Nối tiếp bài viết trước về 10 phong trào nghệ thuật làm nền tảng cho lịch sử thị giác phương Tây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về những bước ngoặt đột phá trong lối biểu đạt nghệ thuật mang đậm những tư tưởng chính trị và xã hội của giới nghệ sĩ từ đầu thế kỷ 20.
BÀI LIÊN QUAN
CHỦ NGHĨA VỊ LAI (FUTURISM)
Bị cuốn hút bởi ngành công nghiệp mới và hồi hộp với những gì tương lai hứa hẹn, những người theo Chủ nghĩa Vị lai đầu thế kỷ 20 đã đánh dấu vị trí của họ trong lịch sử với sự tham gia từ mọi lĩnh vực. Khởi nguồn từ Ý, những người tiên phong cho Chủ nghĩa này đến từ nhiều ngành nghề khác nhau như họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế đồ họa, nhạc sĩ, kiến trúc sư và nhà thiết kế công nghiệp. Phải mất một thời gian dài Chủ nghĩa Vị lai mới có một đặc trưng trong lối biểu hiện. Một trong những dấu ấn của nghệ thuật Vị lai là sự mô tả mới mẻ về tốc độ và chuyển động trong những tác phẩm tĩnh. Đặc biệt, họ tuân thủ các nguyên tắc về “tính năng động phổ quát”, có nghĩa là không để một vật thể nào tách rời khỏi khung nền chung hoặc với một vật thể khác.
Dấu ấn này được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm Dynamism of a Dog on a Leash của Giacomo Balla, trong đó, chuyển động của việc dắt chó đi dạo được thể hiện thông qua số lượng chân của con vật, dây xích và chân của người dắt.
Nghệ sĩ nổi bật: Giacomo Balla, Umberto Boccioni
Tác phẩm tiêu biểu: Dynamism of a Dog on a Leash của Giacomo Balla (1912), Unique Forms of Continuity in Space của Umberto Boccioni (1913)
DADA
Dada là một phong trào nghệ thuật tiên phong của thế kỷ 20 (thường được gọi là phong trào “phản nghệ thuật”) sinh ra từ bối cảnh xã hội hỗn loạn và bất ổn của Thế chiến I. Nó được sinh ra như một phản ứng kịch liệt chống lại sự khủng khiếp của chiến tranh và thói đạo đức giả của những nhà tư sản. Thách thức mọi khía cạnh của nền văn minh phương Tây (bao gồm cả nghệ thuật của nó), những lý tưởng của Dada đã bác bỏ mọi logic, lý trí, tính hợp lý và trật tự, những yếu tố được coi là trụ cột của một xã hội phát triển và tiên tiến kể từ thời Khai sáng.
Nghệ sĩ nổi bật: Marcel Duchamp, Man Ray, Tristan Tzara
Tác phẩm tiêu biểu: Fountain của Marcel Duchamp (1917)
BAUHAUS
Từ các bức tranh, đồ họa đến kiến trúc và nội thất, nghệ thuật Bauhaus đã thống trị nhiều cửa hàng nghệ thuật mang tính thực nghiệm của châu Âu trong suốt những năm 1920 và 1930. Mặc dù gắn liền với nước Đức nhất, nó đã thu hút và truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ thuộc mọi thành phần. Bauhaus – dịch theo nghĩa đen là “nhà xây dựng”, được khởi nguồn từ một trường nghệ thuật của Đức vào đầu thế kỷ 20. Được thành lập bởi Walter Gropius, ngôi trường đã kiến tạo nên phong trào nghệ thuật hiện đại của riêng mình với đặc điểm là cách tiếp cận độc đáo đối với kiến trúc và thiết kế.
Nghệ sĩ nổi bật: Wassily Kandinsky, Paul Klee, Joost Schmidt, Marcel Breur
Tác phẩm tiêu biểu: Yellow-Red-Blue của Wassily Kandinsky (1925), Wassily Chair của Marcel Breur (1925)
BÀI LIÊN QUAN
Khi hội họa là tuyên ngôn xã hội
ART DECO
Art Deco là một phong trào hiện đại xuất hiện vào những năm 1920 ở châu Âu. Được tạo nên từ nhiều phong cách thẩm mỹ khác nhau – bao gồm việc sử dụng các bảng màu đa dạng và nhiều loại vật liệu, từ gỗ mun và ngà voi đến gỗ và nhựa, phong trào này thường được đặc trưng bởi các dạng hình học được sắp xếp tương phản mà hợp lý với các họa tiết phong phú và trang trí tuyến tính.
Hội họa theo phong cách Art Deco thường có hình thức táo bạo và bố cục phức tạp. Một số tác phẩm, như những bức tranh của họa sĩ gốc Ba Lan Tamara de Lempicka, khắc họa chân dung năng động của các nhân vật có phong cách. Thông thường, những đối tượng này được vẽ trong trang phục mang màu sắc tươi sáng và ở các địa điểm đô thị được trừu tượng hóa.
Nghệ sĩ nổi bật: Tamara de Lempicka
Tác phẩm tiêu biểu: Tamara in a Green Bugatti của Tamara de Lempicka (1929)
TRƯỜNG PHÁI SIÊU THỰC (SURREALISM)
Khó có thể nắm bắt được một định nghĩa chính xác về Chủ nghĩa Siêu thực, nhưng rõ ràng phong trào tiên phong một thời này vẫn có sức mạnh trường tồn và là một trong những thể loại nghệ thuật dễ tiếp cận nhất. Bắt đầu từ những năm 1920, những hình ảnh giàu trí tưởng tượng được thúc đẩy bởi tiềm thức trở thành dấu ấn của loại hình nghệ thuật này. Phong trào được khởi xướng khi một nhóm nghệ sĩ thị giác áp dụng chủ nghĩa tự động (automatism), một kỹ thuật dựa vào tiềm thức để sáng tạo. Khai thác lời kêu gọi các nghệ sĩ giải phóng bản thân khỏi sự hạn chế và tự do sáng tạo hoàn toàn, những người theo chủ nghĩa Siêu thực thường thách thức các ý niệm thông thường trong nhận thức về hiện thực trong tác phẩm nghệ thuật của họ.
Nghệ sĩ nổi bật: Salvador Dalí, Max Ernst, René Magritte
Tác phẩm tiêu biểu: The Treachery of Images của René Magritte (1929), The Persistence of Memory của Salvador Dalí (1931)
CHỦ NGHĨA BIỂU HIỆN TRỪU TƯỢNG (ABSTRACT EXPRESSIONISM)
Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng là phong trào nghệ thuật đầu tiên của Mỹ bùng nổ trên quy mô quốc tế, bắt đầu sau Thế chiến II. Nó đã biến New York trở thành trung tâm mới của thế giới nghệ thuật mà trước đó là Paris. Thể loại này phát triển vào những năm 1940 và 1950, mặc dù thuật ngữ này cũng được sử dụng để mô tả tác phẩm của các nghệ sĩ trước đó như Wassily Kandinsky. Phong cách nghệ thuật này khai thác tính tự phát của Chủ nghĩa Siêu thực và đưa vào nó tâm trạng u ám của đau thương kéo dài sau chiến tranh.
Jackson Pollock là nhà lãnh đạo của phong trào, tạo nên đặc trưng cho chủ nghĩa nghệ thuật này với những bức tranh nhỏ giọt làm nổi bật sự sáng tạo tự phát và lối ứng dụng màu linh động. Thuật ngữ “Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng”, mặc dù được tiêu biểu bởi thành tựu của Pollock, không giới hạn ở một phong cách cụ thể. Các tác phẩm đa dạng như các bức tranh tượng hình của Willem de Kooning và các bức tường màu của Mark Rothko cũng được phân loại vào chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng.
Nghệ sĩ nổi bật: Jackson Pollock, Willem de Kooning, Clyfford Still, Mark Rothko
Tác phẩm tiêu biểu: Autumn Rhythm (Number 30) của Jackson Pollock
BÀI LIÊN QUAN
POP ART
Nổi lên vào những năm 1950, Pop Art là một phong trào quan trọng báo trước sự khởi đầu của nghệ thuật đương đại. Trào lưu thời hậu chiến này thịnh hành ở Anh và Mỹ, xuất hiện trên đa dạng các công cụ truyền thông từ quảng cáo, truyện tranh cho đến bao bì của các vật dụng hàng ngày. Thường mang tính châm biếm, Pop Art nhấn mạnh sự tẻ nhạt của hàng hóa thông thường và thường được nhìn nhận như một phong trào bài trừ các yếu tố sáng tạo dựa trên tiềm thức của Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng.
Các bức họa sôi động, táo bạo của Roy Lichtenstein là ví dụ tuyệt vời về cách văn hóa châm biếm và đại chúng đã kết hợp với mỹ thuật để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật dễ tiếp cận. Andy Warhol, nhân vật nổi tiếng nhất trong số những nghệ sĩ thuộc trào lưu Pop Art, đã giúp thúc đẩy khái niệm mang tính cách mạng về nghệ thuật được sản xuất hàng loạt, tạo ra rất nhiều loạt tranh in lụa nổi tiếng.
Nghệ sĩ nổi bật: Andy Warhol, Roy Lichtenstein, Jasper Johns
Tác phẩm tiêu biểu: Campbell’s Soup Cans của Andy Warhol (1962)
NGHỆ THUẬT SẮP ĐẶT (INSTALLATION ART)
Vào giữa thế kỷ 20, các nghệ sĩ tiên phong ở Mỹ và châu Âu bắt đầu phát triển trong lĩnh vực nghệ thuật sắp đặt. Đặc trưng của loại hình này là các công trình ba chiều đùa nghịch với không gian để thu hút người tham gia tương tác. Thường có quy mô lớn và dành riêng cho từng địa điểm, những tác phẩm này biến các bảo tàng, phòng trưng bày và thậm chí cả các địa điểm ngoài trời thành môi trường nghệ thuật sống động.
Lấy cảm hứng từ các tác phẩm Readymades theo phong cách Dada của Marcel Duchamp, nghệ thuật sắp đặt được tiên phong bởi các bậc thầy hiện đại như Yayoi Kusama và Louise Bourgeois. Ngày nay, các nghệ sĩ đương đại vẫn tiếp tục phát triển loại hình nghệ thuật này, tạo ra các tác phẩm sắp đặt mang tính thử nghiệm từ nhiều dụng cụ như dây, giấy và hoa.
Nghệ sĩ nổi bật: Yayoi Kusama, Louise Bourgeois, Damien Hirst
Tác phẩm tiêu biểu: Mirror Rooms của Yayoi Kusama
NGHỆ THUẬT ĐỘNG HỌC (KINETIC ART)
Phong trào nghệ thuật đương đại này thực chất bắt nguồn từ trường phái Ấn tượng, khi các nghệ sĩ lần đầu tiên cố gắng thể hiện chuyển động trong tác phẩm của họ. Vào đầu những năm 1900, các nghệ sĩ bắt đầu thử nghiệm sâu hơn với chuyển động trong nghệ thuật, sử dụng máy điêu khắc và điện thoại di động để thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật động học. Các nghệ sĩ Nga Vladimir Tatlin và Alexander Rodchenko là những người đầu tiên tạo ra các tác phẩm điêu khắc di động, lĩnh vực mà sau này sẽ được hoàn thiện bởi Alexander Calder.
Theo thuật ngữ đương đại, nghệ thuật động học bao gồm các tác phẩm điêu khắc và sắp đặt lấy yếu tố chuyển động làm trọng tâm chính. Nghệ sĩ người Mỹ Anthony Howe là một nhân vật đi đầu trong phong trào này, chuyên sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ cho các tác phẩm điêu khắc có quy mô lớn chạy bằng sức gió của mình.
Nghệ sĩ nổi bật: Alexander Calder, Jean Tinguely, Anthony Howe
Tác phẩm tiêu biểu: Arc of Petals của Alexander Calder
CHỦ NGHĨA ẢNH HIỆN THỰC (PHOTOREALISM)
Chủ nghĩa ảnh hiện thực là một phong cách nghệ thuật tận dụng những khả năng kỹ thuật của người nghệ sĩ để khiến người xem phải trầm trồ. Khởi đầu là một phong trào nghệ thuật của Mỹ, nó đã đi vào guồng phát triển vào cuối những năm 1960 và 1970 như một phản ứng chống lại chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng. Các nghệ sĩ tập trung vào việc tái tạo những bức ảnh chụp bằng loại hình nghệ thuật của họ, lên kế hoạch cẩn thận cho tác phẩm để đạt được hiệu quả tuyệt vời và tránh xa sự ngẫu hứng vốn là đặc trưng của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng. Tương tự như Pop Art, chủ nghĩa ảnh hiện thực thường tập trung vào hình ảnh liên quan đến văn hóa tiêu dùng.
Chủ nghĩa ảnh hiện thực ban đầu chìm ngập trong hoài niệm về phong cảnh nước Mỹ, và gần đây, chân dung ảnh thực đã trở thành một chủ đề phổ biến hơn. Chủ nghĩa Cực thực (Hyperrealism) là một bước tiến của phong cách này, nơi hội họa và điêu khắc kích thích phản ứng cảm xúc vượt trội ở khán giả và truyền tải nghệ thuật ở cấp độ hiện thực cao hơn bằng sự phát triển trong kỹ thuật biểu đạt. Điểm chung đặc trưng của các tác phẩm theo chủ nghĩa này là lấy một điểm tham chiếu nhiếp ảnh làm cảm hứng khởi đầu.
Nghệ sĩ nổi bật: Chuck Close, Ralph Going, Yigal Ozeri
Tác phẩm tiêu biểu: Untitled của Yigal Ozeri
LOWBROW
Lowbrow, còn được gọi là chủ nghĩa Siêu thực Đại chúng, là một phong trào nghệ thuật phát triển từ bối cảnh thế giới ngầm ở California vào những năm 1970. Là một phong trào bị tính truyền thống loại trừ khỏi thế giới mỹ thuật đẳng cấp, nghệ thuật Lowbrow chuyển phương tiện biểu đạt từ các bức tranh vẽ sang đồ chơi, nghệ thuật kỹ thuật số và điêu khắc. Thể loại này có nguồn gốc từ truyện tranh, nhạc punk và văn hóa lướt sóng, được ủng hộ bởi các nghệ sĩ không tìm kiếm sự chấp nhận từ các phòng trưng bày chính thống. Bằng cách kết hợp những hình ảnh siêu thực với màu sắc hoặc hình ảnh đại chúng, người nghệ sĩ mang đến tác phẩm mang vẻ mơ mộng nhưng khai thác các chủ đề khiêu dâm hoặc châm biếm. Sự nổi lên của các tạp chí như Juxtapoz và Hi-Fructose đã mang đến cho các nghệ sĩ Lowbrow một diễn đàn để trưng bày tác phẩm của họ bên ngoài các phương tiện nghệ thuật đương đại chính thống.
Nghệ sĩ nổi bật: Mark Ryden, Ray Caesar, Audrey Kawasaki
Tác phẩm tiêu biểu: Incarnation của Mark Ryden
Nhóm thực hiện
Bài: Quỳnh Anh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: My Modern Met