Văn hóa / Thế giới văn hóa

Từ câu hỏi dành cho H’Hen Niê tại HHHV 2018 – Liệu phong trào #Metoo có đang đi quá xa?

Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ vừa qua, H'Hen Niê nhận được câu hỏi về phong trào #Metoo. Câu hỏi này được cho là khá hóc búa và là nguyên nhân khiến H'Hen mất đi cơ hội vào sâu hơn. Từ câu hỏi đó, nhiều người cũng bắt đầu tự hỏi, liệu phong trào #Metoo có đang đi quá xa?

Tối ngày 17/12 tại Bangkok, Thái Lan, hai chữ Việt Nam vinh dự được xướng tên trong danh sách top 5 của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới. Đêm đó, chúng ta tự hào vì cô hoa hậu người Ê-đê H’Hen Niê tạo nên một kỳ tích tại đấu trường sắc đẹp quốc tế bằng chính vẻ đẹp, trái tim và tài năng của của mình. Cùng lúc đó, nhiều người cũng tỏ ra tiếc nuối khi H’Hen Niê chỉ dừng chân tại top 5 vì câu trả lời ở vòng thi ứng xử trước câu hỏi về phong trào #Metoo.

Câu hỏi H’Hen nhận được từ bạn giám khảo như sau: “The #Metoo movement has sparked a global conversation. In response, some have said the world has become too politically correct? Do you think the #Metoo movement has gone too far?”.

Tạm dịch: “Phong trào #Metoo, một phong trào chống bạo lực tình dục đã tạo nên nhiều tranh luận trên khắp thế giới trong suốt năm qua. Nhưng một số người cho rằng, phong trào này đang bị thổi phồng quá mức và đi chệch khỏi sứ mệnh ban đầu của nó. Em có nghĩ rằng phong trào này đang đi quá xa?”.

Phong trào #metoo
Hình ảnh H’hen Niê trong phần thi ứng xử tại Hoa hậu hoàn vũ 2018 – Ảnh: Miss Universe

Trong thực tế, phong trào #Metoo suốt một năm qua đã tạo ra nhiều thay đổi làm chấn động thế giới, tạo ra nhiều tiền đề tích cực cho phong trào đấu tranh vì bình đẳng giới. #Metoo là một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, cũng chính vì thế, tại từng thời điểm, từng quốc gia, phong trào này sẽ có những sắc thái và hình hài khác nhau. Quay trở lại câu hỏi của ban giám khảo, với một vấn đề phức tạp như thế, có lẽ chúng ta cần nhiều hơn 3 phút để trả lời.

Phong trào #Metoo là gì và tại sao có ý kiến cho rằng nó đang đi quá xa?  

#Metoo là phong trào chống bạo lực tình dục bắt đầu tại Mỹ và lan rộng tới nhiều quốc gia khác trên thế giới. Phong trào #Metoo trở nên nổi tiếng vào tháng 10/2017 sau khi diễn viên Alyssa Milano kêu gọi trên Twitter rằng ai đã từng bị tấn công tình dục thì hãy trả lời bằng việc type #Metoo vào tweet của cô. Sau bài tweet đó, hàng loạt những cái tên nổi tiếng của Hollywood đã đứng lên để đem sự thật ra ánh sáng. Nhưng, ít ai biết phong trào Metoo đã được sáng lập từ 10 năm trước đó bởi một người phụ nữ da màu tên Tarana Burke. Cô khởi xướng phong trào này để ủng hộ những người phụ nữ là nạn nhân của xâm hại tình dục, đặc biệt là phụ nữ da màu, xuất thân nhà nghèo, thuộc tầng lớp bị phân biệt đối xử.

ELLE Việt Nam - H'hen trả lời về phong trào #Metoo 2
Tarana Burke, người sáng lập phong trào #Metoo – Ảnh: Shutterstock

Phong trào nhận được nhiều chỉ trích rằng nó đang đi lệch khỏi sứ mệnh ban đầu bởi nhiều người cho rằng người ta đang gắn cái tên #Metoo với mọi phong trào liên quan tới nữ giới. Các cuộc biểu tình về bất công tiền lương, phân biệt giới tính, lạm dụng quyền lực hay phân biệt đối xử cũng được cho rằng đang lợi dụng #Metoo để nhận được sự chú ý.

Hơn thế nữa, tại Hàn Quốc, nơi phong trào này được đón nhận vô cùng nồng nhiệt, người ta ghi nhận rằng phong trào này đã giúp phụ nữ Hàn Quốc được cởi trói khỏi sự “im lặng” ăn sâu trong lớp nền văn hóa còn khắt khe để đứng lên đấu tranh. Nhưng phong trào này cũng nhận được chỉ trích rằng nó đã “biến tướng” và bị lợi dụng. Bên cạnh nhiều cái tên đáng xấu hổ bị phanh phui ra ánh sáng, một loạt mặt trái cũng xuất hiện. Một số đối tượng lợi dụng cái tên #Metoo như một phương thức khôn khéo để bôi nhọ thanh danh, tống tiền nghệ sĩ.

Bản chất vấn đề xâm hại tình dục rất nhạy cảm và không phải lúc nào cũng trắng đen rõ ràng đã trở thành yếu điểm khiến cho phong trào này bị lợi dụng.

ELLE Việt Nam - H'hen trả lời về phong trào #Metoo 3
Phong trào #Metoo tại Hàn Quốc – Ảnh: KoreaBizwire

Ngay bản thân Burke, người sáng lập phong trào này cũng cho rằng nó đang đi quá xa và chưa thực sự thực hiện đúng mục tiêu của nó. Trong bài một bài phỏng vấn cho tạp chí The Cut, Burke đã nói rằng các cuộc đối thoại về #Metoo giờ đây không còn bó hẹp trong phạm vi xâm hại tình dục mà đang trở thành cuộc chiến về giới tính, một làn sóng “anti đàn ông”. Và rằng nó đang biến thành cuộc đấu tranh chỉ dành cho phụ nữ da trắng, cuộc đấu tranh chỉ vì lợi ích cho một nhóm người nhất định. Theo Burke, #Metoo nên quay trở về mục tiêu ban đầu của nó là giúp những nạn nhân lên tiếng và trở thành chỗ dựa tinh thần cho họ.

#Metoo đang đi quá xa hay #MeToo chỉ mới bắt đầu?

Nếu cho rằng phong trào #Metoo đã đi chệch khỏi mục tiêu ban đầu là đấu tranh chống xâm hại tình dục và đánh mất trọng tâm thì có vẻ không công bằng.

Xâm hại tình dục đối với phụ nữ là vấn đề liên quan tới sự thiếu tôn trọng dành cho nữ giới và bất bình đẳng giới. Phụ nữ bị rơi vào thế yếu, thiếu sự bảo vệ của pháp luật, rồi trở thành nạn nhân của những câu chuyện đáng buồn. Nếu ngay từ ban đầu, phụ nữ đã nhận được sự tôn trọng và bảo vệ cần thiết thì liệu chúng ta có phải đấu tranh để giành lấy quyền con người gần như là căn bản như hiện nay hay không?

Những phong trào xung quanh #Metoo như đấu tranh bình đẳng tiền lương, đấu tranh chống lạm dụng quyền lực, phân biệt giới tính cho LGBT… đều có liên quan tới nhau. Tất cả nằm trong một tổng thể phức tạp hơn của sự bất công trong xã hội – bất bình đẳng giới. Chừng nào phụ nữ chưa giành được sự bảo vệ cần thiết (hay được quyền tự bảo vệ chính mình), chừng nào phụ nữ chưa giành được quyền bình đẳng, quyền được tôn trọng, thì #Metoo vẫn sẽ phải tiếp tục đi xa hơn nữa, miễn là đừng đi sai.

ELLE Việt Nam - H'hen trả lời về phong trào #Metoo 4
Người ủng hộ #Metoo giương khẩu ngữ trước toà nhà Trump – Ảnh: REUTERS/Brendan

Chúng ta không thể phủ nhận những gì #Metoo đã giúp phụ nữ trong cuộc chiến bình đẳng giới vẫn còn dai dẳng này. Sự thức tỉnh của dư luận về vấn đề này, sự lan toả của phong trào, sự chú ý của truyền thông và rất nhiều điều khác nữa mà #Metoo đã có công khởi xướng. Nếu không có #Metoo, liệu những kết quả này, hay có thể gọi là thành tựu về bình đẳng giới này có đạt được hay không?

Quay trở lại bối cảnh Việt Nam sau khi phong trào #Metoo lan rộng. Trong năm qua, chúng ta đã được nhìn thấy những hastag #toasoansach, #ngungimlang và cả #Metoo phủ sóng khắp mạng xã hội với ý nghĩa hưởng ứng cuộc đấu tranh xâm hại tình dục trên thế giới. Chúng ta nhìn thấy xã hội bắt đầu đề cập nhiều hơn về vấn đề này, phá vỡ sự im lặng truyền thống và mặc cảm cá nhân để đứng lên đấu tranh vì quyền con người. Các con số báo cáo về vấn đề này bắt đầu được quan tâm và tìm kiếm. Tuy nhiên, số liệu chúng ta có thể tìm thấy trên internet chỉ từ 2014. Theo báo cáo từ tổ chức NGO Action Aid, 87% phụ nữ và bé gái tại Việt nam từng là nạn nhân của xâm hại tình dục nơi công cộng. Như vậy, trong bối cảnh Việt Nam, #Metoo dường như chỉ mới bắt đầu.

Trong lịch sử đấu tranh về quyền con người, có một luật bất thành văn mà chúng ta có thể thấy đó chính là: Không một cuộc đấu tranh nào mà không gặp phải sự phản kháng. Khi một hệ thống bị thách thức và lợi ích cá nhân của những thành viên trong hệ thống đó bị đụng chạm thì tất yếu, họ sẽ tìm cách để nhấm chìm những thay đổi đó, đem mọi thứ về trật tự ban đầu.

Việc #Metoo vướng phải những ồn ào kể trên là những “phản kháng” hay thách thức cần thiết trên hành trình tìm kiếm sự công bằng và tiến bộ. Việc chúng ta cần làm là xem xét thật cẩn trọng về những “phong trào xung quanh #Metoo”. Các phong trào đó đang có đóng góp như thế nào cho đại cuộc – sự đấu tranh vì bình đẳng giới. Đối với những biến tướng của #Metoo hay những cá nhân đang lợi dụng #Metoo cho mục đích cá nhân, có lẽ chúng ta cần xác định rõ bản chất của những sự việc đó thay vì vội vàng kết tội #Metoo.

Kết bài

Tất cả những thách thức mà #Metoo gặp phải trên hành trình tìm kiếm sự công bằng cho thấy rằng bình đẳng giới vẫn là một điều quá xa vời và hành trình đạt được điều này sẽ còn dài và khó khăn. Trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới vừa rồi, H’Hen Niê đã trả lời rằng “Bản thân em (cho rằng phong trào này) không nói quá. Bởi vì khi bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ (nạn nhân) lạm dụng tình dục, bảo vệ con người, bảo vệ phụ nữ, đó là một quyền rất lớn”. Có thể đáp án của cô chưa đủ trọn vẹn và có phần an toàn, nhưng đó lại chính là đáp án cho những gì đang diễn ra tại Việt Nam.

Dù sao đi chăng nữa cũng xin được chúc mừng và cám ơn H’Hen Niê đã mang nhan sắc và tài năng Việt Nam sánh ngang với thế giới.

Xem Thêm

Nhìn lại hành trình cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018 và sự nỗ lực không ngừng của H’Hen Niê

Lí do nào giúp H’Hen Niê đăng quang ngôi vị Hoa hậu Hoàn Vũ 2017?

Nhóm thực hiện

Theo: Tạp chí phái đẹp ELLE Bài: Thanh Nhã Tham khảo: Telegraph, The Guardian, Vox, The Diplomat Hình ảnh: Tổng hợp
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)