Thị trường phim nội Việt Nam “rã đông” sau ba tháng “ngủ Hè”
Sau một mùa Hè bị lu mờ bởi những bom tấn quốc tế, các nhà làm phim trong nước đang rục rịch tìm lại hào quang của mình. Thị trường phim nội bước vào giai đoạn cuối năm 2024 với nhiều thành tích và những bộ phim mới hứa Hèn thay máu cục diện doanh thu cho nền điện ảnh.
Mùa phim Hè 2024: phim nội “đóng băng” và cuộc chơi của phim ngoại
Mùa phim Hè 2024 tại Việt Nam chứng kiến một làn sóng phim quốc tế thu về doanh thu ấn tượng. Từ tháng 5 đến tháng 8, các bộ phim ăn khách toàn cầu đã thống trị phòng vé và thiết lập một số kỷ lục mới. Trong đó, phim hoạt hình Nhật Bản Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu trở thành phần phim đầu tiên về chú mèo máy xanh vượt mốc trăm tỷ tại Việt Nam với 147 tỷ đồng. Màn tái xuất của “hội chuối vàng” Minions trong Kẻ trộm Mặt Trăng 4 và phần 2 của siêu phẩm Những mảnh ghép cảm xúc cũng thành công viết tiếp chuỗi thắng lợi ngọt ngào của hai thương hiệu với doanh thu lần lượt là 139 tỷ đồng và 88 tỷ đồng.
Điện ảnh Thái Lan cũng tham gia cuộc đua viết kỷ lục với Gia tài của ngoại khi trở thành bộ phim Thái Lan có lượng vé bán ra cao nhất mọi thời đại. Ngay cả Hồng Kông cũng có sự trở lại đáng chú ý với Cửu Long Thành Trại: Vây thành, thu về gần 50 tỷ đồng. Loạt các tác phẩm khác bao gồm Deadpool & Wolverine, Dự án mật: Thảm họa trên cầu và Conan: Ngôi sao năm cánh triệu đô cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy doanh thu thị trường chiếu bóng Việt Nam.
Bất chấp thành công rực rỡ của các bộ phim quốc tế tại phòng vé trong mùa phim Hè, phim Việt nội địa dường như vẫn chật vật để tìm thấy hào quang của mình. Nghịch lý này đặc biệt đáng chú ý vì mùa Hè là mùa cao điểm của các ngành công nghiệp phim lớn trên toàn cầu. Các bộ phim bom tấn của Hollywood và châu Á đều được phát hành mạnh mẽ trong giai đoạn này, thu hút khán giả không chỉ trong nước mà còn ở các khu vực lân cận.
Một thực tế rõ ràng là điện ảnh Việt Nam thường tập trung cố hữu vào mùa lễ Tết và 30/4 – 1/5, đôi khi là trong các ngày lễ cuối năm như Giáng sinh, còn ba tháng Hè lại lặng lẽ “nhường sân” cho thị trường ngoại địa. Năm 2024 khởi đầu bằng một cú nổ lớn khi đánh dấu sự trở lại của Trấn Thành trong vai trò đạo diễn phim Mai. Cùng với tác phẩm thứ 7 trong “vũ trụ Lật Mặt” của Lý Hải, phim Việt đã có bước đột phá đáng kể với tổng doanh thu vượt ngưỡng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, thành công này nhanh chóng bị lu mờ bởi hàng loạt thất bại liên tiếp của phim nội, đặc biệt là 3 tháng Hè làm kẻ chiến bại doanh số.
Từ số liệu của Box Office Vietnam, riêng các bộ phim của Lý Hải và Trấn Thành đã chiếm tới 86,4% doanh thu, tổng cộng là 1.033,9 tỷ đồng, trong khi 12 bộ phim còn lại chỉ chiếm khoảng 161,7 tỷ đồng. Trong 3 tháng Hè từ tháng 5 đến hết tháng 7, chỉ có vỏn vẹn 3 phim nội địa ra rạp với tổng doanh thu dưới 10 tỷ đồng bao gồm Móng Vuốt (gần 4 tỷ đồng), Mùa Hè đẹp nhất (hơn 4 tỷ đồng), Án mạng lầu 4 (gần 2 tỷ đồng). Mặc dù có tiềm năng, khai thác những thể loại hoặc chủ đề hấp dẫn nhưng những bộ phim này vẫn chật vật để sinh tồn tại phòng vé.
Mặt khác, việc thiếu các bộ phim hấp dẫn dành cho trẻ em và thanh thiếu niên là một sự thiếu sót rõ ràng, vì nhóm nhân khẩu học này có nhu cầu giải trí đáng kể trong kỳ nghỉ Hè. Trong khi các thị trường ngoại địa nhanh chóng bắt kịp nhu cầu này bằng cách phát hành các tựa phim hoạt hình như Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu, Mèo béo siêu quậy, Những mảnh ghép cảm xúc 2, Trư Bát Giới đại náo thế giới mới, Thám tử lừng danh Conan 27, Tottochan: Cô bé bên cửa sổ và Kẻ trộm Mặt Trăng 4... thì phim Việt với các chiến dịch truyền thông yếu kém và sự miễn cưỡng cạnh tranh với các bộ phim quốc tế kinh phí lớn đã góp phần kéo lê cuộc đấu tranh này thành một cuộc chiến thường niên.
2/9 – giai đoạn sinh lời mới của phim nội địa?
Kết thúc giấc ngủ ba tháng mùa Hè, phim Việt rục rịch “rã đông” vào cuối tháng 8, trước kỳ lễ lớn của Việt Nam. Một số bộ phim trong nước ra rạp với nhiều thành tích đáng kể và Ma Da là phát súng đầu tiên.
Ma Da lấy bối cảnh của rừng ngập mặn Năm Căn ở Cà Mau, đi sâu vào những truyền thuyết ma quái từ các vùng sông nước của Việt Nam. Với 35 ngày quay phim trong bối cảnh đầy ma mị này, Ma Da thành công thu hút khán giả khi phá vỡ kỷ lục trước đó của Quỷ Cẩu để trở thành bộ phim kinh dị có doanh thu trăm tỷ nhanh nhất tại Việt Nam.
Cũng kinh dị nhưng đầy hài hước, Làm giàu với ma kết hợp các yếu tố ma quái với tính giải trí đặc trưng của phim hài gia đình. Bộ phim đánh dấu sự trở lại màn ảnh rộng của danh hài Hoài Linh kể từ Đích Tôn Độc Đắc (2018). Đồng hành cùng nam diễn viên là Tuấn Trần, ngôi sao trăm tỷ của phòng vé Việt với nhiều tác phẩm lớn như Bố Già, Mai. Bộ phim kể về cặp cha con với hy vọng thay đổi vận mệnh của mình đã thực hiện thỏa thuận mạo hiểm với một thực thể ma quỷ.
Ngược lại, Hai Muối theo đuổi chủ đề gần gũi, chân thực hơn khi xoay quanh cuộc sống của những người làm muối trên đảo Thiềng Liềng. Bộ phim có sự tham gia của NSND Hồng Vân và Huỳnh Bảo Ngọc, đặc biệt đánh dấu màn tái xuất của Quyền Linh sau 20 năm rời xa màn bạc. Phim đem tới câu chuyện giàu cảm xúc và nhân văn về tình cảm gia đình.
Cùng chào sân vào đúng dịp lễ 2/9, Làm giàu với ma chiếm thế thượng phong với doanh số 33 tỷ sau 3 ngày công chiếu, gấp đôi thành tích của Hai muối với 17 tỷ đồng. Cả hai án ngữ vị trí top 1 và top 2 xếp hạng doanh thu phòng vé ngay khi vừa ra mắt. Theo sau là Ma Da và đây là lần hiếm hoi có tới 3 phim Việt cùng dẫn đầu doanh thu phòng vé Việt Nam.
Thành tích khủng của cả ba bộ phim Ma Da, Làm giàu với ma và Hai Muối khi ra mắt giai đoạn kỳ lễ Quốc khánh là minh chứng cho thấy 2/9 cũng có thể trở thành một giai đoạn hoàn hảo để các bộ phim Việt Nam tái hiện lại sự kỳ diệu của phòng vé trong dịp Tết Nguyên đán lẫn ngày lễ 30/4 như cách Trấn Thành, Lý Hải đã làm. Giai đoạn này được hưởng lợi từ sự kết hợp của nhiều yếu tố: thời gian rảnh rỗi cho gia đình, ý thức dân tộc, nhu cầu giải trí tăng lên… và đầy tiềm năng để trở thành một thời điểm quan trọng đối với điện ảnh Việt.
Tuy nhiên, chỉ thời điểm thôi là chưa đủ. Chất lượng của các bộ phim là tối quan trọng. Sắp tới, cuộc đổ bộ của những bom tấn nước ngoài như Longlegs – phim kinh dị tâm linh đã thu hơn 100 triệu USD và gây bão khắp thị trường Bắc Mỹ hay Beetlejuice Beetlejuice – tác phẩm từ vị đạo diễn quái dị bậc nhất Hollywood Tim Burton là những cái tên sẽ thách thức ngôi vương của phim nội Việt Nam hiện tại.
Xem thêm
• [Review phim] “Mặc Vũ Vân Gian” – Đóa hoa tàn rồi lại vươn cao trong màn mưa
• [Review phim] “The 8 show”: 8 tầng lớp, 8 tính cách xã hội và 2 loại người
• [Review phim] “Sắc Xuân gửi người tình”: Vũ điệu của tình yêu, hy vọng và cái chết
Đường đua phim Việt sôi động nửa cuối năm
Nhìn về nửa cuối năm, nhiều bộ phim đến từ nhiều đạo diễn kỳ cựu đã ấn định ngày công chiếu. Sang tháng 10, Cô dâu hào môn của Vũ Ngọc Đãng chính thức ra rạp. Được biết đến với những thành công gần đây với Chị Chị Em Em 2 và Con Nhót Mót Chồng, Cô dâu hào môn sẽ khám phá cuộc nội chiến mẹ chồng nàng dâu đan xen khai phá thế giới phức tạp của tầng lớp thượng lưu. Phim có sự tham gia của nhiều cái tên nổi tiếng bao gồm Kiều Minh Tuấn, Thu Trang và Lê Giang.
Do Trịnh Đình Lê Minh đạo diễn, Ngày xưa có một chuyện tình dự kiến công chiếu ngày 1/11. Trở lại với phong cách trữ tình qua tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết được yêu thích của Nguyễn Nhật Ánh, bộ phim phác họa hành trình hoài niệm về miền Trung vào những năm 1980. Phim có sự tham gia của nam diễn viên phim Em và Trịnh Avin Lu và những gương mặt mới như Ngọc Xuân, Nhật Hoàng.
Tháng 12, tác phẩm mới nhất của đạo diễn Nhất Trung, người đứng sau thành công của Gặp Lại Chị Bầu sẽ trở lại với bộ phim tình cảm lãng mạn khác mang tên Đồi Thông Hai Mộ. Đặt bối cảnh những năm 1950, phim được đánh giá sẽ trở thành ứng cử viên nặng ký cho cuộc đua phòng vé cuối năm.
Lấy cảm hứng từ giai thoại “cậu ấm cô chiêu Bạc Liêu” với sự tham gia diễn xuất của Song Luân, một dự án khác được mong đợi không kém là Công Tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng. Cũng trong tháng này, Nhà Gia Tiên, bộ phim kết hợp các yếu tố tâm linh với các chủ đề văn hóa và gia đình do Huỳnh Lập sản xuất cũng dự kiến phát hành.
Ở địa hạt phim kinh dị, Con Cám do bộ đôi nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn thực hiện, chuẩn bị ra mắt vào 25/10. Dựa trên truyện cổ tích Việt Nam Tấm Cám, phim kết hợp các yếu tố truyền thống dân gian với màu sắc đen tối, liêu trai đặc trưng của bộ đôi nhà làm phim này. Cùng yếu tố dân gian, Linh Miêu, tác phẩm tiếp theo trong “tam bộ” phim kinh dị đến từ đạo diễn bộ phim Quỷ Cẩu – Lưu Thành Luân cũng được khán giả kỳ vọng làm nên chuyện tại phòng vé.
Với sự trải dài qua đa thể loại từ lãng mạn, chính kịch đến kinh dị dân gian, điện ảnh Việt nửa cuối năm 2024 đang trở nên sôi động hơn bao giờ, hứa hẹn mang đến bàn tiệc điện ảnh thịnh soạn cho giới phê bình và khán giả.
Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp