[Review phim] “Chàng Nữ Phi Công” – Đề tài bình đẳng giới được khai thác qua lăng kính hài hước
Sở hữu cốt truyện nhẹ nhàng, đơn giản, “Chàng Nữ Phi Công” là hành trình khám phá bản thân của một anh phi công sa cơ. Bộ phim đánh dấu sự trở lại của “ông hoàng phim hài lãng mạn” Jo Jung Suk sau 5 năm vắng bóng kể từ “Lối thoát trên không” (2019).
Ngay từ khi ra mắt, Chàng Nữ Phi Công đã càn quét phòng vé Hàn Quốc, thu hút hơn 370.000 lượt xem trong ngày đầu công chiếu, vượt mặt bom tấn Exhuma để trở thành bộ phim có doanh thu mở màn cao nhất năm 2024 cho đến hiện tại. Tại Việt Nam, bộ phim mới nhất của đạo diễn Kim Han Gyul đã ra mắt vào ngày 30/8, thu về hơn 3 tỷ đồng tại phòng vé, nhận về hàng loạt đánh giá tích cực từ người xem.
Chuyện chàng phi công cải trang phụ nữ
Chàng Nữ Phi Công kể về Cơ trưởng Han Jung Woo (Jo Jung Suk), người đàn ông có sự nghiệp thành danh tại một hãng hàng không nổi tiếng nhưng lại lao dốc không phanh sau một vụ bê bối. Sự phẫn nộ của công chúng dẫn đến việc anh ta bị sa thải và cuộc sống gia đình cũng bỗng chốc bị đảo lộn. Mọi thứ lên đến đỉnh điểm khi vợ anh đệ đơn ly hôn, mang theo đứa con và căn hộ của cả hai. Không còn nơi nào để đi, anh miễn cưỡng chuyển về sống với mẹ và em gái.
Với cuộc sống hỗn loạn – thất nghiệp, không gia đình và gần như phá sản – Jung Woo phải dùng đến một giải pháp bất ngờ và táo bạo nhằm làm lại cuộc đời: lấy danh tính của em gái mình, cải trang thành phụ nữ để ứng tuyển công việc tại hãng hàng không Han Air. Những gì diễn ra sau đó là một hành trình đầy hài hước và biến động khi Han Jung Woo buộc phải thích nghi với việc sống và làm việc trong lớp áo phụ nữ.
Với danh phận Han Jung Mi, Han Jung Woo một lần nữa nổi tiếng, trở thành nữ anh hùng, một hiện tượng trên mạng xã hội sau khi cứu 215 hành khách khỏi một vụ tai nạn máy bay. Cộng thêm sự căng thẳng nhưng lãng mạn len lỏi khi Jung Woo nảy sinh tình cảm với Yoon Seul Gi, một nữ đồng nghiệp coi anh như một người chị em. Sự tương tác của cả hai mang đến những khoảnh khắc hài hước và thư giãn cho khán giả.
Mặc dù tiền đề không mấy thực tế nhưng yếu tố giải trí của phim được lồng ghép một cách hiệu quả thông qua những trò hề của các nhân vật. Bộ phim từ đây khéo léo sử dụng sự hài hước để làm nổi bật và khám phá những khó khăn chung mà cả hai giới phải đối mặt tại nơi làm việc hiện đại.
Thông điệp về bình đẳng giới
Về bản chất, Chàng Nữ Phi Công khai thác chủ đề cải trang giới tính vốn đã phổ biến vào những năm 90 và 2000, khi những tình tiết hài hước dễ dàng thực hiện nhất là cho người nam giả vờ làm người nữ. Tuy nhiên, đạo diễn Kim Han Gyul tinh tế biến mô típ quen thuộc này thành câu chuyện mang thông điệp bình đẳng giới nơi công sở và đưa khán giả vào một hành trình bất ngờ.
Yếu tố nam cải trang nữ trong phim trở thành phương tiện thông minh để châm biếm tình trạng bình đẳng giới nửa vời trong xã hội Hàn Quốc đương đại. Tại đây, phụ nữ được rao giảng là sự ưu tiên của xã hội, được khuyến khích cống hiến hết mình vì sự nghiệp nhưng trên thực tế họ không được nhận quá nhiều quyền lợi và sự thăng tiến.
Minh chứng là Yoon Seul Gi, với lý tưởng không kết hôn để sống cho sự nghiệp phi công nhưng dù có nhiều thành tích và thể hiện kỹ năng tốt đến mấy, cô cũng không được lên chức cơ trưởng. Điều này lặp lại với Jung Woo trong thân phận phụ nữ. Nam phi công tài năng một thời nhận ra bi kịch này xảy đến với mọi phi công mặc váy, dù họ có giỏi giang bao nhiêu. Khi Jung Woo trải nghiệm cuộc sống với tư cách là Jung Mi xinh đẹp, anh nhận ra mình đã vô cảm và vô tâm với các đồng nghiệp nữ như thế nào trong quá khứ.
Trong suốt thời lượng 90 phút, bộ phim đồng thời trình bày một loạt các tình huống mở rộng làm nổi bật các vấn đề đang diễn ra như quấy rối nơi làm việc, thường được cho là những hành vi xã giao thông thường. Chẳng hạn, khi cải trang thành phụ nữ, Jung Woo gặp phải những lời nhận xét thô lỗ từ Đại úy Seo Hyun Seok, bị ép uống rượu hay bị một gã say xỉn ở quán bar ép đi chơi.
Không rao giảng chủ nghĩa nữ quyền nặng nề, Chàng Nữ Phi Công truyền tải hiệu quả một thông điệp nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc ủng hộ bình đẳng giới trong một xã hội mà nam giới thường nắm quyền lực. Bộ phim chỉ trích những người nhân danh chủ nghĩa nữ quyền, lấy nữ quyền làm vỏ bọc để trục lợi cá nhân và phơi bày những hình thức quấy rối tinh vi vẫn tồn tại trong lòng xã hội.
Xem thêm
• [Review phim] “Queen Woo”: Khi quân hậu trở thành nhân vật chính trong ván cờ
• [Review phim] “Vây Hãm Trên Không”: Bi kịch của người hùng và kẻ phản quốc
• [Review phim] “Red Swan”: “Bình cũ, rượu mới” hay “đến hẹn lại lên” kể chuyện thượng lưu?
Sự trở lại của “ông hoàng rom-com”
Một trong những điểm sáng của bộ phim không thể không kể đến diễn xuất duyên dáng của Jo Jung Suk. Sau 5 năm rời xa màn ảnh rộng, Jo Jung Suk chứng minh tài năng của mình hoàn toàn xứng đáng với danh xưng “ông hoàng phim hài lãng mạn”.
Thoát khỏi hình tượng quý ông dí dỏm thường thấy, Jo Jung Suk đã thể hiện ấn tượng hai vai diễn trái ngược nhau. Sao nam có màn chuyển đổi mượt mà giữa hai nhân cách, hai hình hài: Jung Woo nam tính và Jung Mi nữ tính.
Jo Jung Suk nắm bắt trọn vẹn được sự kiêu ngạo của Jung Woo và sự duyên dáng, nền nã của Jung Mi. Cùng lối diễn tự nhiên, nam diễn viên mang đến hành trình giành lại sự nghiệp với một loạt tình tiết hài hước thú vị, đáng yêu mà không hề gượng ép.
Mặc dù kịch bản không quá lớp lang, đề cập đến các chủ đề xã hội phức tạp và nỗ lực lồng ghép thông điệp nhân văn, bộ phim vẫn thành công nhất trong việc khai thác yếu tố giải trí thuần túy. Chàng Nữ Phi Công sẽ làm hài lòng bất kỳ khán giả nào đang tìm kiếm một bộ phim đơn giản, dễ xem, dễ chịu và tràn ngập tiếng cười.
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp