Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review phim] “Mặc Sát”: Cái ác của sự im lặng

Được đạo diễn bởi Kha Vấn Lợi, “Mặc Sát” không chỉ thu hút người xem nhờ cốt truyện ly kỳ, khó đoán mà còn bởi hệ thống nhân vật phức tạp cùng thông điệp sâu sắc vê mặt trái của xã hội. Mỗi người với một câu chuyện riêng biệt, được xây dựng một cách tinh tế và mạnh dạn đề cập đến những chủ đề nhạy cảm như bạo hành gia đình, lạm dụng tình dục. Điều này khiến không ít khán giả ngỡ ngàng khi phim thành công vượt qua vòng kiểm duyệt nghiêm ngặt của đất nước tỷ dân.

Mặc Sát là một bộ phim điện ảnh Trung Quốc vừa chính thức ra mắt trên Netflix, sau khi tạo nên cơn sốt tại quê nhà mùa Hè vừa qua. Dù không được phát hành rộng rãi ở các rạp Việt, nhưng ngay khi lên sóng nền tảng phát trực tuyến, bộ phim nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí top 1 trong bảng xếp hạng những phim điện ảnh được xem nhiều nhất tại Việt Nam. 

poster phim mặc sát
Mặc Sát – bộ phim Trung Quốc đã tạo cơn sốt tại quê nhà vừa ra mắt trên Netflix.

Mẹ, con và những bí mật đen tối nơi học đường

Câu chuyện trong Mặc Sát diễn ra tại trường nữ sinh Tĩnh Hoa. Trong đó, Trần Ngữ Đồng, một cô bé bị câm bẩm sinh, cũng là con của nữ lao công Lý Hàn, trở thành mục tiêu bị nhóm nữ sinh giàu có trong trường bắt nạt. 

Trò đùa tàn nhẫn của bọn trẻ lên đến đỉnh điểm khi chúng dùng keo dán Trần Ngữ Đồng vào tường, bôi keo lên mặt cô bé đến mức khiến cô không thể mở miệng. Muốn giúp con gái thoát khỏi cuộc sống bạo lực này nhưng Lý Hàn, mẹ của Ngữ Đồng không thể làm gì hơn ngoài việc cắt đi mái tóc dài của con gái.

Nhịp phim bắt đầu leo thang căng thẳng khi vào một đêm mưa, nhóm nữ sinh từng bắt nạt Trần Ngữ Đồng đến khu nhà cũ bỏ hoang để chơi. Tại đây, một kẻ mặc áo mưa bí ẩn đã ra tay sát hại họ. Vụ án lập tức thu hút sự chú ý của phía cảnh sát. 

Ban đầu, đội trưởng đội điều tra nghi ngờ mẹ con Lý Hàn, nhưng hiệu trưởng trường Tĩnh Hoa lại đề xuất hướng điều tra sang một người thợ sửa chữa tên Lâm Tại Phúc. Theo diễn biến, bộ phim dần hé lộ những bí ẩn khủng khiếp, mở ra một loạt bi kịch ẩn giấu đằng sau mỗi nhân vật. 

nhân vật ngữ đồng trong phim mặc sát
Câu chuyện theo chân một cô bé bị bắt nạt, dần mở ra một loạt bi kịch ẩn giấu.

Mặc Sát mở đầu đầy kịch tính, ngay lập tức thu hút người xem, nhưng dần dần chuyển sang nhịp chậm hơn để khán giả có thời gian làm quen với từng nhân vật và hiểu rõ hơn về động cơ của họ. Càng về sau, mạch phim càng trở nên căng thẳng và hồi hộp, với những bước ngoặt đầy bất ngờ. 

Từ góc nhìn xã hội, Mặc Sát là một tác phẩm phản ánh hiện thực sâu sắc khi phơi bày những mảng tối trong giáo dục và gia đình thông qua câu chuyện của Lý Hàn và cô con gái câm Trần Ngữ Đồng. Bộ phim khắc họa rõ nét sự thất bại của hệ thống khi những người có trách nhiệm lại không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ trẻ em, dẫn đến những hậu quả đau thương và không thể cứu vãn. 

Mặc Sát cũng là một câu chuyện cảm động về tình thương và sự hy sinh của người mẹ. Lý Hàn, người mẹ nghèo làm công việc dọn dẹp trong một ngôi trường, là hình mẫu của những bậc phụ huynh bình thường trong xã hội, đối diện với vô vàn thử thách và nghịch cảnh. 

Dù trong hoàn cảnh khó khăn, cô đấu tranh để bảo vệ con gái mình. Lòng quyết tâm của cô là điểm sáng đầy cảm xúc giữa một bối cảnh đen tối. Thế nhưng, phim cũng cho thấy rằng trong một xã hội đầy rẫy áp bức, tình yêu và sự hy sinh đôi khi không đủ để thay đổi mọi thứ. 

Mặc Sát là một tác phẩm tâm lý xã hội đầy sức nặng, vừa lôi cuốn về mặt câu chuyện, vừa mạnh mẽ trong việc phản ánh những vấn đề xã hội nghiêm trọng. Bộ phim khéo léo kết hợp giữa yếu tố kịch tính và tính thời sự. Phim để lại ấn tượng sâu sắc về những bí mật đen tối và cuộc đấu tranh của những người làm cha, làm mẹ trong xã hội hiện đại.

trương quân ninh trong a place called silence
Mặc Sát cũng là một câu chuyện cảm động về tình yêu thương của đấng sinh thành.

Sự im lặng chết người và bi kịch của xã hội

Mở đầu bộ phim, khán giả chứng kiến cảnh một cô bé câm bị những nữ sinh khác trong trường bắt nạt một cách tàn bạo. Tuy nhiên, những bất công trong ngôi trường mà Trần Ngữ Đồng theo học chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh đen tối của xã hội mà bộ phim muốn vẽ ra. 

Đạo diễn Kha Vấn Lợi đã khéo léo khai thác sự im lặng như một hình thức đồng lõa, phản ánh một xã hội nơi mỗi cá nhân đều có thể trở thành nạn nhân của sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm. Sự im lặng chết người là chủ đề xuyên suốt bộ phim, nơi mỗi nhân vật đều có những bí mật không thể nói ra, những vấn đề không được giải quyết và những sự thật không thể phơi bày. 

Bản thân tiêu đề của bộ phim – Mặc Sát – chính là một phép ẩn dụ về sự im lặng đồng lõa của những người xung quanh. Im lặng trong bộ phim không chỉ là sự thờ ơ, mà là sự tham gia vào một vòng xoáy của tội ác, tiếp tay cho kẻ xấu hành hạ nạn nhân khi nạn nhân không thể lên tiếng. Sự im lặng này là hệ quả của một xã hội nơi mà quyền lực và sự giàu có luôn lấn át sự công bằng. 

 a place called silence lên án sự im lặng và thơ ơ trong xã hội
Sự im lặng chết người là chủ đề xuyên suốt bộ phim.

Thông qua câu chuyện, Mặc Sát đã khéo léo vén bức màn về một xã hội đầy bất công, nơi quyền lực và tiền bạc làm mờ đi lương tri. Nhờ có quyền lực, thầy hiệu trưởng dung túng cho hành vi xấu của con gái mình và những giáo viên khác làm ngơ trước bạo lực học đường. Hình ảnh của một người cha mẹ có tiền, có quyền, nhưng lại vô trách nhiệm, khiến con cái tự do hành động mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào, đã được bộ phim khắc họa một cách sinh động. Cuối cùng, chính quyền lực đó đã dẫn đến cái chết đau đớn của các nữ sinh – những đứa trẻ bị giết hại trong sự thờ ơ của người lớn.

Ngược lại, người mẹ nghèo khổ của Ngữ Đồng, dù rất cố gắng, vẫn không thể bảo vệ con mình khỏi sự tàn ác của xã hội. Bà là hiện thân của một người mẹ bất lực trước bi kịch của con. Chính vì nghèo khó và thiếu thốn, bà không thể tạo ra một môi trường đủ an toàn và tự do cho con gái mình. Cách nuôi dạy theo phương pháp độc đoán, ép buộc Ngữ Đồng sống theo ý muốn của mình cũng vô tình đẩy cô bé vào ngõ cụt. 

Mặc Sát mở ra những câu chuyện đau lòng về bạo lực học đường, bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em… về một thế hệ bị tổn thương bởi sự vô cảm của người lớn và về những đứa trẻ phải lớn lên trong một môi trường đầy ích kỷ và độc hại. Những vụ án tàn bạo trong phim, tưởng chừng là kết quả của hành động trả thù cá nhân đơn thuần nhưng thực chất là những hệ quả của một xã hội vô cảm. 

Bộ phim không cố phân biệt rạch ròi giữa chính và tà, cũng không tìm cách giải thích hay biện minh cho những hành động tàn bạo. Phim không cố gắng cứu rỗi hay thay đổi điều gì, mà đơn giản là vạch trần một hiện thực khắc nghiệt đang diễn ra đâu đó trong lòng xã hội. 

Mặc dù kết thúc phim không viên mãn, nhưng những thông điệp mà bộ phim gửi gắm vẫn khiến người xem phải suy ngẫm về mối quan hệ giữa quyền lực, gia đình và bi kịch của trẻ em. Chính vì được lấy cảm hứng từ một sự kiện có thật, Mặc Sát mang đến một cảm giác rùng rợn và ám ảnh hơn bất kỳ bộ phim kinh dị siêu nhiên nào. 

bộ phim Mặc Sát gửi gắm thông điệp về mối quan hệ giữa quyền lực, gia đình và bi kịch của trẻ em
Mặc Sát gửi gắm thông điệp về mối quan hệ giữa quyền lực, gia đình và bi kịch của trẻ em.

Xem thêm

• [Review phim] “Xuân Hoa Diễm” – Chuyện ngôn tình cổ trang “ngược tâm”

• [Review phim] “Heartstopper 3”: Tình yêu không chỉ có gam màu hồng 

• [Review phim] “Joker: Folie À Deux” và phiên tòa xử tội “cái bóng”


Một số điểm trừ đáng tiếc

Kha Vấn Lợi đã thể hiện một nỗ lực đáng khen ngợi trong việc xây dựng không khí u ám và đầy căng thẳng cho Mặc Sát. Mỗi cảnh quay, từng khung hình đều được lựa chọn tỉ mỉ, tạo ra một không gian tối tăm, ngột ngạt cho người xem. 

Đạo diễn khéo léo sử dụng ánh sáng, bóng tối và góc máy để làm nổi bật sự lo lắng, bất an, thậm chí là mối đe dọa thường trực. Những yếu tố này kết hợp với nhịp điệu căng thẳng của bộ phim, đặc biệt là ở nửa sau, tạo nên một bầu không khí đầy ám ảnh, giữ người xem luôn trong trạng thái hồi hộp, đợi chờ điều gì đó sắp xảy ra.

Mặc Sát có một khởi đầu đầy hứa hẹn và không thiếu những khoảnh khắc ấn tượng, nhưng càng tiến sâu vào cốt truyện, bộ phim dường như đánh mất đi sự tinh tế ban đầu. Cấu trúc của phim khá phức tạp, với những tình tiết đan xen và các tuyến truyện cắt nhau, nhưng khi những yếu tố này va chạm với nhau, câu chuyện trở nên rối rắm và thiếu mạch lạc. 

Những phân đoạn nhanh và căng thẳng xen kẽ với những cảnh quay chậm rãi, khiến mạch phim đôi khi bị đứt quãng và không đồng đều. Các cảnh hồi tưởng, mặc dù nhằm làm rõ bối cảnh, lại vô tình làm gián đoạn nhịp độ của bộ phim, khiến nó mất đi sự căng thẳng cần thiết.

phim truyền hình mặc sát
Cấu trúc của phim khá phức tạp, với những tình tiết đan xen.

Khi bộ phim bắt đầu đi vào guồng, những vấn đề này dường như được khắc phục. Mạch phim trở nên dồn dập hơn, những tình tiết và diễn biến trở nên gay cấn, đầy bất ngờ. Với những ai tìm kiếm cảm giác mạnh và sự hồi hộp, Mặc Sát là một lựa chọn hoàn toàn phù hợp. 

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Thúy Vân

Ảnh: Tổng hợp

 

 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)