Dù vướng nhiều tranh cãi về việc khai thác yếu tố văn hóa, Đi Giữa Trời Rực Rỡ vẫn chinh phục hơn 1 tỷ lượt xem trên các nền tảng kỹ thuật số sau 8 tập đầu tiên. Tập 13 phát sóng vào ngày 16/8 đã thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem trên kênh YouTube của SK Pictures chỉ sau 14 giờ, minh chứng mức độ phủ sóng ngày càng mạnh mẽ của bộ phim này.
Chuyện tình “gà bông” giữa thiếu gia phố núi và nàng Lọ Lem
Đi Giữa Trời Rực Rỡ xoay quanh hai nhân vật chính Pu và Chải. Pu là một cô gái Dao trẻ xuất thân từ một gia đình khó khăn, mơ ước được lên thành phố học đại học. Còn Chải là một chàng trai bản giàu có và kiêu ngạo, quyết tâm giành được tình cảm của Pu. Pu thông minh, đã đỗ đại học, trong khi Chải học “ba năm một lớp”. Pu siêng năng và chín chắn, trong khi Chải dành hết thời gian du hí với chúng bạn. Gia đình Pu nghèo và thậm chí còn “nợ truyền đời” gia đình Chải.
Hai con người với hai tính cách, số phận và xuất thân khác biệt được liên kết với nhau bằng một cuộc hôn nhân sắp đặt. Khi Pu chuẩn bị rời làng để đi học, Chải đã nỗ lực hết sức để giữ cô ở lại, tìm mọi cách để kết hôn với Pu. Nhưng sự kiên trì của anh chỉ khiến Pu ngày càng xa cách hơn.
Chuyện tình của một “cậu ấm” say đắm một cô gái nhà nghèo giàu ước mơ mang đến sự giải trí mới mẻ so với những chủ đề nặng nề thường thấy trong các bộ phim gia đình Việt Nam. Hành động của Chải, mặc dù đôi khi trẻ con, nhưng lại rất đáng yêu và chân thành đã thành công chiếm trọn tình cảm của khán giả.
BÀI LIÊN QUAN
Đi Giữa Trời Rực Rỡ mang đến một điểm sáng độc đáo khi đưa vào các nhân vật là người dân tộc thiểu số với khiếu hài hước, nét mộc mạc, chân phương và tính cách bộc trực đặc trưng của riêng họ. Sự khinh miệt không hề che giấu của Pu đối với Chải và sự tủi thân của anh trước tính thẳng thắn của cô đã phủ lên chuyện phim thêm một lớp sơn hài hước khó cưỡng.
Hơn thế, sức hấp dẫn của bộ phim nằm ở cách miêu tả tích cực, dễ đồng cảm về những đấu tranh và khát vọng thường nhật của con người trước cuộc sống, được thể hiện qua diễn xuất tự nhiên của hai diễn viên trẻ. Long Vũ (vai Chải) và Thu Hà Ceri (vai Pu) có sự kết hợp ăn ý trên màn ảnh và các tình huống trong phim đem đến cặp đôi gà bông vừa đáng yêu, vừa ngọt ngào.
Tuổi trẻ và hành trình chinh phục ước mơ
Song song với việc xây dựng mối tình hồn nhiên của hai bạn trẻ Pu – Chải, Đi Giữa Trời Rực Rỡ cũng mang tới hành trình đầy cảm hứng về một cô gái vùng cao đang đấu tranh để đạt được ước mơ của mình. Bộ phim phác thảo một góc nhìn mới về Việt Nam đương đại, phóng chiếu trên các vấn đề như tiến bộ công nghệ và kinh tế, các vấn nạn như tảo hôn và bất bình đẳng gia đình.
Tại đó, Pu, nhân vật chính, sống dưới cái bóng của một người cha vũ phu, có xu hướng bạo lực và áp đặt quan điểm cứng nhắc, bảo thủ lên gia đình mình. Sự tàn bạo của ông là sự phản ánh rõ nét các chuẩn mực gia trưởng đã và vẫn đang thống trị ngôi làng của Pu, nơi các cô gái bị gạt ra bên lề hệ thống giáo dục, tuân theo các vai trò truyền thống và chịu đựng bạo lực gia đình.
Ở những cộng đồng này, các cô gái thường bị ép kết hôn sớm, ưu tiên cho cuộc sống gia đình hơn là sự nghiệp giống như Pua, bạn của Pu, người đã kết hôn khi mới 16 tuổi. Và những cô gái như Pu, những người truy cầu tri thức hoặc thể hiện tính cách mạnh mẽ phải đối mặt với sự phán xét và hoài nghi khắc nghiệt của cộng đồng.
Bộ phim cũng đi sâu vào bản chất nam tính độc hại hiện diện trong cha của Pu, và của Chải. Trong khi mẹ của Pu hết lòng ủng hộ ước mơ của con gái và tìm mọi cách để giúp cô đến trường, thì cha cô, ông Xuồn, lại trở thành rào cản.
Vì gánh nặng nợ nần với ông Chiểu, ông Xuồn quyết định ký khế ước gán Pu cho Chải, con trai của ông Chiểu. Cha của Chải cũng gây không ít áp lực buộc Pu phải kết hôn với con trai ông như một cách để trả nợ. Còn Chải, chàng trai trẻ giàu có nhất làng, quyết tâm cưới Pu mặc dù cô muốn lên thành phố học đã thậm chí đốt giấy báo trúng tuyển của cô để ngăn cô rời đi.
Nhưng Pu – cô gái Dao Đỏ 18 tuổi đầy tham vọng vẫn nuôi mơ ước trở thành bác sĩ. Quyết tâm của Pu không phải là suy nghĩ mơ mộng của thiếu nữ. Pu có hoài bão và đã hành động, lòng nhiệt huyết và can đảm thôi thúc Pu dũng cảm rời khỏi ngôi làng quen thuộc, đối mặt với những khó khăn của cuộc sống thành phố và theo đuổi một tương lai tốt đẹp hơn.
Hành trình của cô cũng tác động đến Chải, chàng thiếu gia phố núi ham vui với những quan điểm hạn hẹp ban đầu bắt đầu trưởng thành về mặt cảm xúc lẫn nhận thức đã quyết định đồng hành, ủng hộ con đường của Pu. Đi Giữa Trời Rực Rỡ do đó nắm bắt được tinh thần sôi nổi và lạc quan của tuổi trẻ, tạo tiếng vang vì những thông điệp tích cực về việc theo đuổi ước mơ và sống hết mình.
Xem thêm
• [Review phim] “Sweet Home 3”: Cái kết “đuôi chuột” cho loạt phim kinh dị về ngày tận thế
• [Review phim] “Che giấu lãng mạn”: Sức hút đến từ những yếu tố bình dị
• [Review phim] Conan Movie 27: Sức hút đến từ sự kết hợp hài hước và ăn ý của bộ ba nam chính
Điểm cộng lẫn trừ từ việc khai thác yếu tố văn hóa
Lấy bối cảnh là vùng núi non hùng vĩ của Cao Bằng, nơi sinh sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số, ngay từ những tập đầu tiên, Đi Giữa Trời Rực Rỡ đã thu hút khán giả bằng cách khắc họa sự hùng vĩ của thiên nhiên, của những bản làng vùng cao và truyền thống văn hóa phong phú của dân tộc Dao. Thông qua những thước phim mãn nhãn, bộ phim mang tới những khung hình thác nước hùng vĩ, những con đèo quanh co và những ngọn đồi xanh tươi, tạo nên bối cảnh tráng lệ và nên thơ. Mỗi cảnh quay đều được tái hiện sống động và chân thực, mang đến bàn tiệc thị giác bắt mắt người xem.
Đi Giữa Trời Rực Rỡ cũng mở ra một không gian văn hóa độc đáo của người Dao, khám phá lối sống, truyền thống và những thách thức mà họ phải đối mặt do các yếu tố về mặt kinh tế và địa lý. Mặc dù một bộ phim truyền hình với những hạn chế của nó có thể không phản ánh đầy đủ cuộc sống của cộng đồng người Dao, nhưng nó mang đến trải nghiệm xem hấp dẫn, thu hút khán giả.
Cách tiếp cận mới mẻ này đối với chất liệu văn hóa đã phân biệt Đi Giữa Trời Rực Rỡ với nhiều bộ phim truyền hình lấy bối cảnh quen thuộc ở đô thị hay nông thôn. Ở địa hạt điện ảnh những năm gần đây, các nội dung giải trí khác cũng đã khám phá các nền văn hóa vùng cao, chẳng hạn như Kẻ Ăn Hồn (2023) và Tết Ở Làng Địa Ngục (2023) của đạo diễn Trần Hữu Tấn. Những tác phẩm này đã tạo được tiếng vang tích cực với khán giả, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với các nền văn hóa dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Tuy nhiên, Đi Giữa Trời Rực Rỡ cũng phải đối mặt với không ít những lời chỉ trích vì sự không chính xác trong việc thể hiện trang phục truyền thống và các chi tiết văn hóa. Cụ thể, thay vì mặc thường phục, nhân vật Pu lại mặc lễ phục đi chăn trâu hay việc nhân vật nam mặc yếm của nữ bị cho là hành vi “xúc phạm văn hóa và tôn giáo của người Dao”.
Bất chấp những vấn đề này, Đi Giữa Trời Rực Rỡ vẫn là một bộ phim ăn khách với câu chuyện tình yêu, tuổi trẻ hấp dẫn và hợp thời. Những tương tác nhẹ nhàng và đáng yêu giữa Chải và Pu đã được đón nhận nồng nhiệt. Tình cảm ngây ngô nhưng chân thành của Chải dành cho Pu và sự tận tụy, kiên định của Pu dành cho ước mơ là những yếu tố chính khiến họ thành công chinh phục người xem.
Với 110 tập phim và mới chỉ phát sóng tập thứ 13, bộ phim hứa hẹn sẽ tiếp tục mang đến câu chuyện hấp dẫn về cuộc đấu tranh của Pu và Chải chống lại những ràng buộc của xã hội cũng như mang đến một cuộc khám phá sâu sắc hơn, phong phú hơn về những thách thức mà những người trẻ tuổi ở những vùng xa xôi này phải đương đầu.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp