Văn hóa / Thế giới văn hóa

Crazy Rich Asians: Ván mạt chược giữa Top 1% dân số và giấc mơ Mỹ hay câu chuyện lọ lem thời thế giới phẳng?

Tôi bước ra khỏi rạp chiếu phim với một cảm giác nhẹ nhàng và dễ chịu. Một phần bởi lẽ tôi đã không đặt quá nhiều kỳ vọng vào bộ phim, phần vì Crazy Rich Asians đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một phim rom-com nhẹ nhàng, đủ hài hước, đủ lãng mạn, đủ châm biếm và cũng đủ giải trí cho một buổi tối thứ Bảy.

Crazy Rich Asians, Con nhà siêu giàu châu Á, như chính tên gọi của nó, là một câu chuyện cũ nhưng được khoác một tấm áo mới, một tấm áo hàng hiệu sản xuất bởi Hollywood. Bộ phim khiến tôi nhớ đến dòng phim “lọ lem” của drama Hàn vào khoảng 5 năm trước. Vẫn là những chàng trai hoàn hảo từ năng lực đến ngoại hình, vẫn là những chuyện tình bị phản đối vì thân phận của cô bạn gái mà con trai dẫn về ra mắt, vẫn là người mẹ chồng nghiêm khắc, vẫn là những hình ảnh cuộc sống hào nhoáng mà 99% dân số khó có thể đồng cảm… Tất cả những tình tiết đều không mấy bất ngờ mà người xem có thể chơi trò “tiên đoán” khi xem phim. Nhưng điều khiến cho Crazy Rich Asians hay lọ lem phiên bản 2018 giữ lại được một điểm cộng từ việc xào lại cốt truyện của thập niên trước, chính là ván mạt chược giữa mẹ chồng Eleanor Young (do Michelle Yeoh thủ vai) và cô bạn gái mà con trai đem về ra mắt, Rachel Chu (do Constance Wu thủ vai). Phân cảnh mạt chược này chính là chi tiết mang ý nghĩa mở nút, giải quyết các mâu thuẫn về ý thức hệ giữa phương Đông và phương Tây (mà Eleanor và Rachel lần lượt là đại diện) được xây dựng xuyên suốt mạch phim.

crazy rich asians 1
Phim Crazy Rich Asians là phiên bản chuyển thể từ bộ truyện nổi tiếng cùng tên 
crazy rich asians 2
Hình tượng người mẹ nghiêm khắc Eleanor Young cho Michelle Yeoh thủ vai

Racheal đại diện cho giấc mơ Mỹ – Chủ nghĩa cá nhân

“Cô quá Mỹ” là lời nhận xét đầu tiên của Eleanor dành cho Rachel ngay trong lần đầu tiên gặp mặt rồi từ đó dần mở ra những căng thẳng đằng sau sự khác biệt về tư duy giữa phương Đông và phương Tây.

“Cô quá Mỹ “ cũng là lời đánh giá mang tính phân biệt hay thậm chí là miệt thị về tầng lớp và giai cấp còn tồn tại trong văn hóa châu Á. Biết rằng Rachel là nữ giáo sư trẻ của đại học New York, Eleanor muốn biết liệu cô có xuất thân từ gia đình có truyền thống học thuật hay không.

– Eleanor: “Bố mẹ cháu đều là những người học thuật à?”

– Rachel: “Mẹ của cháu không học đại học. Khi mới nhập cư qua Mỹ, bà hầu như không nói được chút tiếng Anh nào. Bây giờ thì bà đã khác. Ngày trước bà đã từng vừa phải đi học vừa làm công việc chạy bàn. Bây giờ bà đã trở thành một trong những người giỏi nhất ở công ty”.

Câu trả lời đầy tự hào của Rachel đã không làm hài lòng Eleanor. Đi đến Mỹ – miền đất của tự do – với xuất phát điểm là con số 0 và đạt được thành công từ những nỗ lực không nghỉ là một câu chuyện “rất Mỹ”. Đó chính là “giấc mơ Mỹ” mà mẹ Rachel đã truyền sang cho cô, trao cho cô động lực để theo đuổi giấc mơ của mình, quyết định cuộc đời của mình. Nhưng có lẽ trong thế giới của những kẻ siêu giàu – thế giới của Eleanor – “giấc mơ Mỹ” hay câu chuyện theo đuổi đam mê đầy nghị lực chỉ là thứ dành cho những con người không dòng dõi. “Ah… theo đuổi đam mê! Mới “Mỹ” làm sao!”– Eleanor đáp đầy mỉa mai. Quan niệm về “môn đăng hộ đối” vốn tồn tại trong văn hoá phương Đông, đòi hỏi sự tương xứng về mặt địa vị xã hội và tài sản giữa hai gia đình, chính là sự khác biệt đầu tiên trong tư tưởng khiến cho Eleanor không chấp nhận Rachel.

crazy rich asians 3
Lần đầu tiên gặp mặt giữa Eleanor và Rachel

“Cô quá Mỹ” cũng là lời phủ nhận những giá trị và cả nỗ lực của Rachel. Bản thân Rachel là thế hệ thứ 2 của lớp người nhập cư Mỹ. Cô được nuôi dạy bởi những giá trị mà Eleanor cho rằng “Mới Mỹ làm sao!”. Hãy theo đuổi đam mê, chạy theo đam mê, bạn có thể trở thành bất cứ ai mà bạn muốn… tất cả những triết lý sống mà người Mỹ luôn cổ vũ đều đã thấm nhuần trong con người Rachel. Hay nói cách khác, đây là tư tưởng thể hiện cho chủ nghĩa cá nhân vốn là màu sắc nổi bật của văn hóa phương Tây. Họ coi trọng quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, quyền khác biệt và không lấy yếu tố gia đình làm chuẩn mực hay thước đo cho giá trị của cá nhân. Trong khi đó, Eleanor lại lấy truyền thống gia đình làm nền tảng và chuẩn mực cho giá trị cá nhân. Đây là sự khác biệt tiếp theo trong quan niệm khiến cho Eleanor từ chối Rachel. Tuy không phủ nhận tài năng của Rachel với chức danh một nữ giáo sư kinh tế, nhưng có lẽ Eleanor lo sợ rằng chính điều này sẽ khiến Rachel không thể từ bỏ địa vị của bản thân để lùi về phía sau, hy sinh sự nghiệp của bản thân vì lợi ích gia tộc.

“Cô quá Mỹ” đồng thời cũng là cách Eleanor vẽ ra ranh giới phân biệt giữa thế giới của Rachel và thế giới của Eleanor. Cho dù Rachel có cố gắng đến đâu, có đạt được địa vị gì thì cô mãi mãi là một kẻ xa lạ và chẳng bao giờ có thể thuộc về thế giới của Eleanor – thế giới của những kẻ siêu giàu châu Á.

Eleanor đại điện cho truyền thống châu Á – Người mẹ của gia đình

Eleanor là đại diện cho tất cả những giá trị đối nghịch với Rachel. Bà luôn đặt gia đình lên trên hạnh phúc và tự do cá nhân, coi việc giữ gìn gia phong, truyền thống gia đình là nghĩa vụ cao nhất.

crazy rich asians 4
“Cô có nỗ lực bao nhiêu cũng không bao giờ đủ”- Eleanor Young nói với Rachel

Trong lần gặp mặt thứ hai giữa Eleanor và Rachel, Eleanor đã kể cho cô nghe về những ngày tháng sinh viên của bà. Ngày trước Eleanor cũng từng là một cô sinh viên có đam mê của riêng mình nhưng bà đã phải lựa chọn từ bỏ giấc mơ đó, trở thành người phụ nữ đứng phía sau lo chu toàn mọi chuyện trong gia đình. Trong thế giới của những người siêu giàu, đam mê cá nhân có lẽ là thứ xa vời, là thứ dành cho những kẻ ích kỷ, là thứ sẽ làm tổn hại cho lợi ích chung. Là một người yêu con trai hết mực và sống cuộc đời vì gia đình, Eleanor coi việc từ chối Rachel chính là hành động bảo vệ hạnh phúc cho gia đình của mình.

Ván mạt chược “không phải để thắng”

Các mâu thuẫn trong phim được đẩy lên đến cao trào, các xung đột về ý thức hệ cũng theo đó dần được khắc họa rõ hơn để rồi tất cả được giải quyết qua ván mạt chược giữa Eleanor và Rachel. Đối với tôi, đây là tình tiết mở nút được xây dưng khá khéo léo và mang ý nghĩa ẩn dụ độc đáo.

crazy rich asians 5
Ván mạt chượt giữa Rachel và Eleanor

Mạt chược vốn là một trò chơi đại điện cho văn hóa Trung Quốc nhưng lại được Rachel – người mà Eleanor vốn coi là kẻ ngoài cuộc, lựa chọn để “giải quyết” các mâu thuẫn như ngụ ý về “vị thế thắng cuộc” mà Rachel có trong suốt ván bài. Việc đầu tiên người chơi làm để bắt đầu một ván mạt chược là xào bài và sắp xếp các khối bài thành hàng, qua cách người chơi di chuyển và sắp xếp, có thể biết được họ có quen thuộc với mạt chược hay không, và có thể biết được họ là người trong cuộc hay chỉ là kẻ ngoại đạo. Cái cách Rachel di chuyển các quân bài đầy linh hoạt cho thấy cô hoàn toàn nắm thế chủ động trong ván bài này.

Tuy nhiên, Rachel chơi ván mạt chược này “không phải để thắng mà là để không thua”. Đây là chi tiết thể hiện sự tôn trọng dành cho đối phương và cũng đổi lấy sự tôn trọng cho chính cô. Rachel nắm trong tay con bài mà cả cô và Eleanor đều cần để chiến thắng, nhưng thay vì dùng con bài đó để kết thúc ván mạt chược, cô thả con bài đó cho Eleanor. Việc cô để cho Eleanor dành chiến thắng cũng chính là quyết định từ chối lời cầu hôn của Nick, ngay cả khi cô yêu Nick vô cùng.

Nhưng trên hết, Rachel từ chối Nick không phải vì mệt mỏi hay chán ghét gia đình anh, mà là vì cô không muốn chia rẽ anh và những người thân của anh. Con bài mang tính quyết định mà Rachel đã thả chính là đại diện cho Nick, đại diện cho hạnh phúc mà Rachel hy sinh. Lúc Rachel hạ bài của mình, cô cho Eleanor biết cô đã để cho bà chiến thắng. Điều này đã làm thay đổi suy nghĩ mang tính áp đặt của Eleanor về cô, rằng người Mỹ chỉ quan tâm đến hạnh phúc của riêng mình.

crazy rich asians 7
Crazy Rich Asians không chỉ là một bộ phim tình cảm lãng mạn mà còn gửi gắm nhiều thông điệp về sự khác biệt ý thức hệ giữa phương Đông và phương Tây

Ván mạt chược là cuộc chiến đi tìm sự tôn trọng và thoả hiệp giữa giá trị truyền thống và tư duy hiện đại, giữa quan niệm phương Tây và tư tưởng Á Đông. Crazy Rich Asians chỉ ra sự khác biệt trong hai hệ tư tưởng nhưng không nhằm vào chỉ trích hay đánh giá đâu là giá trị tốt đẹp hơn mà thay vào đó, đã đưa ra một cách giải quyết khá tinh tế. Đây là điểm rất khéo léo trong cách kể chuyện của Crazy Rich Asians với một cốt truyện vốn tương đối cũ. Cuối phim, hình ảnh Nick cầu hôn Rachel bằng chiếc nhẫn của Eleanor như một lời chúc phúc chính là kết thúc đẹp đẽ và trọn vẹn cho hành trình định nghĩa về hạnh phúc này.

Có thể nói rằng Crazy Rich Asians là phiên bản thử nghiệm khá thành công của Hollywood với dòng phim dành cho châu Á mà minh chứng là doanh thu cao ngất ngưởng ở khắp các phòng vé trên thế giới. Nhìn chung, đây là một phim dễ xem cho cả khán giả phương Tây lẫn phương Đông. Sau Crazy Rich Asians, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng rằng sẽ có thêm nhiều phim với kinh phí khủng dành cho châu Á trên thị trường phim Hollywood trong tương lai gần.

Xem thêm

Nếu xem phim Crazy Rich Asians vẫn chưa thỏa mãn, đây là 7 cuốn sách bạn không nên bỏ qua

Sao phim Crazy Rich Asians tích cực ủng hộ các nhà thiết kế gốc Á

Nhóm thực hiện

Bài: Grace Dang (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)