Bất chấp thách thức từ việc khai thác chất liệu pháp sư trong thể loại kinh dị, huyền bí vốn được xem như con dao hai lưỡi, Exhuma vẫn có thành tích mở màn ấn tượng. Bộ phim đang hồi sinh các rạp chiếu phim Hàn khi thu hút 5 triệu người xem chỉ sau 10 ngày và thống trị phòng vé trong tuần đầu công chiếu khi đạt gần 17 triệu USD.
“Bộ tứ siêu đẳng” với công thức mới
Exhuma theo chân một nhóm “quật mộ” bốn người bao gồm thầy phong thủy Kim Sang Deok (Choi Min Sik), người hộ tang Yeong Geun (Yoo Hae Jin) và hai pháp sư trừ tà Hwa Rim (Kim Go Eun), Yoon Bong Gil (Lee Do Hyun) trong nhiệm vụ di dời ngôi mộ của một gia chủ giàu có đang sống ở Hoa Kỳ. Cùng lời hứa hẹn về một khoản tiền kếch xù, cả bốn bắt đầu hành trình trên một ngọn núi hoang vu, hẻo lánh, không hề biết họ đang sắp sửa giải phóng một thế lực tà ác bên dưới ngôi mộ.
Exhuma được chia làm sáu chương chính, tiêu đề mỗi chương được lấy từ các thuật ngữ trong đạo Shaman, bao gồm “âm dương ngũ hành’’, ‘‘mộ vô danh’’, “linh hồn’’, ‘‘đất chuyển động’’, ‘‘tàn ma quỷ’’ và ‘‘cọc sắt’’. Giống như câu thoại quen thuộc của bộ phim “con cáo cắn đứt eo con hổ”, nội dung tổng thể có thể được chia thành hai phần lớn. Phần đầu tiên tập trung vào việc cả nhóm thực hiện nhiệm vụ di dời ngôi mộ khỏi vị trí cũ. Phần thứ hai là màn khám phá bí mật kinh hoàng bên dưới chiếc quan tài mà họ mang đi.
Bộ phim kế thừa kỹ thuật mise-en-scène (dàn cảnh) mà đạo diễn đã thể hiện tinh tế ở các phim trước, chèn thêm các câu chuyện tâm linh. Bối cảnh quá khứ đan xen hiện tại, các yếu tố giải trí được thêm thắt hiệu quả giúp người xem dễ thở, biến toàn bộ bộ phim thành một tác phẩm huyền bí theo phong cách Jang Jae Hyun. Sở dĩ bộ phim không hề lỗi thời ngay cả khi văn hóa pháp sư chiếm một dung lượng lớn trong hơn hai tiếng đồng hồ tổng thể hay tôn giáo dân gian là một đề tài vẫn bị gắn nhãn mê tín dị đoan là bởi trong cốt truyện Exhuma còn ẩn chứa các yếu tố huyền bí, lịch sử mang đậm màu sắc Á Đông.
BÀI LIÊN QUAN
Tuy nhiên, vấn đề khi kể một câu chuyện bằng cách tách thành từng chương khác nhau theo hình thức omnibus (chứa nhiều mục) buộc nội dung từng chương, xác suất phân đều tổng thể phải hợp lý. Và bởi có quá nhiều chất liệu, chi tiết ẩn dụ, nội dung cần thể hiện nên việc tách chương gần như không mang lại nhiều hiệu quả trong việc trình bày câu chuyện, dẫn tới sự kết nối thông tin bị lỏng lẻo, khiến bản thân bộ phim đôi khi trở nên khá hỗn loạn, nhất là với những khán giả không hiểu sâu bối cảnh lịch sử, chính trị và những câu chuyện Phật giáo, Thần đạo được lồng ghép.
Nếu hồi một tới giữa hồi hai, người xem có thể dễ dàng nhận ra phản diện là một bóng ma Hàn Quốc đang tìm cách trả thù hậu duệ của mình thì phần sau hồi hai tới cuối phim, phản diện trở nên khá mơ hồ. Một trong những đặc trưng của thể loại phim kinh dị, huyền bí là “kẻ nguy hiểm nhất” được thể hiện rõ ràng và khiến khán giả giật thót bởi sự thoắt ẩn lẫn ngoại hình, nhưng càng về cuối, rất nhiều người xem không thể nhận rõ “trùm cuối” là tướng quân Samurai hay Âm Dương sư Guseni…
Ngoài ra, bất chấp thể loại của phim, yếu tố kinh dị thực sự chỉ được thể hiện thoáng qua ở các đoạn “jumpscare”. Nửa đầu phim mang không khí huyền bí, tâm linh khá tương đồng với The Wailing (2016). Đến hồi hai, phim vẫn trung thành với thể loại huyền bí, nhưng càng về cuối lại mang hơi hướm một bộ phim siêu anh hùng được cách tân bằng các nghi lễ và kinh tự. Nhiều chi tiết khác nhau tượng trưng rõ ràng cho các phe phái thân Nhật Bản và cuộc xâm lược Joseon thời Nhật thuộc xuất hiện.
Với việc kết hợp một nhóm gồm bốn con người thuộc ba thế hệ kế tiếp nhau, với những tính cách, số phận riêng biệt và chịu những tác động theo cách riêng bởi lịch sử cùng đối mặt với ngôi mộ, phần nào cho thấy thái độ và cách nhìn nhận riêng của mỗi thế hệ khi nhìn về quá khứ. Từ đây, bộ phim cũng đem tới thông điệp về sự gắn kết các thế hệ, tinh thần cộng cảm và chủ nghĩa dân tộc.
Khi phim kinh dị “khoác áo” lịch sử
Thuật ngữ “Exhuma” (hay Pamyo trong tiếng Hàn) ở đây không chỉ nói về quá trình vật lý khi di dời thi thể hay mộ phần người đã khuất mà còn bộc lộ những mâu thuẫn, mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật với quá khứ của đất nước họ, đem tới sự phản ánh về các chủ đề lớn như chính trị, tôn giáo và lịch sử. Câu chuyện trong bộ phim tập trung phần lớn chính vào ngôi mộ. Nó là trọng tâm của toàn bộ câu chuyện, là điểm mở đầu cũng là điểm kết thúc hành trình.
Bộ phim cho thấy rất nhiều nỗ lực để thể hiện những cảnh quay siêu thực của đạo Shaman Hàn Quốc, chẳng hạn như quá trình đào bới truyền thống và nghi lễ để xoa dịu các linh hồn, cách các thầy phong thủy thực hiện công việc của họ như nếm thử đất, đọc kinh… cũng khiến toàn bộ câu chuyện diễn ra trong bầu không khí hết sức rợn ngợp.
Sở hữu cốt truyện lớp lang, tình tiết chồng lên tình tiết, các giai thoại lịch sử, biểu tượng Phật giáo, Thuyết vật linh… bộ phim đã thành công xây dựng một thế giới giả tưởng hiện đại với bầu không khí đẫm chất phương Đông, ý niệm về sự sống và cái chết, các yếu tố phong thủy thường được người Đông Á tín nhiệm lẫn sự hoài nghi của xã hội hiện đại đối với lực lượng siêu nhiên. Tất cả những yếu tố này mang lại chiều sâu cho cốt truyện và góc nhìn rõ nét về lịch sử chiến tranh Triều Tiên – Nhật Bản.
Trong phim, tên của các nhân vật cũng được lấy từ tên của các nhà hoạt động vì độc lập đã chiến đấu chống Nhật. Ngay cả biển số xe vũng được đặt theo các ngày trọng đại tại Hàn Quốc như Ngày Độc lập 01/03 (biển số 0301) và Ngày Giải Phóng 15/08 (biển số 0815)…
Thêm vào đó, trái ngược với hình ảnh bề ngoài của thể loại này, thông điệp thực sự mà bộ phim muốn gửi đến khán giả chính là sự xóa bỏ những tàn tích hữu hình lẫn vô hình của chủ nghĩa thực dân Nhật Bản và trau dồi ý thức dân tộc. Bắt đầu với việc khám phá ra bí ẩn sâu trong lòng cổ mộ, bộ phim cũng có thể được chia thành hai phần khác nữa. Phần đầu tiên tập trung vào việc loại bỏ phe thân Nhật còn tồn tại và ảnh hưởng tiêu cực của nó. Phần sau tập trung tố cáo hành vi tàn bạo quân phiệt của Nhật Bản vốn cố gắng thống trị thế giới vật chất và tinh thần của nhân dân Hàn Quốc trong quá khứ. Do đó, như tiêu đề “quật mộ” đưa ra, mục tiêu khai quật không chỉ đơn giản là di dời mộ phần của người phản quốc thân Nhật mà còn để loại bỏ hệ tư tưởng cực hữu của Nhật Bản và ý thức thực dân đang tiềm ẩn hoặc ẩn giấu trong trong mỗi con người.
BÀI LIÊN QUAN
Exhuma cũng gây ra nhiều luồng phản ứng trái chiều khi bị cho rằng đây là một phim mang tư tưởng chống Nhật. Các linh hồn Daimyo (lãnh chúa) và quái vật được miêu tả trong phim tượng trưng cho các samurai và linh hồn của họ trong cuộc xâm lược của Nhật Bản vào Hàn Quốc hoặc thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản. Hình tượng ma Nhật Bản trong tuyến truyện sau cũng được xây dựng đối nghịch với ma Hàn Quốc trong tuyến truyện đầu tiên. Theo đó, ma Hàn Quốc là một linh hồn ai oán, chỉ làm hại những người liên quan tới mối thù hằn cá nhân của mình. Ma Nhật Bản lại được xây dựng như một kẻ cuồng sát, nó sẽ hãm hại bất cứ ai mà nó nhìn thấy.
Nhiều ý kiến lại bênh vực rằng bộ phim không chủ trương “chống Nhật” hay “bài Nhật” mà chỉ là sự chỉ trích nước Nhật trong quá khứ khi cố gắng xâm chiếm toàn thế giới thông qua việc kêu gọi Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á thực thi chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa quân phiệt. Đồng thời đây cũng là sự chỉ trích thái độ thờ ơ của họ thời đó khi tận hưởng vinh quang hậu chiến mà không một lời hối lỗi. Minh chứng là kết thúc bộ phim, con gái của thầy phong thủy Sang Deok kết hôn với một chàng trai người Đức. Trong lịch sử Hàn Quốc, Đức và Nhật là hai kẻ thù lớn nhất. Tuy nhiên, khi hòa bình lập lại, người Hàn cho rằng họ chỉ nhận được lời xin lỗi từ thủ tướng nước Đức.
Nhìn chung, Exhuma vẫn là bộ phim điện ảnh xứng đáng ra rạp với phần nhìn mãn nhãn, diễn xuất chắc tay và duy trì được nhịp phim kịch tính xuyên suốt bên cạnh yếu tố hài hước cài cắm hiệu quả.
Nhóm thực hiện
Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp