Đụng độ bom tấn của Marvel là Captain America: Brave New World khi ra rạp vào dịp lễ tình nhân, Bridget Jones: Mad About The Boy vẫn thu hút đông đảo sự quan tâm của người hâm mộ. Phim nhận được đánh giá tích cực với 85% điểm tươi từ giới phê bình và 79% điểm từ khán giả trên Rotten Tomatoes.
Hành trình của tình yêu, tuổi già và sự hàn gắn
Chín năm sau sự kiện của phần phim trước, Bridget đã có một gia đình nhỏ với hai con: cậu bé William (Casper Knopf) và cô bé Mabel (Mila Jankovic). Tuy nhiên, hạnh phúc trọn vẹn mà cô từng mơ tưởng đã không kéo dài. Mark Darcy (Colin Firth), tình yêu đích thực của cô, đã qua đời trong một vụ nổ ở Sudan, để lại một khoảng trống không gì có thể lấp đầy.
Bridget Jones: Mad About the Boy lấy bối cảnh bốn năm sau mất mát đó, khi Bridget vẫn chìm trong đau buồn và dành toàn bộ thời gian để làm mẹ. Cô rời bỏ công việc sản xuất truyền hình, không còn bận tâm đến chuyện hẹn hò hay tìm kiếm một cuộc sống mới. Trong những khoảnh khắc cô đơn, cô vẫn nhìn thấy Mark – như một bóng hình ám ảnh từ quá khứ, minh chứng cho khao khát tuyệt vọng của cô về một cuộc sống từng trọn vẹn nhưng nay đã xa vời.
BÀI LIÊN QUAN
Mad About the Boy là hành trình của Bridget bước ra khỏi nỗi đau để tìm lại chính mình. Sau những lời động viên từ hội bạn thân – với Sarah Solemani, James Callis, Shirley Henderson và Sally Phillips trở lại cùng sự xuất hiện duyên dáng của Emma Thompson trong vai bác sĩ phụ khoa với lối nói chuyện châm biếm sắc sảo, Bridget quyết định một lần nữa cầm bút và viết tiếp câu chuyện của riêng mình. Bên cạnh những trang nhật ký, cô cũng sớm thu hút sự chú ý của hai người đàn ông với tính cách khác biệt. Một bên là Roxster (Leo Woodall), chàng sinh viên quyến rũ và nhạy cảm – người đã khơi dậy niềm vui sống và đánh thức khao khát tình yêu trong Bridget. Bên kia là thầy giáo khoa học Wallaker (Chiwetel Ejiofor), bướng bỉnh, nguyên tắc nhưng đầy lôi cuốn.
Dưới sự dẫn dắt của đạo diễn Michael Morris, cuộc sống tình cảm đầy trắc trở của Bridget được khai thác một cách tinh tế và sâu sắc hơn hẳn so với phần phim The Edge of Reason (2004). Kịch bản của Helen Fielding, Dan Mazer và Abi Morgan ngoài phản ánh những thách thức tình yêu hiện đại còn mang đến một góc nhìn chân thực về sự khác biệt thế hệ trong tình yêu. Giống như The Idea of You (2023) của Anne Hathaway, mối quan hệ giữa Bridget và Roxster tập trung vào cách con người điều chỉnh cảm xúc và kỳ vọng khi yêu ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời.
Bridget Jones: Mad About the Boy mang một sắc thái trầm lắng, pha lẫn u sầu và lãng mạn dịu dàng, trái ngược hoàn toàn với sự hài hước điên rồ thường thấy của loạt phim kinh điển này. Nhưng chính sự chân thành này lại mang đến một cảm giác ấm áp và trưởng thành. Điểm sáng của phim ngoài ở sự hài hước còn ở chiều sâu cảm xúc mà nó khắc họa về nỗi đau và hành trình thoát ra khỏi sự mất mát của Bridget.
Bridget vẫn giữ phong thái lạc quan và hài hước của mình, đẩy nỗi đau và bi kịch ra ngoài rìa bằng sự quyết tâm “tiếp tục tiến lên”. Những khoảng khắc trầm lắng hiếm hoi khi cô đối diện với nỗi đau mất chồng, khi cô cố gắng làm một người mẹ đơn thân tốt nhất có thể… đã mang lại cho Bridget một chiều sâu mới, một sự trưởng thành mà trước đây cô chưa từng có.
Xem thêm
•[Review phim] “Friendly Rivalry”: Trò chơi quyền lực trong giới học đường
•[Review phim] “Trung Tâm Chăm Sóc Chấn Thương”: Siêu phẩm y khoa hài hước, ly kỳ và ấm áp
•[Review phim] “Study Group”: Phim hành động học đường hài hước và nhân văn
Những thước phim đầy hoài niệm
Xuất hiện lần đầu trên tờ báo The Independent vào năm 1995, trở thành tiểu thuyết bán chạy chỉ một năm sau đó và sau cùng là bước lên màn ảnh rộng vào năm 2001, Bridget Jones đã nhanh chóng trở thành một trong những nhân vật biểu tượng của văn hóa Anh.
Nếu như kịch bản bộ phim đầu tiên mang dấu ấn của “ông hoàng hài lãng mạn” Richard Curtis, thì chính góc nhìn đầy chân thực của Helen Fielding về hành trình tìm kiếm tình yêu của phụ nữ thời hiện đại mới là điều khiến Bridget Jones’s Diary ghi dấu ấn mạnh mẽ. Bộ phim thập niên 2000 này không đơn thuần là một câu chuyện tình lãng mạn, mà còn là lời chào tạm biệt với những khuôn mẫu nữ chính hoàn hảo, thay vào đó là một hình tượng chân thực hơn – một phụ nữ lóng ngóng hay nghi ngờ bản thân, nhưng vẫn đầy quyến rũ với những điểm yếu chân thực của mình.
Với hơn 15 triệu bản sách được bán ra trên toàn cầu và hai bộ phim đình đám, Bridget không chỉ là một nhân vật hư cấu mà còn là một biểu tượng của phụ nữ đô thị hiện đại. Hơn hai thập kỷ trôi qua, Bridget Jones vẫn sống động trong dòng chảy văn hóa đại chúng. Những câu nói sắc sảo, sự vụng về dễ mến và sự hài hước tự trào của cô vẫn là liều thuốc giải cho những áp lực thời đại.
Bridget Jones: Mad About the Boy đánh dấu một chương hoàn toàn mới trong cuộc đời Bridget Jones. Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Fielding xuất bản năm 2013, bộ phim thứ tư về Bridget Jones là một sự kết hợp đầy hoài niệm giữa những khoảnh khắc kinh điển và những bài học sâu sắc về tình yêu, sự trưởng thành và mất mát. Phim đưa người xem đến với một Bridget trưởng thành hơn, chín chắn hơn nhưng vẫn giữ nguyên bản chất ngây ngô của mình.
Renée Zellweger tiếp tục hóa thân thành Bridget với một sự duyên dáng tự nhiên, va vào vô số tình huống dở khóc dở cười. Cô sống trong một căn nhà đầy màu sắc ở Hampstead Heath, nuôi dạy hai đứa con. Ở đó, Bridget là minh chứng sống động rằng cuộc đời luôn tiếp diễn, dù có những mất mát không thể bù đắp. Và trong sự tiếp diễn, dù có đau thương, vẫn tồn tại những khoảnh khắc rực rỡ, những niềm vui giản đơn nhưng sâu sắc.
Ngôi sao của Notting Hill Hugh Grant cũng trở lại với vai Daniel – đầy vẻ lịch lãm và sắc sảo, nhưng lần này với một phong thái trưởng thành hơn. Nhân vật Daniel Cleaver của Grant không còn chỉ là gã sở khanh quyến rũ mà giờ đây mang thêm một lớp tính cách phức tạp: là người trông trẻ xuất sắc nhưng là một người cha thất bại.
Ngoài ra, Mad About the Boy chính là bản hòa âm hoàn hảo của series Bridget Jones, mang đến tất cả những khoảnh khắc đặc trưng đã làm nên thương hiệu: những bộ váy lộng lẫy, những cú vấp ngã, những cơn bộc phát cảm xúc và những mối quan hệ lãng mạn đầy bấp bênh… Phim trung thành với phong cách của Richard Curtis khi đặt bối cảnh trong một London lung linh, rực rỡ – một thành phố lý tưởng hóa với ánh sáng ấm áp, quán cà phê và những con phố ngập tràn tình yêu.
Với những ai đã gắn bó với loạt phim suốt hơn hai thập kỷ, Bridget Jones: Mad About the Boy là một lời chào tạm biệt trọn vẹn. Phần kết thúc của phim đưa khán giả vào hành trình hoài niệm với những hình ảnh và đoạn clip từ cả bốn phần phim, như một sự tri ân dành cho nhân vật đã trở thành một biểu tượng của thể loại hài lãng mạn hiện đại.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp