[Phần 1] 21 phong trào nghệ thuật kiến tạo nên lịch sử phương Tây

Đăng ngày:

Nhìn lại lịch sử phương Tây, thật khó tin khi thấy có bao nhiêu loại hình nghệ thuật thị giác đã tạo ra ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội. Bằng cách lần theo dòng thời gian thông qua các phong trào hội họa và kiến trúc khác nhau, chúng ta không chỉ có thể thấy nghệ thuật hiện đại và đương đại đã phát triển như thế nào mà còn biết được cách thời đại được phản ánh qua chúng.

Giống như những viên gạch xây nên cả một bề dày lịch sử, sự kết nối giữa các chủ nghĩa nghệ thuật khác nhau mang lại một bức tranh toàn cảnh cho những biến động trong lối tư duy, sự phát triển và những bước đi tiên phong của con người trong mọi vấn đề từ chính trị tới xã hội. Bằng cách nhìn lại một số phong trào quan trọng nhất trong lịch sử, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về cách các nghệ sĩ nổi tiếng như Van Gogh, Picasso và Warhol đã cách mạng hóa thế giới thông qua nghệ thuật.

Trong bài viết này, hãy cùng khám phá 10 phong trào nghệ thuật thị giác đầu tiên đã làm nền tảng cho sự phát triển đa dạng và mạnh mẽ của lịch sử nghệ thuật nói riêng và nền văn minh của xã hội phương Tây nói chung.

1. NGHỆ THUẬT PHỤC HƯNG Ý (ITALIAN RENAISSANCE ART)

điêu khắc nghệ thuật David

Tác phẩm “David” của Michelangelo (1501 – 1504). Ảnh: Wikimedia Commons

Từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, nước Ý đã trải qua một kỷ nguyên khai sáng chưa từng có. Được gọi là thời kỳ Phục Hưng – một thuật ngữ bắt nguồn từ danh từ tiếng Ý “rinascimento”, hay “sự tái sinh”, con người ở thời kỳ này bắt đầu dành sự chú ý đặc biệt đối với các chủ đề văn hóa như nghệ thuật và kiến trúc.

Các nghệ sĩ thời Phục Hưng người Ý như Michelangelo, Leonardo da Vinci và Raphael đã tìm thấy nguồn cảm hứng trong nghệ thuật La Mã và Hy Lạp cổ đại. Chúng ta có thể thấy rõ những lối biểu đạt thị giác cổ điển như sự cân bằng, chủ nghĩa tự nhiên và ứng dụng phối cảnh trong các tác phẩm của họ. Cách tiếp cận lấy cảm hứng từ thời cổ đại này được thể hiện nhiều nhất qua những bức tranh chân dung có hồn, các tác phẩm điêu khắc chính xác về mặt giải phẫu và nhiều công trình kiến trúc mang tính hài hòa, đối xứng.

Nghệ sĩ nổi bật: Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael, Titian.

Tác phẩm tiêu biểu: Birth of Venus của Sandro Botticelli (1486), The Last Supper (1495 – 1498) và Mona Lisa (khoảng 1503 – 1506) của Leonardo da Vinci, David của Michelangelo (1501 – 1504), School of Athens bởi Raphael (1509 – 1511).

2. PHONG CÁCH BAROQUE

điêu khắc nghệ thuật The Ecstasy of St. Teresa

Tác phẩm “The Ecstasy of St. Teresa” của Bernini (1647-1652). Ảnh: My Modern Met

Vào cuối thời kỳ Phục Hưng, phong trào Baroque nổi lên ở Ý. Tuy có điểm giống với nghệ thuật và kiến trúc thời Phục Hưng ở mối quan tâm với chủ nghĩa hiện thực và màu sắc phong phú,  nghệ thuật Baroque lại đề cao sự xa hoa hơn là những giá trị nhân văn.

Sự hoa lệ này thể hiện rõ ràng trong hội họa, điêu khắc và kiến trúc Baroque. Trong khi các họa sĩ như Caravaggio thể hiện sự kịch tính thông qua việc xử lý ánh sáng và mô tả chuyển động, các nhà điêu khắc như Bernini lại truyền tải cảm giác kịch nghệ thông qua các đường nét năng động và xếp nếp phức tạp. Những kiến trúc sư trên khắp châu Âu đã tô điểm cho thiết kế của họ bằng những món đồ trang trí khác nhau, từ các phụ kiện được chạm khắc phức tạp đến những chiếc cột hùng vĩ.

Nghệ sĩ nổi bật: Caravaggio, Rembrandt, Bernini

Tác phẩm tiêu biểu: The Calling of Saint Matthew của Caravaggio (1599 –1600), The Night Watch của Rembrandt (1642), The Ecstasy of St. Theresa của Bernini (1647 – 1652).

3. PHONG TRÀO ROCOCO 

tranh nghệ thuật The Swing

Tác phẩm “The Swing” của Jean-Honoré Fragonard (1767). Ảnh: Wikimedia Commons

Theo sau sự xa hoa và quyền lực của nghệ thuật Baroque là phong trào Rococo hào nhoáng và khêu gợi. Phong trào này nở rộ ở Pháp vào thế kỷ 18 trước khi lan sang các nước châu Âu khác. Thuật ngữ Rococo bắt nguồn từ “rocaille”, một phương pháp trang trí bằng cách sử dụng đá cuội, vỏ sò và xi măng để tô điểm cho các hang động và đài phun nước trong thời kỳ Phục Hưng. Trong suốt những năm 1730, lối trang trí rocaille truyền cảm hứng cho những đường cong trong đồ trang trí và thiết kế nội thất. Trong hội họa, phong cách trang trí này được sử dụng để vẽ lại những câu chuyện thần tiên với các tông màu nhẹ nhàng và sự linh hoạt trong hình thức thể hiện.

Nghệ sĩ nổi bật: Jean-Honoré Fragonard, Antoine Watteau, François Boucher

Tác phẩm tiêu biểu: The Swing của Jean-Honoré Fragonard (1767)

4. CHỦ NGHĨA TÂN CỔ ĐIỂN (NEOCLASSICISM)

tranh nghệ thuật The Oath of the Horatii

Tác phẩm “The Oath of the Horatii” của Jacques-Louis David (1784–5). Ảnh: Wikimedia Commons

Tân cổ điển là một phong trào nghệ thuật ra đời vào thế kỷ 18 chịu sự ảnh hưởng bởi những lý tưởng của nghệ thuật từ La Mã và Hy Lạp cổ đại. Xu hướng khai thác sự tối giản và hài hòa của nó một phần được truyền cảm hứng như một phản ứng tiêu cực đối với tính thẩm mỹ quá phù phiếm của phong cách Rococo. Việc khai quật các thành phố cổ La Mã như Pompeii và Herculaneum (lần lượt vào năm 1738 và 1748) đã giúp khơi dậy tinh thần của phong trào này.

Nghệ sĩ nổi bật: Jacques-Louis David, Jean-Auguste-Dominique Ingres, Antonio Canova

Tác phẩm tiêu biểu: The Oath of the Horatii của Jacques-Louis David (1784 – 1785), The Death of Socrates của Jacques-Louis David (1787), Death of Marat của Jacques-Louis David (1793), The Grande Odalisque của Ingres ( 1814)

5. CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN (ROMANTICISM)

tranh nghệ thuật Liberty Leading the People

Tác phẩm “Liberty Leading the People” của Eugène Delacroix (1830). Ảnh: Wikimedia Commons

Chủ nghĩa lãng mạn là một trào lưu văn hóa mang tính trí thức, triết học và văn học nổi lên vào khoảng năm 1780. Tuy có cùng một mối quan tâm tới tính cá nhân trong nghệ thuật, cách tiếp cận của Chủ nghĩa này khác với Tân cổ điển ở chỗ thay vì quay lại các mô hình xưa cũ, người nghệ sĩ đã tìm thấy cảm hứng trong trí tưởng tượng của chính họ. Cách tiếp cận nội tâm này cho ra đời một loại hình nghệ thuật chủ yếu khám phá khía cạnh tinh thần của con người, sự thăng hoa của thiên nhiên, và trên hết, là thành quả của tự do cá nhân.

Nghệ sĩ nổi bật: Joseph Mallord William Turner, Eugène Delacroix, Theodore Gericault, Francisco Goya

Tác phẩm tiêu biểu: Wanderer Above the Sea of Fog của Caspar David Friedrich (1818), Liberty Leading the People của Delacroix (1830).

6. CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC (REALISM)

tranh nghệ thuật The Gleaners

Tác phẩm “The Gleaners” của Jean-François Millet (1857). Ảnh: Wikimedia Commons

Chủ nghĩa hiện thực là một thể loại nghệ thuật bắt nguồn ở Pháp sau cuộc Cách mạng Pháp năm 1848. Mang tinh thần đối nghịch rõ ràng với Chủ nghĩa Lãng mạn, các họa sĩ theo trường phái này tập trung vào việc lột tả con người đương đại và cuộc sống hàng ngày của họ. Sau hàng thế kỷ chỉ được dùng để mô tả những khung cảnh từ thần thoại và Kinh thánh, hoặc tạo ra những bức chân dung của giới quý tộc và giáo sĩ, nghệ thuật giờ đây đã làm nên một cuộc cách mạng với việc tái hiện lại những hoạt động thường nhật. 

Các nghệ sĩ Pháp như Gustave Courbet và Honoré Daumier, cũng như các tên tuổi quốc tế như James Abbott McNeill Whistler, tập trung vào tất cả các tầng lớp trong tác phẩm của họ, lần đầu tiên đưa tiếng nói cho các thành viên nghèo hơn trong xã hội và khắc họa các vấn đề bắt nguồn từ Cách mạng Công nghiệp. Nhiếp ảnh cũng có ảnh hưởng đến hội họa, thúc đẩy các họa sĩ tạo ra những bức tranh chân thực để cạnh tranh với loại công nghệ mới này.

Nghệ sĩ nổi bật: Gustave Courbet, Jean-Baptiste-Camille Corot, Jean-François Millet, James McNeill Whistler

Tác phẩm tiêu biểu: The Gleaners của Jean-François Millet (1857), The Burial at Ornans của Gustave Courbet (1849 – 1850).

7. TRƯỜNG PHÁI ẤN TƯỢNG (IMPRESSIONISM)

tranh nghệ thuật Water Lilies

Tác phẩm “Water Lilies” của Claude Monet (1906). Ảnh: Wikimedia Commons

Trái ngược với sự mến mộ mà trường phái Ấn tượng đang nhận được ngày nay, nó đã từng là một trào lưu thị giác bị ruồng bỏ. Thoát khỏi Chủ nghĩa Hiện thực, các họa sĩ trường phái Ấn tượng đã rời xa những hình ảnh thực tế để sử dụng những nét vẽ lộ rõ vân cọ, màu sắc sống động với ít sự pha trộn và bố cục mở để nắm bắt cảm xúc trong ánh sáng và chuyển động. Chủ nghĩa Ấn tượng bắt đầu khi một nhóm nghệ sĩ Pháp tiên phong phá vỡ truyền thống hàn lâm bằng cách vẽ tranh ngoài trời – một quyết định gây sốc khi hầu hết các họa sĩ phong cảnh thời đó đều làm việc trong xưởng vẽ.

Nhóm khởi xướng, bao gồm Claude Monet, Pierre-Auguste Renoir, Alfred Sisley và Frédéric Bazille, được thành lập vào đầu những năm 1860 ở Pháp. Các nghệ sĩ khác tham gia thành lập hội nhóm của riêng họ để triển lãm tác phẩm của mình sau khi bị các phòng triển lãm truyền thống của Pháp từ chối bởi lý do “quá gây tranh cãi để trưng bày”. Cuộc triển lãm ngầm đầu tiên diễn ra vào năm 1874 đã cho phép họ giành được sự ưu ái của công chúng.

Nghệ sĩ nổi bật: Claude Monet, Camille Pissarro, Pierre-Auguste Renoir, Mary Cassatt

Tác phẩm tiêu biểu: Impression, Sunrise của Monet (1872), Bal du Moulin de la Galette của Renoir (1876), loạt phim Water Lilies của Monet (1890 – 1900)

8. TRƯỜNG PHÁI HẬU ẤN TƯỢNG (POST-IMPRESSIONISM)

tranh nghệ thuật The Starry Night

Tác phẩm “The Starry Night” của Vincent van Gogh (1889). Ảnh: Wikimedia Commons

Một lần nữa có nguồn gốc từ Pháp, loại hình nghệ thuật này phát triển từ năm 1886 đến năm 1905 như một sự hưởng ứng có quy mô cho Trường phái ấn tượng. Lần này, các nghệ sĩ đáp ứng sự cần thiết của việc miêu tả ánh sáng và màu sắc một cách tự nhiên trong nghệ thuật Ấn tượng. Trái ngược với các phong cách trước đó, Chủ nghĩa Hậu ấn tượng chịu ảnh hưởng từ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ Chủ nghĩa hình tượng của Georges Seurat đến Chủ nghĩa tượng trưng của Paul Gauguin.

Tuy không bị định hình bởi một phong cách duy nhất, các tác phẩm thuộc trường phái này có đặc trưng là các yếu tố trừu tượng và nội dung biểu tượng. Có lẽ người theo trường phái Hậu ấn tượng nổi tiếng nhất là Vincent van Gogh, người đã sử dụng màu sắc và nét vẽ của mình không phải để truyền đạt chất cảm của phong cảnh, mà là cảm xúc và trạng thái tâm trí của chính ông.

Nghệ sĩ nổi bật: Georges Seurat, Vincent van Gogh, Paul Cézanne, Paul Gauguin, Émile Bernard

Tác phẩm tiêu biểu: A Sunday Afternoon on La Grande Jatte của Georges Seurat (1884 – 1886), The Starry Night của Vincent van Gogh (1889), The Yellow Christ của Paul Gauguin (1891)

9. TÂN NGHỆ THUẬT (ART NOUVEAU)

tranh nghệ thuật Four Seasons

Tác phẩm “Four Seasons” của Alphonse Mucha (1897). Ảnh: Wikimedia Commons

Vào cuối thế kỷ 19, một phong trào “nghệ thuật mới” tràn qua châu Âu. Các nghệ sĩ từ khắp lục địa đã theo đuổi loại hình nghệ thuật hoa mỹ này, đặc trưng bởi việc tái hiện lại vẻ đẹp của thiên nhiên với sự cách điệu rõ rệt. Hệ quả của nó là một loạt các phong trào phụ như Ly khai Vienna ở Áo, Chủ nghĩa Hiện đại (Modernisme) ở Tây Ban Nha, và nổi bật nhất là Tân nghệ thuật (Art Nouveau) ở Pháp.

Phong cách Tân nghệ thuật của Pháp được các nghệ sĩ làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau yêu thích. Ngoài hội họa và điêu khắc, nó còn được áp dụng trong kiến trúc và nghệ thuật trang trí của thời kỳ này. Tuy nhiên, có lẽ di sản lâu dài nhất của nó có thể được tìm thấy trong những tấm áp phích đương thời, một công cụ thương mại thủ công mà nghệ sĩ người Séc Alphonse Mucha đã giúp nâng tầm lên như một loại hình nghệ thuật hiện đại.

Nghệ sĩ nổi bật: Alphonse Mucha, Gustav Klimt

Tác phẩm tiêu biểu: The Four Seasons của Alphonse Mucha, The Kiss của Gustav Klimt

10. CHỦ NGHĨA LẬP THỂ (CUBISM)

tranh nghệ thuật Les Demoiselles d'Avignon

Tác phẩm “Les Demoiselles d’Avignon” của Pablo Picasso (1907). Ảnh: Wikimedia Commons

Là một phong trào nghệ thuật thực sự mang tính cách mạng, Chủ nghĩa Lập thể là một trong những trào lưu nghệ thuật quan trọng nhất của thế kỷ 20. Pablo Picasso và Georges Braque đã phát triển Chủ nghĩa Lập thể vào đầu những năm 1900 và thuật ngữ này được nhà phê bình nghệ thuật Louis Vauxcelles đặt ra vào năm 1907. Trong suốt những năm 1910 và 1920, hai họa sĩ cốt cán này cùng với các nghệ sĩ khác đã sử dụng các dạng hình học để làm nên các bức họa. Hoàn toàn khác biệt so với bất kỳ phong trào nào trước đây, các chủ thể nghệ thuật của trường phái này được phân tích và chia nhỏ ra để được lắp ráp lại dưới một hình thức trừu tượng.

Việc tối giản hóa các hình ảnh xuống thành các đường thẳng và hình học cơ bản là một yếu tố đặc trưng của trường phái Lập thể. Sự tối giản cũng đi sâu vào lối sử dụng màu sắc với việc loại bỏ phủ bóng và hạn chế số lượng màu để mang lại ấn tượng phẳng trên bề mặt. Đây là một sự phá vỡ rõ ràng so với việc sử dụng phối cảnh, vốn là tiêu chuẩn kể từ thời Phục Hưng. Chủ nghĩa Lập thể đã mở màn cho các trào lưu nghệ thuật sau này, như Chủ nghĩa Siêu thực và Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, bằng cách vứt bỏ những quy chuẩn xưa cũ của nghệ thuật.

Nghệ sĩ nổi bật: Pablo Picasso, Georges Braque, Juan Gris

Tác phẩm tiêu biểu: Les Demoiselles d’Avignon của Pablo Picasso (1907)

Nhóm thực hiện

Bài: Quỳnh Anh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: My Modern Met

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more