Chỉ một ngày sau khi phát sóng, Karma vươn lên vị trí số 2 trong Top 10 Netflix Việt Nam, chỉ sau When Life Gives You Tangerines. Sau 4 ngày, phim giữ ngôi đầu bảng và lọt top thịnh hành ở nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia…

Nghiệp báo không đến ngay, nhưng sẽ đến
Một vụ nổ bất ngờ tại tòa nhà bỏ hoang, trong đống đổ nát, đội cứu hộ tìm thấy một người sống sót không rõ danh tính. Người này nhận mình là Park Jae Yeong. Quay ngược lại mười lăm ngày trước, Jae Yeong còn là một gã thất nghiệp, nợ ngập đầu, sống lay lắt bằng việc giao hàng và cờ bạc online. Phát hiện cha có hợp đồng bảo hiểm trị giá 500 triệu won, hắn lên kế hoạch giết cha và dàn dựng thành vụ tai nạn để chiếm tiền. Nhưng mọi thứ trượt khỏi kiểm soát khi ông cụ chết thật và cảnh sát lại kết luận đây là một vụ giết người.
Song song đó, đôi tình nhân trẻ Han Sang Hoon và Yoo Jung đang trên đường du lịch thì gây tai nạn chết người trong lúc say xỉn. Chọn cách che giấu, họ không ngờ bị một người đàn ông chứng kiến và tống tiền. Thỏa thuận im lặng nhanh chóng biến thành chuỗi bi kịch đẩy mọi thứ vượt khỏi giới hạn.

Karma hút người xem ngay từ tập đầu nhờ lối kể chuyện cuốn hút như tiểu thuyết trinh thám, với nhịp dựng khẩn trương và không khí u ám. Mỗi nhân vật xuất hiện đều đứng trước ngã rẽ biến chất, có người vì tiền, có người vì sợ hãi, có người đơn giản chỉ vì không đủ can đảm để đối diện với sai trái. Nhưng dù lý do là gì, tất cả đều mắc kẹt trong chuỗi hệ quả không thể kiểm soát, tạo ra hiệu ứng domino đầy kịch tính.
Từ tập 3 trở đi, các mảnh ghép bắt đầu xích lại gần nhau. Một vụ tai nạn bí ẩn dần hé lộ bản chất thật của từng người. Những gì tưởng là ngẫu nhiên hóa ra chỉ là mắt xích trong chuỗi nhân – quả đã được định hình từ trước. Sáu nhân vật xuất hiện trong sáu thế giới riêng, tưởng như không có điểm giao ấy được quấn chặt bởi sợi dây liên kết mang tên nỗi sợ, bản năng sinh tồn và sự sa ngã trước cám dỗ.
Phim vận hành như một chuỗi domino tâm lý, mỗi quyết định cá nhân kéo theo hàng loạt hệ quả không thể kiểm soát. Khi một người ngã xuống, tất cả cùng trượt dài. Tình tiết được sắp xếp khéo léo, chuyển biến mạch lạc đến mức khiến người xem có cảm giác như bị dẫn dắt mà không hề hay biết.
Karma không giảng đạo hay khuyên răn. Thông điệp về nhân – quả được thể hiện qua chính các lựa chọn của nhân vật. Từ một vụ tai nạn ban đầu, chuỗi hệ quả lan rộng, kết nối sáu con người bằng những mối dây vô hình. Họ đều rơi vào cái bẫy do chính họ hoặc người khác tạo ra. Và rồi, ai cũng phải trả giá, dù sớm hay muộn.
BÀI LIÊN QUAN
Cốt truyện xoắn lối nhưng mạch lạc
Karma chọn cách kể phi tuyến tính. Dù nhân vật đông, tuyến truyện chằng chịt, nhưng mạch phim không rối, ngược lại càng lúc càng gợi tò mò. Mỗi người trong phim đều mắc sai lầm và chính những lựa chọn sai đó đã kéo theo hàng loạt hệ quả nghiêm trọng. Tình tiết trong phim được sắp xếp có chủ đích, không dư thừa, không lỏng lẻo.
Biên kịch kiêm đạo diễn Lee Il Hyung vốn được biết đến qua những bộ phim tội phạm như A Violent Prosecutor hay Remember. Karma đánh dấu lần đầu ông bước vào lĩnh vực truyền hình sau nhiều năm hoạt động ở mảng điện ảnh. Chính vì vậy, cách ông triển khai câu chuyện mang đặc trưng của phim điện ảnh: nhịp kể chắc, không lê thê và chú trọng vào cảm xúc ngầm thay vì lời thoại nặng tính giải thích.
Sáu nhân vật, sáu hoàn cảnh khác nhau, tưởng như chẳng liên quan gì đến nhau. Nhưng theo diễn biến, người xem càng thấy mọi thứ được kết nối chặt chẽ qua những sự kiện tưởng tình cờ mà hóa ra đều có lý do. Phim ghi điểm nhờ cách xây dựng nhân vật chặt chẽ. Không ai trong số họ là hình mẫu lý tưởng hay đơn giản chỉ để làm nền cho câu chuyện chính. Mỗi người đều có một quá khứ phức tạp, một nỗi sợ hoặc một sai lầm khiến họ rơi vào vòng xoáy mà chính họ cũng không thể dừng lại. Những lựa chọn tưởng chừng là cá nhân cuối cùng lại nối kết với nhau, tạo nên hậu quả dây chuyền mà không ai lường trước.
Điểm sáng lớn nhất của Karma nằm ở cách phim liên tục xáo trộn cấu trúc thông tin. Càng về sau, từng mối quan hệ tưởng chừng rời rạc bắt đầu lộ diện bản chất thực sự, từng cú twist được tung ra đúng thời điểm. Phim dẫn dắt khán giả từng chút một, để khi sự thật lộ ra, người xem hiểu rằng mọi thứ đã được cài cắm từ trước. Do đó, đây không phải bộ phim có thể xem qua loa. Nó đòi hỏi sự chú ý, vì mỗi chi tiết nhỏ đều có vai trò trong mạch truyện lớn.
Xem thêm
•[Review phim] “Hyper Knife”: Ranh giới giữa thiên tài và quái vật
•[Review phim] “Revelations”: Khi đức tin trở thành nỗi ám ảnh
•[Review phim] “Địa Đạo”: Bản hùng ca của đất và người
“Bàn tiệc” diễn xuất
Bên cạnh cốt truyện gay cấn, cách kể chuyện lôi cuốn và những cú twist được cài cắm khéo léo, sức hấp dẫn của Karma còn ở diễn xuất chắc tay của dàn diễn viên. Mỗi nhân vật đều được thể hiện một cách rõ nét, từ ánh mắt, cử chỉ cho đến nội tâm, góp phần làm cho câu chuyện trở nên sống động và khó quên.
Dàn diễn viên của phim gần như là sự kết hợp lý tưởng cho một dự án truyền hình nhiều tầng lớp tâm lý như Karma. Park Hae Soo, Shin Min Ah, Lee Hee Jun, Kim Sung Kyun, Gong Seung Yeon… đều là những gương mặt quen thuộc, đã chứng minh năng lực diễn xuất trong nhiều dự án lớn. Bên cạnh đó, sự xuất hiện ngắn nhưng ấn tượng của Kim Nam Gil và Cho Jin Woong trong hai vai cameo cũng góp phần tăng thêm sức nặng cho tuyến truyện. Việc Lee Il Hyung được hậu thuẫn bởi một ê-kíp mạnh cả về nội dung và nhân sự là yếu tố quan trọng giúp Karma giữ được chất lượng ổn định trong suốt 6 tập phim.
Một trong những gương mặt đáng chú ý nhất của Karma là Park Hae Soo – diễn viên từng ghi dấu ấn mạnh mẽ qua loạt vai diễn trong Squid Game, Prison Playbook và Money Heist: Korea. Anh là người hiếm hoi có thể linh hoạt chuyển hóa giữa vai chính diện và phản diện, từ đó tạo nên nhân vật đa chiều.
Trong Karma, vai diễn của Park Hae Soo được xây dựng với tính cách nham hiểm, khó đoán và đòi hỏi tiết chế trong thể hiện – điều mà Park Hae Soo xử lý khá gọn ghẽ. Ánh mắt, cử chỉ và những khoảng lặng trong diễn xuất của anh đủ khiến người xem cảm thấy bất an. Dù chỉ xuất hiện rõ nét từ nửa sau tập 2, nhân vật của anh nhanh chóng trở thành tâm điểm, dẫn dắt dòng chảy câu chuyện theo những hướng ít ai đoán được.
Shin Min Ah từng được khán giả quen mặt qua những vai diễn nhẹ nhàng, giàu cảm xúc trong My Girlfriend Is a Gumiho (2010), Hometown Cha Cha Cha (2021) hay Our Blues (2022). Nhưng trong Karma, cô có bước chuyển mình đáng kể khi đảm nhận vai bác sĩ Joo Yeon – một nhân vật phức tạp, nhiều tổn thương, bị thù hận gặm nhấm dần theo thời gian.
Dù xuất hiện trong một dàn cast đông đảo, Shin Min Ah vẫn để lại dấu ấn rõ rệt. Nhân vật của cô là kiểu người bên ngoài dịu dàng nhưng trong tâm lại đầy rạn vỡ. Cách Shin Min Ah thể hiện những lớp tâm lý này không cầu kỳ, nhưng đủ chiều sâu để khiến khán giả dừng lại suy nghĩ. Sự giằng xé giữa cảm xúc và lý trí được nữ diễn viên truyền tải trọn vẹn bằng lối diễn tự nhiên và chân thực.
Bên cạnh đó, các gương mặt như Kim Sung Kyun, Lee Hee Joon, Lee Kwang Soo hay Gong Seung Yeon cũng góp phần tạo nên một tổng thể đa chiều. Họ không được xây dựng để làm nền cho tuyến chính, mà đều có những lát cắt riêng về số phận và tâm lý. Mỗi người là một mảnh ghép, góp phần hoàn chỉnh bức tranh về những con người bị dồn vào thế cùng.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp