Ngày lễ Quốc tế Phụ nữ 8/3 không còn xa nữa rồi! Hãy cùng ELLE đón xem những bộ phim tôn vinh những phẩm chất đẹp đẽ cũng như vai trò to lớn của những người phụ nữ trên thế giới này nhé!
1. Little Women (Những người phụ nữ nhỏ bé, 2019)
Little Women được chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển cùng tên của nhà văn Louisa May Alcott. Câu chuyện xoay quanh những khát khao riêng của 4 chị em (Meg, Jo, Amy và Beth) nhà March, một hộ gia đình nghèo ở nước Anh thời Nữ hoàng Victoria thế kỷ 19. Với cách kể chuyện sáng tạo cùng diễn xuất của dàn diễn viên chất lượng như Saoirse Ronan, Emma Watson và Timothee Chalamet, Little Women khắc họa hình ảnh những người phụ nữ “bé mọn” về vật chất và địa vị nhưng vô cùng vĩ đại trong tính cách, suy nghĩ và ước mơ riêng của họ. Bộ phim còn truyền tải đến khán giả tư tưởng vượt thời gian của nữ nhà văn Louisa May Alcott: sự nữ tính không đồng nghĩa với sự dịu dàng và gia đình là tất cả.
2. Coco before Chanel (Cuộc đời Coco, 2009)
Nếu là một tín đồ thời trang, bạn chắc chắn không thể bỏ qua bộ phim này. Coco before Chanel tái hiện lại chặng đường trở thành tượng đài bất tử ngành thời trang của bà Coco Chanel. Có một tuổi thơ khốn khó, Coco Chanel phải sống cuộc sống không hề muốn cho đến khi gặp gỡ và làm việc với vị trí nhà tư vấn thời trang cho doanh nhân người Anh, Arthur Capel. Bên cạnh sự lãng mạn, Coco before Chanel còn đưa khán giả đến với hành trình đầy cảm động của Coco Chanel, nhấn mạnh sự nỗ lực, kiên trì và mạnh mẽ của bà – người phụ nữ xoay chuyển làng thời trang bằng chính thực lực của mình.
BÀI LIÊN QUAN
Top 11 bộ phim hay phái đẹp nên xem
3. Joy Luck Club (Phúc Lạc Hội, 1993)
Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 1989 của Amy Tan, Joy Luck Club là bộ phim đầy suy ngẫm từ cuộc hành đi tìm lại sợi dây kết nối tình mẫu tử giữa những bà mẹ người Trung Quốc di cư với các cô con gái sinh ra trên đất Mỹ mà dần quên đi gốc gác của mình. Joy Luck Club mô tả một cách chân thực xung đột giữa hai nền văn hóa, sự hy sinh, khổ cực của người phụ nữ trong thời chinh chiến và không thiếu những khoảnh khắc nghẹn ngào về tình cảm gia đình.
4. Iron Lady (Bà Đầm Thép, 2011)
Iron Lady tái hiện lại cuộc đời đầy thăng trầm của bà Margaret Thatcher từ những ngày đầu tiên nỗ lực vượt qua rào cản giới tính và giai cấp để trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Anh. Với diễn xuất của Meryl Streep (một trong những diễn viên vĩ đại nhất ở Hollywood), Iron Lady để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả về một người phụ nữ thông minh, đanh thép, dũng cảm đấu tranh lại những định kiến, bước lên đỉnh vinh quang với giấc mơ của mình, nhưng đồng thời cũng là người phụ nữ đầy tình thương và hy sinh cho gia đình.
BÀI LIÊN QUAN
5. Hidden Figures (Bộ ba ưu việt, 2016)
Hidden Figures dựa trên câu chuyện có thực của ba phụ nữ da đen – Katherine, Mary và Dorothy – làm việc tại NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) vào những năm 1960. Bất chấp sự phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng giới mà họ phải đối mặt, “những chiếc máy vi tính sống” tài năng này vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ và đam mê của mình trong ngành công nghiệp do nam giới thống trị, thành công trong việc tính toán đưa phi hành gia John Glenn vào quỹ đạo và trở về an toàn.
6. 20, 30, 40 (Tuổi 20, 30, 40, 2014)
Xiao Jie (Angelica Lee), 20 tuổi và là người trẻ nhất, theo đuổi ước mơ trở thành ngôi sao nhạc pop. Xiang Xiang (Rene Liu), nữ tiếp viên hàng không ngoài 30 tuổi, bị giằng xé giữa mối tình tay ba của mình với một người đàn ông đã có gia đình và một người tình trẻ. Lily Zhao, 40 tuổi, cô chủ cửa hàng hoa muốn hẹn hò sau khi ly dị người chồng không chung thủy.
Được đạo diễn bởi diễn viên kiêm nhà sản xuất Đài Loan nổi tiếng Sylvia Chang, 20, 30, 40 đưa khán giả đi qua cuộc đời của ba người ở ba độ tuổi khác nhau nhưng cùng phải đối mặt với sự phức tạp của tình yêu, nỗi mất mát và sự lạc lõng, chới với trong hành trình đi tìm một nơi thuộc về giữa một xã hội đầy định kiến áp lên vai người phụ nữ.
7. Becoming Jane (Chuyện tình của Jane, 2007)
Bộ phim kể về cuộc đời của Jane Austen (Anne Hathaway), nữ nhà văn người Anh nổi tiếng với các tiểu thuyết Emma, Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và Định kiến) và Sense and Sensibility (Lý trí và tình cảm). Với trái tim tràn đầy sức sống, suy nghĩ độc lập và ước mơ trở thành nhà văn, mặc dù gia đình nghèo khó, phải chịu áp lực từ cha mẹ, mong muốn cô kết hôn với một người đàn ông trẻ giàu có, Jane đã không tuân theo những định kiến đó. Tuy nhiên, cuộc sống của cô hoàn toàn thay đổi khi Jane gặp người đàn ông cô yêu và họ dự định bỏ trốn cùng nhau.
8. Parched (2015)
Parched là một bộ phim truyền hình Ấn Độ kể về bốn người phụ nữ ở ngôi làng sa mạc Rajasthan, họ phải gồng mình chịu đựng đời sống tệ nạn ở ngôi làng của mình. Rani (Tannishtha Chatterjee) là góa phụ với đứa con trai cứng đầu. Janaki (Lehar Khan) là cô dâu trẻ không muốn kết hôn với con trai của Rani nhưng không thể làm gì vì áp lực xã hội. Người bạn thân của Rani, Lajjo (Radhika Apte), bị bạo hành về thể xác và tinh thần bởi người chồng nghiện rượu và cuối cùng là Bijli (Surveen Chawla), một vũ công khiêu dâm. Ngoài việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới, cách khắc họa chân thực và ấm áp về tình cảm của phụ nữ khiến Parched là một bộ phim đáng xem.
9. Carol (Chuyện tình Carol, 2015)
Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Patricia Highsmith, Carol xoay quanh câu chuyện tình đầy trắc trở của Carol và Therese trong bối cảnh nước Mỹ vào thập niên 1950, khi xã hội vẫn chưa chấp nhận người đồng tính. Carol (Cate Blanchett) là một phụ nữ quyến rũ, quý phái, từng trải và phải chịu đựng sự cô đơn, thiếu thốn tình yêu do cuộc hôn nhân đổ vỡ. Trong khi đó, Therese (Rooney Mara) là một nhiếp ảnh gia trong tuổi đôi mươi, ngây thơ và hoang mang về chính cuộc đời của mình. Hai tính cách dường như đối lập nhưng lại tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn, họ gặp và yêu nhau, cùng đấu tranh cho mối tình ngang trái.
10. The Breadwinner (Cô bé dũng cảm, 2017)
Khác với những bộ phim trên, The Breadwinner là bộ phim hoạt hình chuyển thể từ cuốn sách dành cho trẻ em cùng tên của nhà văn Deborah Ellis, kể về cô gái trẻ người Afghanistan, Parvana. Lấy bối cảnh ở Afghanistan dưới chế độ Taliban, nơi phụ nữ không được phép ra khỏi nhà khi không có đàn ông, cuộc sống gia đình Parvana phải phụ thuộc vào người cha tàn tật. Cho đến một ngày, cha của cô bé bị bắt oan, Parvana quyết định cải trang thành con trai để có thể đi làm và nuôi cả gia đình.
11. Frida (2002)
Lấy bối cảnh ở Thành phố Mexico, Frida là bộ phim tiểu sử về nữ họa sĩ Frida Kahlo, người được biết đến với cách tiếp cận táo bạo trong nghệ thuật và có những quan điểm xung đột với các quan niệm truyền thống về phụ nữ. Frida thể hiện sự tự tin, độc lập và quan điểm phóng khoáng về tình dục của Frida qua mối quan hệ phức tạp của bà với người cố vấn hội họa Diego Rivera (Alfred Molina), vụ ngoại tình với Leon Trotsky (Geoffrey Rush) và nhiều phụ nữ khác.
12. Wild (Vào nơi hoang dã, 2014)
Dựa trên cuốn hồi ký của Cheryl Strayed xuất bản năm 2012, Wild là câu chuyện có thật, ghi lại chuyến đi bộ dài 1.770km dọc theo đường mòn Pacific Crest Trail của tác giả Cheryl vào năm 1995 sau khi cô phải chịu đựng loạt biến cố trong đời: mất mẹ, gia đình tan nát và cuộc hôn nhân đổ vỡ. Với lối kể chuyện xen kẽ hiện thực và quá khứ, Wild tái hiện lại những đau đớn tột cùng gói gọn bên trong một con người và tinh thần mạnh mẽ đến kỳ diệu của người phụ nữ.
13. Erin Brockovich (Nghị lực sống, 2000)
Một bà mẹ đơn thân với ba đứa con, Erin Brockovich (Julia Roberts), đang rơi vào tình thế khó khăn sau vụ kiện một tập đoàn xả nước thải làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xung quanh. Không còn lựa chọn nào khác, Brockovich đang thất nghiệp đồng ý làm trợ lý pháp lý cho luật sư của mình để kiếm sống. Mặc dù không đáp ứng được kỳ vọng của mọi người tại nơi làm việc do trang phục không phù hợp và cách cư xử cứng nhắc, Erin Brockovich gây ấn tượng mạnh cho khán giả vì tinh thần đầy nghị lực của cô trong vụ kiện.
13. The Help (Người giúp việc, 2011)
Skeeter Phelan (Emma Stone), một nhà báo trẻ đầy tham vọng, quyết tâm viết một cuốn sách dựa trên quan điểm của những người giúp việc người Mỹ gốc Phi về những gia đình da trắng, nơi họ phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc hằng ngày. The Help phơi bày nạn phân biệt kinh khủng nhất trong lịch sử, đồng thời làm nổi bật sự hy sinh, cam chịu của người phụ nữ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Anh Thư
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: tatlerasia