Cửa hàng sát thủ được chuyển thể dựa trên tiểu thuyết The Killer’s Mall của Kang Ji Young. Câu chuyện một cô gái bị đuổi giết sau khi thừa hưởng một khoản tài sản kếch xù từ ông chú của mình được kể bằng cách hợp thể hành động và phá án với rất nhiều mắc xích được sắp xếp không theo một trật tự nào. Trong dòng chảy phim hành động mãn nhãn của xứ kim chi, Cửa hàng sát thủ là một minh chứng cho thấy điện ảnh Hàn vẫn còn nhiều nội lực để khiến thế giới phải ngạc nhiên.
Hãy cùng ELLE khám phá xem chuyện gì đã xảy ra trong Cửa hàng sát thủ và lý giải sức hút của bộ phim này nhé!
Một trò giải đố lớn
Chẳng lan man dài dòng, bộ phim nhanh chóng “úp đầu” khán giả khi để nhân vật chủ chốt Jeong Jin Man do Lee Dong Wook thủ vai qua đời do tự sát ngay từ tập 1. Cháu của anh – Jeong Ji An hiện đang là sinh viên đại học ở Seoul phải tức tốc về quê lo hậu sự cho chú. Trái ngược với vẻ bề ngoài điềm tĩnh như không, thế giới của cô một lần nữa trở nên hỗn độn. Thực chất, mối quan hệ chú cháu được nảy mầm từ những biến cố kinh hoàng trong quá khứ. Sau đám tang của bà, cô tiếp tục phải đối diện với bi kịch đột ngột mất đi cả bố lẫn mẹ, tàn bạo hơn là phải chứng kiến cảnh bạo lực cực kỳ tàn nhẫn ngay trong chính căn nhà của mình. Kẻ thủ ác mau chóng phát hiện và đuổi giết cô bé. Trong thời khắc ngàn cân treo sợi tóc, chú Jin Man đã xuất hiện kịp thời cứu nguy Ji An. Tuy nhiên, những việc kinh khủng vừa xảy ra khiến cô bé mắc chấn thương tâm lý và mất đi khả năng nói chuyện.
Cô bắt đầu cuộc sống mới với người chú lạnh lùng. Không còn sự cưng chiều của bố mẹ, chú sẽ không quan tâm đến những giọt nước mắt của cô bé, luôn dạy những điều kỳ lạ như cách đánh nhau hay cách bảo vệ danh tính. Bắt đầu như một sự sắp xếp bất thường giữa hai người cứng đầu, không thể truyền đạt cảm xúc của mình, đã biến thành một mối quan hệ sâu nặng mặc dù không được thể hiện rõ ràng. Chú như một con sói bị thương nặng ẩn mình vào hang sâu, còn Ji An là một con sói con đang ngày một trưởng thành.
Đến khi chú mất đi, thông báo chuyển khoản 18 tỷ Won tiền thừa kế trong điện thoại như ngòi nổ kích hoạt đường dây của bí ẩn khổng lồ. Một người bán ống nước làm thế nào mà có được số tiền lớn đến như thế?
Nhờ sự giúp đỡ của người bạn thanh mai trúc mã Jeong Min, Ji An mới bàng hoàng trước sự thật rằng người chú vừa mới mất đang điều hành một trang web buôn bán vũ khí có tên là murtherhelp, cũng là người trực tiếp thực hiện các phi vụ giao hàng. Cùng lúc đó, căn nhà rơi vào vòng vây của làn đạn từ nhiều phía nhằm “hủy thi diệt tích” cô gái nhỏ. Tin nhắn trong điện thoại đúng thời điểm gửi tới cho ta biết rằng không chỉ một thế lực muốn giết chết cô bé.
Ji An bắt buộc phải bước vào hành trình trốn thoát khỏi cái chết đồng thời tìm kiếm danh tính thật sự cũng như lý do chú Jin Man tự tử. Đây dường như là một cuộc đấu không cân sức và nhiều khán giả còn đùa rằng Ji An là nữ chính “bị hành” nhiều nhất đầu năm nay.
Xem thêm
• Điều gì làm nên sức hút của bộ phim Hàn “Cô đi mà lấy chồng tôi”?
• 5 bộ phim Hàn Quốc đề tài siêu nhiên đáng chú ý nhất
• Hoài niệm cùng 5 phim Hàn về những mối tình đầu dang dở
Phim hành động nhưng tiết tấu chậm
Trong nền điện ảnh Hàn Quốc, các bộ phim lấy đề tài tội phạm, xã hội đen chiếm số lượng lớn. Để nổi bật giữa xứ sở kinh điển của những câu chuyện báo thù, Cửa hàng sát thủ đã không đi theo lối mòn và tư duy thông thường của các tác phẩm cùng thể loại.
Điểm đầu tiên là cách khắc họa bạo lực. Giống như những Taxi Driver hay Tội ác kinh hoàng, phim mang đến những phân cảnh đối kháng “đinh tai nhức óc”, góp phần làm cho không khí căng thẳng leo thang theo cơn thịnh nộ của nhân vật, kết hợp với phần âm thanh sống động như tiếng lưỡi dao cắt vào da thịt giúp cho khán giả có cảm giác trực quan hơn. Ngoài những cảnh cận chiến đặc trưng như thế, phim cũng đem vào rất nhiều cuộc đấu súng hoành tráng, bắn tỉa cho đến vũ khí hạng nặng.
Phần hình ảnh “ép phê” không có gì để bàn cãi, đặc biệt hơn chính là phim ưa chuộng cách đặt người xem vào điểm nhìn của Ji An. Trong nhiều phân đoạn, khán giả chỉ được nghe thấy âm thanh xô xát xảy ra ở phòng và tiếng bước chân đầy đe dọa đang đến gần hơn, hay cùng cô bé nhìn thấy cảnh gây sốc qua khe cửa. Những cuộc chiến vô hình này khiến bộ phim trở nên căng thẳng và những phân cảnh quay chậm chỉ khiến người ta càng thêm bồn chồn. Trong cảnh mở đầu với tay bắn tỉa, việc cả hai nhân vật truy đuổi không ngừng nghỉ chờ đợi đối phương mất cảnh giác làm tăng áp lực vốn có trong trò chơi mèo vờn chuột.
Bên cạnh đó, phim cắt cảnh rất nhanh, mạch phim đôi khi đột ngột quay về thời điểm quá khứ để kể hàng loạt biến cố diễn ra trong cuộc đời của Ji An. Ngay cả khi đang trong diễn biến của một cuộc tranh đấu sinh tử, phim chọn flashback như ai đó giật mạnh tờ giấy nhưng không làm mất đi độ “cuốn” mà ngược lại làm người xem ngóng chờ hơn. Nhịp độ chậm là một sự đánh đổi đầy rủi ro bởi nó thách thức độ kiên nhẫn của người xem, tuy nhiên phim đã cho thấy đó là một điểm nổi bật đáng công nhận, cho phép khán giả đánh giá cẩn thận các nhân vật và hành động của họ ở cự ly gần.
Theo đó, cách khắc họa Jin Man như một câu đố lớn. Jin Man không bao giờ thật sự có mặt, anh chỉ xuất hiện trong đôi mắt của cô cháu gái. Như thế, chúng ta cũng như Ji An, không có bất kỳ dữ kiện chắc chắn nào về người đàn ông này. Những người xung quanh, mỗi người lại tường thuật những câu chuyện bao bọc Jin Man trong bầu không khí bí ẩn. Người bạn cũ làm nghề lái xe kể về anh như một người tốt bụng, trong khi những kẻ khác không mấy tôn trọng anh. Nhưng điều đó chỉ vẽ nên một nửa bức tranh – nửa còn lại là câu chuyện mơ hồ giữa lằn ranh của sự thật và giả thuyết. Chính vì thế, nhiều khán giả đặt nghi vấn về cái chết của Jin Man. Vì sao chú tự sát? Chú đã thật sự chết hay là một kế hoạch hướng đến điều gì đó lớn lao hơn?
Những khung hình tối nhưng tuyệt đẹp, cùng nhịp phim cuốn hút quá nhiều mờ ám trong tuyến truyện, Cửa hàng sát thủ dẫn dụ người xem phải đi đến tận cùng thế giới của nó để rốt cuộc xem phim đang che giấu điều gì.
BÀI LIÊN QUAN
Màn trình diễn đen tối của dàn diễn viên thực lực
Được biết đến rộng rãi, chưa có dấu hiệu ngừng “viral” cho đến thời điểm hiện tại với vai diễn Thần Chết trong bộ phim truyền hình đình đám Goblin, Lee Dong Wook trong những năm qua giữ vững phong độ với nhiều vai diễn chất lượng. “Ông chú cực phẩm” của điện ảnh Hàn không chỉ gây thương nhớ trong những vai diễn nam chính si tình như Tale of nine tailed mà còn khiến khán giả rợn người với nhân vật khó nhằn trong Strangers from hell.
Trở lại với Cửa hàng sát thủ, Lee Dong Wook mang đến hình ảnh một “ông chú” lạnh lùng, rất có nguyên tắc, đôi khi ngớ ngẩn trong những việc liên quan đến cháu gái. Bộ phim còn là sân khấu cho nam diễn viên thể hiện những màn hành động điêu luyện. Phản ứng hóa học thú vị của nam diễn viên với Kim Hye Jun trong vai cháu gái Ji An cũng là điểm sáng của tác phẩm.
Kim Hye Jun luôn là một tài năng điện ảnh, mặc dù không sở hữu nhiều tác phẩm nhưng lần nào cô cũng khiến người xem phải bàn tán nhiều về mình. Vương hậu Cho – bóng hồng đơn độc mà gây sợ hãi trong Kingdom hay kẻ sát nhân trong Thanh tra Koo – đều được thể hiện xuất sắc bên ngoài gương mặt xinh xắn ngây thơ của cô. Với vai diễn trong Cửa hàng sát thủ, nữ diễn viên đã nắm bắt được sự nhạy cảm, yếu đuối, cứng đầu và quyết liệt của một cô bé trước thế giới ngầm đầy nguy hiểm.
Ji An trưởng thành có màn diễn xuất tuyệt vời, Ji An 13 tuổi do sao nhí Jo Si Yeon cũng không kém cạnh, dù xuất hiện ngắn ngủi nhưng cực kỳ đáng nhớ và đáng khen. Cô bé không chỉ tung hứng ăn ý với chú Lee Dong Wook mà còn diễn giải cảm xúc cực kỳ điêu luyện trong những phân cảnh hoảng loạn hay thử thách tâm lý. Một gương mặt trẻ đáng chú ý nữa góp mặt trong phim chính là Park Ji Bin trong vai Jeong Min. Nắm trọn “giáo án” vai phản diện, nam diễn viên khiến người xem đề phòng ngay từ lần đầu xuất hiện, đảm nhận xuất sắc khía cạnh người tốt và “quái vật”. Tựu chung lại, Cửa hàng sát thủ là một trải nghiệm hết sức mãnh liệt, được tạo ra bởi kịch bản độc đáo cùng những vai diễn ấn tượng và hẳn là bộ phim sẽ tiếp tục mang đến nhiều bất ngờ nữa trong tương lai.
Nhóm thực hiện
Bài: Xuân Yến