Văn hóa / Thế giới văn hóa

8 tựa phim Việt Nam nên xem trên Netflix

Cùng với sự phổ biến ngày càng tăng của Netflix, rất nhiều bộ phim Việt Nam chiếu rạp chất lượng cao có thể tìm thấy trên nền tảng xem phim trực tuyến này.

Từ trước đến nay, phim chiếu rạp hoặc phim điện ảnh Việt Nam thường được kiểm soát gắt gao về vấn đề bản quyền và ít khi xuất hiện trên các trang chiếu phim miễn phí. Mặc dù đây là điều hoàn toàn đúng đắn nhưng nó cũng khiến cho độc giả khó tiếp cận với phim Việt hơn, đặc biệt là với những ai không có thời gian hoặc điều kiện ra rạp thưởng thức mà lại có quá ít thông tin trình chiếu trên tivi hoặc các nền tảng xem phim trực tuyến có thu phí.

Tuy nhiên, giờ đây, bạn đã có thể xem các tựa phim Việt Nam chiếu rạp hay trên nền tảng xem phim Netflix. Với việc Netflix ngày càng trở nên phổ biến với các quốc gia châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, nền tảng xem phim chất lượng và uy tín này đang đẩy mạnh cập nhật kho phim HD châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản (với phụ đề tiếng Việt), trong đó, có rất nhiều bộ phim Việt chất lượng được giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Dưới đây là 8 tựa phim Việt Nam bạn nhất định phải xem trên nền tảng này.

1. Hai Phượng (Furie)

phim Việt Nam Hai Phượng
Ảnh: Studio68

Hai Phượng là một phim hành động Việt Nam do đạo diễn Lê Văn Kiệt thực hiện vơi sự tham gia của các diễn viên Ngô Thanh Vân, Mai Cát Vy, Phan Thanh Nhiên, Phạm Anh Khoa và Trần Thanh Hoa. Ngoài việc trở thành phim Việt có tổng doanh thu cao nhất mọi thời đại, Hai Phượng cũng là bộ phim có doanh thu mở màn cao nhất từ trước đến nay. Phim được chọn để tranh hạng mục Phim quốc tế hay nhất tại giải Oscar lần thứ 92 nhưng đáng tiếc là phim không được vào danh sách đề cử cuối cùng của Viện Hàn Lâm Mỹ.

Bộ phim là hành trình nghẹt thở và căng thẳng của bà mẹ đơn thân Hai Phượng (Ngô Thanh Vân) khi phải đối đầu với cả một đường dây tội phạm bắt cóc và buôn bán nội tạng xuyên quốc gia để cứu đứa con gái bé bỏng tên Mai (Mai Cát Vy). Để cứu được con, Hai Phượng chỉ có 14 tiếng đồng hồ truy đuổi bọn bắt cóc và phải đối đầu với rất nhiều giang hồ cộm cán, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai dám cản đường chúng. “Đả nữ” Ngô Thanh Vân đã không khiến khán giả thất vọng với những pha hành động gay cấn, những màn giao đấu điên rồ và trên hết là tình yêu thương vô bờ bến mà một người mẹ dành cho con của mình.

2. Tháng năm rực rỡ (go go sister)

phim Việt Nam Tháng năm rực rỡ
Ảnh: CJ HK Entertainment

Tháng năm rực rỡ là một trong những tác phẩm đánh dấu màn tái xuất của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng năm 2018, thuộc thể loại tình cảm học đường hài hước xen lẫn tâm lý xã hội. Mặc dù là tác phẩm remake từ bộ phim Hàn Quốc Sunny, Tháng năm rực rỡ vẫn gây tiếng vang và được công chúng đón nhận nồng nhiệt vì thổi được hồn Việt vào trong từng thước phim. Nhiều nhà phê bình đánh giá là bộ phim đã thoát khỏi cái bóng của tác phẩm gốc, mang lại một đời sống và tinh thần Việt Nam rất gần gũi, sống động.

Lấy bối cảnh tại Đà Lạt thập niên 1970, phim xoay quanh một nhóm bạn trẻ có biệt danh Ngựa Hoang gồm sáu cô gái: Hiểu Phương, Mỹ Dung, Tuyết Anh, Bảo Châu, Thùy Linh và Lan Chi. Vì biến cố thời đại, nhóm bạn tan rã, mỗi người có một cuộc sống riêng. Một lần tình cờ gặp lại Mỹ Dung vào 25 năm sau và biết bạn mình đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, Hiểu Phương quyết định tập hợp lại những gương mặt cũ trong nhóm. Từ đây, họ cùng nhau xem lại những thước phim thanh xuân tươi đẹp một thời.

3. Cô gái đến từ hôm qua (The Girl From Yesterday)

phim Việt Nam Cô gái đến từ hôm qua
Ảnh: CJ Entertainment

Cô gái đến từ hôm qua là phim Việt Nam thể loại lãng mạn hài hước, được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây là bộ phim thành công thứ hai của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh sau Em là bà nội của anh. Bộ phim nhận được rất nhiều lời khen của giới phê bình, ngay cả tác giả Nguyễn Nhật Ánh cũng nhận xét: “Xem phim này, không ít lần tôi phải phì cười vì những tình huống bất ngờ duyên dáng”.

Lấy bối cảnh tại một ngôi trường ở miền quê Việt Nam năm 1997, chuyện phim xoay quanh những rung động tuổi học trò thơ ngây và đáng yêu của anh chàng Thư và cô bạn xinh đẹp cùng lớp tên Việt An. Phim có kết cấu đan xen giữa hai câu chuyện quá khứ và hiện tại của Thư. Nếu lúc còn bé, Thư luôn tự hào mình là một cậu con trai thông minh, có thể dễ dàng bắt nạt và sai khiến cô bạn hàng xóm Tiểu Li thì giờ đây, khi lớn lên, Thư luôn khổ sở vì bị Việt An “xỏ mũi” và “quay như quay dế”. Càng khổ sở vì Việt An bao nhiêu, Thư càng thấy nhớ cô bé Tiểu Li năm xưa bấy nhiêu. Mãi cho đến cuối phim, anh chàng mới nhận ra rằng Việt An chính là cô bé Tiểu Li năm xưa.

4. Em chưa 18 (Jailbait)

phim Việt Nam Em chưa 18
Ảnh: CGV

Em chưa 18 là một trong những phim Việt Nam chiếu rạp tạo nên cơn sốt trong năm 2017. Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Lê Thanh Sơn cùng sự góp mặt của các diễn viên Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn, Will, Quang Minh, Huy Khánh, bộ phim đã khiến người xem phải thay đổi suy nghĩ về thể loại tình cảm hài hước. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, phim đoạt giải Bông Sen Vàng và diễn viên Kaity Nguyễn đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc.

Em chưa 18 xoay quanh chuyện anh chàng “trai hư” 35 tuổi tên Hoàng, trong một lần đi bar đã qua đêm với một hot girl lần đầu gặp gỡ. Sáng hôm sau, anh chàng mới tá hỏa khi biết cô nàng tên Linh Đan này chưa đủ 18 tuổi và buộc phải làm bạn trai của cô nếu không muốn bị tố cáo quan hệ với người dưới tuổi vị thành niên. Trong thời gian miễn cưỡng làm bạn trai của Linh Đan, anh chàng dần phải lòng cô nàng, đồng thời bắt đầu có suy nghĩ nghiêm túc về tình yêu. Cuối cùng, Hoàng đã đợi đến khi Linh Đan tròn 18 tuổi để tỏ tình với cô nàng.

5. Thưa mẹ con đi (Goodbye Mother)

phim Việt Nam Thưa mẹ con đi
Ảnh: CGV

Thưa mẹ con đi là một trong những bộ phim Việt hiếm hoi có cái nhìn thẳng thắn, chân thực và bình dị về cộng đồng LGBT, thoát khỏi lối mòn cường điệu hóa và gây cười như các bộ phim trước đó. Phim xoay quanh câu chuyện tình yêu giữa Văn và Ian – hai chàng trai trẻ yêu nhau ở nước ngoài, nay cùng về Việt Nam thăm gia đình Văn. Sau nhiều năm theo gia đình định cư, Ian trở về và tiếp xúc gần như tươi mới với văn hóa miền quê Việt Nam, nơi có một gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống, gắn bó; có người mẹ tần tảo hết mực chăm lo cho con; nơi xem việc lấy vợ, sinh con như một nghĩa vụ đối với đấng sinh thành.

Bộ phim không tiếp cận chuyện tình giữa hai chàng trai trên phông nền quá gai góc với những biến cố kinh hoàng như các bộ phim Việt Nam trước đó. Ngược lại, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chọn cách xoáy vào cơn sóng lòng dù là những gợn nhỏ nhất của mỗi nhân vật. Nhịp phim chậm rãi, mạch phim tuôn trào theo mạch cảm xúc, bắt nguồn từ những lát cắt giản đơn của cuộc sống. Chuyện tình giữa Văn và Ian không chỉ được đặt trong bối cảnh xã hội mà còn được nhìn nhận dưới lăng kính gia đình. Ở đó, Văn bị giằng xé giữa tình yêu và áp lực lấy vợ sinh con theo kỳ vọng của gia đình và việc công khai giới tính thật với mẹ trở thành bước ngoặt lớn nhất cuộc đời anh. Người mẹ yêu con hết mực liệu có thể học cách chấp nhận yêu cả phần khác biệt của con, thậm chí yêu thêm một người con trai thứ hai – chàng trai ở trong lòng con trai mình?

6. Nhắm mắt thấy mùa Hè (Summer in closed eyes)

phim Việt Nam Nhắm mắt thấy mùa Hè
Ảnh: FB Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè

Nhắm mắt thấy mùa Hè là dự án phim Việt độc lập của một ê-kíp làm phim trẻ trên dưới 30 tuổi, lại là tác phẩm đầu tay của một đạo diễn nữ – Cao Thúy Nhi, chưa kể, phim còn chẳng có quá nhiều tình tiết cao trào, đơn giản chỉ là những lát cắt cuộc sống và diễn biến nhẹ nhàng của một chuyện tình mới chớm nở. Thế nhưng bộ phim vẫn tạo được hiệu ứng tốt trong thời gian ra mắt, đồng thời giúp nữ chính Phương Anh Đào được đông đảo công chúng biết tới.

Nhân vật chính của Nhắm mắt thấy mùa Hè là Nhật Hạ – cô gái trẻ trung, năng động và yêu thích nhiếp ảnh. Sau một biến cố gia đình, Hạ quyết định sang Nhật Bản tìm tung tích ông Minh – người cha đã thất lạc nhiều năm qua. Trong ký ức của cô, ông là người yêu nhiếp ảnh đến nỗi quên cả gia đình, thậm chí sẵn sàng từ bỏ vợ con để đến nước Nhật xa xôi nhằm nuôi dưỡng niềm đam mê cá nhân. Đặt chân tới xứ sở hoa anh đào, Nhật Hạ tình cờ gặp gỡ Akira – một chàng trai lạnh lùng, ít nói. Khi biết rằng anh từng quen biết và là học trò của cha, cô quyết tâm tìm hiểu cuộc sống của ông tại Nhật Bản thông qua Akira. Song, càng đi sâu tìm hiểu, cô càng phát hiện ra nhiều sự thật mà mình không hề mong đợi.

7. Song Lang

phim Việt Nam Song Lang
Ảnh: Studio68

Song Lang là phim điện ảnh chính kịch đầu tay tại Việt Nam của đạo diễn Leon Quang Lê. The Hollywood Reporter miêu tả bộ phim như “một sự hòa quyện đặc biệt giữa Hoa dạng niên hoa của Vương Gia Vệ và Before Sunrise của Richard Linklater nhưng vẫn mang đầy chất Việt Nam”. Tính đến 10/2019, phim đã được trình chiếu tại hơn 50 liên hoan phim và nhận về gần 50 giải thưởng trong và ngoài nước.

Tên phim được đặt theo một loại nhạc cụ cùng tên có vai trò giữ nhịp trong dàn nhạc tài tử và cải lương. Xuyên suốt bộ phim, nghệ thuật cải lương, đặc biệt là tiếng gõ nhịp của “song lang”, giữ vai trò dẫn dắt toàn bộ mạch truyện.  Lấy bối cảnh tại Sài Gòn vào những năm 1980, chuyện phim xoay quanh mối quan hệ phức tạp của hai nhân vật chính là Linh Phụng, một kép hát cải lương, và Dũng “Thiên Lôi”, một tay chuyên đòi nợ thuê, do Isaac và Liên Bỉnh Phát thủ vai. Dũng gặp Linh Phụng lần đầu khi đang đòi nợ tiền đoàn hát cải lương. Sau đó, bằng những sự cố tình cờ, hai người có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện, dần tìm được điểm tương đồng và thấu hiểu nhau hơn. Nếu Dũng giúp Linh Phụng tìm thấy cảm xúc trong diễn xuất thì Linh Phụng cũng giúp Dũng nhận ra tình cảm dành cho cải lương, đồng thời hóa giải những khúc mắc ẩn sâu trong tâm hồn của tay giang hồ này.

8. tèo em (little teo)

phim Việt Nam Tèo Em
Ảnh: Netflix

Tèo em có thể nói là phim Việt Nam đầu tiên được xây dựng theo phong cách “road trip comedy” (hài hành trình). Dù ra đời từ năm 2013, bộ phim vẫn lọt top những phim tâm lý hài hước nhất định phải xem của Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn, phim có sự tham gia của Johnny Trí Nguyễn, Thái Hòa, Ninh Dương Lan Ngọc và Yaya Trương Nhi.

Tí là anh, do Johnny Trí Nguyễn thủ vai – một người đàn ông thành đạt, đẹp trai, lịch lãm. Tèo là em, do Thái Hòa thủ vai – lại là một người khù khờ, ngốc nghếch. Tất nhiên, ông anh Tí không muốn thừa nhận cậu em Tèo. Cả hai sống xa nhau một thời gian dài. Chuyện bắt đầu khi người yêu của Tí quyết định về quê ở Sa Đéc lấy chồng, Tí phải vội vàng ra tiệm sửa xe lấy xe hơi để về Sa Đéc ngăn chặn đám cưới. Anh bất ngờ gặp lại em trai Tèo ở đây. Tất nhiên, kịch bản chắc chắn sẽ khiến cho Tí không thể lấy xe được và hai anh em phải bắt đầu hành trình cùng nhau trên con xe cà tàng của Tèo. Trên hành trình định mệnh ấy, hai người phải trải qua hàng loạt tình huống trớ trêu, từ hết xăng, gây rối cho tới lạc đường, bị công an giao thông đuổi bắt. Để rồi, sau tất cả, Tí và Tèo cũng nhận ra tầm quan trọng của đối phương và nối lại sợi dây tình thân.

Bên cạnh những tựa phim được ELLE chọn giới thiệu, kho phim Việt Nam trên Netflix đang ngày được đa dạng hóa với rất nhiều phim chiếu rạp mới như 30 chưa phải là Tết, Trạng Quỳnh, Chí Phèo ngoại truyện, Mẹ chồng, Gái già lắm chiêu, Siêu sao siêu ngố, Sắc đẹp ngàn cân, Tháng 5 để dành, Anh thầy ngôi sao… hay những tựa phim “kinh điển” hơn như Long Ruổi, Dòng máu anh hùng, Để mai tính, Cô dâu đại chiến…

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)