Ra mắt trên Netflix ngày 10/4, Black Mirror mùa 7 nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ công chúng. Trên RottenTomatoes, phim được chấm 89% điểm tươi từ giới chuyên môn, 80% điểm từ khán giả. Đặc biệt, không có tập nào bị đánh giá thấp dưới 7.3/10 trên IMDb.

Sự trở lại của series hài đen đình đám
Sau gần một năm rưỡi im ắng kể từ mùa sáu, Black Mirror – series hài đen nổi tiếng của nhà sáng tạo Charlie Brooker vừa đánh dấu màn tái xuất trong mùa thứ bảy với sáu tập phim mới. Trên nền chất liệu quen thuộc là những câu chuyện ngụ ngôn công nghệ, mùa phim này tiếp tục khai thác mặt tối của con người trong kỷ nguyên số, đồng thời mở ra nhiều lối đi mới mẻ về cảm xúc, thể loại và cấu trúc kể chuyện. Sự trở lại lần này không ồn ào, không phô trương, nhưng lại mang theo cảm giác đằm lại, trầm tĩnh và phần nào mang tính chiêm nghiệm hơn trước.
Với mùa thứ bảy vừa cập bến trên Netflix, Black Mirror của Charlie Brooker đã nâng tổng số tác phẩm lên 34. Nếu những mùa đầu tiên từng khiến khán giả lạnh sống lưng với các ám ảnh công nghệ như hệ thống chấm điểm xã hội, thực tại ảo, deepfake hay thí nghiệm thao túng ý thức, thì mùa bảy lại lặng lẽ tiếp cận những lát cắt nhân sinh ẩn sau lớp vỏ công nghệ. Từ tình yêu, sự tiếc nuối, nỗi cô đơn đến cảm giác mất phương hướng giữa thực và ảo.
Vẫn là định dạng tuyển tập với mỗi tập là một câu chuyện độc lập, mùa phim mới khai thác đa dạng không gian và thời gian, từ những thế giới ảo đậm chất retro, mô phỏng phim đen trắng cổ điển, đến bối cảnh văn phòng hiện đại và cả những mảnh ghép ký ức bị bóp méo bởi công nghệ. Diễn viên kỳ cựu như Paul Giamatti, Peter Capaldi, Rashida Jones hay Chris O’Dowd góp mặt trong loạt vai diễn đầy biến hóa, góp phần đưa các tập phim đến gần hơn với khán giả.
Điều đặc biệt là lần đầu tiên trong lịch sử của Black Mirror, một tập phim cũ được làm phần tiếp theo. Đây là dấu hiệu cho thấy Brooker bắt đầu quan tâm hơn đến việc mở rộng thế giới của mình, thay vì chỉ tạo ra các tiểu phẩm độc lập.
BÀI LIÊN QUAN
Một mùa phim vừa mới, vừa cũ
Về chủ đề, mùa 7 không trực tiếp gọi tên những công nghệ đang làm mưa làm gió như AI tạo sinh hay công nghệ sinh học cải biến cơ thể, nhưng những ảnh hưởng của chúng vẫn phủ khắp xuyên suốt sáu tập phim. Tập Hotel Reverie cho thấy AI được tích hợp sâu vào công nghiệp giải trí. Các diễn viên không còn đóng phim ở phim trường mà được cấy hình ảnh vào mô phỏng số để sống trong thế giới điện ảnh.
Nếu trước đây Black Mirror nổi tiếng với sự tăm tối, những cú twist ám ảnh và kết thúc bi quan, thì mùa này cho phép những khoảng lặng nhân văn, sự châm biếm tinh tế và thậm chí cả sự dịu dàng. Eulogy cũng không đi vào câu chuyện công nghệ cao, mà là công nghệ như cánh cửa mở lối về ký ức.
Tập Bête Noire lại đẩy Black Mirror vào lãnh địa của phim kinh dị tâm lý. Trái ngược với Eulogy, tập Bête Noire mang màu sắc kỳ quặc và ngột ngạt hơn. Nhân vật chính là Maria (Siena Kelly), một nhà phát triển kẹo ngọt, bất ngờ gặp lại người bạn học cũ Verity (Rosy McEwen). Verity, ban đầu xuất hiện với vẻ ngây thơ và thân thiện, dần lộ diện là kẻ thao túng lạnh lùng, tinh quái.
Bête Noire khiến người xem rơi vào vùng ranh giới giữa paranoia (hoang tưởng) và sự thật – một chuyển hướng khá táo bạo nếu xét theo logic cũ của Black Mirror, nơi kỹ thuật số luôn giữ vai chính. Tập này chứng minh rằng nỗi sợ hiện đại không cần AI để tồn tại, mà có thể được tạo ra ngay từ cái nhìn nghi ngờ giữa hai đồng nghiệp. Dù cốt truyện không quá mới, Bête Noire vẫn là một tập phim cân bằng tốt giữa tâm lý kịch và hài đen.
Cách kể chuyện cũng thay đổi đáng kể. Black Mirror mùa 7 không còn lệ thuộc vào cú twist cuối tập như một công thức thành công, mà mở rộng về mặt cấu trúc. Một số tập chia tuyến kể thành hai hoặc ba lớp (thế giới thực – thế giới mô phỏng – thế giới trí nhớ), tạo ra những khoảng mơ hồ khiến khán giả không dễ xác định đâu là thật, đâu là dựng. Nhân vật không còn là nạn nhân của hệ thống, mà trở thành người kiến tạo hoặc tiếp tay cho những phiên bản số hóa của chính mình.
Minh chứng là tập USS Callister: Into Infinity – phần tiếp theo của tập phim đình đám USS Callister ra mắt năm 2017, lấy cảm hứng từ Star Trek. Vẫn là câu chuyện về những bản sao kỹ thuật số mắc kẹt trong một thế giới trò chơi, nhưng lần này, nhóm nhân vật chính do Nanette (Cristin Milioti) dẫn dắt được đưa vào một vũ trụ trò chơi rộng lớn hơn, thay vì bị kiểm soát bởi một kẻ độc tài. Đây là một tập phim khoa học viễn tưởng hấp dẫn, vừa căng thẳng, vừa kích thích suy nghĩ.
Xem thêm
•[Review phim] “Karma”: Một vòng lặp nghiệp chướng
•[Review phim] “Hyper Knife”: Ranh giới giữa thiên tài và quái vật
•[Review phim] “Bảo hiểm ly hôn”: Nhiều kỳ vọng nhưng thiếu bứt phá
Và cũng là mùa phim dịu dàng nhất
Trên tờ The Hollywood Reporter, Charlie Brooker – cha đẻ của loạt phim thừa nhận rằng khán giả ngày nay có thể quá mệt mỏi với tình tiết phản địa đàng, khi chỉ cần nhìn ra ngoài cửa sổ cũng thấy thế giới đầy hỗn loạn. Vì vậy, mùa 7 có phần nhẹ nhàng và lạc quan hơn.
Common People là một trong những tập phim xuất sắc nhất mùa này, không chỉ vì nó quay lại đúng “chất Black Mirror” – tức là đen tối, lạnh lẽo và tàn nhẫn – mà còn vì nó đánh trúng tâm lý tiêu dùng đương đại. Phim gây xúc động vì cặp vợ chồng Mike – Amanda được xây dựng rất thật, rất người. Họ không phải là nạn nhân ngu ngốc hay những kẻ có tham vọng quyền lực. Họ đơn giản chỉ là người thường, yêu nhau và mong muốn níu giữ người mình yêu.
Tập phim khéo léo soi rọi tính cơ chế và trục lợi của chủ nghĩa tư bản hiện đại thông qua cách công ty Rivermind dụ dỗ, ràng buộc và bòn rút khách hàng bằng chiến lược quen thuộc: “freemium” – gói miễn phí ban đầu, rồi nâng cấp, rồi bắt đóng phí để tiếp tục sử dụng những chức năng cơ bản nhất. Từ gói Common 300 đô, rồi Plus, rồi Lux… vòng xoáy tiêu dùng không bao giờ dừng lại và cảm xúc – ký ức – tình yêu – những thứ được xem là thiêng liêng nhất cũng bị biến thành sản phẩm định giá và nâng cấp theo tháng.
Không giống Common People, Eulogy là tập phim hiếm hoi của Black Mirror mà công nghệ được dùng với mục đích tích cực và nhờ đó, mang lại cảm xúc sâu lắng hiếm có. Thiết bị từng xuất hiện trong các tập USS Callister và Striking Vipers, vốn dùng để kết nối vào thế giới ảo, lần này cho phép Phillip (Paul Giamatti) truy cập ký ức về người yêu cũ đã qua đời. Những mảnh ký ức ấy được tái hiện trong một buổi lễ tưởng niệm, nơi anh dùng chính hồi ức của mình để chia sẻ, tưởng nhớ và hàn gắn.
Được đạo diễn bởi Chris Barrett và Luke Taylor, hành trình qua các bức ảnh cũ được dàn dựng tinh tế: khung hình từ nhòe nhoẹt trở nên rõ nét, màu sắc dịu dàng lan tỏa mỗi khi Phillip chạm vào một ký ức tưởng đã lãng quên. Giamatti mang đến một vai diễn xuất sắc. Ông khắc họa chân dung người đàn ông kỳ quặc, sống cô lập nhưng mang trong mình một trái tim ấm áp và đầy tổn thương. Anh truyền tải trọn vẹn chiều sâu cảm xúc trong quá trình hòa giải với quá khứ và chính mình.
Black Mirror mùa 7 cho thấy loạt phim vẫn giữ được bản sắc: kỳ dị, châm biếm và như thường lệ, thấm đẫm nỗi buồn về nhân tính lạc lối trong thời đại số. Những motif cũ vẫn hiện diện: ký ức bị thao túng, quyền kiểm soát bị tước đoạt nhưng chúng xuất hiện với tông giọng mềm hơn, ít đao to búa lớn, nhiều gợi mở hơn phán xét. Sự dịch chuyển này khiến Black Mirror mùa 7 trở nên dễ tiếp cận hơn với số đông khán giả hiện nay. Dù một vài tập bị đánh giá là dựa quá nhiều vào công thức cũ hoặc thiếu bất ngờ, không có tập nào thật sự tệ. Mỗi câu chuyện đều ít nhiều để lại dư âm.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp