Nhiều người vẫn cho rằng, khoa học và công nghệ không phải là địa hạt dành cho phụ nữ. Thế nhưng, khi nữ giới ngày càng đạt nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực này, xã hội bắt đầu có cái nhìn khác đi về vai trò của phái nữ trong giới khoa học và công nghệ. Bước chân vào lĩnh vực STEM đầy thách thức, có những người phụ nữ đã dũng cảm theo đuổi đam mê, phá bỏ những định kiến về giới và chứng minh khả năng vượt bậc của mình bằng những kỳ tích góp phần thay đổi cả thế giới.
Clé de Peau Beauté, thương hiệu sản phẩm trang điểm và chăm sóc da cao cấp, luôn tin tưởng vào tiềm năng của STEM dành cho các trẻ em gái. Giải thưởng thường niên Power of Radiance lần thứ năm là một phần trong cam kết từ thiện lâu dài của nhãn hàng nhằm vận động cho giáo dục STEM dành cho các em như một chìa khóa để tiếp thêm sức mạnh cho một ngày mai tươi sáng hơn. Trong tương lai, khi những định kiến về giới được xóa bỏ và các trẻ em gái được trang bị đầy đủ các kiến thức về STEM, chúng ta sẽ được chứng kiến những cái tên nữ giới nổi bật trong lĩnh vực khoa học – công nghệ với những kỳ tích mới. Nhưng trước hết, hãy cùng nhìn lại những người phụ nữ đã cống hiến tri thức cho sự phát triển của nhân loại.
Hedy Lamarr – Mẹ đẻ của Wifi, GPS, Bluetooth
Hedy Lamarr là một nữ minh tinh và nhà sáng chế người Mỹ gốc Áo, người đã góp phần tạo ra công nghệ nhảy tần, vốn là tiền thân của hệ thống Wifi, GPS, Bluetooth… ngày nay. Vì sở hữu vẻ đẹp rạng rỡ và từng xuất hiện trong các bộ phim điện ảnh nổi bật như Samson and Delilah và White Cargo, Hedy Lamarr thường chỉ được công chúng nhớ đến với vai trò là một diễn viên thay vì một nhà phát minh đại tài với những đóng góp khoa học xuất sắc cho xã hội.
Phía sau ánh hào quang của điện ảnh, Hedy dành trọn tình yêu của mình cho khoa học và các phát minh. Một trong những sáng chế nổi bật nhất của bà phải kể đến công nghệ “nhảy tần”. Hedy Lamarr biết rằng, trong Thế chiến thứ hai, ngư lôi được điều khiển bằng sóng vô tuyến nhưng rất dễ bị nhiễu. Vì vậy, bà đã nảy ra ý tưởng về hệ thống nhảy tần có thể thay đổi tín hiệu sóng vô tuyến truyền đến ngư lôi, nhờ đó tránh bị gây nhiễu và theo dõi. Năm 1940, Hedy cùng với nhà soạn nhạc người Mỹ George Antheil đã phát triển công nghệ này với tên gọi “hệ thống bí mật” dựa trên cơ chế đàn pianola (loại dương cầm tự chơi).
Sau khi nhận được bằng sáng chế vào năm 1942, Hedy Lamarr đã tặng công nghệ này cho quân đội Hoa Kỳ để giúp chống lại Đức quốc xã, đặc biệt là giúp dẫn hướng ngư lôi dưới nước mà không bị phát hiện. Nhưng nó đã bị bác bỏ vào thời điểm đó và đã không được ứng dụng cho đến khi Hải quân Hoa Kỳ sử dụng trong Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào 20 năm sau.
Chính phát minh này của bà đã tạo thành nền tảng của công nghệ truyền thông không dây hiện đại, tạo nên sự bùng nổ của điện thoại thông minh và kết nối WiFi mà chúng ta vẫn sử dụng ngày nay. Hedy Lamarr với những thành tựu khoa học vượt thời gian của mình đã xóa bỏ những quan niệm sai lầm về nữ giới thời bấy giờ: “Phụ nữ đẹp thì không thông minh”.
Maria Telkes – Nữ hoàng mặt trời
Sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ngày nay là nhờ vào công lao của Maria Telkes – một nhà phát minh người Mỹ gốc Hungary có biệt danh là “Nữ hoàng Mặt trời”. Sau khi chuyển từ Hungary đến Hoa Kỳ vào năm 1925, Telkes tập trung phần lớn sự nghiệp của mình vào nghiên cứu năng lượng mặt trời. Trong Thế chiến thứ hai, bà đã phát minh ra một máy chưng cất sử dụng năng lượng mặt trời có thể làm bay hơi nước biển và cô đặc lại thành nước uống được. Năm 1948, Telkes hợp tác với kiến trúc sư người Mỹ Eleanor Raymond để xây dựng Dover Sun House – ngôi nhà hiện đại đầu tiên trên thế giới được sưởi ấm bằng năng lượng mặt trời.
Katherine Johnson – người phụ nữ huyền thoại ở NASA
Katherine Johnson sinh năm 1918 và từng tốt nghiệp đại học khi chỉ mới 18 tuổi. Bà được trao Huân chương Tự do của Tổng thống Mỹ vào năm 2015 vì những đóng góp của bà trong suốt cuộc đời với tư cách là nhà vật lý tiên phong, nhà toán học và kỹ sư không gian. Trong suốt cuộc đời mình, bà Johnson đã thiết lập và tính toán một số phương trình đặc biệt quan trọng giúp Mỹ thành công trong việc khám phá vũ trụ. Bà cũng là người đã có rất nhiều đóng góp cho sứ mệnh lịch sử năm 1962 của phi hành gia John Glenn khi ông trở thành người Mỹ đầu tiên bay vòng quanh quỹ đạo Trái Đất trên con tàu Friendship 7.
Bill Barry, sử gia của NASA, đã từng đánh giá về những đóng góp quan trọng của bà Johnson như sau: “Nếu chúng ta muốn trở lại Mặt Trăng hay Sao Hỏa, chúng ta sẽ phải dùng công thức toán học của bà”.
BÀI LIÊN QUAN
Rajeshwari Chatterjee – Kỹ sư nghiên cứu sóng vi ba
Rajeshwari Chatterjee là nữ kỹ sư đầu tiên đến từ Karnataka ở Ấn Độ. Chatterjee đã nhận bằng Thạc sĩ và bằng tiến sĩ tại Đại học Michigan nhờ học bổng do chính phủ Delhi trao tặng. Khi trở lại Ấn Độ, bà trở thành giảng viên tại Khoa Kỹ thuật Truyền thông Điện của Viện Khoa học Ấn Độ, nơi bà đảm nhận công việc dạy lý thuyết điện từ, mạch ống điện tử, công nghệ vi sóng và kỹ thuật vô tuyến.
Chatterjee và chồng đã thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu kỹ thuật vi sóng đầu tiên ở Ấn Độ. Trong sự nghiệp của mình, bà đã viết hơn 100 bài nghiên cứu và là tác giả của 7 cuốn sách. Vì những đóng góp của mình cho kỹ thuật vi sóng, Chatterjee đã giành được nhiều giải thưởng đáng chú ý, bao gồm giải thưởng J.C Bose Memorial của Viện Kỹ sư (Institution of Engineers) cho bài báo nghiên cứu hay nhất và Giải thưởng Ramlal Wadhwa của Viện Kỹ sư Điện tử – Viễn thông (Institute of Electronics and Telecommunication Engineers) cho công trình nghiên cứu và giảng dạy xuất sắc nhất.
Những đóng góp của bà cho nghiên cứu vi sóng và kỹ thuật ăng-ten được sử dụng trong lĩnh vực ứng dụng radar, máy bay và tàu vũ trụ.
Katsuko Saruhashi – bảo vệ hành tinh bằng phương pháp đo lường CO2 trong nước biển
Nhà địa hóa học Nhật Bản Katsuko Saruhashi là người phụ nữ đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ Hóa học của đại học Tokyo vào năm 1957 và cũng là người phụ nữ đầu tiên được bầu cử vào Hội đồng khoa học Nhật Bản vào năm 1980.
Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất của bà đó là phát triển phương pháp và công cụ đầu tiên để đo mức carbon dioxide (CO2) trong nước biển, được gọi là Bảng Saruhashi. Bà đã giúp các nhà nghiên cứu đo lường được lượng CO2 mà đại dương hấp thụ và thải ra. Sau nhiều năm, công trình của bà đã trở thành công cụ để khám phá và hiểu sâu hơn về khủng hoảng khí hậu và các hiện tượng khác.
Năm 1958, để ủng hộ nữ giới tham gia vào lĩnh vực khoa học và đóng góp vào xây dựng hòa bình thế giới, Saruhashi đã thành lập nên Hiệp hội các nhà khoa học nữ Nhật Bản. Bà chia sẻ: “Có rất nhiều người phụ nữ có khả năng trở thành những nhà khoa học vĩ đại. Tôi mong muốn chứng kiến một ngày nào đó, phụ nữ có thể cống hiến cho khoa học và công nghệ giống như những gì đàn ông có thể làm”.
BÀI LIÊN QUAN
Radia Perlman – “Mẹ đẻ của Internet”
Radia Perlman theo học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào cuối những năm 1960. Trong khoảng thời gian này, khi có rất ít phụ nữ tham gia các chương trình STEM, bà đã tạo được những thành tựu của riêng mình. Perlman đã tạo ra được những tác động đáng kể đến lĩnh vực công nghệ, trong đó phải kể đến việc phát triển thuật toán đằng sau Giao thức Spanning Tree (STP), một sự cải tiến giúp Internet có thể được sử dụng như ngày nay và những đóng góp quan trọng khác trong an ninh mạng. Do đó, Radia Perlman được giới công nghệ thông tin ưu ái gọi là “mẹ đẻ của Internet”.
Perlman cũng là tác giả của quyển sách kinh điển Interconnections – cuốn sách giáo khoa kinh điển về giao thức mạng. Nhờ những đóng góp và tác động tích cực của công việc trên mạng máy tính, năm 2014, bà đã được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Internet và năm 2016, bà vào Đại sảnh Danh vọng Nhà phát minh Quốc gia.
Sarah Gilbert – Người tạo ra vaccine Astrazeneca
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nổi lên cái tên Sarah Gilbert – giáo sư vaccine học tại trường đại học Oxford, người được xem là mẹ đẻ của vaccine Astrazeneca. Tháng 1/2020, nhóm của nhà khoa học Gilbert tại Viện Oxford’s Jenner đang chế tạo vaccine virus Ebola. Tuy nhiên, cũng như các nhà nghiên cứu khác trong cộng đồng vaccine, Sarah Gilbert lúc bấy giờ đã trăn trở rất nhiều về về loại coronavirus mới đang lan truyền nhanh chóng trên toàn cầu. Sau một ngày kể từ khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố trình tự gen của COVID-19, giáo sư Gilbert đã hướng dẫn nhóm của mình chuyển sang nghiên cứu vaccine coronavirus.
Sau nhiều ngày tháng làm việc không ngừng nghỉ, mọi cố gắng của Gilbert và nhóm của mình đã được đền đáp. Vaccine phát huy tác dụng và bà Gilbert đã cùng đại học Oxford hợp tác với hãng dược AstraZeneca để sản xuất vaccine trên quy mô lớn, với điều kiện vaccine sẽ được bán trên cơ sở phi lợi nhuận.
Trong cuộc phỏng vấn với báo The Star (Malaysia), bà Gilbert đã bày tỏ: “Là người đã phát minh ra loại vaccine này, tôi có thể kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhưng tôi từ chối nhận bằng sáng chế vaccine. Tôi không muốn độc quyền sáng chế vì tôi muốn chia sẻ công nghệ này để mọi người có thể sản xuất vaccine”.
Xuyên suốt hành trình phát triển của nhân loại, không chỉ có nam giới mới có thể tạo nên kỳ tích trong lĩnh vực STEM, phụ nữ cũng có thể cống hiến những thành tựu vĩ đại cho xã hội bằng tài năng và khối óc của mình khi họ được trao quyền và tự do tham gia nghiên cứu khoa học. Và những thành tựu ấy sẽ tiếp tục được nối dài bởi những thế hệ tiếp theo khi các trẻ em gái ngày nay được trao cơ hội tiếp cận và học hỏi các tri thức STEM từ sớm, để các em có thể thích nghi với sự phát triển của xã hội và tạo nên những thành quả tích cực cho nhân loại trong tương lai.
Nhóm thực hiện
Bài: Ý Hoan