Văn hóa / Thế giới văn hóa

Phụ nữ và hội họa – Cuộc đấu tranh không ngừng

Dù vẫn còn là số ít trong lĩnh vực hội họa, phụ nữ đã phải đi qua cả quãng đường kéo dài hàng trăm năm để được công nhận trong bộ môn nghệ thuật này.

Trong tiến trình lịch sử phát triển của nghệ thuật luôn có bóng dáng phụ nữ. Ngay trong thần thoại Hy Lạp, người đóng vai khơi nguồn cho cảm hứng nghệ thuật cũng là các nữ thần Nymph. Tuy nhiên, vai trò của phụ nữ trong nghệ thuật qua hàng nghìn năm chỉ dừng lại là nguồn cảm hứng, là hình mẫu, là định nghĩa về cái đẹp của các nam nghệ sĩ. Ngành hội họa cũng không là ngoại lệ.

Tác phẩm "The Eye is the First Circle" (1960) của Lee Krasner.
Tác phẩm “The Eye is the First Circle” (1960) của Lee Krasner.

Từ nàng thơ đến người cầm cọ

Nếu nhìn lại lịch sử phát triển của hội họa, chúng ta có thể kể ra vô số những bức tranh vẽ chân dung phụ nữ – biểu tượng của cái đẹp. Tuy nhiên, chính phụ nữ lại bị xem là bất tài, không có khả năng tưởng tượng, và không thể vượt qua được những hạn chế giới tính để trở thành họa sĩ. Họ được học vẽ, nhưng chỉ như một thú vui, góp phần tăng thêm giá trị làm vợ của một quý tộc mà thôi. Danh sách các nữ họa sĩ được nhớ đến trước thế kỷ 20 vô cùng khiêm tốn so với các đồng nghiệp nam giới.

Chân dung tự họa của nữ họa sĩ người Ý Sofonisba Anguissola (1530 – 1625).
Chân dung tự họa của nữ họa sĩ người Ý Sofonisba Anguissola (1530 – 1625).

Trong số đó có Sofonisba Anguissola, người đã trở thành tiền lệ giúp phụ nữ được chấp nhận tại các lớp học hội họa ở Ý. Một cái tên hiếm hoi khác là Mary Beale, người thực sự đã mưu sinh bằng nghề hội họa và đã có được danh tiếng lớn trong giới quý tộc nước Anh thế kỷ 17. Tuy nhiên, cả hai nữ họa sĩ đều vấp phải nhiều rào cản trên bước đường theo đuổi đam mê sáng tạo của mình, một phần đến từ tiêu chuẩn đạo đức nghiêm khắc dành cho phụ nữ thời đó. Để được là họa sĩ, họ đều phải dựa vào sự hỗ trợ của những người đàn ông trong nhà (cha hoặc chồng) từ việc rèn luyện, quảng bá cho đến lựa chọn người mua tranh.

nữ họa sĩ 3

Phải cho đến thế kỷ 20, khi những giới hạn ngăn cản phụ nữ bị thách thức và từ từ xô đổ, những nữ họa sĩ mới được tung cánh thể hiện tài năng. Cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, khi đàn ông lần lượt phải ra mặt trận, phụ nữ đã có cơ hội chứng tỏ họ có thể làm được tất cả mọi việc vốn tưởng chỉ dành cho nam giới. Bức chân dung tự họa của Tamara de Lempicka có lẽ là ví dụ điển hình cho hình tượng phụ nữ trong thời kỳ này: tự tin, thách thức và làm chủ vận mệnh của mình.

Hai tác phẩm chân dung các bé gái của nữ danh họa Mary Beale.
Hai tác phẩm chân dung các bé gái của nữ danh họa Mary Beale.

Cuộc chiến tách mình khỏi nam giới

Trên thực tế, bất chấp nỗ lực của nhiều cá nhân nghệ sĩ, phụ nữ vẫn bị coi là giới yếu thế trong lĩnh vực hội họa. Nếu lời khen dành cho de Lempicka là “phong cách nam tính”, thì Francoise Gilot vẫn chỉ được gọi là “người tình” của Picasso. Tương tự, Lee Krasner, nữ họa sĩ tài năng của thập nhiên 1940 vẫn bị nhắc đến với cái tên “vợ của danh họa Pollock”. Khi đánh giá tác phẩm của bà, một nhà phê bình danh tiếng đương thời còn “chiếu cố”: “Thật là hoàn hảo, bạn chẳng thể biết là do một phụ nữ vẽ ra”.

Tác phẩm "Study for a Self-Portrait của danh họa Françoise Gilot (1944-1945).
Tác phẩm “Study for a Self-Portrait của danh họa Françoise Gilot (1944-1945).

Thế nên, không có gì ngạc nhiên, trong thập niên 1960 – 1970 đầy biến động, phụ nữ quyết định phải đấu tranh cho vị thế chính trị xã hội của mình. Đây là giai đoạn bùng nổ của các nữ họa sĩ khi họ sử dụng hội họa để nói lên tiếng nói nữ quyền, để miêu tả đời sống tinh thần, tâm lý với những lựa chọn riêng, không còn lệ thuộc vào bất cứ người đàn ông nào. Nếu không được chủ gallery hay bảo tàng nào đón nhận, họ sẽ tự mở ra bảo tàng và gallery của riêng mình.

Các nữ họa sĩ nhận ra rằng, chỉ có làm việc cùng nhau, họ mới có thể tạo ra được sự thay đổi quyết định và triệt để trong xã hội. Judy Chicago đã thành lập chương trình học nghệ thuật nữ quyền đầu tiên tại Đại học bang California, Fresno. Sau đó, bà còn thực hiện triển lãm sắp đặt nghệ thuật The Dinner Party dưới dạng một bàn ăn hình tam giác, gồm 39 bộ đồ ăn với khăn trải và chiếc đĩa là những tác phẩm riêng biệt, thể hiện cho thế giới nội tâm của từng người phụ nữ. Triển lãm này đã đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của nữ quyền trong hội họa, tiếp sức mạnh cho hàng trăm nghìn nữ họa sĩ trên khắp thế giới.

Tác phẩm "Self Portrait In A Green Bugatti" (1929) của Tamara de Lempicka.
Tác phẩm “Self Portrait In A Green Bugatti” (1929) của Tamara de Lempicka.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh vẫn chưa đi đến hồi kết. Năm 1985, một nhóm các nghệ sĩ ẩn danh đã thành lập Guerrilla Girls – tổ chức chuyên đấu tranh chống lại phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc trong giới nghệ thuật. Cho đến nay, họ vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình, nghiên cứu và nhiều hoạt động khác để đấu tranh cho sự công bằng mà phụ nữ xứng đáng được nhận. Và điều đó là cần thiết, vì dù cho đến lúc này, chúng ta không còn ngạc nhiên khi thấy một cô gái quyết tâm theo đuổi con đường hội họa thì phụ nữ vẫn là thiểu số trong lĩnh vực này, không phải vì họ bất tài, mà vì họ vẫn còn quá ít cơ hội để được công nhận và ủng hộ.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Huyên Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)