Sau đây là 20 bộ phim tình cảm, tâm lý gia đình Âu Mỹ đầy xúc động, giúp bạn giải tỏa cảm xúc của mình.
1. Bambi (1942)
Từ trước đến nay, các bộ phim của hãng Walt Disney không chỉ mang màu sắc nhiệm màu mà còn chạm đến trái tim khán giả theo nhiều cách đặc biệt. Điển hình là bộ phim hoạt hình về Bambi, chú nai con đáng thương từ nhỏ đã phải chịu cảnh mồ côi mẹ. Dù lớn lên giữa tình thương của những người bạn thú rừng khác, nhưng cảnh phim Bambi mất mẹ không chỉ khiến trẻ con mà ngay cả người lớn cũng phải bật khóc nức nở.
2. Sophie’s Choice (1982)
Bộ phim được dẫn dắt bởi hai nhân vật. Một là Stingo (do Peter MacNicol thủ vai), chàng trai 22 tuổi tìm đến Brooklyn để nuôi giấc mộng trở thành nhà văn đại tài. Người còn lại là Sophie (do Meryl Streep thủ vai) cùng với những hồi tưởng đau thương in hằn trên gương mặt cam chịu từ quá khứ.
Trong thế chiến thứ hai, khi bị bắt và đưa đến trại tập trung Auschwitz cùng hai con, một tay phát xít đã đưa ra một lời đề nghị tàn độc buộc Sophie phải ra quyết định: đứa con trai Jan hoặc đứa con gái Eva còn được sống, không thì cả hai đều sẽ bị giết. Trong cơn quẫn trí, Sophie đã đưa ra quyết định, và điều này đã gây ám ảnh lấy cô, ám ảnh cả người xem cho đến mãi về sau. Meryl Streep đã thể hiện xuất sắc vai diễn để khán giả cảm nhận rõ tâm can như bị xé nát của người làm mẹ. Cũng chính nhờ vai diễn này mà bà đã giành lấy giải Oscar cho hạng mục nữ chính xuất sắc nhất.
3. Terms of Endearment (1983)
Terms of Endearment tuy là một bộ phim hài nhưng lại làm hao tốn biết bao nước mắt khán giả. Nội dung xoay quanh câu chuyện của hai mẹ con Aurora (do Shirley MacLaine thủ vai) và Emma Greenway (do Debra Winger thủ vai). Cả hai bắt đầu giận nhau khi Emma bất chấp sự ngăn cản của mẹ và lập gia đình. Dần dần, cả hai bắt đầu hòa hợp với nhau và tìm lại hạnh phúc trong cuộc sống.
Câu chuyện của hai mẹ con Aurora và Emma cũng là câu chuyện của nhiều người trong cuộc sống. Đôi khi có những bất hòa giữa những bậc phụ huynh và con cái, cả hai sẽ phải mất rất nhiều thời gian để hòa giải và hiểu nhau hơn. Chính yếu tố này sẽ làm rung động trái tim của nhiều khán giả.
4. The Color Purple (1985)
Sau khi tạo dựng tên tuổi với các phim bom tấn, Spielberg bắt đầu thử sức với thể loại chính kịch. Ông chọn tiểu thuyết từng nhận giải Pulitzer là The Color Purple để chuyển thể thành phim. Bộ phim kể về người phụ nữ Mỹ gốc Phi – Celie Harris (Whoopi Goldberg). Sinh ra và lớn lên tại miền Nam nước Mỹ khi nạn phân biệt chủng tộc và giới tính vẫn tồn tại công khai, Celie phải chịu nhiều đau đớn và tủi hổ khi bị chính cha đẻ và những người xung quanh ngược đãi.
Dù bị phân biệt đối xử trong hơn ba thập niên, Celie vẫn luôn mạnh mẽ và tìm được giá trị của bản thân. Câu chuyện cảm động mang tên The Color Purple được khán giả đón nhận nồng nhiệt và được 11 đề cử Oscar năm 1986, bao gồm cả giải Phim hay nhất.
5. My Girl (1991)
Nói đến những bộ phim tình cảm lấy đi nước mắt của nhiều người, phải kể đến My Girl. Đây là một bộ phim trong sáng về tình bạn tuổi mới lớn, tình cha con và đã để lại nhiều ấn tượng trong tim khán giả.
Cô bé Vada Sultenfuss (do Anna Chlumsky thủ vai), 11 tuổi, lớn lên đã không có mẹ và bị nhiều tổn thương về tinh thần. Cô còn phải chịu một thách thức khác khi cha mình dường như có tình nhân mới. Tất cả những gì mà cô bé trải qua, chỉ có cậu bạn Thomas J. (do Macaulay Culkin) là thấu hiểu. Từ những người bạn thân thiết, Anna và Thomas dần nảy sinh tình cảm, và rồi bi kịch bất ngờ ập đến với cả hai.
BÀI LIÊN QUAN
6. Forrest Gump (1994)
Câu chuyện kinh điển về chàng khờ Forrest Gump đã truyền cảm hứng và lay động hàng triệu con tim. Cuộc đời anh là một bể thăng trầm và đau thương, đi kèm với những sự kiện không ngờ tới. Từ nhỏ đã không biết mặt cha, trí tuệ thấp hơn người bình thường và phải di chuyển trên một đôi chân yếu ớt, nhưng Forrest cứ bình thản, nhẹ nhàng vượt qua mọi thách thức trong cuộc đời mình, bởi anh luôn ghi nhớ những gì mà mẹ đã chỉ dạy cho anh: “Cuộc đời là một hộp sô cô la. Con sẽ không biết mình sẽ nhận được loại nào”.
7. The Bridges of Madison County (1995)
Chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên lấy bối cảnh những năm 1960 tại một vùng nông thôn nước Mỹ, The Bridges of Madison County là câu chuyện kể về mối tình trái ngang giữa Francesca (do Meryl Streep thủ vai) – vợ một người nông dân vùng Iowa – và Robert Kincaid (do Clint Eastwood) – một nhiếp ảnh gia này đây mai đó đã ly hôn vợ. Họ gặp nhau khi Robert dừng chân hỏi đường để tìm đến những cây cầu ở địa phương.
Bộ phim là bản tình ca ngọt ngào và sâu lắng, là khúc nhạc dịu êm xoa dịu những con tim đang thổn thức vì tình. Clint Eastwood và Meryl Streep là linh hồn của bộ phim, bằng diễn xuất nhập tâm và tinh tế, họ đã mang đến cho khán giả những phút giây vỡ òa vì xúc động trước chuyện tình đầy ngang trái của hai nhân vật chính.
8. Titanic (1997)
Câu chuyện tình kinh điển của Jack (do Leonardo DiCaprio thủ vai) và Rose (do Kate Winslet thủ vai) đã làm hao tốn biết bao nhiêu nước mắt của khán giả, khiến người ta tin tưởng hơn về sự hiện diện của tình yêu đẹp trong cuộc sống. Bất chấp sự chênh lệch về giai cấp và địa vị, tâm hồn của cả hai vẫn gắn chặt với nhau suốt hành trình trên con tàu Titanic, để rồi trong đêm định mệnh, cuộc tình ấy chấm dứt một cách ngắn ngủi cũng giống như số phận của con tàu. Thế nhưng, những hình ảnh đẹp về tình yêu vẫn trường tồn dai dẳng trong con tim của người còn sống, khiến người xem không khỏi xót xa.
9. A Walk To Remember (2002)
A Walk To Remember là bộ phim tình cảm học đường, kể về một tình yêu đẹp nhưng lại kết thúc trong đau thương. Landon Carter (do Shane West thủ vai) là một cậu học trò hào hoa, lêu lổng. Sau một lần trêu chọc bạn bè gây nên hậu quả nghiêm trọng, cậu phải chịu phạt lao động công ích cho trường và tham gia câu lạc bộ kịch, nơi cậu chán ghét nhất. Tại đây, cậu gặp gỡ Jamie Sullivan (do Mandy Moore thủ vai), cô bạn thuần khiết và trong sáng, vốn không để lại cho Landon nhiều thiện cảm. Nhưng theo thời gian, Landon bắt đầu chú ý nhiều hơn đến Jamie và cả hai bắt đầu nảy sinh tình cảm.
Nhẹ nhàng và sâu lắng, bộ phim đủ sức xoa dịu những tâm hồn đã không còn tin tưởng vào tình yêu. Tuy cái kết đem lại cho người xem nhiều nỗi xót xa, nhưng đó là cái kết đủ đẹp để ai cũng phải mỉm cười hạnh phúc về những giá trị tích cực mà tình yêu đem lại cho cuộc sống.
10. Hotel Rwanda (2004)
Hotel Rwanda khiến người xem ám ảnh bởi những khát khao được sống, được tồn tại trong hòa bình của những con người yếu đuối. Cuộc thảm sát năm 1994 tại đất nước Rwanda nghèo khó khiến nhiều người bất lực, số thương vong ngày một tăng cao, nhiều người rơi vào cảnh thiếu thốn lương thực và bị mất gia đình. Bộ phim đã thành công trong việc nói lên khát vọng tự do và tuyên truyền thông điệp hòa bình thông qua nhân vật Paul Rusesabagina (do Don Cheadle thủ vai), người đã bất chấp rủi ro để cứu sống gia đình và hàng nghìn người tị nạn khác.
BÀI LIÊN QUAN
11. The Notebook (2004)
The Notebook là một chuyện tình kinh điển khác xuất hiện trên màn ảnh rộng làm rung động hàng triệu trái tim. Bộ phim mở đầu ở viện dưỡng lão, nơi một ông lão ngày ngày kể chuyện cho một bà lão về câu chuyện tình yêu diễn ra vào thời điểm Chiến tranh Thế giới thứ II. Đó là câu chuyện của một cặp tình nhân trẻ, bất chấp mọi rào cản từ gia đình để trở về với nhau, quyết định vun đắp tình yêu mãi mãi. Sự bền bỉ của một chuyện tình đẹp ở The Notebook luôn để lại nỗi thổn thức trong tim khán giả mỗi khi nhắc đến bộ phim này.
12. Atonement (2007)
Atonement là sự day dứt của một đời người bởi những lỗi lầm tai hại trong quá khứ mình từng gây ra, không còn cách nào có thể quay ngược lại để cứu vãn. Cô bé Briony (do Saoirse Ronan thủ vai), vì những sai lầm của tuổi trẻ và những cáo buộc vô căn cứ, đã đẩy cuộc đời chị gái Cecilia (do Keira Knightley thủ vai) và người tình Robbie của chị (do James McAvoy) đi vào vực thẳm. Để cho dù sau này, Briony có làm tất cả mọi thứ để bù đắp cho chị gái mình, tất cả đã quá muộn màng để chắp vá vết thương lòng ngày một lớn hơn kể từ ngày mọi đau thương bắt đầu.
13. The Curious Case of Benjamin Button (2008)
Bộ phim là chuyện đời của một người đàn ông có số phận đặc biệt (do Brad Pitt thủ vai), ở tuổi sơ sinh đã mang hình hài của một cụ ông, bị bỏ rơi trước một viện dưỡng lão, được một người phụ nữ tên là Queenie chăm sóc và đặt tên là Benjamin. Dù được bác sĩ chẩn đoán chỉ sống được vài ngày, nhưng theo thời gian, Benjamin “lão hóa” ngược và ngày càng trẻ ra, cho đến khi lìa đời trong hình hài một đứa trẻ sơ sinh.
Bộ phim khiến người xem xót xa cho một thân phận dị biệt, không thể sống một cuộc đời đúng nghĩa như người bình thường của Benjamin. Thậm chí, mối tình của anh với cô bạn thuở nhỏ Daisy (do Cate Blanchett thủ vai) cũng không được trọn vẹn, buộc anh phải ra đi để trút bỏ gánh nặng về sau trên vai của người phụ nữ ấy.
14. The Help (2011)
Dựa trên quyển tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kathryn Stockett, The Help là câu chuyện đời của những người phụ nữ Mỹ gốc Phi làm giúp việc cho gia đình của những người da trắng vào thập niên 60. Lúc này, ở Jackson, Mississippi, Skeeter, một cô gái trẻ đã có ý định viết nên một quyển sách tập hợp những câu chuyện của những người giúp việc da màu để phản ánh chân thực nạn phân biệt chủng tộc gay gắt đang diễn ra.
Đề tài phân biệt chủng tộc mà The Help khai thác không quá nặng nề, u ám, nhưng vẫn đủ chạm đến trái tim khán giả để họ cảm nhận rõ nét những tủi nhục và đau thương mà những con người yếu thế trong xã hội phải chịu đựng. Đặc biệt, Viola Davis đã thể hiện thành công nhân vật Aibileen, một người mẹ chịu đựng nỗi đau mất con do người da trắng gây ra, nhưng bà vẫn dành tình yêu thương hết mực cho những đứa trẻ da trắng mà bà chăm sóc.
15. The Odd Life of Timothy Green (2012)
The Odd Life of Timothy Green là bộ phim tình cảm gia đình, xoay quanh câu chuyện của một cặp vợ chồng hiếm muộn Cindy (do Jennifer Garner thủ vai) và Jim (do Joel Edgerton thủ vai). Luôn khát khao được làm cha làm mẹ, nhưng ông trời lại không ban cho họ diễm phúc đó. Một ngày kia, cả hai viết tất cả những ý tưởng mà họ mường tượng về đứa con tương lai, cho vào chiếc hộp và đem chôn sau vườn nhà. Trong một đêm mưa bão, cậu bé Timothy (do CJ Adams thủ vai) với những chiếc lá xanh ở chân xuất hiện như một phép màu, trở thành đứa con của vợ chồng Cindy và Jim, làm cuộc sống của họ thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Có những giây phút phim đem lại cho người xem những cảm xúc khó tả, đôi khi phải bật khóc trước thông điệp dễ thương mà bộ phim mang lại: hãy trân trọng những gì cuộc đời ban tặng và dành tình yêu thương xứng đáng cho những người thân yêu của chúng ta.
BÀI LIÊN QUAN
16. What Maisie Knew (2012)
Được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Henry James, xuất bản năm 1897, What Maisie Knew được thay đổi cho phù hợp với bối cảnh hiện đại để khắc họa một cách gần gũi vấn đề về gia đình. Maisie (do Onata Aprile thủ vai) là một cô bé mang tâm hồn nhạy cảm, thường xuyên chứng kiến những cuộc cãi vã diễn ra giữa bố và mẹ. Giai đoạn khủng hoảng tuổi trung niên đã khiến cặp vợ chồng ly thân, khiến Maisie rơi vào tình cảnh đáng thương khi bố mẹ không còn sống chung với mình nữa. Maisie dần dần khám phá ra thế giới bên trong nội tâm của bố mẹ và hiểu ra được vì sao họ lại đưa ra những quyết định đau lòng đến vậy.
Tuy được kể dưới góc nhìn trẻ con nhưng thông qua đó, What Maisie Knew lại khai thác hiện trạng của những người lớn ngày nay. Khi mâu thuẫn giữa vợ chồng xảy ra, người chịu thiệt thòi không ai khác chính là con của họ. Bộ phim là thông điệp hướng đến những bậc phụ huynh, hãy nghĩ đến những đứa trẻ trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định nào để giải quyết bất hòa giữa cả hai.
17. The Fault in Our Stars (2014)
The Fault in Our Stars là câu chuyện tình yêu của những số phận nghiệt ngã trong cuộc sống khiến biết bao người phải rơi lệ. Hazel (do Shailene Woodley thủ vai) là cô gái trẻ mắc bệnh ung thư tuyến giáp đã di căn tới phổi. Căn bệnh này khiến cô chán nản và sống lơ đễnh với những tháng ngày của cuộc đời mình. Cho đến một ngày, Hazel tham gia câu lạc bộ cộng đồng dành cho những bệnh nhân ung thư gặp khó khăn trong cuộc sống và gặp gỡ anh bạn Augustus (do Ansel Elgort thủ vai). Augustus mắc căn bệnh ung thư xương, di chuyển với một bên chân giả và sống trong nỗi sợ bị quên lãng trong cuộc đời. Cả hai số phận tổn thương tìm thấy nhau, cùng động viên và nâng đỡ nhau trong chặng đường sắp tới. Để rồi khi tình cảm nảy nở chưa được bao lâu, căn bệnh quái ác đã khiến họ phải chia lìa.
The Fault in Our Stars là một câu chuyện tình đẹp khiến người ta rung động, để thấy tin yêu hơn vào giá trị của tình yêu và trân trọng những may mắn mà chúng ta có được trong cuộc đời.
18. Inside Out (2015)
Không một tác phẩm nào của hãng Pixar lại không chứa đựng yếu tố khiến người xem phải bật khóc. Inside Out cũng không là ngoại lệ, bởi chúng ta bắt gặp đâu đó hình ảnh của chính mình trong hành trình điều chỉnh cảm xúc của cô bé Riley khi vừa cùng bố mẹ chuyển đến một thành phố mới. Trong mỗi chúng ta, dường như ai cũng có những “nhân vật” cảm xúc chi phối đến từng hành vi, cử chỉ hàng ngày. Bộ phim gửi đến mỗi người một thông điệp: khi đối mặt những hoảng loạn trong cuộc đời cũng là lúc chúng ta nên học cách điều chỉnh và trân trọng, chấp nhận tất cả những xúc cảm chứa đựng bên trong, cả tích cực và tiêu cực, để tự chữa lành mình và kết nối tốt hơn với cuộc sống.
19. Me Before You (2016)
Me Before You, bộ phim tình cảm được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn nổi tiếng Jojo Moyes, đã khắc họa một cách nên thơ tình yêu bình dị nơi thôn quê nước Anh của cặp đôi Will Traynor (do Sam Claflin thủ vai) và Louisa Clarke (do Emilia Clarke thủ vai). Sau một tai nạn khiến cuộc sống như mơ của Will tan thành mây khói, anh rơi vào tuyệt vọng và chán ghét cuộc sống của mình. Để rồi mọi thứ thay đổi hoàn toàn khi Louisa xuất hiện, thắp lên những tia sáng mới trong cuộc đời tưởng chừng như không còn cứu vãn được của Will. Tình cảm của cả hai dần nảy nở, nhưng rồi khán giả phải cảm thấy chua xót khi cả hai người không thể đến bên nhau trọn đời.
20. Marriage Story (2019)
Marriage Story là câu chuyện hôn nhân của Nicole (Scarlett Johansson thủ vai) và Charlie (Adam Driver thủ vai), dù thuở đầu tốt đẹp nhưng lại có kết cục cay đắng. Từ những giây phút ban đầu của bộ phim, cả hai nhân vật lần lượt chỉ ra những điểm tốt của nhau, khiến người xem nhìn nhận đây là một cặp ăn ý, có sự gắn kết về tâm hồn. Nhưng càng về sau, những rạn nứt trong quan hệ bắt đầu lộ rõ, mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện và càng lúc càng căng thẳng hơn. Thông qua những tranh cãi cao trào, tim người xem như bị bóp nghẹt bởi những tổn thương tâm lý mà các nhân vật phải chịu đựng. Người ta cảm thấy xót xa cho một cuộc hôn nhân đã từng rất đẹp, nay chỉ còn là dĩ vãng.
Nhóm thực hiện
Tổng hợp: Hoàng Tân
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE