Phùng Khánh Linh: “Âm nhạc đã cứu rỗi tôi”
Cơ duyên đầu quân cho một hãng đĩa chuyên nghiệp đã giúp ước mơ của cô cất cánh. Phùng Khánh Linh bội thu nhiều giải thưởng danh giá trong đĩa đơn đầu tay và sáng tạo một album đánh dấu sự đột phá toàn diện với chất pop đầy biến hóa. Đó không phải là cú ăn may mà là lời đền đáp ngọt ngào dành cho cô gái nhỏ bé chăm chỉ, biết cách chuyển hóa những cơn bĩ cực thành thứ thanh âm cuồng nhiệt và quyến rũ.
Album Yesteryears hay single mới nhất Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén là một bước tiến của Phùng Khánh Linh không chỉ ở nội lực sáng tác, khả năng biến hóa giọng hát lẫn phong cách mà còn cho thấy tham vọng “trend-setter” (người thiết lập xu hướng). Bạn đã tự mài giũa trong âm nhạc như thế nào để đạt đến sự thay đổi này?
Ngày đầu vào hãng đĩa để viết album Yesteryears, câu đầu tiên tôi được hỏi là mình tự tin nhất về điều gì ở bản thân? Tôi trả lời là giọng hát. Trời ơi! Giờ nghĩ lại quá là buồn cười. Lúc đó tôi còn không biết về thanh nhạc. Hoàn toàn không hiểu kỹ năng khai thác giọng hát. Rất biết ơn vì công ty cho mình đi học thanh nhạc ngay. Khi bước vào con đường chuyên nghiệp, đi học thanh nhạc là sự thay đổi lớn nhất. Tôi được học với giáo viên thanh nhạc kỳ cựu – cô Minh Huệ và nhận ra mình đã hát sai kỹ thuật như thế nào. Giọng mình quá nhiều điểm mạnh, có thể hát được nhiều thể loại nhạc mà mình không biết. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén là bản nhạc đầu tiên tôi sáng tác trên beat. Năm 2020 như một tờ giấy trắng, tôi phải làm lại từ đầu. Khi được dịp xem phim Miss Americana, tôi như bừng sáng. Tôi đã được tạo cảm hứng viết nhạc từ Taylor Swift. Mọi người cũng bất ngờ vì khả năng sáng tác của tôi khi tôi liên tục gửi nhiều demo. Không biết chặng đường sau này ra sao? Có thể trong tương lai tôi sẽ cần cải thiện thêm, hiện tại tôi thấy mình có nhiều điểm mạnh để khai thác.
Bạn có học hoặc tham gia khâu nào trong quá trình sản xuất âm nhạc cho chính mình?
Tôi đã bước vào việc học sản xuất âm nhạc sau quá trình kết thúc album đầu tay. Đó là khoảng thời gian tôi tìm hiểu về thu âm – mixing, tự học là chính. Tự học ghita, làm một bản instrument như thế nào. Tương lai tôi có thể bật mí cho khán giả nhưng hiện tại thì tôi cứ chơi với âm nhạc của mình. Có thể thu âm demo một cách nghiêm chỉnh mà chưa bao giờ tôi dám nghĩ mình đủ sức. Tôi đã tự làm được rồi. Biết đâu tôi có thể bắt tay hòa âm, phối khí cho âm nhạc của mình? Thôi cứ ước cái đã.
Làm sao vừa giữ được bản sắc vừa có thể định hình thị phần của mình trong thị trường âm nhạc hiện nay?
Trước đây tôi sẽ không trả lời được câu hỏi này. Tôi từng rất ngang bướng. Chỉ chăm chăm vào những câu chuyện cá nhân về tình yêu. Tôi cứ nghĩ chỉ cần như vậy để đưa câu chuyện đến với mọi người, nhưng thật ra không phải. Mình vẫn phải luôn luôn quan sát và hiểu được cách tạo ra một bài hát chạm đến phần đông khán giả hơn. Mình đừng ích kỷ, tham lam quá. Đôi khi mình viết về câu chuyện cá nhân nhưng vẫn dung hòa. Vẫn phải tìm những từ ngữ hay thông điệp vừa vặn cho nỗi buồn riêng hòa vào nỗi buồn chung. Duy trì được bản sắc của mình là giữ cảm xúc sống trọn vẹn song song với việc quan sát thế giới xung quanh để lắng nghe, học hỏi. Ngày xưa chỉ viết về chủ đề yêu xa của riêng mình, bây giờ tôi nhìn tình yêu rộng lớn hơn, không chỉ gói gọn ở bản thân. Càng lớn tôi càng bớt tham. Mục đích của tôi đến với âm nhạc như một cuộc chơi, không đặt nặng sự thu hút thị hiếu ngay lập tức. Tôi không bao giờ gò ép bản thân đạt đến điều trọn vẹn. Tôi chấp nhận thay đổi để bước đến những vùng trời mới của âm nhạc.
Cho đến lúc này, bạn tâm đắc điều gì nhất trong quá trình sáng tạo?
Ý tưởng khởi đầu luôn bắt nguồn từ câu chuyện của người nghệ sĩ. Nhưng một điều đắt giá tôi đã học được trong năm vừa qua đó là teamwork (làm việc tập thể). Cùng nhau đi trên chặng đường này, đồng đội đã giúp tôi rất nhiều. Ngày xưa bảo thủ, cái tôi của mình lớn, rất khó nghe góp ý. So sánh giữa thời gian hoạt động độc lập, khi đã bước chân vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp hơn thì đồng đội tâm đầu ý hợp rõ ràng giúp mình có những tác phẩm hiệu quả, khiến mình không nuối tiếc khi nghe lại. Tôi nghĩ teamwork cũng là một trong những yếu tố tiên quyết giúp cho người nghệ sĩ hoàn thiện và phát triển hơn.
Vẻ ngoài của bạn thay đổi rất nhiều? Phong cách gợi cảm có thật sự là lựa chọn phù hợp với bạn?
Tôi nghĩ bất kỳ người phụ nữ nào cũng có những điểm gợi cảm riêng. Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục phát huy yếu tố sẵn có bên trong tôi theo hướng phù hợp. Và có những cách để truyền đạt âm nhạc đến người nghe một cách tinh tế nhất. Có những việc xảy ra buộc mình phải lớn hơn. Tôi không cố gắng thay đổi, nó đến một cách tự nhiên từ quá trình học yêu bản thân. Mọi người từng nhìn tôi với vẻ lo lắng, họ không biết là trước đây tôi rất gầy. Tôi bỏ bê cơ thể, lúc gầy rồi lại phình ra. Đó là giai đoạn khủng hoảng. Ngày trước tôi còn không biết skincare. Khi biết yêu thương bản thân, mọi thứ tự thay đổi theo chiều hướng rất tích cực. Bây giờ tôi thấy cơ thể mình rất ổn và trân trọng nó. Tôi không bị bào mòn sức khỏe hoặc cố gắng hướng theo một khuôn mẫu nào cả.
Một số bài báo nói âm nhạc của bạn mang màu sắc nữ quyền, nên hiểu về yếu tố nữ quyền trong âm nhạc như thế nào? Liệu Thế giới không anh có phải là một tuyên ngôn?
Tôi không cố giới hạn thông điệp mình truyền đạt. Tôi đơn giản chân thành với người phụ nữ trong mình. Mọi phụ nữ đều có quyền được yêu hết mình và buông bỏ những gì không thuộc về mình. Phụ nữ Việt như chúng ta ở thời hiện đại hay thế hệ trước đều rất mạnh mẽ, không phong ba bão táp nào không vượt qua được. Chỉ là lúc đau, mình quên mất bản thân và nội lực của mình. Như tôi đã hát “thế giới không anh” thì vẫn có em thôi. Dù buồn, mình vẫn trân trọng những mối tình đã đi qua, những nỗi đau đã ở lại để mình trưởng thành. Như ở Cô gái nhân ái không hề có một tuyên ngôn nào, nó chỉ là cú đá xoáy tới hai người bạn từng có ý nói tôi thiếu chung thủy. Không ngờ khi ra mắt, ca khúc được đồng tình và hưởng ứng. Tôi dễ cảm nắng nhiều người, nhưng chẳng phải cái đẹp là để ngắm sao? Tôi không mong muốn sở hữu nó. Chính ra ngày xưa tôi lại khổ sở vì cảm giác thao túng và sở hữu. Cách ứng xử đó mới là thứ giết chết tâm hồn ta.
Ca khúc Nhìn em mà xem có ảnh hưởng gì từ Look at her now của Selena Gomez?
Đây là ca khúc lần đầu tiên tôi thử sức với thể loại âm nhạc disco pha hơi hướng retro. Sau một cú sốc về mặt tình cảm, cô gái nào cũng muốn thay đổi chính mình, thay đổi từ ngoại hình để trở nên mới mẻ hơn. Tôi cứ theo cảm xúc thế nào thì viết thôi, không hề tính toán. Tôi có nghe Selena và rất thích ca khúc đó. Có chăng là cảm giác tương đồng của những người mắc kẹt trong mối quan hệ on-off nhiều lần. Đôi khi có những ý tưởng trùng lặp bởi trải nghiệm tương đồng. Chết rồi! Tôi vừa thừa nhận mình đã từng ở trong mối quan hệ on-off (cười). Mà nhờ vậy tôi mới có những chất liệu cho loạt sáng tác: Sao anh không hiểu, Cô đơn sớm tối, Một liều thuốc, Look at me now và nhiều bài hát khác. Đó có thể là điểm tích cực của một mối quan hệ mang lại nhiều nỗi buồn.
Đâu là giai đoạn bạn hoài nghi bản thân nhiều nhất? Và điều gì đã lôi bạn ra khỏi vùng trũng đó?
2021 là thời điểm xuất hiện những khoảng tối thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Tôi đã từng tiến đến hành vi kết liễu đời mình ở tuổi 27. Tôi có một cú sốc về tình cảm khiến mình suy sụp. Nghĩ lại thấy quá đáng sợ. Ngay lúc đứng trên sân thượng, tôi cứ khóc và nhìn lên trời, nghĩ rằng không thể sống nữa. Đột nhiên, có một cái đài ở nhà hàng xóm văng vẳng một bản nhạc khiến tôi lùi lại, không thể biết đó là bài hát nào, nhưng tôi nhớ rất rõ có một câu hát: “I will be there for you”. Khoảnh khắc đó, âm nhạc đã cứu vớt tôi. Sau đó tôi ngồi lại tĩnh tâm và nghĩ về kịch bản của đời mình để hiểu tất cả những sự kiện ấy phải xảy ra. Tôi cần tỉnh táo lại, nhận ra bản thân mình mới là cái đáng quý nhất, cần được yêu thương nhất, không thì không ai làm thay mình được. Mọi thứ bên ngoài là tấm gương phản chiếu. Nếu bên trong mình chưa đủ đầy thì mọi thứ phải ập tới để thúc giục mình nhận ra. Để trở lại mình của ngày hôm nay, tôi hiểu được bình yên trong giây phút hiện tại là điều hạnh phúc nhất. Đừng bao giờ lo lắng về tương lai hay nuối tiếc quá khứ. Mỗi ngày còn được thức dậy, để thở, để luyện thanh và hát là điều quá hạnh phúc.
Và những cảm xúc tiêu cực đã được chọn để làm chất liệu quan trọng nuôi dưỡng con đường và sáng tác của Phùng Khánh Linh?
Nó giúp mình trưởng thành rất nhiều. May mắn tôi được làm nghệ sĩ, có thể viết nên những cảm xúc, thông điệp đó để giải tỏa chứ không phải lên mạng xã hội và hét lên: “Tôi đang buồn lắm” (Cười). Và nó cũng hợp thành nhiều bài hát khác nuôi sống con người tôi, tâm hồn tôi. Quả là âm nhạc đã gắn kết con người với nhau. Tôi luôn lên mạng đọc những phản hồi của khán giả về các bài hát của mình. Không bỏ sót một dòng nào. Từ cảm xúc cá nhân đã làm cho nhiều người đồng cảm. Đôi khi tôi từng trách vì sao bản thân lại phải sống quá cảm xúc, dễ yếu đuối. Giờ thì tôi thầm cảm ơn điều đó vì đã giúp tôi tạo nên bao nhiêu bài hát ghi lại các cột mốc đã qua, mỗi khi nghe lại tôi chợt thở phào nhẹ nhõm. Ồ! mình đã đi qua những năm tháng như vậy. Đó là một món quà quá tuyệt vời.
Bài: Ngô Hạ
Ảnh: Nhi Ngờ
Sản xuất & Stylist: Hensi Le
Trang điểm: Ruan Dang
Trợ lý: Vy Nguyễn
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE