kỳ bí trong các phân cảnh của họ.
Nhân vật A Bảo một mặt là người hiểu tình yêu, bản chất nhân từ và ôn hòa, nhưng ở một mức độ nào đó là một người “bất tài trong tình yêu”. Anh quá thụ động và im lặng trong các mối quan hệ vì “từ nhỏ đã trải qua buồn vui, cho nên đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự hoang tàn của thế giới, thậm chí có khi còn chuẩn bị quá mức”. Bởi thế, tình cảm của A Bảo luôn mãnh liệt, lãng mạn nhưng cũng bi quan và tuyệt vọng.
Tựu trung, Phồn Hoa mang dáng dấp của một bài thơ cổ, đượm buồn, sôi nổi và tao nhã. Ba mươi tập phim cũng có thể xem như ba mươi bộ phim điện ảnh nhỏ, đậm chất ngôn ngữ điện ảnh của “ông hoàng lãng mạn” và khiến khán giả hoài cố về một thời hoàng kim của điện ảnh Hồng Kông thập niên 90.
Bài: Hoàng Thúy Vân