Black Mirror – Soi mình trong “gương đen” công nghệ
Công nghệ hiện đại là một giấc mơ đẹp, nhưng cũng dễ dàng trở thành một cơn ác mộng của xã hội loài người. Series phim Black Mirror dựng lên hàng loạt bối cảnh tương lai khác nhau – những tương lai tối tăm nhưng khả dĩ nếu con người vô ý để công nghệ mặc sức kiểm soát, nhào nặn cuộc đời mình.
Đặt mình vào vị trí lãnh đạo của một quốc gia, liệu bạn sẽ chọn cách giữ hình tượng bản thân và chấp nhận công chúa sẽ bị bọn bắt cóc hành quyết, hay sẽ đồng ý làm tình với một con lợn (vâng, con lợn, theo đúng nghĩa đen) trên sóng truyền hình quốc gia để cứu mạng cô? Tình huống nan giải này được đặt ra ngay từ tập đầu tiên của series truyền hình Black Mirror, buộc Thủ tướng Anh Michael Callow (Rory Kinnear thủ vai) phải trả lời chỉ trong vài giờ đồng hồ.
Lời yêu cầu bệnh hoạn của kẻ bắt cóc Công chúa Susannah (Lydia Wilson thủ vai) lan truyền với tốc độ chóng mặt trên khắp các mạng xã hội, các trang tin tức toàn cầu, tạo thành một thứ áp lực khổng lồ chi phối quyết định của Thủ tướng. Ở đây, phẩm giá con người đứng trước nguy cơ bị đè bẹp bởi “lẽ phải”, bởi thứ công lý mà dư luận nắm toàn quyền định đoạt.
Black Mirror không chỉ dừng lại ở đó. Mỗi tập phim là một bối cảnh mới, câu chuyện mới, nhân vật mới, song đều thống nhất một chủ đề: Cái giá mà con người phải trả khi sống trong một thế giới bị chi phối bởi công nghệ.
Black Mirror là phim truyền hình dài kỳ của Anh, được biên kịch bởi Charlie Brooker, ra mắt vào năm 2011 và gây ra một làn sóng tranh luận từ các nhà phê bình đến khán giả về những vấn đề gai góc, có chút khó chịu mà nó đặt ra. Series này về tay Netflix từ mùa thứ 3, được nâng lên một tầm cao mới về độ phủ sóng, đầu tư vào đạo diễn, dàn diễn viên và công nghệ làm phim. Đến nay, qua hết 4 phần với 19 tập phim – tương đương với 19 góc cạnh không trùng lặp về mặt trái của công nghệ, sức nóng của Black Mirror vẫn ổn định nhờ sự pha trộn lạ lùng của hiện thực với không tưởng, của châm biếm và những bất ngờ. Nhiều người xem nhận định bộ phim “vừa hứng thú vừa khó chịu”, “vừa kỳ diệu lại vừa kinh dị”.
Công nghệ dĩ nhiên là kỳ diệu. Bao nhiêu điều vốn chỉ từng tồn tại trong trí tưởng tượng của loài người nay đã, đang và sẽ được công nghệ hiện thực hoá. Có tập, Black Mirror vẽ nên một tương lai xa nơi mỗi người bị giam cầm trong 4 bức tường màn hình cảm ứng lớn, sống thông qua một nhân vật đại diện ảo như trong game online, kiếm tiền ảo bằng cách đạp xe để tạo ra điện vận hành thế giới, và cách duy nhất để thoát ra là giành chiến thắng trong một cuộc thi tài năng ngớ ngẩn. Trong tập khác, con người có thể ghi hình và xem lại ký ức của mình, thậm chí chiếu lên màn hình cho người khác cùng xem, dễ dàng tua, dừng, zoom, xoá… không khác gì cách xem một bộ phim.
Nhưng cũng như vị Thủ tướng Anh ở tập đầu tiên, các nhân vật khác của Black Mirror cũng giằng xé, đau khổ trong thế giới công nghệ tiên tiến tưởng chừng rất nhiệm màu đó. Nam chính trong tập Fifteen Million Merits đã phải gào lên: “Tôi muốn các người phải thực sự lắng nghe, chứ không phải đeo mặt nạ giả vờ như vẫn làm. Để cảm nhận chứ không phải xử lý thông tin. Những gì các người thấy ở đây không phải là người, trên này không có người thật, chỉ là vỏ bọc”. Rồi người ta phá hủy hiện thực nhờ công nghệ ghi hình ký ức hay ho khiến họ đắm chìm trong quá khứ, xem đi xem lại những đoạn phim đã qua để soi mói, đối chất, buộc tội nhau. Và thế là công nghệ trở thành ác mộng.
Có lẽ thứ khiến người ta bồn chồn, khó chịu khi xem Black Mirror là tính hiện thực và “biết đâu đấy sẽ thành hiện thực” quá lớn của nó. Cứ tưởng đây là chuyện của một tương lai nào đó xa xôi, viển vông lắm nhưng nếu ngẫm thật kỹ, ta nhận ra tất cả các tập phim đều được lấy chất liệu từ xã hội hiện đại, từ những gì đang thực sự diễn ra ngay lúc này và chỉ một chút nữa thôi, nếu con người không cẩn thận, những mặt trái tăm tối đó của công nghệ sẽ thành sự thật.
Black Mirror, hay “gương đen”, chính là nói đến chiếc màn hình của những sản phẩm công nghệ mà chúng ta sở hữu: điện thoại, TV, laptop, máy tính bảng… Khi tắt chúng đi, thứ còn lại chính là một tấm gương đen để ta soi chiếu, nhìn ngắm chính mình. Bộ phim như muốn nhắc nhở rằng công nghệ không chỉ có khả năng cho ta thấy mình là ai, mình đang làm gì mà còn có sức mạnh thay đổi, làm biến dạng con người. Con người tạo ra công nghệ, nhưng vô tình công nghệ ảo lại có thể đóng khuôn lối sống của ta, chia cắt xã hội, hủy hoại những giá trị thực.
“Tôi có một giấc mơ. Đỉnh cao của giấc mơ là mua cái nón mới cho nhân vật của mình. Một cái nón không hề tồn tại, không cầm nắm được. Ta mua những giá trị ảo! Ta đã quá tê dại, nên mỗi khi phát hiện được thứ gì hay, ta phải mổ xẻ nó làm nhiều mảnh, phải liên tục tăng cường, đóng gói và thông qua đến 10.000 bộ lọc thiết kế sẵn, cho đến khi nó chẳng còn gì ngoài một dải sáng vô nghĩa. Này thì phòng nhỏ, màn hình nhỏ, rồi phòng lớn hơn, màn hình lớn hơn, để làm gì?”.
—
Xem thêm
Bài: Thùy Anh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Hình ảnh: Tổng hợp