[Review phim] “Joker: Folie À Deux” và phiên tòa xử tội “cái bóng”
Là một vở nhạc kịch, được viết và đạo diễn bởi Todd Phillips, “Joker Folie À Deux” tiếp tục câu chuyện về Arthur Fleck – người đàn ông đã từng sa ngã, tan vỡ và lạc lối trong một thế giới bạo tàn và khắc nghiệt – bỗng tìm thấy lý do để tiếp tục sống là chính mình. Dù chịu nhiều luồng ý kiến trái chiều, “Folie À Deux” vẫn là một trải nghiệm điện ảnh đáng để suy ngẫm.
Năm 2019, Joker đã tạo nên một cơn địa chấn toàn cầu. Với 11 đề cử Oscar, trong đó có giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Joaquin Phoenix cùng doanh thu phòng vé vượt mốc 1 tỷ đô la, Joker chính thức trở thành tác phẩm nhãn R có doanh thu cao nhất mọi thời đại, cho đến khi Deadpool & Wolverine giành lại ngôi vị này vào năm 2024. Được đảm bảo bằng lợi nhuận khổng lồ cùng hàng loạt giải thưởng danh giá, quyết định sản xuất phần 2 Joker: Folie À Deux của Warner Bros do đó là điều tất yếu.
Tình yêu tuyệt vọng của anh hề nghèo
Tiếp nối chuỗi câu chuyện ám ảnh của Arthur Fleck – kẻ đã làm rung chuyển Gotham với bộ mặt quái dị của Joker trong phần 1, Joker: Folie À Deux đưa chúng ta đến Arkham Asylum nơi anh đang là tù nhân khét tiếng. Sau hai năm bị giam giữ và ngược đãi dưới bàn tay của những người lính canh do Jackie Sullivan chỉ huy, anh sống trong một phòng giam nhỏ, bẩn thỉu và chỉ được thả ra mỗi sáng để đổ xô nước tiểu vào bồn rửa. Giờ đây, Arthur chỉ còn da bọc xương, khuôn mặt vô hồn, sắp đối diện với một phiên tòa thế kỷ.
Một lần tình cờ, Arthur gặp Lee trong giờ trị liệu âm nhạc. Cô gái với màu tóc sáng rực đã thắp lên một tia lửa trong cuộc sống ảm đạm của anh. Mối quan hệ của họ sâu sắc hơn trong buổi xem bộ phim kinh điển The Band Wagon của Stanley Donen tại phòng sinh hoạt chung. Ở đây, Lee muốn ra ngoài và tìm cách phá hỏng buổi chiếu phim bằng cách đốt cháy một cây đàn piano.
Giữa khung cảnh hỗn loạn, cả hai cùng nhau chia sẻ một chút hương vị tự do thoáng qua trước khi trở lại với nơi giam cầm. Lúc này, Arthur hoàn toàn bị mê hoặc, lạc vào những giấc mơ ban ngày tràn ngập tiếng hát, điệu nhảy, âm thanh sôi động, nơi anh hóa thân thành Joker. Họ không chỉ là những người yêu nhau mà còn là hai mảnh ghép của một tâm hồn đã bị xé toạc, tìm kiếm sự đồng điệu trong điên rồ.
Lady Gaga truyền vào vai diễn Harley Quinn của cô một sự ranh mãnh, khéo léo. Nhân vật của cô là người bí ẩn, thông minh nhưng cũng điên loạn không kém. Câu chuyện quá khứ ám ảnh của cô, tuổi thơ bị ngược đãi ở một nơi khắc nghiệt của Gotham, nơi mẹ cô đã gửi cô vào tù thực chất là vỏ bọc cho sự thật rằng cô có một cuộc sống như một cô gái bình thường được cha mẹ trân trọng, bao gồm một người cha là bác sĩ trong một khu phố thịnh vượng. Sự tương phản giữa những gì Lee nói và thực tế bí ẩn của cô tạo thêm nhiều tầng hấp dẫn và chiều sâu cho nhân vật này.
Sự xuất hiện của Lee không chỉ là tình yêu mà còn là một phép thử. Chúng ta thấy được sự đấu tranh nội tâm của Arthur giữa hai bản thể: gã hề và con người thật của mình. Mỗi lần Arthur tiếp xúc với Lee, người xem lại cảm nhận được những giây phút thăng hoa và những đau đớn giằng xé.
Arthur Fleck trước đây chỉ là một anh hề nghèo, sống lẩn khuất dưới đáy xã hội Gotham. Mắc chứng rối loạn tâm lý, gã trở thành mục tiêu cho những kẻ bắt nạt, kể cả từ những đứa trẻ. Gã, nạn nhân của một xã hội đầy khiếm khuyết, bị đẩy đến bạo lực bởi những thất bại của hệ thống lần đầu được nếm trải dư vị ngọt ngào của tình yêu, gã hạnh phúc và sợ hãi niềm hạnh phúc mong manh mà gã có. Gã sợ trở lại thành Arthur – một kẻ ngụ cư lạc loài trong lòng xã hội, đấu tranh với nỗi cô đơn, sự chối bỏ và sẽ mãi mãi bị chối bỏ cho đến lúc chết đi. Nhưng gã cũng sợ trở thành Joker, một tên tội đồ vì gã sẽ là cha, được làm cha.
Tình yêu của Lee và trách nhiệm vĩ đại của việc làm cha đã khiến một kẻ đã hoàn toàn ngụy trang dưới lớp vỏ Joker lại có thể dũng cảm trở về với bản ngã của mình. Đó là một hành trình đầy mạo hiểm, không chỉ bị cả thế giới chối bỏ mà còn đẩy anh vào chỗ tuyệt vọng, nơi mọi dấu vết của nhân dạng bị xóa sổ. Sự trở về này không chỉ là tìm kiếm sự tha thứ, mà còn là chấp nhận cái giá của sự thật, chấp nhận Arthur là Arthur, không phải “cái bóng”.
Chỉ là Arthur không hề biết Lee không yêu anh, và không có đứa bé nào cả. Lee yêu cái bóng của anh, hào quang của Joker.
Trong phim, âm nhạc trở thành biểu hiện cho những cảm xúc sâu kín mà Arthur không thể thốt ra, là thế giới tưởng tượng riêng biệt của anh. Đó là cầu nối giao tiếp giữa anh và Lee.
Các màn trình diễn hòa quyện vào nhau trong các chuỗi cảnh như mơ, nơi hai kẻ điên tìm thấy hào quang của mình, hát, kể, nói với nhau và mường tượng bản thân trong một vở nhạc kịch, show truyền hình của Hollywood. Mỗi khi âm nhạc vang lên, ranh giới mỏng manh giữa thực tại và mộng tưởng trở nên mờ nhạt, đôi khi khiến khán giả cảm thấy bối rối, không biết đâu là thật, đâu là ảo.
Xem thêm
• [Review phim] “Gyeongseong Creature 2”: Bước tiến đến tương lai hay bước lùi của thương hiệu?
• [Review phim] “Cám” (2024) – Phiên bản “hắc thoại” của chuyện cổ tích tuổi thơ
• [Review Phim] “Đi Giữa Trời Rực Rỡ” – Chuyện tình nàng nàng Lọ Lem và chàng “tổng tài” phố núi
Tội của “cái bóng” và hành trình tìm lại nhân dạng
Sau khi biến Arthur thành một phản anh hùng trong bộ phim đầu tiên, đưa Joker ra mắt thành phố Gotham bẩn thỉu, thúc đẩy sự trỗi dậy của một đội quân tín đồ cuồng tín, châm ngòi cho các cuộc bạo loạn, Joker: Folie à Deux đã lùi lại một bước. Bộ phim miêu tả Arthur như một người đàn ông đang vật lộn với hậu quả của một phong trào mà anh ta không bao giờ có ý định khơi dậy.
Mở đầu bộ phim là màn mô phỏng một phân cảnh kinh điển qua đoạn phim hoạt hình ngắn có tên Me and My Shadow – Tôi và cái bóng của tôi khi Arthur hóa trang thành chú hề, bắn một người dẫn chương trình trò chuyện trên truyền hình quốc gia. Tiền đề của bộ phim đầu tiên cho thấy Arthur là một kẻ tâm thần khốn khổ và tuyệt vọng. Anh thực sự bị cái bóng giết người của chính anh chiếm hữu. Ngay cả khi anh ta trang điểm như một chú hề và mặc bộ đồ đỏ, anh vẫn chỉ là một kẻ thua cuộc bình thường đang giả vờ làm một nhân vật phản diện lớn. Dưới lớp sơn bóng bẩy của Joker là một Arthur yếu đuối và nhỏ bé đang run rẩy.
Joker: Folie À Deux phần lớn diễn ra như một bộ phim truyền hình về tòa án, tại đó Arthur phải đối mặt với một phiên tòa dường như không thể thắng, phiên tòa định tội của anh, nhưng thực chất là tội của Joker, tội của cái bóng. Arthur biết rằng lời biện hộ về chứng mất trí, rối loạn nhân cách là hy vọng duy nhất của mình, nhưng anh khao khát lấy lại danh tính Joker – nhân vật hỗn loạn, đáng sợ mà luật sư của anh thúc giục anh từ bỏ. Danh tính này đã mang lại cho anh danh tiếng, ý thức về mục đích và quan trọng nhất là mối liên hệ sâu sắc với Lee.
Từ đây, bộ phim xây dựng thành công hai phiên tòa căng thẳng, một phiên tòa định tội Arthur/Joker, một phiên tòa trong tâm tưởng nơi Arthur buộc phải lựa chọn định danh tôi sẽ là ai, là tôi hay là cái bóng của tôi. Tiếc thay, cả Arthur lẫn Joker đều thua cuộc trong cả hai phiên tòa. Dù trở lại là Arthur, anh cũng không rũ bỏ được án tử hình và cũng vì trở lại làm Arthur, anh không phải là người mà Lee khao khát. Anh hề nghèo lần nữa bị bỏ rơi.
Joker: Folie à Deux khép lại với nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. Sự mơ hồ trong mối quan hệ giữa Arthur và Joker để lại cho người xem cảm giác chưa thỏa mãn, nhưng chính điều đó lại tạo nên một sức hút khó cưỡng. Phim không chỉ là một tác phẩm giải trí, mà còn mà còn mở ra một không gian cho những suy ngẫm về tình yêu, tâm lý và sự tìm kiếm bản thể.
Mãn nhãn về hình ảnh, diễn xuất; mãn nhĩ về âm thanh
Không ngoa khi nói rằng Joaquin Phoenix là linh hồn của Joker: Folie à Deux. Quay trở lại với vai diễn biểu tượng, Joaquin một lần nữa thể hiện xuất sắc hình tượng Arthur Fleck, với dáng vẻ gầy gò, đôi má hốc hác và ánh nhìn đầy sâu thẳm. Sự đa dạng trong biểu cảm, từ ánh mắt điên loạn cho đến nụ cười ngây thơ, từ một Joker bùng nổ cơn giận dữ trong phiên điều trần đến một Arthur dịu dàng, đầy tình cảm bên cạnh Lee; khán giả sẽ chứng kiến một Arthur liên tục biến hóa.
Lady Gaga cũng không kém phần ấn tượng khi đảm nhận vai người tình của Joker. Với kinh nghiệm từ những vai diễn thành công trước đây như A Star Is Born, cô đã khéo léo kết hợp khả năng thanh nhạc tuyệt vời để tạo nên những phân cảnh đầy sức hút.
Màn hóa thân của Lady Gaga không chỉ mang đậm dấu ấn cá nhân của cô mà còn cho thấy sự hòa quyện giữa nhân vật và bản thân cô, mang lại một phiên bản Harleen Quinzel mới mẻ, khác biệt so với các hình ảnh trước đây.
Joker Folie à Deux đưa khán giả đi qua ít nhất một thế kỷ lịch sử điện ảnh Hollywood. Bộ phim mở đầu bằng một đoạn hoạt hình phong cách Looney Tunes do Sylvain Chomet thực hiện, rồi chuyển sang thể loại phim tù kiểu Shawshank, sau đó là một vở nhạc kịch và cuối cùng là một bộ phim chính kịch về phòng xử án.
Những cảnh nhạc kịch giữa Joker và Harley cũng được dàn dựng công phu, gợi nhớ đến vẻ đẹp trong La La Land của Damien Chazelle. Các trường đoạn quay one shot đầy sáng tạo, xen kẽ những cú máy theo dõi Arthur và Lee, tạo ra cảm giác như họ đang sống trong một thế giới huyền ảo, hoàn toàn tách biệt khỏi thực tại xung quanh. Mộng tưởng của họ, vừa đẹp, vừa xa vời thăm thẳm.