Văn hóa / Thế giới văn hóa

Quentin Tarantino – Hơn cả một đạo diễn

Khi nghe tới Quentin Tarantino, người yêu điện ảnh ngay lập tức nghĩ đến một đạo diễn tài năng, phong cách. Nhưng đôi khi người ta quên mất rằng, Tarantino còn là một nhà biên kịch đại tài.

Câu chuyện về xuất thân của Tarantino tại Hollywood đã quá nổi tiếng: từ một nhân viên cửa hàng cho thuê băng tới đạo diễn mà mỗi bộ phim mới đều là sự kiện điện ảnh đáng chờ đợi của năm. Sử gia điện ảnh Peter Bogdanovich thậm chí còn gọi Tarantino là “đạo diễn giàu sức ảnh hưởng nhất thế hệ mình”.

Từ một cậu bé mê điện ảnh…

Trong mắt người yêu điện ảnh và giới chuyên môn, Quentin Tarantino không chỉ là một nhà làm phim tài ba mà còn là bậc thầy trong việc tạo ra những kịch bản có một không hai. Một điều thú vị là dù từng nhiều lần được đề cử Oscar, hai lần chiến thắng tượng vàng của Tarantino đến thời điểm này vẫn nằm ở hạng mục Biên kịch thay vì Đạo diễn.

Tarantino tại LHP tại Rome

Theo TheScriptLab, tài năng kể chuyện của Tarantino đến từ khi còn rất trẻ. Người mẹ Connie thường xuyên bất ngờ vì cậu con trai luôn sáng tác những câu chuyện… buồn về mẹ mình mỗi dịp Ngày của Mẹ. Khi bà tái hôn, cậu con trai bắt đầu được chìm đắm vào thế giới phim ảnh với sự hướng dẫn của cha dượng. Khác với đám bạn cùng trang lứa đam mê thể thao, Tarantino lại mê mẩn môn nghệ thuật thứ bảy. Cậu ưa thích thể loại phim kinh dị và hài hước. Năm lên 14, Tarantino đã có kịch bản đầu tay Captain Peachfuzz and the Anchovy Bandit.

Khi trưởng thành, những công việc của Tarantino vẫn liên quan tới điện ảnh. Ông dành 5 năm làm việc tại cửa hàng cho thuê băng Video Archives tại California. Tại đây, “con mọt phim” Tarantino thực sự được sống trong điện ảnh với hàng ngàn bộ phim. Ông đam mê với công việc của mình đến mức thường xuyên trò chuyện với khách thuê băng và thuyết phục họ chọn những bộ phim ông tin rằng họ sẽ thích.

Trong lần gặp gỡ tại một buổi tiệc Hollywood, Tarantino được nhà sản xuất nhiều lần đoạt Oscar Lawrence Bender khuyến khích thử bắt tay vào viết kịch bản. Sản phẩm đầu tiên của Tarantino không như ý và chưa bao giờ được công bố. Tới năm 1987, ông đồng biên kịch và đạo diễn tác phẩm My best friend’s birthday. Dự án này cũng không được hoàn thiện, nhưng kịch bản được dùng làm bản lề cho bộ phim nổi tiếng True Romance sau này.

Tarantino đạo diễn phim True Romance
Christian Slater và Patricia Arquette trong “True Romance”.

Trải qua khởi đầu không như ý, nhưng Tarantino không hề bỏ cuộc. Tài biên kịch thậm chí còn giúp ông kiếm được những khoản tiền đáng mơ ước. Ông hồi tưởng: “Khi ấy, anh bạn Scotty Spiegel của tôi vừa bán được một kịch bản gây tiếng vang. Mọi người bắt đầu nhờ anh ấy biên tập lại kịch bản cho họ, nhưng Scotty quá bận nên đã giới thiệu sang tôi. Thế là tôi bắt đầu nhận 4.000 USD để sửa lời thoại, rồi lên 6.000, 10.000 USD. Đó là khoản tiền trước đây tôi làm cả năm mới kiếm được. Kể từ đó, nghề kiếm sống của tôi là biên kịch”.

… Đến một nhà kể chuyện tài ba

Tarantino nuôi mộng trở thành đạo diễn, nhưng nhận ra các xưởng phim Hollywood sẽ không đời nào giao tiền đầu tư cho một gã vô danh. Ông đưa ra quyết định táo bạo: viết một kịch bản với kinh phí khiêm tốn để bản thân có thể đạo diễn với kinh phí đến từ tiền bán bản quyền kịch bản True RomanceNatural born killers. Kịch bản Tarantino viết là Reservoir Dogs và lọt vào mắt xanh tài tử Harvey Keitel.

Tarantino đạo diễn phim Natural Born Killer
Woody Harrelson và Juliette Lewis trong “Natural born killers”.
Tarantino đạo diễn phim Reservoir Dogs
Một cảnh trong phim “Reservoir Dogs”.

Keitel thích kịch bản này tới mức đích thân gọi cho Tarantino để tham gia với tư cách diễn viên lẫn nhà sản xuất. Khi ra mắt tại LHP Sundance năm 1992, Reservoir Dogs gây tiếng vang rực rỡ và được tạp chí Empire gọi là “Bộ phim độc lập vĩ đại nhất lịch sử”. Hai năm sau, siêu phẩm Pulp Fiction giúp Tarantino trở thành một nhà làm phim được săn đón. Tác phẩm quy tụ những ngôi sao như John Travolta, Bruce Willis hay Uma Thurman… giành giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes danh giá, đồng thời mang về cho Tarantino một tượng vàng Oscar tại hạng mục “Kịch bản gốc xuất sắc nhất”.

Đã gần ba thập niên trôi qua từ khi Reservoir Dogs được ra mắt, các tác phẩm của Tarantino vẫn chưa hề mất đi sự hấp dẫn theo thời gian. Đó là nhờ kỹ thuật kể chuyện bậc thầy, khi Tarantino luôn tự mình viết ra kịch bản. Khán giả yêu những bộ phim của Tarantino vì những nhân vật cá tính không thể trộn lẫn, từ gã gangster sùng đạo Jules (Samuel L. Jackson thủ vai) trong Pulp Fiction, cô dâu báo thù (Uma Thurman) trong Kill Bill… cho đến gã đại tá giảo hoạt Hans Landa (Christoph Waltz) trong Inglorious Basterds. Đó đều là những nhân vật đặc sắc không chỉ trong thế giới của Tarantino mà còn trong dòng chảy lịch sử điện ảnh.

phim Uma Pulp Finction
Uma Thurman trong “Pulp Fiction”.
phim Kill Bill
Tarantino chỉ đạo diễn xuất cho Uma Thurman trong “Kill Bill”.

Các cuộc nói chuyện trong phim của Tarantino luôn đem lại cảm giác rất “đời”, khi các nhân vật tán gẫu một cách tự nhiên, không gượng ép về những chủ đề bất kỳ. Sức sống của những nhân vật là lý do Tarantino không bao giờ có những gạch đầu dòng trước về nội dung kịch bản: “Tôi có sẵn hướng đi với câu chuyện, nhưng những nhân vật mới thực sự là người đặt bút viết. Họ bước ra từ trang giấy, nói chuyện với tôi, dẫn dắt tôi và tự đi con đường riêng mình. Cho đến khúc giữa kịch bản, mọi thứ luôn khác hoàn toàn với những gì tôi tưởng tượng ban đầu”.

Không chỉ có sức hút từ nhân vật, các kịch bản của Tarantino còn biết cách gây bất ngờ ở nhiều phương diện. Thay vì kể câu chuyện với cách tuyến tính từ A đến Z, nhiều tác phẩm của Tarantino bắt đầu ở Y, quay về A, đảo sang H trước khi về Z. Lối kể chuyện phi tuyến tính khiến khán giả luôn phải tập trung để không bỏ lỡ những gì nhà đạo diễn kiêm biên kịch cài cắm. Ngay cả với những sự kiện lịch sử như Thế Chiến đệ nhị (Inglorious Basterds), hậu Nội chiến Mỹ (The Hateful Eight) hay bóc lột người nô lệ da màu (Django Unchained)… đều được Tarantino biến tấu với những sắc màu riêng biệt.

Khán giả yêu phim Tarantino, bởi ông biết họ muốn gì khi chính Tarantino từng ở vị trí của một người si mê điện ảnh trước khi đứng sau ống kính máy quay. Đạo diễn huyền thoại Alfred Hitchcock từng tuyên bố: “Để làm một bộ phim hay, bạn cần ba thứ: Kịch bản, kịch bản và kịch bản”. Và đó là thứ mà Quentin Tarantino chưa bao giờ thiếu.

Nhóm thực hiện

Bài: Thịnh Joey Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)