Theo dữ liệu từ Box Office Vietnam, tính đến 21h30 ngày 6/4, Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối đã gặt hái doanh thu ấn tượng hơn 60 tỷ đồng, bao gồm cả vé đặt trước. Riêng trong ngày 6/4, phim ghi nhận doanh thu gần 18 tỷ đồng với hơn 199.000 vé được bán ra từ tổng cộng 5.047 suất chiếu. Trước khi chính thức ra mắt vào ngày 4/4, phim thu hút sự chú ý mạnh mẽ khi công bố đạt được 60.000 vé bán chỉ trong hai ngày chiếu sớm vào 2/4 và 3/4.
Ký sự từ chiến hào
Lấy cảm hứng từ chiến dịch Cedar Falls năm 1967 – một trong những cuộc càn quét lớn nhất của quân đội Mỹ nhằm xóa sổ lực lượng giải phóng miền Nam, Địa Đạo tái hiện một lát cắt u ám của lịch sử bằng ngôn ngữ điện ảnh mạnh mẽ và ám ảnh.
Phim mở màn bằng một cú one-shot kéo dài, lột tả sự hoang tàn nơi Bình An Đông, Củ Chi sau trận càn: rừng bị thiêu rụi, mặt đất loang lổ những vết thương, xác người trôi nổi giữa đám bèo lục bình… Không khí bi thương ấy mở ra câu chuyện về một nhóm du kích gồm 21 người, do Bảy Theo (Thái Hòa) dẫn dắt. Trên danh nghĩa, họ ở lại vùng đất này để bảo vệ nguồn thuốc men và thiết bị quân y cho bệnh viện dã chiến.
Chỉ mỗi Bảy Theo biết rằng nhiệm vụ thực sự của họ là bảo vệ một trạm liên lạc tối mật. Nhóm tình báo chiến lược do Hai Thưng (Hoàng Minh Triết) phụ trách đang âm thầm truyền đi những tài liệu quan trọng qua sóng vô tuyến. Chính nhiệm vụ này đã đặt đội du kích vào thế tử chiến. Khi quân đội Mỹ lần ra dấu vết của họ, một trận đánh sống còn diễn ra ngay trong lòng đất đỏ.
Không đi theo cấu trúc ba hồi quen thuộc, không có một nhân vật trung tâm dẫn dắt, cũng không cố gắng xây dựng cao trào kịch tính, Địa Đạo mang hơi hướm của một bộ phim tài liệu, tái hiện chiến tranh theo cách chân thực và bình thản đến lạnh lùng. Phim như một mảnh ghép được cắt ra từ cuộc chiến trường kỳ. Sự kiện diễn ra theo dòng chảy tự nhiên, xoay quanh những con người bình thường bị đẩy vào giữa cuộc chiến sinh tử.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chọn cách kể câu chuyện bằng sự thô ráp, thực tế và thể hiện trọn vẹn cái bí bách của địa đạo. Không khí sống trong căn cứ, dù khắc nghiệt, được khắc họa qua một nhịp phim chậm rãi và những khoảnh khắc đầy ắp tình người. Họ là những chiến binh nhưng trước nhất là những con người với nỗi sợ hãi, sự hoang mang, khao khát tình yêu và cả ham muốn.
Những chi tiết nhỏ, như một bát nước đục nấu cơm, niềm vui khi nhận được chiếc lược làm từ vỏ bom, khoảnh khắc họ trêu đùa, ghép đôi hay thậm chí lặng người trước một vụ bom nổ… tất cả góp phần làm nên nhịp đập của cuộc sống trong địa đạo. Đó là những hình ảnh đơn giản nhưng cũng đầy sâu sắc, phản ánh sự sống trong điều kiện khắc nghiệt.
Sự hy sinh trong phim cũng không đi theo lối bi kịch hóa. Cái chết đến như một lẽ tất yếu, nhanh chóng và lạnh lùng. Chính cách kể này làm nổi bật tinh thần của lực lượng du kích: họ ẩn mình trong bóng tối, chiến đấu trong thầm lặng và khi nằm xuống, cũng lặng lẽ như một phần của lòng đất. Phim dựng lại lịch sử bằng một tinh thần trung lập, tránh mọi sáo rỗng hay tô hồng nhưng vẫn làm nổi bật sự gan dạ, trí tuệ và lòng yêu nước của cả một thế hệ.
BÀI LIÊN QUAN
Những người lính không quân hàm
Ngoài tái hiện một giai đoạn lịch sử khốc liệt, Địa Đạo còn đưa lên màn ảnh chân dung của những con người bước ra từ cuộc chiến – những người lính không quân hàm, không qua trường lớp quân sự, nhưng sẵn sàng cầm vũ khí để bảo vệ quê hương. Họ là những du kích của Bình An Đông năm 1967, những người nông dân khoác lên mình bộ bà ba lấm lem, cổ đeo khăn rằn, chân mang dép cao su, tay cầm bất cứ thứ gì có thể trở thành vũ khí.
Một số khán giả có thể cảm thấy thiếu những cảnh chiến đấu đẫm máu, nhưng điều này lại phản ánh đúng bản chất của các chiến sĩ du kích trong Địa Đạo. Họ không phải đặc công tinh nhuệ hay những tay súng dày dạn trận mạc. Nhiệm vụ của họ chủ yếu là đặt bẫy, bắn tỉa và bảo vệ địa đạo – những công việc thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng.
Hơn hết, họ là những thanh niên trẻ, nhiều người trong số họ chưa đến đôi mươi. Họ dũng cảm, chân thành nhưng cũng mang trong mình cái bốc đồng, bướng bỉnh của tuổi mới lớn. Họ trưởng thành trong lòng đất, lớn lên cùng tiếng súng, sẵn sàng hy sinh mà chưa chắc đã đủ chín chắn để hiểu hết về cái chết. Ở họ, lòng quả cảm và sự ngây thơ hòa lẫn, tạo nên một thế hệ chiến binh can trường.
Xuyên suốt Địa Đạo là những câu chuyện được dàn trải, đan xen để khắc họa một tập thể gắn kết bởi chiến tranh và số phận. Dù có những nhân vật nổi bật như Bảy Theo, Ba Hương hay Tư Đạp, nhưng không ai thực sự có một câu chuyện riêng biệt. Họ không được giới thiệu bằng những đoạn hồi tưởng về gia cảnh hay quá khứ, mà hiện lên qua những khoảnh khắc đời thường.
Trong đó, Bảy Theo là một người chỉ huy lý trí, đôi khi thô kệch nhưng ấm áp. Những lời căn dặn dành cho đàn em vừa mang tính chỉ huy, vừa ẩn chứa một sự hóm hỉnh rất đời. Anh không cần những màn gào thét để thể hiện sự uy nghiêm, mà khiến nhân vật Bảy Theo trở nên đáng nhớ bằng chính sự cục mịch và gần gũi của mình.
Ngoài ra, Quang Tuấn là một sự lựa chọn hoàn hảo cho vai diễn Tư Đạp. Vẻ ngoài gầy gò, khắc khổ của anh lại càng làm tôn lên được vẻ đẹp tiềm ẩn trong nhân vật anh thể hiện. Đặc biệt, mối quan hệ giữa Tư Đạp – Ba Hương tạo nên một tuyến nhân vật cảm xúc và thú vị. Những pha đối đáp, tình huống giữa hai người đem đến tiếng cười và khắc họa rõ nét sự tương phản giữa hai tính cách: Tư Đạp chất phác, mộc mạc, còn Ba Hương bộc trực, mạnh mẽ. Mối quan hệ này giúp người xem thấy rõ hơn cuộc sống của những chiến sĩ trong lòng địa đạo, với những niềm vui, những tình cảm rất con người.
Xem thêm
•[Review phim] “Dark Nuns”: Sự pha trộn huyền bí Đông – Tây đầy mê hoặc
•[Review phim] “Khi Chim Nhạn Trở Về”: Hành trình báo thù gay cấn của “quý nữ” lưu lạc
•[Review phim] “When Life Gives You Tangerines”: Bản tình ca giàu cảm xúc
Ngôn ngữ ống kính đầy cảm xúc
Dù không phải là một tác phẩm hoàn hảo trong mắt tất cả khán giả, Địa Đạo vẫn là một dấu mốc đáng nể trong dòng phim chiến tranh Việt Nam. Với kinh phí chỉ khoảng 3 triệu USD, bộ phim đã làm được điều mà ít ai nghĩ tới: tái hiện cả một chiến trường, từ lòng đất đến bầu trời, địa đạo, xe tăng, trực thăng và những trận càn tàn khốc của quân đội Mỹ.
Tác phẩm sở hữu nhiều đại cảnh hoành tráng, trong đó nổi bật là phân đoạn lính Mỹ tràn vào địa bàn cùng đội hình xe tăng, xe bọc thép, máy bay trực thăng càn quét bầu trời. Không chỉ phô diễn quy mô, Bùi Thạc Chuyên còn tinh tế sử dụng thủ pháp quay tương phản, liên tục đặt hình ảnh nhóm du kích nhỏ bé bên cạnh khối thép khổng lồ của quân đội Mỹ. Chính cách kể này càng làm nổi bật sự chênh lệch về lực lượng: một bên là cỗ máy chiến tranh hiện đại, một bên là những con người chân đất, ẩn mình dưới lòng đất, chiến đấu bằng mưu trí và ý chí sinh tồn.
Nhịp phim tăng tốc về cuối, khi quân đội Mỹ tiến sâu vào địa đạo. Hiệu ứng âm thanh đóng vai trò quan trọng trong việc tái hiện sự khốc liệt của thời chiến: tiếng bom rơi, đạn nổ, xe tăng nghiến trên mặt đất, trực thăng gầm rú trên không. Nhạc phim cũng là một điểm nhấn, với ca khúc chủ đề Mặt Trời Trong Bóng Tối của Hứa Kim Tuyền, mang đến những khoảng lặng giàu cảm xúc giữa những phân đoạn chiến trận nghẹt thở.
Đặc biệt, Địa Đạo còn tri ân văn hóa truyền thống qua bản vọng cổ Tần Quỳnh Khóc Bạn (soạn giả Viễn Châu), vang lên bằng chất giọng của Út Khờ (Hằng Lamoon) – một thành viên trong tiểu đội. Những giai điệu ấy như một nét chấm phá đầy xúc động, nhắc nhở rằng ngay giữa chiến tranh, con người vẫn níu giữ những gì thuộc về tâm hồn và cội rễ.
Với cách tiếp cận mới mẻ và tinh tế của Bùi Thạc Chuyên, Địa Đạo đã làm sống lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Hiệu ứng truyền miệng tích cực mà tác phẩm tạo ra trong thời gian qua chính là tín hiệu vui cho tương lai điện ảnh Việt. Phim minh chứng cho tiềm năng đưa dòng phim lịch sử, chiến tranh vươn xa, mở ra cơ hội để thể loại này tạo dấu ấn và lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp