Bộ phim mới của truyền hình Hàn Quốc Miss Night And Day làm nóng bầu không khí mùa phim Hè khi có màn ra mắt mạnh mẽ trên Netflix vào ngày 15/6. Theo Nielsen Korea, tập đầu tiên của Miss Night And Day đạt rating trung bình toàn quốc là 4% – tỷ suất người xem vượt trội so với tác phẩm trước đó cũng từ JTBC và màn hợp tác của nhà đài với Netflix là The Atypical Family chào sân với rating trung bình toàn quốc là 3,3%.
Khi “bất lợi” lại là “lợi thế”
“Chúng ta không bao giờ biết giá trị của những giọt nước cho đến khi chiếc giếng cạn khô” – câu nói có vẻ sâu sắc, thấm thía này hóa ra lại từ một kẻ lừa đảo gian xảo mở đầu bộ phim hài giả tưởng Miss Night and Day và cũng là câu nói chạm đúng nỗi khổ của người phụ nữ cả tin mà anh ta đang cố lừa dối. Giống như gã nói, những giọt nước đó như nguồn sống của người bộ hành trên sa mạc và là khởi nguồn cho mọi bi hài sẽ thay đổi cuộc đời của Mi Jin mãi mãi.
Lee Mi Jin, được thủ vai bởi Lee Jung Eun (Parasite) và Jung Eun Ji (Reply 1997, Work Later, Drink Now), cô gái đã hơn bảy lần thi Tư pháp với mục tiêu kiếm được công việc ổn định. Thế rồi, sự nhầm lẫn trong cuộc phỏng vấn xin việc không thành gần đây khiến mẹ của Mi Jin tin rằng con gái bà cuối cùng đã thành công. Bị đè nặng bởi cảm giác thất vọng và có lỗi, Mi Jin không còn tâm trí để chỉ ra lỗi sai cho bố mẹ. Càng tuyệt vọng hơn, cô quay sang cầu cứu người đàn ông đã hứa hẹn cho cô một công việc có trả phí, dâng cho anh ta cuốn sổ ngân hàng của mình cùng với các tài liệu quan trọng mà không hề biết anh ta là kẻ lừa đảo.
Cảm giác tội lỗi của Mi Jin càng tăng lên khi cô trở về nhà và được bố mẹ tặng quà chúc mừng. Đêm đó, cô trút nỗi lòng với chú mèo hoang ngoài sân. Khi bình minh, cô thức dậy trên giường và giờ đây mang dáng vẻ của một phụ nữ trung niên.
Trải nghiệm đủ mọi cảm xúc hoảng loạn, sợ hãi và chối bỏ, Mi Jin bắt đầu hiểu hơn về tình trạng của bản thân. Ban ngày, cô biến thành phiên bản lớn tuổi của chính mình; đến tối thì trở lại bình thường. Với một diện mạo mới, tinh thần mới và chấp nhận đối mặt với thực tại chưa có lời giải đáp, Mi Jin tìm thấy cơ hội được sống với công việc mà mình yêu thích, khéo léo khai thác bất lợi ban đầu để nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp đã lảng tránh cô suốt thời tuổi trẻ.
“Mi Jin lớn” duy trì tính cách trẻ trung, nhí nhố của thiếu nữ tuổi 28. Cô thích nhảy nhót, nghe nhạc pop, thậm chí chửi thề và không ngán gây gổ với bất kỳ ai gây hấn cô ở chỗ làm. Bắt đầu từ vị trí lau dọn, với tinh thần nhiệt huyết, tâm hồn thiếu nữ trẻ trung trong hình hài người phụ nữ trung niên, cô được đảm nhận vai trò trợ lý tại văn phòng công tố. Tại đây, cô tình cờ gặp lại Ji Woong, một công tố viên “hắc ám” mới chuyển đến để điều tra một loạt vụ mất tích bí ẩn, bao gồm cả vụ mất tích của dì Mi Jin, Lim Sun – người mà cô đã lấy làm danh tính mỗi khi bị biến đổi vào ban ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Tham vọng kể những câu chuyện lớn
Ngay từ tựa đề, không khó để nhận thấy Miss Night and Day lấy cảm hứng từ phim điện ảnh Miss Granny, bộ phim hài giả tưởng đã truyền động lực cho nhiều bản chuyển thể quốc tế, bao gồm cả Việt Nam với tên gọi Em là bà nội của anh phát hành năm 2016.
Tuy nhiên, khi Miss Granny theo chân một nhân vật chính lớn tuổi trở lại tuổi trẻ một cách kỳ diệu thì loạt phim này lại tập trung vào sự phân đôi rõ ràng: nhân vật chính không già hẳn mà liên tục biến đổi giữa hai hình hài, trạng thái với hai cuộc sống gần như riêng biệt giữa ngày và đêm.
Sự tương phản hoàn toàn trong cách Mi Jin được nhìn nhận và đối xử với tư cách là một phụ nữ 28 tuổi và một phụ nữ trung niên mang đến nhiều yếu tố hài hước nhưng cũng đem lại những suy ngẫm sâu sắc.
Theo đó, xã hội Hàn Quốc theo truyền thống có cấu trúc phân cấp dựa trên độ tuổi được gọi là “Văn hoá Kkondae” hay “Văn hóa tiền bối – hậu bối”. Trong đó, những cá nhân lớn tuổi thường được trao nhiều quyền lực và sự tôn trọng hơn gây nên khoảng cách thế hệ lớn tại nơi làm việc, trường học, giới giải trí, xã hội… đặc biệt ở chốn công sở. Văn hóa Kkondae tại nơi công sở được quyết định dựa trên số năm làm việc, những người trẻ hơn thường phải hạ mình trước những người có thâm niên hoặc kinh nghiệm, có cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Những người lớn tuổi đôi khi được coi là trưởng thành và có năng lực hơn nhờ kinh nghiệm sống và sự tích lũy thành tựu trong sự nghiệp của họ.
Sự thiên vị này có thể khiến những cá nhân trẻ tuổi như Mi Jin bị bỏ qua hoặc đánh giá thấp bất chấp kỹ năng và khả năng của cô. Từ tiền đề hoán đổi thân phận ban đầu đến những tình huống phim, kỹ thuật phân đôi màn ảnh Miss Night and Day không ngại theo đuổi tham vọng khám phá câu chuyện sâu sắc hơn về khoảng cách thế hệ, thiên kiến về tuổi trẻ và tuổi tác.
Xem thêm
• Điều gì làm nên sức hút của bộ phim Hàn “The Atypical Family”?
• Điều gì làm nên sức hút của bộ phim Hàn “Connection”?
• [Review phim] “The 8 show”: 8 tầng lớp, 8 tính cách xã hội và 2 loại người
Tuy nhiên, sự tham vọng quá mức cũng mang lại cho bộ phim một số trở ngại nhất định. Từ chuyện tình lãng mạn chớm nở giữa Mi Jin và Ji Woong đến yếu tố phim tâm lý tội phạm và cả yếu tố giả tưởng, tất cả có thể làm mất đi phần nào sức hấp dẫn ban đầu theo thời gian. Bởi lẽ, khi ôm đồm quá nhiều yếu tố vào cùng một bộ phim, biên kịch và đạo diễn phải tập trung tháo gỡ các nút thắt một cách hợp lý, điều này dễ khiến mạch truyện loãng dần về cuối, dễ dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
Mặt khác, dù sở hữu tiền đề thú vị nhưng Miss Night and Day về cơ bản vẫn là câu chuyện quen thuộc, theo đuổi những quy ước điển hình của phim truyền hình cuối tuần: một chút lãng mạn, một chút hài hước, một chút giật gân, một chút thần bí… và không thể thiếu, tình cảm gia đình.
Tựu trung, Miss Night and Day mang đậm chất hài lãng mạn, đan xen những bi kịch nhiều uẩn khúc của Mi Jin, Lim Sun và Ji Woong vẫn là một câu chuyện giải trí hấp dẫn đáng theo dõi.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp