Văn hóa / Thế giới văn hóa

Pop Art: Nghệ thuật không phân cấp bậc

“Vạn vật đều có vẻ đẹp. Và Pop Art là tất cả những thứ đó”. Đây là câu nói nổi tiếng của Andy Warhol - gương mặt tiêu biểu nhất của nghệ thuật Pop Art. Bằng cách sử dụng những hình ảnh đơn giản xuất hiện trong đời sống hàng ngày kết hợp với màu sắc nổi bật, Pop Art đã phá bỏ hệ thống phân cấp thứ bậc của nghệ thuật, thách thức các giá trị mỹ thuật truyền thống. 

Pop Art – tiếng nói mới trong thế giới nghệ thuật

Pop Art hay Popular Art – Nghệ thuật Đại chúng – là một phong trào nghệ thuật thị giác nổi lên vào thời đại công nghiệp những năm 1950. Pop Art thể hiện “văn hóa vật chất” bởi những hình ảnh trong Pop Art lấy cảm hứng từ những điều dễ thấy như sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, truyền thông quảng cáo, phim ảnh…

Điểm đầu tiên chạm vào mắt người xem ở các tác phẩm Pop Art, chính là cách sử dụng màu sắc cực kì nổi bật. Với những mảng màu cơ bản, “bắt cặp” cùng những gam màu neon nổi bật, Pop Art mang tới một hơi thở đầy lạc quan và sống động. Pop Art cũng có sự ngẫu hứng tạo nên những điều đặc biệt, đến từ những họa tiết Comic (truyện tranh) hoặc Graffiti. Đây là sự ảnh hưởng của phong trào truyện tranh Comic rầm rộ và nghệ thuật Underground của Mỹ.

pop-art-phu-nu-ao-den-xem-tranh-mau-nau-800x600
Nhắc tới Pop Art là phải nhắc tới tác phẩm Marilyn Monroe được vẽ thành nhiều phiên bản màu sắc của Andy Warhol – đại diện tiêu biểu nhất của nghệ thuật Pop Art.

Ngay sau Thế chiến II, chủ nghĩa trừu tượng đã phát triển mạnh mẽ, một số nghệ sĩ trẻ bắt đầu cảm thấy những gì được dạy ở trường nghệ thuật và những tác phẩm trong viện bảo tàng không liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Thời điểm này, cả Hoa Kỳ và các nước Tây Âu đều chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế và chính trị, dẫn đến bùng nổ tiêu dùng sau chiến tranh. Ngày càng có nhiều biển quảng cáo, truyền thông đại chúng xuất hiện nhiều hơn như phim ảnh, truyền hình, báo và tạp chí, và đặc biệt văn hóa hâm mộ người nổi tiếng (fandom).

Những điều này đã khiến cho giới nghệ thuật trẻ cảm thấy nên đưa phim Hollywood, bao bì sản phẩm, truyện tranh – những hình ảnh gần gũi – vào nghệ thuật, dẫn đến phong trào đi ngược lại với trường phái trừu tượng. Họ muốn thể hiện sự lạc quan của mình bằng một ngôn ngữ hình ảnh trẻ trung, họ chấp nhận sự dí dỏm, châm biếm thay vì những ngôn ngữ hình ảnh theo họ là quá khó hiểu của chủ nghĩa nghệ thuật trừu tượng.

Từ năm 1952 đến1955, Nhóm Độc Lập (Independent Group), đại diện tiêu biểu những người muốn thách thức nghệ thuật trừu tượng bao gồm cả nghệ sĩ, nhà tri thức, đã tìm cách cải tiến hoàn toàn các quan điểm văn hóa thị giác. Trong quá trình này, họ đã phát minh ra Pop Art và tạo động lực giúp khởi động phong trào. Phong trào nổi lên ở Anh và nhanh chóng lan tới New York. Mặt khác, các xu hướng văn hóa đại chúng cũng bắt đầu thay đổi – với Elvis Presley ở Mỹ và The Beatles ở Anh vào những năm 1950-1960 – đã mở đường cho sự phát triển của Pop Art. Pop Art sau đó nhanh chóng lan đi khắp thế giới: Nhật Bản, Ý, Bỉ, Hà Lan và còn nhiều nữa.

pop-art-may-bay-lua-do-mau-trang-den-2050x880
Phong cách vẽ lấy cảm hứng từ truyện tranh siêu anh hùng của Roy Lichtenstein – một trong những gương mặt đại diện cho nghệ thuật Pop Art thời kì đầu – đã trở thành biểu tượng trong nền văn hóa Mỹ ngày nay.

Roy Lichtenstein từng tuyên bố: “Pop Art nhìn trực diện thế giới. Nó không giống như một bức tranh vẽ một cái gì đó, mà Pop Art thể hiện đúng bản chất của chính sự vật đó”. Roy cũng với phong cách Pop Art lấy cảm hứng từ truyện tranh, thể hiện những quan điểm về nghệ thuật của mình thông qua các ô lời thọai trong những tác phẩm, sau này đã trở thành một biểu tượng ở Mỹ.

Ở Anh, Pop Art lại tập trung vào khía cạnh châm biếm những gì hình ảnh đại chúng thể hiện ở Mỹ và sức mạnh của nó trong việc thao túng lối sống của mọi người. Dù là với cách tiếp cận chủ đề như thế nào thì mục đích chính của Pop Art vẫn là xóa mờ ranh giới giữa nghệ thuật “hàn lâm – cao cấp” và văn hóa “đại chúng – tầm thường”. Đây được xem như một bước đi mới của nhân loại khi tiếp cận thế giới nghệ thuật.

pop-art-buc-tuong-nam-nu-mau-nau-1153x1200
Rốt cục điều gì làm cho những ngôi nhà ngày nay thật khác lạ, thật lôi cuốn? – 1956 của Richard Hamilton là tranh cắt dán, đem đến hình ảnh một cặp đôi là một vận động viên thể hình và một vũ công nổi tiếng được bao quanh bởi tất cả những tiện ích mà cuộc sống hiện đại cung cấp. Hamilton vừa ca ngợi chủ nghĩa tiêu dùng vừa nhạo báng quảng cáo về cuộc sống “đẹp như tranh vẽ” mà nền kinh tế Mỹ cố tiếp thị.

Pop Art – nguồn cảm hứng cho nhiều loại hình nghệ thuật

Thời Trang

Phong cách đặc biệt của Pop Art chưa bao giờ lỗi mốt. Và gần 50 năm qua, phong trào nghệ thuật Pop Art luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ và nhà thiết kế hiện đại. Andy Warhol là một trong số những nghệ sĩ Pop Art người Mỹ nổi tiếng nhất thế giới, có sức ảnh hưởng mạnh trong làng thời trang.

Khởi đầu là một nghệ sĩ minh họa thương mại, Warhol nổi lên với tác phẩm lon súp cà chua Campbell, và những bức tranh minh họa người nổi tiếng như Marilyn Monroe, Elvis Presley. Ông còn là một nhà minh họa thời trang cho các tờ tạp chí như Glamour, Vogue Mademoiselle. Nhận thấy tiềm năng của làng thời trang, vào thập niên 1960, ông bắt đầu vẽ tay các thiết kế lên giấy, rồi biến nó thành váy. Năm 1966, Yves Saint Laurent từng tổ chức một show diễn lớn gọi là Pop Art Collection để vinh danh chặng đường nghệ thuật của Andy Warhol. Hiện nay, ngày càng có nhiều thương hiệu sử dụng các hình ảnh Pop Art trong các BST thời trang như Dior, Marc Jacobs, Nike…

pop-art-vay-dam-mau-do-mau-trang-730x900
Souper Dress với hộp súp Campbell là mẫu váy giấy của Andy Warhol nổi tiếng nhất, tuyên bố về lối sống của chủ nghĩa tiêu thụ tiêu biểu.

Mỹ thuật công nghiệp

Không dừng lại ở đó, Pop Art còn thể hiện cá tính cho các thiết kế đồ họa, kiến trúc và nội thất. Các công trình kiến trúc mang phong cách Pop Art rất nổi bật, phá cách, tạo vẻ ngoài nổi bật đầy thú vị. Pop Art mang lại cảm giác đa chiều cho các tòa nhà bằng cách sử dụng ánh sáng và hình khối.

pop-art-dai-hoc-thuy-dien-mau-do-800x534
Tòa nhà Kuggen tại Trường Đại học Công nghệ Chalmers ở Gothenburg, Thụy Điển, nổi bật với phong cách Pop Art.
pop-art-nha-hang-dau-bep-mau-cam-900x600
Nhà hàng Trung Quốc Fook Yew tại Indonesia với nội thất đầy sắc màu và những mảng tường trang trí theo phong cách Pop Art.
pop-art-lady-gaga-nude-mau-den-1555x1005
Bìa Album Art Pop tại Nhật của Lady Gaga cũng được thiết kế theo phong cách Pop Art.

Graffiti

Từ khi ra đời, Pop Art và nghệ thuật đường phố đã luôn song hành, tạo nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ phá bỏ giới hạn. Keith Haring (1958 – 1990) là nghệ sĩ trường phái bích họa Graffiti, sử dụng những hình ảnh Pop Art và khẳng định vai trò của cả Pop Art và Graffiti đối với không chỉ thế giới nghệ thuật mà còn với xã hội. Nổi tiếng với họat động tích cực, ông đã sử dụng nghệ thuật của mình để thúc đẩy nhận thức về căn bệnh AIDS, chống phân biệt chủng tộc, đề cao nhận thức tình dục an toàn vì cộng đồng LGBTQ+. Ông đã phát triển phong cách Pop-Graffiti rất cụ thể, tập trung vào những đường nét táo bạo nhưng uyển chuyển trên nền hình ảnh và biểu tượng như những hình nhân đang nhảy múa, chó sủa, đĩa bay và những người có đầu được vẽ thành tivi.

pop-art-tranh-co-dong-ba-nguoi-mau-do-3265x2450
Ignorance = Fear (1989) là poster được Keith Haring sáng tác cho tổ chức phòng chống AIDS tại New York, nói về sự nguy hiểm thầm lặng của AIDS. Poster được thể hiện bằng tông màu đối lập (xanh-đỏ), chứng minh khả năng ứng dụng vô tận của Pop Art mặc dù được sử dụng với chủ đề xã hội.
pop-art-dua-be-trai-mau-trang-den-1200x800
Banksy là nghệ sĩ Pop – Graffiti tài hoa bậc nhất hiện nay, các tác phẩm đường phố của ông mang đến những thông điệp nhân văn một cách dễ hiểu. Bức tranh trên hình vẽ một cậu bé đang còng lưng làm việc bên máy khâu, nhắn nhủ thông điệp về nạn bóc lột lao động trẻ em.

Đưa nghệ thuật vào không gian công cộng, đưa những tác phẩm đường phố vào phòng tranh, Keith Haring cùng với những nghệ sĩ như Jean-Michel Basquiat đã thu hẹp khoảng cách giữa thế giới nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật đường phố, nghệ thuật Pop Art. Họ đã ảnh hưởng đến cả một thế hệ, bao gồm cả các nghệ sĩ theo trường phái Pop-Graffiti nổi tiếng như Banksy và Shepard Fairey.

Thuộc thế hệ những nghệ sĩ Graffiti đời đầu tại Pháp, Cyril Kongo tạo dựng tên tuổi thông qua nỗ lực tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng, đưa Graffiti vượt ra khỏi cái nhìn khắt khe của giới nghệ thuật, trở thành một môn nghệ thuật được công nhận. Là một người yêu thích sự tự do và đam mê trải nghiệm, Kongo tự thừa nhận rằng phong cách nghệ thuật của ông có được ngày hôm nay là quá trình học hỏi và phát triển từ nhiều nền văn hóa cũng như con người mà ông từng tiếp xúc. Một trong những ảnh hưởng dễ thấy nhất trong mỗi tác phẩm của Kongo chính là Pop Art.

Kongo chia sẻ rằng: “Jeans-Michel Basquiat là người đã truyền cảm hứng đặc biệt cho tôi, vì anh ấy là cầu nối mở ra cánh cửa mới của đường phố và thế giới nghệ thuật”. Bộ sưu tập Immortel là một loạt tác phẩm vẽ chân dung những tượng đài “bất tử” đã tạo ra những dấu mốc quan trọng trong lịch sử nghệ thuật thế giới. Trong đó, hình ảnh những nghệ sĩ nổi tiếng như Andy Warhol, Keith Haring, Jean-Michel Basquiat và Yayoi Kasuma được Cyril Kongo tái hiện lại với phong cách Pop Art đồ họa đặc trưng, tôn vinh những cống hiến và di sản nghệ thuật mà họ đã để lại.

pop-art-tranh-dan-ong-deo-kinh-ao-soc-mau-trang-den-1240x720
Keith Haring và Andy Warhol đã khiến giới mộ điệu thay đổi cách nhìn về nghệ thuật đại chúng cũng như nghệ thuật đường phố. Những biểu tượng đó luôn là nguồn cảm hứng cho Cyril Kongo để ông luôn không ngừng học hỏi sáng tạo trên hành trình phát triển nghệ thuật Graffiti.
pop-art-tranh-nam-nu-mau-cam-1240x720
Nữ hoàng chấm bi Yayoi và Jeans-Michel Basquiat là 2 biểu tượng đã truyền cảm hứng rất nhiều đến phong cách sáng tác của Cyril Kongo.

BST Émoticône được Kongo sáng tác vào năm 2020 mang đậm phong cách Pop Art, lấy cảm hứng từ những biểu tượng emoji đã làm mưa làm gió ngay từ khi ra mắt trên những chiếc điện thọai Nhật Bản vào những năm 1990, sau đó trở thành ngôn ngữ giao tiếp cảm xúc phổ biến trên thế giới. BST với hình ảnh biểu tượng emoji quen thuộc ở vị trí trung tâm, trên nền là những họa tiết đồ họa chấm bi, ngôi sao, đường kẻ – âm hưởng Pop Art từ những nghệ sĩ Yayoi Kusama và Roy Lichtenstein. Pop Art đã phá bỏ rào cản của nghệ thuật khi hướng nó tới gần hơn với đại chúng bằng cách lựa chọn khai thác những chủ đề đời thường như lon súp hay chai Coca Cola. Giờ đây, Kongo đã lựa chọn những biểu tượng emoji làm tâm điểm trong tác phẩm.

pop-art-ban-tay-emoji-mau-xanh-duong-3240x1080
BST Émoticône truyền tải thông điệp về sự biết ơn và tinh thần lạc quan tận hưởng cuộc sống mà Kongo muốn truyền tải tới tất cả mọi người.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)